Thời gian chờ đợi là 6 tháng nhưng chỉ mất 4 ngày – sau khi hạ viện thông qua dự luật tối thứ Bảy 20/4, rồi thượng viện thông qua 3 hôm sau đó và cuối cùng được Tổng thống Joe Biden ký vào hôm thứ Tư 24/4 – để hoàn tất đạo luật viện trợ quân sự cho Ukraine, Israel và Đài Loan tổng cộng $95 tỷ, trong đó có khoảng $60 tỷ dành cho Ukraine. Khoản viện trợ này được gửi tới vào thời điểm khi quân đội Ukraine đang cố gắng chiến đấu để bảo vệ đất nước của họ trong niềm tuyệt vọng và giúp họ ngăn chặn một cuộc tấn công dữ dội của Nga có thể xảy ra trong thời gian vài tuần lễ sắp tới.
Ðạo luật sẽ cung cấp một loạt vũ khí và thiết bị quân sự mà quân đội Hoa Kỳ đã bố trí sẵn để đưa sang cho Ukraine trong thời gian ngắn nhất và sẽ giúp Ukraine tái trang bị 2 thứ vũ khí từng đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến: đạn pháo và đạn phòng không.
Hỗ trợ tấn công
Các cuộc chiến tranh vẫn thường luôn có sự tham gia của pháo binh, với các loại súng lớn mà quân đội sử dụng để bắn các loại đạn pháo và nhắm vào mục tiêu từ khoảng cách xa. Cả hai phía tham chiến đều sử dụng pháo binh để gây thiệt hại cho binh lính, tiêu diệt xe tăng và hầm trú ẩn của kẻ địch từ xa hàng trăm dặm, với mục đích làm suy yếu đối phương trước một cuộc tấn công. Pháo binh cũng được sử dụng để ngăn chặn các cuộc tiến quân.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, quân đội Ukraine đã bắt đầu cạn kiệt đạn pháo, buộc họ phải tấn công vào các mục tiêu là các xe bọc thép và binh lính Nga bằng máy bay không người lái có cài theo chất nổ. Được cung cấp thêm đạn pháo sẽ cho phép Ukraine sử dụng pháo binh, có sức tàn phá cao hơn và có thể cầm chân lực lượng Nga ở khoảng cách xa hơn, giảm bớt mối đe dọa bởi các cuộc tấn công ồ ạt mà họ có thể tung ra nhắm vào các lực lượng phòng vệ của Ukraine.
Theo các tin tức tình báo quân sự, trong thời gian gần đây, lực lượng Nga đã bắn sang Ukraine số lượng đạn pháo nhiều từ gấp 5 đến 10 lần so với Ukraine. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thêm ít tháng nữa, điều chắc chắn là Ukraine sẽ không thể cầm cự được, và cuối cùng rất có thể Ukraine sẽ phải từ bỏ một số lãnh thổ và rút lui để bảo toàn lực lượng. Điều này sẽ cho phía Nga có tiếng nói mạnh hơn trong các cuộc đàm phán hoà bình nếu xảy ra.
Hỗ trợ phòng thủ
Ukraine cũng cần tới những loại vũ khí phòng không, chẳng hạn như hoả tiễn Patriot rất tối tân do Hoa Kỳ sản xuất, có thể bắn hạ chiến đấu cơ và hoả tiễn. Mối đe dọa từ những loại vũ khí phòng không này đã khiến Nga không dám tung ra hết tất cả sức mạnh không quân của họ vì lo ngại Ukraine có thể triệt hạ các loại chiến đấu cơ đắt tiền đó. Thay vào đó, Nga đã sử dụng hoả tiễn tầm xa và Ukraine đã bắn hạ khá nhiều hoả tiễn trong số đó.
Tuy nhên, quân đội Ukraine cũng đã bắt đầu cạn kiệt các loại vũ khí phòng không đó. Hai tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đổ lỗi cho nguồn vũ khí thiếu hụt của Ukraine khiến quốc gia họ đã không thể ngăn chặn được một loạt hoả tiễn của Nga bắn sang khiến ít nhất 17 người thiệt mạng ở khu vực phía bắc thủ đô Kyiv. Điều này sẽ không xảy ra, hoặc sự thiệt hại có thể giảm thiểu tối đa, nếu hệ thống phòng không của Ukraine được trang bị đầy đủ.
