Trong những năm có bầu cử tổng thống, giới chính trị ở Mỹ thường hay suy đoán về một điều bất ngờ nào đó xảy ra trong Tháng 10 có khả năng làm thay đổi chiến dịch tranh cử ở giai đoạn cuối, và đôi khi làm đảo lộn thế cờ. Trong tiếng Anh, người ta gọi đó là “October surprise”.

Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg – nguồn ABC4 Utah 

Ðiều bất ngờ đó của cuộc bầu cử năm nay rất có thể là cái chết của Thẩm phán Tối cao Pháp viện Ruth Bader Ginsburg. Duy có điều là nó tới sớm hơn hai tuần. Và trên thực tế, cái chết của Thẩm phán Ginsburg còn hơn cả sự bất ngờ: Nó là một cú chấn động khá mạnh đối với sinh hoạt chính trị của nước Mỹ trong một năm quay cuồng với quá nhiều vấn đề cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong, và cũng là những đề tài chính trong cuộc tranh cử tổng thống hiện nay: trận đại dịch, kinh tế trì trệ do con siêu vi khuẩn corona gây ra, và kỳ thị chủng tộc.

Nay cái chết của bà Ginsburg, xảy ra vào hôm Thứ Sáu 18/9, tạo ra thêm một vấn đề mới cho cuộc tranh cử: Nên thay thế một thẩm phán mới trước hay sau bầu cử?

Ngay sau khi tin tức về cái chết của bà Ginsburg được loan đi, lãnh tụ đa số tại thượng viện là Thượng nghị sĩ Mitch McConnell thuộc đảng Cộng hoà đã tuyên bố là nếu Tổng thống Trump đề cử người thay thế, thượng viện sẽ bỏ phiếu cho nhân vật thay thế đó – mặc dù ông không cho biết việc bỏ phiếu sẽ xảy ra trước cuộc bầu cử hay sau đó trong thời gian khoá quốc hội hiện nay chuẩn bị kết thúc.

Bốn năm trước, Thượng nghị sĩ McConnel từ chối không tổ chức điều trần cho nhân vật được đề cử của đảng Dân chủ là Merrick Garland trong những ngày cuối nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama. Lần này, nếu ông McConnell làm ngược lại thì việc này bảo đảm sẽ đưa đến những phản đối dữ dội từ phía đảng Dân chủ. Và đổi lại, sẽ khơi mào cho một cuộc đấu đá chính trị mạnh mẽ giữa hai phe có khả năng làm lu mờ những vấn đề tưởng là quá lớn khác của nước Mỹ. Nói tóm lại, tình trạng hỗn loạn chính trị của năm 2020 sẽ còn hỗn loạn hơn nữa trong những ngày sắp tới.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Thêm một điều nữa là quyết định của Thượng viện về việc có nên tiến hành việc bỏ phiếu cho chiếc ghế thẩm phán của bà Ginsburg vừa bỏ trống từ đây cho đến cuối năm hay không sẽ có tác động đến một số cuộc chạy đua vào Thượng viện hiện đang nghiêng ngửa và khá gay cấn, và không đảng nào dám chắc là có thể dành được quyền kiểm soát thượng viện trong năm tới.

Hiện nay thượng viện đang do đảng Cộng hoà kiểm soát với tỷ lệ 53-47.

Dư luận trong những ngày tới sẽ chú ý nhiều tới những nhân vật chủ chốt tại thượng viện trong quyết định tìm người thay thế cho chiếc ghế tối cao pháp viện vừa bỏ trống của bà Ginsburg, đặc biệt là ba thượng nghị sĩ Cộng hoà đang tái tranh cử: Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của tiểu bang South Carolina, chủ tịch của Uỷ ban Tư pháp và là người sẽ trông coi việc điều trần của bất cứ nhân vật nào được đề cử; Thượng nghị sĩ Susan Collins của tiểu bang Maine, một thành viên của Uỷ ban Tư pháp, là nhân vật có tư tưởng ôn hoà và hiện đang trong cuộc tranh cử khá gay cấn; và Thượng nghị sĩ McConnell, được tiên đoán là sẽ thắng cuộc bầu cử tại tiểu bang Kentucky nhưng vẫn đang phải đương đầu với một đối thủ có quỹ tranh cử khá dồi dào.

Ngoài ra, cuộc điều trần tại thượng viện để tìm người thay thế Thẩm phán Ginsburg sẽ tạo thêm sự chú ý đến Thượng nghị sĩ Kamala Harris, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân chủ, sẽ vừa đi tranh cử lại vừa phải dự những phiên điều trần đứng ở phía đối lập, bởi vì bà cũng ngồi trong Ủy ban Tư pháp. Chiếc ghế trống tại Tối cao Pháp viện, và cuộc tranh cãi về việc tìm người thay thế trong một thời gian gấp rút, cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của Tối cao Pháp viện trong trường hợp toà án này được trao trách nhiệm phải giải quyết các tranh chấp về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào mùa Thu này. Ðã có một số người tiên đoán là kết quả của cuộc bầu cử có thể kéo dài khá lâu trong việc kiểm phiếu do số cử tri bỏ phiếu bằng thư bưu điện năm nay rất đông.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Trong thời gian vừa qua, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ có phần nghiêng về phía bảo thủ, với Chánh án John Roberts là nhân vật tương đối trung dung và từng bỏ phiếu với phe cấp tiến trong một số vấn đề. Với sự ra đi của Thẩm phán Ginsburg, phe cấp tiến chỉ còn lại ba ghế trong tổng số chín ghế tại Tối cao Pháp viện, và bà Ginsburg hiểu được tầm quan trọng trong quyết định về nhân vật sẽ thay thế bà. Trong nhiều bản tin được loan đi cho biết bà Ginsburg đã tâm sự với cô cháu gái Clara Spera chỉ ít ngày trước khi bà mất rằng ước muốn cháy bỏng nhất của bà là sẽ không có người thay thế bà trước khi vị tổng thống mới được tuyên thệ vào năm tới.

