Thế giới luôn có những xáo động, cụ thể là cuộc chiến tại Ukraine hiện nay và đó cũng là viễn cảnh mà nhiều quốc gia “trung lập” trên thế giới trước đây nhởn nhơ, bỗng nhiên lo lắng mất ăn mất ngủ.

Lúc này vai trò NATO được nổi bật và người ta nhận thấy sự hiện diện của nó vô cùng cần thiết, dầu đã được hình thành cách đây 3 phần 4 thế kỷ….

Trụ sở chính của NATO tại Brussels, Bỉ – nguồn nato.int 

Thành lập

Tổ chức NATO , Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization) được thành lập vào năm 1949 ban đầu nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Liên bang Xô viết ở Châu Âu sau Thế Chiến Thứ Hai. Hoa Kỳ xem đây như là một bức tường thành để chống lại chủ nghĩa cộng sản.

Nguồn gốc thực sự của nó thì phải ngược lại năm 1947, khi Vương quốc Anh và Pháp ký Hiệp ước Dunkirk như một liên minh nhằm chống lại sự tấn công của quân Ðức sau chiến tranh. Hiệp ước này làm nảy sinh ra sáng kiến về một liên minh rộng hơn, không chỉ tại Châu Âu mà sang toàn bộ khu vực Bắc Mỹ.

12 thành viên ban đầu gồm: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Bỉ, Canada, Ðan Mạch, Pháp, Băng Ðảo (Iceland), Ý, Lục Xâm Bảo (Luxembourg), Hoà Lan, Na Uy và Bồ Ðào Nha.

Ðến năm 1952, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ nhảy vô, năm 1955 Cộng hoà Liên bang Ðức (tức Tây Ðức) gia nhập. Mãi đến năm 1982 Tây Ban Nha mới chịu chung mâm.

Sau khi NATO được thành lập, Liên Xô phản ứng lại bằng cách lập ra một liên minh quân sự với 7 quốc gia cộng sản thời đó tại Ðông Âu vào năm 1955, tổ chức này gọi là Hiệp ước Warsaw, gồm Liên Xô, Ba Lan, Bulgaria, Ðông Ðức, Hungary, Romania và Tiệp Khắc.

Xem thêm:   Cấm TikTok

Tuy nhiên, khi bức tường Berlin sụp đổ, và theo sau đó là sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, đã khiến các thành viên của Warsaw “mở mắt” và bỏ chạy tán loạn, một số đã đầu quân sang NATO.

Đại biểu của 12 quốc gia thành viên sáng lập NATO – nguồn nato.int

Quyền lợi

Mọi quốc gia thành viên, bất kể lớn hay nhỏ, đều có tiếng nói bình đẳng trong các cuộc thảo luận và các quyết định chung. Các thành viên tham gia NATO cam kết rằng bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào chống lại một trong số thành viên của mình ở Châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên còn lại. Ðiều này được áp dụng một lần vào ngày 12 tháng 9 năm 2001, khi khủng bố tấn công vào tháp đôi tại New York.

Nếu một cuộc tấn công vũ trang xảy ra, tất cả các nước thành viên còn lại, sẽ có trách nhiệm giúp đỡ thành viên bị tấn công, bao gồm cả việc sử dụng vũ trang.

NATO có một lực lượng thường trực lo việc bảo vệ chung, gồm 4 hạm đội sẵn sàng hành động. Một  hệ thống phòng không liên kết đa quốc gia bao gồm phòng thủ tên lửa đạn đạo. Máy bay phản lực tuần tra không phận của các quốc gia thành viên không có máy bay chiến đấu như Albania, Estonia, Latvia, Lithuania và Slovenia hoạt động 24/7, 365 ngày trong năm.

Iceland là thành viên duy nhất của NATO không có quân đội riêng vì vậy lực lượng Quân đội Hoa Kỳ thường trực tại Iceland đảm nhiệm vai trò phòng vệ cho Iceland.

Lãnh đạo của 30 quốc gia đồng minh NATO gặp nhau tại Brussels để bàn về cuộc xâm lược Nga đối với Ukraine – nguồn nato.int

Gia nhập

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Do nhiều lý do, từ hao tốn tài chánh, vì sợ bị ràng buộc hoặc ngại phiền lòng lối xóm, nên một số quốc gia không muốn gia nhập NATO, nhưng dần dần NATO chứng minh được uy tín và chỗ dựa vững chắc cho nền an ninh quốc gia, nên dân số NATO mỗi ngày một đông đảo: năm 1999, 3 nước thành viên khối Warszawa cũ gia nhập NATO là Ba Lan, Cộng hoà Séc và Hungary.

