Được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ, khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ được ví là ‘lá phổi xanh’ của TP.HCM. Nơi này có diện tích hơn 75.740ha; trong đó, vùng lõi 4.721ha, vùng đệm 41.139ha, vùng chuyển tiếp rộng hơn 29.800ha. Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo của vùng ngập mặn nên ngày 21/1/2000, rừng Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nhưng không biết từ bao giờ, có hơn 73ha rừng phòng hộ bỗng dưng “biến mất” khỏi bản đồ rừng phòng hộ một cách khó hiểu.

Ngay cả những người làm trong lĩnh vực bất động sản ở TP.HCM cũng tỏ ra nghi ngờ khi xuất hiện thông tin rằng xã đảo Thạnh An và một số khu vực ven đường Rừng Sác ở H.Cần Giờ, TP.HCM sẽ sốt đất. Một nhà đầu tư bất động sản nói:

“Những người loan tin giải thích, sốt đất là do nhiều diện tích đất rừng ở đây đã được đưa ra khỏi diện bảo vệ để chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Nghe cũng có lý nhưng khó tin ở chỗ, rừng Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, nên nếu có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phải do Thủ tướng quyết định”

Theo báo chí trong nước, sau khi điều tra thì họ biết được nhiều diện tích rừng ở xã đảo Thạnh An hiện đã bị loại khỏi danh mục rừng phòng hộ. Cụ thể, từ năm 2016 trở về trước, rừng ở xã đảo Thạnh An luôn thuộc diện rừng phòng hộ, được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng đến năm 2016, tổ kiểm kê rừng (do một lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ làm tổ trưởng) không đưa hơn 30ha rừng ở đây vào hồ sơ kiểm kê mà đề xuất đưa ra khỏi diện quy hoạch rừng tự nhiên – phòng hộ. Ngoài xã đảo Thạnh An, có hơn 43ha rừng ở xã An Thới Đông cũng được tổ kiểm kê rừng Huyện Cần Giờ đề xuất loại khỏi diện quy hoạch rừng phòng hộ.

Như vậy, có hơn 30ha rừng ở xã đảo Thạnh An và hơn 43ha rừng ở xã An Thới Đông là những nơi đang tạo nên cơn “sốt đất”, nếu thành công thì diện tích rừng phòng hộ của Cần Giờ sẽ ngày càng “hao mòn” mà chẳng ai hay biết.

 

Ảnh: Báo Phunuonline