Dân chúng tụ tập trước toà nhà Tối cao Pháp viện để tưởng niệm Thẩm phán Ginsburg – nguồn AP

Tuy nhiên, ước muốn của bà chỉ là ước muốn cá nhân chứ không phải là điều lệ được ghi trong hiến pháp. Tổng thống là người có quyền đề cử người kế nhiệm ngay khi nào ông muốn, và sau đó thượng viện có quyền phê chuẩn hoặc không. Thời gian bỏ phiếu là vấn đề do thượng viện quyết định, và thượng viện hiện thời có thể tổ chức cuộc bỏ phiếu phê chuẩn thậm chí ngay trong ngày cuối cùng của quốc hội khoá đương nhiệm nếu như họ chọn cách này.

Phía đảng Dân chủ chắc chắn sẽ nêu ra tiền lệ về việc ông McConnell đã từ chối tổ chức bỏ phiếu phê chuẩn người được Tổng thống Obama đề cử vào năm 2016 sau cái chết bất ngờ của Thẩm phán Antonin Scalia. Nhưng đó là quyền hiến pháp cho phép khối đa số tại thượng viện sử dụng mà có lẽ đảng Dân chủ cũng sẽ làm đúng như vậy nếu họ chiếm đa số.

Phe bảo thủ lâu nay vẫn coi sự ra đi của Thẩm phán Ginsburg như là cơ hội để đưa Tối cao Pháp viện nghiêng hẳn về phía bảo thủ một cách tuyệt đối hơn trong nhiều năm tới – và ngược lại, phe cấp tiến cũng đã lo sợ điều tương tự, nếu sự ra đi của bà Ginsburg xảy ra trước khi đảng Dân chủ giành lại được Toà Bạch Ốc. Và điều lo sợ này nay đã xảy ra.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Chiếc ghế trống của bà Ginsburg, và tương lai của Tối cao Pháp viện, kể từ nay cho đến đầu Tháng 11 sẽ trở thành đề tài chính yếu của cuộc bầu cử. Cuộc tranh cử tổng thống diễn ra theo hướng nào và ảnh hưởng ra sao đến kết quả của cuộc bầu cử là điều chưa ai đoán ra được. Vào đầu Tháng 9, Tổng thống Trump đã đưa ra danh sách gồm 20 nhân vật có khả năng được đề cử vào Tối cao Pháp viện. Ứng cử viên Joe Biden từ chối đưa ra một danh sách tương tự, một phần có lẽ lo ngại việc làm này có thể khích động những cử tri bảo thủ nào coi Tối cao Pháp viện là vấn đề quan trọng đối với lá phiếu của họ. Trong mấy ngày tới, ông Biden có lẽ cũng sẽ phải đưa ra một danh sách đề cử vì tình hình nay đã thay đổi.

Cái chết của Thẩm phán Ginsburg là một mất mát to lớn cho phe cấp tiến. Bà đã để lại một di sản to lớn, và không chỉ là nữ thẩm phán Tối cao Pháp viện thứ nhì trong lịch sử Hoa Kỳ, người đã trở thành tiếng nói tranh đấu không mệt mỏi cho nữ quyền. Trước khi trở thành thẩm phán, bà đã có một địa vị quan trọng trong lãnh vực pháp lý, là nữ giáo sư luật đầu tiên của Ðại học Columbia và là sáng lập viên Dự án Quyền của Phụ nữ của tổ chức Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU). Bà cũng là người biết tận dụng tối đa chiến lược thúc đẩy quyền bình đẳng giới tính thông qua hệ thống pháp luật và gặt hái được nhiều thành công đáng kể ngay cả trước khi gia nhập Tối cao Pháp viện vào năm 1993.

Có một sự trùng hợp kỳ lạ là bốn năm trước, một người bạn chí thân nhưng cũng là người có quan điểm hiến pháp trái ngược với bà là Thẩm phán Antonin Scalia qua đời đột ngột trong một chuyến đi săn tại Texas đưa tới những cuộc tranh cãi khá gay gắt là có nên thay thế một thẩm phán trước hay sau cuộc bầu cử tổng thống. Nay đến lượt bà Ginsburg cũng ra đi khá bất ngờ và có lẽ cũng sẽ đưa tới tranh cãi, ở mức độ có phần khốc liệt hơn, và ảnh hưởng rất lớn tới lá phiếu của cử tri trong những tuần lễ sắp tới.

Chín vị thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ – nguồn ShutterStock

VH