Quân đội Israel liên tiếp trong mấy ngày qua tung ra những cuộc đột kích ngắn vào dải Gaza là dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công toàn diện sẽ không tránh khỏi. Trong khi đó Hoa Kỳ tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ và hỗ trợ Israel bằng cách chuyển quân, tàu chiến và chiến đấu cơ vào trong khu vực với mục đích nhằm ngăn chặn Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này mở rộng xung đột giữa Israel và nhóm Hamas.

Getty Images  

Hai hàng không mẫu hạm đậu ngoài khơi Địa Trung Hải được xem như biểu tượng sức mạnh của Hoa Kỳ ở vào thời điểm khi thế giới tự do đang cần đến sức mạnh này hơn bao giờ hết mặc dù đã có nhiều quan điểm cho rằng sức mạnh của Hoa Kỳ đang trên đà suy giảm.

Trong những ngày sắp tới khi cuộc xung đột Israel-Hamas tăng cường độ sẽ là thời gian thử thách cho quan điểm nói trên – đúng hay sai là còn tuỳ thuộc vào ý chí và sự kiên quyết của Hoa Kỳ trong việc giải quyết cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông và một số cuộc xung đột khác trên thế giới. Cho tới thời điểm này có nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ vẫn nhất quyết theo đuổi những mục tiêu đã đặt ra sau khi Tổng thống Joe Biden lên tiếng cảnh báo về sự cần thiết phải đẩy lùi sự khủng bố của Hamas cũng như sự xâm lược của Nga đối với Ukraine. Ẩn giấu phía sau lời cảnh báo đó cũng không thể loại trừ sự đe dọa của Trung Quốc trong mưu đồ tấn công và xâm chiếm Đài Loan.

Trên thực tế, tình hình có vẻ còn nguy hiểm hơn những gì ông Biden đưa ra. Ở bên ngoài, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với một thế giới phức tạp và thù địch. Lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, một lực đối trọng nguy hiểm và có tổ chức do Trung Quốc lãnh đạo sẵn sàng đương đầu với Hoa Kỳ. Ở trong nước, tình hình chính trị trở nên rối loạn hơn và xu hướng theo chủ nghĩa biệt lập ngày càng được nói tới nhiều, đặc biệt là từ một số thành viên cực bảo thủ của đảng Cộng hòa tại quốc hội. Cuộc xung đột Israel-Hamas lần này và kết quả của nó sẽ định hình không chỉ an ninh của Israel và Trung Đông mà còn cả vai trò của Hoa Kỳ và sự ổn định trật tự của thế giới trong tương lai

Hàng không mẫu hạm Gerald R. Ford, một trong hai hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ được đưa tới khu vực Trung Đông – U.S. Navy

Thách thức và đe doạ

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Theo tạp chí Economist, có 3 đe doạ từ bên ngoài đang thách thức vai trò của Hoa Kỳ.

Thứ nhất là sự hỗn loạn do Iran đứng đằng sau hậu thuẫn đang lây lan khắp khu vực Trung Đông và do Nga ở tại Ukraine. Những cuộc tấn công lớn nhỏ và tình hình bất ổn ngốn hết một phần không nhỏ những nguồn lực chính trị, tài chính và quân sự của Mỹ. Xung đột sẽ còn lan rộng ở Châu Âu nếu Hoa Kỳ để cho Nga thành công ở Ukraine. Đổ máu do xung đột có thể khiến người dân ở Trung Đông trở nên cực đoan hơn, biến họ thành những lực lượng chống lại chính phủ của họ. Chiến tranh lôi kéo sự tham gia của Hoa Kỳ sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng cho những lời cáo buộc rằng nước Mỹ hiếu chiến và đạo đức giả. Tất cả những điều này sẽ làm tổn hại đến ý tưởng về sự cần thiết của một trật tự thế giới.

Mối đe dọa thứ nhì có phần phức tạp hơn. Một nhóm các quốc gia, trong đó tiêu biểu có Ấn Độ và Ả Rập Saudi, ngày càng có những giao dịch và sẵn sàng gạt sang lề những quy tắc chung về đạo đức và đoàn kết tập thể chỉ để theo đuổi lợi ích riêng của mình. Không giống như Iran và Nga, những quốc gia này không muốn hỗn loạn, nhưng họ cũng sẽ không nghe theo những đề nghị và ý kiến từ Washington. Đối với Hoa Kỳ, điều này khiến cho việc đóng vai trò là một siêu cường ngày càng trở nên khó khăn hơn. Một ví dụ điển hình gần đây nhất là việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm đủ mọi lý do để bác bỏ quyết định chấp nhận Thụy Điển trở thành thành viên NATO – mà sự tham gia của Thuỵ Điển chỉ tạo thêm sức mạnh cho liên minh – và cuối cùng rồi Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chấp thuận trong tuần qua sau 17 tháng tranh cãi mệt mỏi, mất quá nhiều thì giờ vô ích.