Sau khi đạo luật viện trợ được hoàn tất với chữ ký của Tổng thống Biden, chỉ cần ít ngày các loại đạn pháo và phòng không mới sẽ bắt đầu được chuyển đến Ukraine. Khoản viện trợ $60 tỷ sẽ đủ để cung cấp một số lượng vũ khí cho quân đội Ukraine sử dụng trong nhiều tháng, nhất là vào mùa hè tới đây trong khi nhiều tin tức tình báo cho biết quân đội Nga đang chuẩn bị một cuộc tấn công rất quy mô.
Một phần nhỏ của khoản viện trợ cũng sẽ dành cho các chương trình huấn luyện và sẽ giúp giải quyết một tình trạng thiếu hụt khác của Ukraine: quân số – bằng cách cho phép quân đội Ukraine chuẩn bị và đào tạo những tân binh mới cho tiền tuyến nhanh hơn. Khoản viện trợ mới cũng sẽ giúp huấn luyện cho quân đội Ukraine cách sử dụng một số vũ khí tối tân mà trước đây họ đã nhận được từ các quốc gia đồng minh phương Tây, trong đó có loại xe tăng Abrams và chiến đấu cơ F-16 của Hoa Kỳ.
Kế hoạch tương lai
Một khi vũ khí viện trợ bắt đầu được chuyển đến, Ukraine có thể đưa vào sử dụng ngay ở mặt trận phía đông, nơi quân đội Nga gần đây đã chiếm được thành phố Avdiivka. Những vũ khí mới này có thể ngăn cản những tiến bộ gần đây mà Nga đạt được và ngăn chặn những cuộc tấn công lớn hơn. Một số phân tích gia đã lo ngại rằng tình trạng quân đội Ukraine thiếu vũ khí sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bảo vệ vùng nông thôn xung quanh Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, chỉ đứng sau Kyiv, cũng như phần lãnh thổ còn lại nằm dọc theo bờ Hắc Hải.
Nếu tất cả mọi việc thuận lợi, quân đội Ukraine có thể phát động chiến dịch tấn công vào năm 2025, có thể nhằm chiếm lại vùng lãnh thổ ở phía đông và đông nam của họ. Một mục tiêu quan trọng: cắt đôi phần đất mà Nga chiếm giữ ở khu vực phía đông thuộc tỉnh Donbas và bán đảo Crimea ở phía nam.
Mục tiêu chính yếu của chính phủ Ukraine là chiếm lại toàn bộ Donbas và Crimea. Nhiều chuyên gia quân sự tỏ ra hoài nghi liệu Ukraine có đủ khả năng để làm được điều đó hay không, đặc biệt là sau chiến dịch phản công gặp nhiều thất bại hồi năm ngoái.
Một số ý kiến cho rằng kịch bản thực tế nhất đối với Ukraine có lẽ không phải là chiếm lại toàn bộ lãnh thổ như trước chiến tranh. Ukraine có thể sẽ phải chấp nhận bị thu nhỏ hơn, nhưng vẫn giữ lại phần lớn lãnh thổ của mình, sau đó hội nhập về mặt kinh tế và chiến lược với Châu Âu, tái xây dựng và bảo vệ đất nước về lâu về dài trước áp lực của Nga. Giải pháp này có lẽ tốt hơn rất nhiều so với sự thất bại hoàn toàn.
Trấn an đồng minh
Một điều quan trọng khác là với khoản viện trợ mới này của Hoa Kỳ cũng sẽ khuyến khích một số quốc gia đồng minh trong khối NATO trong thời gian qua còn đang do dự và chờ phản ứng từ Hoa Kỳ thì nay có thể an tâm chuyển giao các thiết bị và vũ khí cho Kyiv.
Một số nhà ngoại giao cho biết, kể từ khi nguồn viện trợ cho cuộc chiến ở Ukraine trở thành một cuộc đấu đá chính trị ở Washington vào năm ngoái, cản trở nguồn cung cấp vũ khí mới, nhiều đồng minh của Hoa Kỳ đã do dự trong việc mở các kho vũ khí của họ để tiếp tế cho Kyiv, do lo ngại không biết Hoa Kỳ có còn quyết tâm hỗ trợ cho Ukraine hay không.
Nay, với việc Hoa Kỳ chấp thuận cho khoản viện trợ mới – được thông qua bởi lưỡng đảng tại quốc hội – có thể trấn an các quốc gia đồng minh hiện còn đang do dự rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ủng hộ Ukraine chống lại Nga và sẽ không để quốc gia này phải chịu thất bại.
VH