Tháng Bảy vừa đi qua. Nhưng xin đừng quên tháng Bảy.

Ðó là lời nhắc nhở chung, có thể bạn và tôi có lúc không nghe thấy, nhưng lịch sử mãi mãi còn đó để nhắc nhở. Ngày 20 tháng 7. 1954 đó, các bạn ơi.

Ðúng như báo Diễn Ðàn Thế Kỷ Online ghi lại, “Có rất nhiều khoảng trống trong lịch sử VN nói chung và trong giai đoạn cận-hiện đại nói riêng, lại không phải do chính người Việt điền vào, mà lại do những nhà báo, những sử gia nước ngoài, và họ đã làm công việc đó với một tinh thần khoa học, tôn trọng sự thật, tôn trọng lịch sử. Nhờ họ, và nhờ những cuốn sách của họ, người Việt đã, đang và sẽ có cơ hội nhìn lại những chặng đường bi kịch đã qua của Việt Nam.”

Và báo Diễn Ðàn nhắc tới cuốn “Operation Passage to Freedom – The United States Navy in Vietnam, 1954-1955 do Ronald B. Frankum, Jr. biên soạn. Cuốn sách viết về chiến dịch kéo dài 300 ngày, từ ngày 15 tháng 8.1954, tới ngày 15 tháng 5.1955, nhằm di tản hàng trăm ngàn người Việt từ miền Bắc chạy trốn chế độ Cộng Sản tìm vào vùng đất tự do ở miền Nam, đồng thời còn kể tới cả những nỗ lực định cư suôn sẻ gần một triệu người tại miền Nam-một trong những thành tựu ít được đánh giá một cách đầy đủ của chế độ Ngô Ðình Diệm.

Nhìn lại lịch sử của một thời, Diễn Ðàn Thế Kỷ ghi nhận với bao tiếc nuối: “Tiếc rằng, những người miền Bắc đã phải vứt bỏ nhiều thứ để di cư vào Nam, cùng với tất cả người dân miền Nam, đã chỉ có được 20 năm ngắn ngủi để sống trong tự do và để bắt tay thực hiện giấc mơ xây dựng một quốc gia dân chủ, phú cường. Sau ngày 30/4/1975, giấc mơ ấy hoàn toàn tan vỡ và hàng triệu người, lại một lần nữa, bỏ nước ra đi trong lúc hàng chục triệu người khác kẹt lại và phải trải qua những kinh nghiệm đau thương trong một chế độ độc tài toàn trị, còn kéo dài mãi tới tận bây giờ.” 

Về giai đoạn lịch sử vừa kể, trang web Wikipedia có ghi: Sau khi chiến dịch Ðiện Biên Phủ kết thúc, Hiệp định Genève được ký kết nhằm khôi phục lại hòa bình ở Ðông Dương. Hiệp định nêu rằng sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 Bắc được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời, chia Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự: Miền Bắc và Miền Nam. Khoảng 700,000 đến một triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam (tính đến tháng 10/1955 thì có 885,480 người di cư vào Nam, trong số đó 676,348 (chiếm 76.3%) là người Công giáo, còn tính đến đầu năm 1956 thì có 927,000 người di cư vào Nam, trong đó có 794,000 giáo dân, chiếm 85.6%. Trong khi đó, có khoảng 45,000 – 85,000 dân thường và 100,000 binh sĩ chính quy của Việt Minh tập kết ra miền Bắc

Những người tị nạn Bắc Việt Nam lên tàu USS Litchfield County (LST 901) tại Hải Phòng để đi về phía Nam, 1954. Passage to Freedom bao gồm 74 tàu và 39 phương tiện vận tải, chở 293,000 người tị nạn, 17,800 quân nhân Việt Nam, 8,135 phương tiện và 68,757 tấn hàng hóa. Naval History and Heritage Comman 

Chúng ta, những người đọc sử đều biết ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp Ðịnh Genève về Việt Nam được ký kết chia đôi đất nước. Gần một triệu người miền Bắc đã rời bỏ quê hương di cư vào Nam.