Xem thêm:   Dinh Độc Lập biểu tượng tinh thần quốc gia

Mối đe dọa thứ ba lớn và nghiêm trọng nhất. Trung Quốc có tham vọng đưa ra một giải pháp khác thay thế cho các giá trị được quy định trong các định chế toàn cầu. Trung Quốc tìm cách diễn giải lại các khái niệm như dân chủ, tự do và nhân quyền cho phù hợp với những mục tiêu phát triển của chính họ hơn là các giá trị chung được chấp nhận từ bao lâu nay về quyền tự do cá nhân và chủ quyền quốc gia. Trung Quốc, Nga và Iran đang hình thành một nhóm liên minh có sự phối hợp dựa trên các lợi ích chung mang tính cách cấp thời. Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga và dầu lửa cho Trung Quốc. Đổi lại, Nga và Trung Quốc hỗ trợ bảo vệ ngoại giao cho Hamas, một tổ chức uỷ nhiệm của Iran, tại Liên Hiệp Quốc.

Nhìn vào trong nước, tình hình chính trị tại nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều rối loạn, đặc biệt là tại quốc hội. Trong nhiều tuần lễ hạ viện do đảng Cộng hoà kiểm soát vẫn không có lãnh đạo khiến nhiều nghị trình quan trọng và cấp bách bị ngưng trệ. Cuối cùng họ đã chọn được dân biểu Mike Johnson thuộc tiểu bang Louisiana cho vị trí tân chủ tịch quốc hội. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu những nhân vật bất mãn của hạ viện Cộng hòa có để ông Johnson lãnh đạo và điều hành theo cách mà họ đã từ chối người tiền nhiệm bị truất phế của ông là dân biểu Kevin McCarthy hay không.

Rồi đến những tiếng nói ủng hộ cho quan điểm biệt lập chỉ tập trung lo cho nước Mỹ thay vì giữ vai trò lãnh đạo thế giới, mặc dù là một thiểu số rất nhỏ, nhưng gây được sự chú ý khiến cho không ít quốc gia đồng minh tỏ ra bối rối không biết chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ sẽ hướng về phía nào.

Xe tăng Israel dàn trận tại biên giới Gaza – The Guardian

Thế mạnh của Hoa Kỳ

Xem thêm:   Chó...

Những trở ngại như nói ở trên không phải là nhỏ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn có những thế mạnh cần phải nói tới. Trước hết là sức mạnh về quân sự. Hoa Kỳ không chỉ đưa hai hàng không mẫu hạm tới Trung Đông mà còn cung cấp vũ khí, thông tin tình báo và kiến thức chuyên môn cho Israel, giống như những gì họ đã làm với Ukraine. Trung Quốc mấy năm gần đây đã nhanh chóng tăng ngân sách cho quân đội của họ, nhưng theo tỷ giá hối đoái thị trường, năm ngoái Hoa Kỳ vẫn chi cho quốc phòng nhiều bằng ngân sách của 10 quốc gia kế tiếp sau đó cộng lại, và hầu hết trong số đó là đồng minh của Hoa Kỳ.

Kế đến là sức mạnh kinh tế. Chỉ riêng Hoa Kỳ đã tạo ra một phần tư sản lượng thế giới với dân số chỉ bằng một phần hai mươi dân số thế giới, và tỷ lệ này không thay đổi trong 4 thập niên qua, bất chấp có sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một điều không ai dám nghi ngờ về sức mạnh kỹ thuật và sự năng động của kinh tế nước Mỹ – đặc biệt là khi đối đầu với Trung Quốc, quốc gia ngày càng biểu lộ cho thấy rõ hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải đứng sau mục tiêu tối đa hóa sự kiểm soát của đảng cộng sản.

Một sức mạnh khác của Hoa Kỳ là khả năng thích nghi nhanh trong chính sách đối ngoại và đã gặt hái khá nhiều thành công trong mấy năm qua. Cuộc chiến tại Ukraine chứng minh cho thấy giá trị của liên minh NATO. Tại Á Châu, Hoa Kỳ thành lập nhóm đối tác an ninh AUKUS bao gồm Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, và nhóm đối thoại an ninh chiến lược the Quad bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng tăng cường mối quan hệ với nhiều quốc gia khác trong khu vực như Philippines và Nam Hàn để nhằm đối trọng và kềm chân Trung Quốc.

Với những thử thách cũng như sức mạnh của Hoa Kỳ như trình bày ở trên, cho dù quan điểm cho rằng sức mạnh của Hoa Kỳ đang trên đà suy giảm có đúng đi chăng nữa, cho tới thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số một. Nền an ninh và trật tự thế giới trong nhiều năm tới vẫn cần đến vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.

VH