Đất Hồng Kông từng là nơi tạm dung cho người tị nạn Việt Nam và người Hoa đại lục sau khi đã phải bỏ nước ra đi trên những con thuyền mong manh để tìm tự do. Nay thì đến phiên người dân Hồng Kông đang trở thành những thuyền nhân tìm đường bỏ trốn khỏi thành phố của họ cũng bằng ghe thuyền, và trong số đó có những người không may mắn đã không đến được bến bờ an toàn.

Người biểu tình Hồng Kông tìm đường vượt biển – nguồn Asia Times   

Hôm 27/8, lính tuần duyên Trung Quốc cho biết họ đã bắt giữ một nhóm 12 nhà hoạt động Hồng Kông sau khi chặn bắt một chiếc thuyền loại cao tốc trong khu vực biển thuộc Trung Quốc trong khi những người trên thuyền đang tìm cách vượt biển tới Ðài Loan, nơi mà những thuyền nhân này dự định sẽ xin tị nạn với lý do họ bị đàn áp do bởi luật an ninh quốc gia mà chính quyền Bắc Kinh ban hành từ hồi cuối Tháng 6.

Nhóm thuyền nhân này, trong đó có anh Andy Li, là một nhà hoạt động trẻ tuổi đã từng bị bắt tại Hồng Kông hồi đầu Tháng 8 trong một cuộc bố ráp bởi một đơn vị cảnh sát mới được thành lập để thi hành luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh. Ðây cũng là đơn vị cảnh sát đã tấn công toà soạn báo Apple Daily và bắt giữ người sáng lập là ông Jimmy Lai (Lê Trí Anh). Anh Li đã được thả sau khi đóng tiền thế chân và hiện đang bị điều tra với cáo buộc là có liên hệ tới một nhóm người bất đồng chính kiến bị ghép vào tội cấu kết với nước ngoài để tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông.

Lính tuần duyên Trung Quốc trong quá khứ đã từng chặn bắt những tàu thuyền bị nghi ngờ hoạt động đưa người nhập cư trái phép, nhưng rất hiếm khi dính líu đến những vụ bắt giữ những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đang tìm cách trốn khỏi Hồng Kông bằng đường biển. Vụ bắt giữ này có thể tạo thêm căng thẳng với Ðài Loan, là một đảo quốc theo thể chế dân chủ mà Trung Quốc vẫn ngang nhiên lên tiếng nhận là lãnh thổ của họ, và đồng thời cũng cho thấy rõ hơn quyết tâm của Bắc Kinh trong việc cho thi hành luật an ninh mới của họ và đe doạ đến các hoạt động chống đối chính phủ tại Hồng Kông.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Vụ vượt biển sang Ðài Loan của những thuyền nhân Hồng Kông lần này làm người ta nhớ tới Chiến dịch Hoàng tước (Operation Yellowbird), khi một số cơ quan tình báo và nhà hoạt động phương Tây tìm cách hỗ trợ cho những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn sau khi họ bị đàn áp và đã tìm đường chạy trốn khỏi đại lục qua ngả Hồng Kông – trong đó có một số trốn bằng đường biển với sự trợ giúp của những tổ chức bí mật – trong lúc giới chức an ninh Trung Quốc đang tìm cách chặn bắt họ.

Không ai có thể biết số phận của những thuyền nhân bị bắt mới đây rồi sẽ ra sao, ngoại trừ việc là họ hiện đang bị giam giữ trong lục địa. Hôm Thứ Hai 31/8, tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc đã cho đăng một bài xã luận bằng Anh ngữ trên trang mạng của họ rằng “những người phạm pháp ở Hồng Kông nên từ bỏ ảo tưởng trốn tránh công lý bằng cách tìm nơi trú ẩn trên đảo [Ðài Loan] hay những nơi khác.” Bắc Kinh rất có thể sẽ phạt thật nặng những thuyền nhân kém may mắn này để làm bài học đe doạ những người Hồng Kông khác cũng đang có ý định bỏ trốn.