Xem thêm:   Nghĩ trong mùa Thanksgiving

Xin trích lại vài đoạn trong bài “Nhìn lại cuộc di cư 1954- 1955” của GS Nguyễn Văn Lục trên DCVOnline:

“Nay tôi nhìn lại cuộc di cư ấy trước hết là sống lại hình ảnh kỷ niệm quá khứ. Như một cái vẫy cánh của một con chim xa tổ, đã lìa cành, nhìn lại. Ðó là thời của cuộc di cư không tiền khoáng hậu đã lưu dấu tích không phai nhòa trong mỗi mảnh đời…Hình ảnh bà mẹ còn giữ lại chiếc đồng hồ quả lắc cũ treo trên tường cũng như những tấm phản đã mang vào miền Nam mà cho đến bây giờ, bà vẫn nằm trên đó. Hay hình ảnh đồng bào Thiên Chúa giáo xứ Kẻ Sặt còn mang theo quả chuông nhà thờ. Họ đã để lại hết, nhưng quyết đem cho bằng được quả chuông này tượng trưng cho niềm tin sắt đá của họ. Và đó là tất cả phần đời của họ còn lại.” (Trang Phay Văn)

Như đã nói trên, có nhiều người trong chúng ta đã quên hoặc không biết tới cuộc di cư vĩ đại thời 1954, nhưng các tác giả như Trùng Dương, Kiều Chinh, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền… chắc chắn không bao giờ quên. Chẳng hạn Thanh Tâm Tuyền trong bài ‘Hỡi Liên những Liên và Liên’ đã viết:

Làm thế nào để quên được nhau. Hạt mưa

kia long lanh nỗi nhớ niềm từ biệt, hoàng

hôn bàng hoàng màu khói nhạt. Hôm nay

quê hương từ bỏ, anh đau đớn làm đứa

con hoang đầu xó chợ.

Mai Thảo cũng ghi lại trong tùy bút ‘Ðêm Giã Từ Hà Nội’:

Phượng nhìn xuống…

Hà Nội ở dưới ấy.

Buổi chiều, hồi năm giờ, gặp Thu ở cuối nhà Thuỷ Tạ, anh đã nhắc Thu đến một ngả đường. Ðúng hơn đến một chuyến đi. Anh lại nhắc cả Thu đến một hạn định: Hôm nay là ngày cuối cùng người ta được tự do rời khỏi Hà Nội.

Phượng bảo người yêu: “Hôm nay đã là ngày chót rồi, Thu ạ! Mười hai giờ đêm nay, chuyến xe cuối cùng sẽ đi qua cầu Long Biên. Anh sẽ đi chuyến ấy. Việc lớn việc nhỏ, anh đã thu xếp tạm yên cả rồi. Chưa yên hẳn, nhưng cũng đành vất bỏ hết. Việc đi khỏi Hà Nội trước hạn định cần hơn. Anh sẽ đến đợi em ở đầu phố tối hôm nay. Chúng mình sẽ cùng vào trong Nam”.

nguồn saigon weekly

Nghệ sĩ Kiều Chinh ghi trong Hồi Ký: Sau hiệp định Genève, cô và bố ra máy bay chuẩn bị ra đi nhưng cuối cùng thì bố của Kiều Chinh quyết định ở lại. Kiều Chinh cùng đoàn người đến phi trường Tân Sơn Nhứt vào lúc nửa đêm trong cơn mưa tầm tã…

