Chủ Nhật ngày 2 tháng 10, Hai Quê đi xem hát. Tuồng tên Kiều, diễn song ngữ Việt-Pháp, ở thính phòng Saint-Léon, quận 15, Paris, do nghệ sĩ Trúc Tiên – qua Pháp từ năm 10 tuổi, hiện sinh sống và làm việc tại ngoại ô Paris cùng nhóm Cội Nguồn tổ chức. Đây là lần thứ ba Kiều hiện thân ở Paris.

Lần thứ nhất, hơn hai mươi năm trước, Minh Họa Kiều I do nhạc sĩ Phạm Duy đích thân đem qua. Buổi họp mặt thân mật diễn ra tại tư gia nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu (1996) có mặt giáo sư cổ nhạc Trần Văn Khê. Hai cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam, hai người bạn già, một cổ một tân, trò chuyện và thân ái chia sẻ với khán giả đáng tuổi con cháu tình yêu họ dành cho Kiều và cho nhạc ngũ cung. Mái tóc nhạc sĩ Phạm Duy khi ấy đã bạc như cước trắng nhưng nhân dáng vẫn vững chãi, cử chỉ vẫn hoạt bát. Giáo sư Trần Văn Khê ngồi nhiều hơn đứng, đụng đến Hò Xự Xang Xê Cống, ông thao thao như chẳng bao giờ muốn dừng.

Nhạc sĩ Phạm Duy mặc veste xanh dương, đứng giữa. Bên phải ông là nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu, bên trái là giáo sư Trần Văn Khê. Người mặc áo dài xanh lá cây là nhà phê bình văn học nghệ thuật Thụy Khuê, cạnh bà là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Chung quanh là một số thành viên của Thư Viện Diên Hồng và bạn hữu – 01/04/2002.

Sáu năm sau, đúng ngày lễ Phục sinh năm 2002, Thư Viện Diên Hồng tổ chức chương trình ra mắt Minh Họa Kiều I và Kiều II với tầm vóc rộng lớn hơn, ở thính phòng FIAP (khoảng 200 chỗ), quận 14, Paris. Nhạc sĩ Phạm Duy là một diễn giả giỏi, sau lời giới thiệu của nhà phê bình văn học nghệ thuật Thụy Khuê, ông đã tự dẫn giải về tác phẩm của mình. Kiều của «Bố già»  quy tụ toàn gà nhà, mà là gà nòi: hòa âm phối khí của Duy Cường, giọng ca của Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Quang, Tuấn Ngọc. Ðặc biệt, có giọng ngâm thơ của Thanh Ngoan. Ái Vân được giao vai Kiều.

Xem thêm:   Mùa hoa nhĩ cán tím & hoàng đầu ấn ở Tràm Chim

Cũng trong năm 2002, với sự hỗ trợ của giáo sư Ðặng Tiến, nhạc sĩ Phạm Duy đã đem Minh Họa Kiều đến thuyết trình tại Ðại học Paris 7.

Nhạc sĩ Phạm Duy và Minh Họa Kiều – Giảng đường Đại học Paris 7 (Jussieu) – 2002

Lần thứ hai, cách đây 5 năm (2017), vở nhạc kịch Kim Vân Kiều do nhà hoạt động văn hóa Bùi Xuân Quang soạn lời Pháp ngữ và bỏ tiền túi ra sản xuất (khoảng 170 ngàn euros, theo lời ông Bùi Xuân Quang nói với đài BBC – Quốc Phương phỏng vấn, 04/09/2018). Ðạo diễn Christophe Thiry dàn dựng. Từ Thúy Kiều đến Hoạn Thư, Từ Hải, Kim Trọng, Thúc Sinh, Giác Duyên… đều do diễn viên Pháp đóng. Những nghệ sĩ chuyên hát opéra của đoàn kịch nói nhà hát L’Attrape này đã nhận lời hát pop cho Kim Vân Kiều. Các nhạc cụ Tây phương được kết hợp với đàn bầu, đàn nguyệt, sáo, phách, trống da trâu, do các nghệ sĩ Việt Nam tham gia trình diễn.Vở nhạc kịch đã nhận được nhiều khen ngợi từ khán giả Pháp và được đưa về lưu diễn ở Việt Nam sau đó.