Đài Loan luôn ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông – nguồn Breitbart.com

Nhiều người dân Hồng Kông lo sợ đây là điềm báo trước về những điều tồi tệ hơn nữa sắp xảy ra trong khi Ðảng Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách siết chặt hơn sự kiểm soát của họ đối với thành phố bán tự trị này. Gần đây, chính phủ Ðài Loan đã cho mở một văn phòng lo giúp đỡ người tị nạn Hồng Kông mà “sự an toàn và tự do của họ hiện đang bị đe doạ bởi những lý do chính trị”, và Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson đã cam kết cho nhiều triệu cư dân thuộc địa cũ của Anh có cơ hội để trở thành công dân Anh sau này. Các luật sư chuyên về nhập cư, giới doanh gia bất động sản ngoại quốc và các công ty lo việc tái định cư cho biết họ nhận thấy con số người Hồng Kông đang tìm đường dọn ra nước ngoài sống trong thời gian qua đã tăng lên khá cao.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây với khoảng gần 1,000 người Hồng Kông thì có tới 50 phần trăm cho biết họ đang cân nhắc việc rời Hồng Kông và di cư tới một nơi khác, và Ðài Loan là nơi được nhiều người chọn để định cư nhất. Ðiều này cũng dễ hiểu: Ðài Loan chỉ cách Hồng Kông khoảng 500 dặm, và được nhiều người dân Hồng Kông xem như một đồng minh trong cuộc chiến đấu của họ để đòi được quyền tự trị nhiều hơn. Trong khi đó thì các giới chức chính quyền Trung Quốc lên tiếng tố cáo Ðài Loan là cố tình tiếp tay để gây thêm sự bất ổn cho thành phố.

Mà quả thật, Tổng thống Thái Anh Văn của Ðài Loan đã là một trong những người ủng hộ mạnh nhất của người biểu tình Hồng Kông và đảo quốc này đã từng là nơi ẩn náu tạm thời cho một số khá đông người biểu tình Hồng Kông trong suốt năm vừa qua, trong đó có nhiều người bỏ trốn tới đây sau khi lo sợ họ có thể bị bắt và bị buộc tội gây rối loạn hoặc những tội danh khác. Cảm tình của người dân Ðài Loan đối với người biểu tình Hồng Kông đã giúp Tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử vào Tháng Giêng đầu năm với kết quả kiểm phiếu cao nhất từ trước đến nay kể từ cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của đảo quốc này được tổ chức vào năm 1996.

Bà Thái cũng đã từng nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ của bà đối với phong trào biểu tình ở Hồng Kông kể từ khi phong trào chống chính quyền bắt đầu nổi lên rầm rộ vào Tháng 6 năm ngoái.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Một trong những người Hồng Kông đầu tiên đến tị nạn tại Ðài Loan vào năm ngoái là ông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing-kee) cho biết việc người Hồng Kông dùng thuyền vượt biển không làm ông ngạc nhiên lắm và ông đoán là sẽ còn thấy nhiều người nữa tìm cách trốn khỏi Hồng Kông sau khi luật an ninh mới có hiệu lực kể từ cuối Tháng 6.

Luật an ninh quốc gia mà TQ áp lên Hong Kong đã khiến nhiều người Hong Kong phải chạy sang các nước khác tị nạn – nguồn BBC

Ông Lâm, người được thế giới biết đến tên qua tin tức trên báo chí, đã từng bị giới chức an ninh Trung Quốc bắt cóc vì lý do họ không hài lòng với những cuốn sách nói đến những chuyện thâm cung bí sử của các giới chức cao cấp Bắc Kinh, thường là những câu chuyện đồn đãi, được bán tại cửa hàng sách của ông ở Hồng Kông. Ông Lâm chỉ được giới chức an ninh Trung Quốc thả tự do vào năm 2016 sau khi ông chấp nhận xuất hiện trên truyền hình nhận tội phỉ báng lãnh tụ.

Tháng Tư vừa qua ông đã cho tái khai trương cửa hàng sách Causeway Bay Books tại Ðài Bắc. Một tháng sau khi mở cửa, tổng thống Ðài Loan bất ngờ ghé thăm cửa hàng sách của ông, để lại thủ bút của bà ghi trên một mảnh giấy: “Ðài Loan tự do ủng hộ quyền tự do của Hồng Kông.”

Cũng trong bài xã luận trên tờ China Daily nói ở trên đã mạt sát các nhà lãnh đạo Ðài Loan vì đã “công khai khuyến khích những người vi phạm pháp luật ở Hồng Kông trốn tránh hậu quả về những hành động của họ,” và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wen-bin) hồi Hè năm nay cho biết Trung Quốc có thể không công nhận loại sổ thông hành “công dân Anh quốc ở nước ngoài” mà chính phủ Anh cấp cho người Hồng Kông như “là giấy tờ thông hành hợp lệ”.

Vụ thuyền nhân Hồng Kông bị bắt hồi cuối Tháng 8 vừa qua là một trong những đợt người đầu tiên liều mạng để trốn khỏi sự đàn áp của Bắc Kinh và chắc chắn họ sẽ không phải đợt người vượt biên cuối cùng.

Thủ bút của Tổng thống Thái Anh Văn ủng hộ quyền tự do của Hồng Kông – nguồn reddit.com

VH