Xem thêm:   Thành Sarajevo & người nghệ sĩ chơi đàn cello

Tháng Bảy, một lần nữa, xin mời quý bạn đọc, nhìn lại việc chia cắt đất nước và cuộc di cư 1954 của ‘một biển người’ qua trích dẫn từ cuốn sách của sử gia Ronald B. Frankum, Jr. Người giới thiệu sách là nhà văn Trùng Dương. Nhà văn Trùng Dương lúc đó mới chỉ 10 tuổi cũng theo gia đình xuôi Nam. Chị ghi lại theo sách của Ronald B. Frankum: “Phần lớn những người bỏ miền Bắc ra đi vào Nam đã bỏ lại đằng sau vài người thân trong gia đình hoặc mồ mả tổ tiên họ. Ðối với những người này đất nước thực sự bị chia cắt và chỉ có thể trở lại nguyên vẹn khi nào Việt Minh bị đánh bại và họ được trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Ðối với những người này, giấc mơ hồi hương ấy đã không bao giờ trở thành hiện thực, và đối với những người sống sót cuộc chiến tới ngày 30 tháng 4, 1975, kinh nghiệm di cư Ðường Tới Tự Do – ở một mức độ tàn khốc và vô tổ chức hơn nhiều — lại đã tái diễn. Những người Việt Nam bỏ miền Bắc ra đi chỉ bị mất nhà. Năm 1975, họ mất cả quê hương.”

Nhà văn Trùng Dương đã đọc cuốn sách của Frankum Jr. với bao cảm xúc suy tư.

Cuốn “Operation Passage to Freedom – The United States Navy in Vietnam, 1954-1955,” tạm dịch là “Chiến Dịch Ðường Tới Tự Do – Hải Quân Hoa Kỳ tại Việt Nam, 1954-1955,” do Ronald B. Frankum, Jr. biên soạn, và Texas Tech University Press xuất bản năm 2007, đã cung cấp cho ta những tài liệu vô cùng quý giá. Cuốn sách dầy trên 250 trang, bìa cứng, gồm 9 chương và một chương kết, và ba phụ lục… một tài liệu quý giá cho những nhà viết sử và những người quan tâm tới lịch sử Việt Nam về cuộc di tản vĩ đại–tuy không bi thảm bằng cuộc di tản năm 1975 và những chuyến vượt biên vượt biển sau đó. Quý cũng bởi vì tập sách không những chỉ đề cập tới việc di tản người di cư, mà còn kể tới cả những nỗ lực định cư khối gần một triệu người tại miền Nam nữa, ít ra là trong thời gian 300 ngày di tản, cho tới khi chuyến tầu chót rời vùng Hải Phòng vào ngày 15 tháng 5, 1955 khi bức màn tre buông xuống ở miền Bắc, mở đầu cho một trong những chương sử đen tối làm cản trở bước tiến dân tộc vào góp mặt với thế giới văn minh nhân loại. (Trích “Chiến dịch Đường Tới Tự Do,” tr. 204)

Xem thêm:   Chẳng sướng lắm ru! Sao đành vô ơn?

Bạn ơi,

Ðừng quên tháng 7.1954. Ðó là thời gian của những cuộc đổi thay lớn trong đời sống của toàn dân tộc. Lần đầu tiên hàng trăm ngàn người dân Miền Bắc biết tới thế nào là cuộc sống thoải mái với nhiều thứ tự do xưa nay chưa từng có trên quê hương chúng ta. Trong vòng 20 năm Miền Nam đã xây dựng được một nền giáo dục khai phóng và nhân bản. Văn học nghệ thuật đều phát triển rực rỡ như chưa bao giờ thấy: báo chí, văn học, thi ca, âm nhạc, hội họa… còn ảnh hưởng tới bây giờ. Trong khung cảnh đó, người dân được hưởng một cuộc sống đầy đủ, với nhiều niềm vui. Ðã gần 70 năm qua, nhiều người vẫn không quên. Phải nói rằng giờ đây trong tôi trong bạn những người đã sinh ra và lớn lên ở Miền Nam dù đang ở đâu vẫn mang trong tâm tư một khoảng trời trong xanh, rực rỡ của Sài Gòn của Miền Nam sau 1954. Và cho dù bao đổ vỡ chia lìa khoảng trời đó vẫn còn ngay trong lòng đất nước hiện nay, và trong trái tim của bạn và tôi.

TN – Tổng Hợp