Năm 1966 Pháp rút tư cách thành viên quân sự ra khỏi NATO. Do vậy tổng hành dinh NATO được chuyển từ Paris đến  Brussels (Bỉ). Nhưng đến tháng 4 năm 2009, Pháp quay trở lại, chấm dứt 43 năm vắng bóng.

Ngày 29 tháng 3 năm 2004, Slovenia, Slovakia, các nước khối Warszawa cũ gồm Bulgaria, Romania, các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây là Estonia, Latvia và Litva cũng xin trú ẩn dưới mái nhà NATO.

Ngày 1 tháng 4 năm 2009, Croatia và Albania chính thức được kết nạp vào NATO sau 1 năm nộp đơn xin gia nhập. Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của NATO vào năm 2017. Ngày 27 tháng 3 năm 2020, Bắc Macedonia trở thành thành viên thứ 30 của NATO.

Với sự quậy phá của Putin hồi tháng Hai năm nay tại Ukraine, là nguyên nhân thêm 2 quốc gia đệ đơn gia nhập NATO, và chắc chắn sẽ được chấp nhận là Thụy Ðiển và Phần Lan (Finland). Trước giờ Thụy Ðiển luôn duy trì tình trạng trung lập trong suốt Thế chiến 2 và trong hơn 2 thế kỷ, quốc gia này không gia nhập bất kỳ liên minh quân sự nào. Phần Lan có đường biên giới chung dài 1,300 cây số với Nga, trước đây cũng không “dám” gia nhập Nato để tránh tạo mâu thuẫn với láng giềng.

Đóng góp

Trong hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014, tất cả các thành viên NATO đã đồng ý chi ít nhất 2% GDP của họ cho quốc phòng vào năm 2025. Tuy nhiên dựa theo tổng thu nhập quốc gia chỉ là con số tương đối, vì những quốc gia có GDP thấp lè tè, và ngược lại. Do vậy, sẽ có sự khác biệt trong phần trăm, chẳng hạn những đóng góp cao nhất tính theo GDP gồm:

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Hy Lạp – 3.82%

Hoa Kỳ – 3.52%

Croatia – 2.79%

Vương quốc Anh – 2.29%

Estonia – 2.28%

Latvia – 2.27%

Ba Lan – 2.10%

Lithuania – 2.03%

Romania – 2.02%

Pháp – 2.01%

Nhưng từ GDP quy ra tiền thì Hoa Kỳ là quốc gia góp bộn nhất:

Hoa Kỳ – 850 triệu USD

Vương quốc Anh – 72 triệu USD

Đức – 65 triệu

Pháp – 59 triệu

Ý – 30 triệu

Canada – 27 triệu

Tây Ban Nha – 15 triệu

Hòa Lan – 14 triệu

Ba Lan – 13 triệu

Thổ Nhĩ Kỳ – 13 triệu

Tương lai của NATO

NATO bắt đầu từ Châu Âu, như một công cụ để bảo vệ Châu Âu và dân chủ của phương Tây khỏi mối đe dọa từ Moscow. Dầu mối đe dọa đó không còn nghiêm trọng như trong thời Chiến tranh Lạnh, nhưng phải luôn đối đầu với những can thiệp gián tiếp về chính trị và nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử.

Dĩ nhiên, NATO không phải lúc nào cũng hoàn hảo, họ phải đối phó với nạn quan liêu trong nội bộ và cả những thành viên yếu bóng vía trước những đe dọa về kinh tế hoặc quân sự. Chưa kể những thách thức không chỉ nằm ở Châu Âu mà cả Châu Á, trong đó Trung Quốc đang nổi lên như một kẻ phá đám chuyên nghiệp. Những bất ổn còn mở rộng ra ở những quốc gia vùng Trung Á và Trung Ðông, nơi NATO thiếu những cánh tay nối dài.

Ðể giải quyết các vấn đề khác biệt địa lý, NATO sẽ tìm cách gắn kết với các thành viên không thuộc NATO như Afghanistan, đặc biệt là Australia, các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, Singapore và Nam Hàn, Ấn Ðộ…

VH