Áp phích Kim Vân Kiều – 2017

Lần thứ ba, chiều Chủ Nhật, 02/10/2022 vừa qua, Kiều hiện hình trong không khí đàn ca tài tử. Trong tờ giới thiệu chương trình có mấy dòng giải thích: «Ðàn ca tài tử, một loại nghệ thuật đàn ca truyền thống của miền Nam Việt Nam, ra đời cuối thế kỷ 19, là kết hợp của Nhã nhạc và Lễ nhạc.» Trò chuyện với nghệ sĩ Lê Tứ từ Việt Nam qua, Hai Quê được anh giải thích: «Ðàn Ca Tài Tử khởi thủy đơn sơ, chỉ có đàn hát mà thôi, từ từ tiến lên Ca Ra Bộ, tức là người ca bắt đầu thêm chút bộ điệu cho mới mẻ, phong phú hơn, sau đó mới phát triển thành cải lương, có diễn xuất, có vở có tuồng, và sân khấu.»

Xem thêm:   Mua phi cơ riêng

Tiếng đàn tranh, đàn nguyệt, đàn ghi-ta điện phím lõm, sáo, trống da trâu đan xen tiếng vĩ cầm, saxo, organ,… Hò Xự Xang Xê Cống khi thê thiết khi rền rã quyện vào hòa âm phối khí của âm nhạc vi tính hiện đại và phong phú (3 ca khúc tân nhạc Kiều do nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu biên soạn). Nguyễn Du dẫn Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Hoạn Thư, Thúc Sinh, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh… xàng xê từ thế kỷ 19 qua thế kỷ 21.

Bó thân về với triều đình, hàng thần lơ láo phận mình ra đâu? Kiều (Trúc Tiên) khuyên Từ Hải (Lê Tứ) ra hàng

Giọng Trúc Tiên (Kiều) không mướt ngọt như rượu nếp cẩm mà đằm rền, gần với bồ đào tửu hơn. Ngũ cung đưa đẩy, khơi dậy không khí Dạ Cổ Hoài Lang của ông Sáu Lầu. Lê Tứ (Từ Hải) chuyên nghiệp. Các tài tử a-ma-tơ ở Paris nhập vai hết mình. Tính sân khấu trong giọng ca, giọng kể và cách diễn của một số anh chị em tạo được kịch tính cho Kiều. Khán giả sụt sùi nhiều nhất khi Thúy Kiều sụp xuống bên chân Thúy Vân: «Cậy em em có chịu lời, ngồi lên cho chị lạy rồi xin thưa…», và khi nàng bệu bạo trước thi thể Từ Hải, tiễn đưa «Râu hùm hàm én đi vào hư vô.»

Trước giờ diễn

Chương trình này đã được định ngày, tập dượt, đặt phòng, in áp phích, quảng bá rộng rãi cho buổi biểu diễn ngày 29/03/2020. Ðùng một cái, bị Covid phá bĩnh, đành phải gác lại. Hai năm sau, gánh hát gồm các nghệ sĩ chuyên nghiệp bay từ Việt Nam qua (Văn Môn, Huỳnh Tuấn, Lê Tứ) ráp với một số anh chị em nghệ sĩ ở Paris thực hiện cho bằng được đam mê. Riêng chỉ đam mê và lòng can đảm đã đủ để hoan hô. Tại sao can đảm? Vì so với các thành phố lớn ở California hay Texas, nơi cộng đồng Việt Nam rất lớn mạnh thì Paris thưa vắng hơn nhiều. Thứ nữa, Kiều và đàn ca tài tử không phải ai cũng mê. Choai choai đừng mong chi mua vé. Các cụ cao tuổi dù có thích cũng chẳng sức đâu ăn được bữa cỗ chạy ba quãng đồng. Có lẽ chỉ còn biết trông vào khán giả sồn sồn… Ðiều đáng hoan hô thứ hai, trong số 500 vé bán ra (số chỗ tối đa của thính phòng), nghệ sĩ Trúc Tiên đã dành 100 vé tặng các viện dưỡng lão và một số khách mời của giáo xứ Việt Nam lẫn một số chùa tại Paris.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Ðánh giá sự thành công của một vở diễn không nên chỉ dựa vào số vé bán được mà nên chú ý đến việc khán giả có thấy vui thích hay không. Vở nhạc kịch kéo dài ba tiếng đồng hồ. Vãn hát, Hai Quê nghe nhiều tiếng cười bay.

Cuối buổi diễn

HQ