Cái chết mờ ám của Alexei Navalny hôm thứ Sáu 16/2 được xem như là đỉnh điểm của một chiến dịch kéo dài của điện Kremlin nhằm tiêu diệt hoặc buộc lưu vong bất kỳ ai tỏ ra là người đe doạ tới chiếc ghế tổng thống của ông Vladimir Putin. Alexei Navalny là nhân vật đối lập cuối cùng ở Nga có đầy đủ uy tín chính trị và được nhiều người đánh giá là một nhà lãnh đạo có tiềm năng.
Phản ứng về cái chết của Navalny ở bên trong nước Nga hầu như im lặng, nơi mà những người bất đồng chính kiến bị coi là tội phạm. Nhiều người dân bày tỏ lòng thương tiếc lặng lẽ mang hoa tới đặt tại các đài tưởng niệm tạm thời ở các thành phố trên khắp nước, trong khi các giới chức an ninh mặc thường phục chờ đêm xuống liền đến thu dọn những bó hoa mang đi vất ở chỗ khác. Cảnh sát Nga bắt giữ khoảng 400 người biểu tình tại một số cuộc tụ tập và tưởng niệm.
Nhân vật Alexei Navalny
Những người quen cho biết, ngay cả khi đau yếu, Navalny, 47 tuổi, vẫn không muốn biểu lộ bất kỳ điểm yếu nào trước con mắt cú vọ của điện Kremlin và ông thường lợi dụng những lần xuất hiện trước công chúng để chế nhạo các giới chức chính quyền. Một đoạn video ghi lại chỉ một ngày trước khi ông qua đời cho thấy ông mỉm cười và trêu chọc vị thẩm phán toà án về mức lương của ông này, nhưng những người quen biết nói rằng ông Navalny đang phải chịu đựng nhiều bệnh tật. Các giới chức phương Tây cho biết có thể họ sẽ không bao giờ biết chính xác Navalny chết bởi nguyên do gì.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: sau cái chết của Navalny, ông Putin không còn phải đối đầu với bất kỳ đối thủ chính trị thực sự nào nữa. Trong khi một số nhân vật từng chỉ trích Putin bị bịt miệng bằng áp lực pháp lý hoặc tài chính, một số khác thì bị bắn hoặc bị đầu độc – hoặc trong một trường hợp đã bị siết cổ bằng dây xích chó.
Đòn bẩn triệt hạ đối thủ
Các chiêu trò triệt hạ đối thủ đã được Putin sử dụng ngay cả trước khi ông ta làm tổng thống. Năm 1999, khi ấy Putin còn là giám đốc cơ quan an ninh Nga và được tổng thống lúc bấy giờ là ông Boris Yeltsin tin tưởng và yêu cầu tìm cách triệt hạ công tố viên hàng đầu của Nga là Yuri Skuratov, người mà Yeltsin coi là mối đe dọa cho sự nghiệp chính trị của mình.
Putin liền chơi đòn bẩn bằng cách quay một đoạn video ghi lại hình ảnh một người đàn ông trần truồng nhìn giống Skuratov đang ngủ với 2 gái điếm. Sau đó Putin cho chiếu trên đài truyền hình quốc gia và Skuratov buộc phải từ chức.
Nạn nhân của Putin
Sau khi Yeltsin thôi làm tổng thống và đề cử Putin trong đêm giao thừa năm 1999 làm người kế vị, Putin bắt đầu đối phó với các đối thủ chính trị khác một cách tàn bạo hơn nữa. Từng là đồng minh một thời, ông trùm dầu hoả và xe hơi Boris Berezovsky, đã công khai đấu khẩu với Putin chỉ vài tuần sau khi Putin nhậm chức tổng thống. Berezovsky phải trốn sang London sau khi các công tố viên mở cuộc điều tra về tài chính liên quan đến các công ty của ông này và tịch thu đài truyền hình do Berezovsky làm chủ.
Một tay tài phiệt khác, trùm dầu hoả và ngân hàng Mikhail Khodorkovsky, ở lại Nga và bắt đầu gầy dựng một phong trào chính trị, được tài trợ bởi công ty dầu mỏ Yukos của ông ta. Các công tố viên điều tra Khodorkovsky về tội lừa đảo, bắt giữ ông ta vào năm 2003 trên một chuyến bay riêng lúc còn đang đậu trên sân bay ở Tây Bá Lợi Á và tịch thu công ty Yukos. Khodorkovsky được ra khỏi nhà tù 10 năm sau đó và cũng đã rời nước Nga sống lưu vong.
Các cựu giới chức Hoa Kỳ và những người chuyên theo dõi hoạt động của điện Kremlin hiện nay vẫn chưa đồng ý với nhau về thời điểm chính xác khi nào các cuộc đàn áp đối thủ của Putin trở thành trò chơi chết chóc và có bao nhiêu cái chết thực sự xảy ra ở bên trong nước Nga và ở ngoại quốc là do Kremlin gây ra hoặc do tranh chấp cá nhân.
Năm 2003, hai chính trị gia và là thành viên của ủy ban quốc hội Nga đã bị chết mờ ám trong khi đang điều tra về các vụ đánh bom chung cư ở Nga năm 1999 mà ông Putin, khi đó là thủ tướng, lấy đó làm cái cớ để tấn công khu vực đòi ly khai Chechnya.
Một người là Sergei Yushenkov, bị bắn chết bên ngoài căn chung cư của ông ta vào tháng 4 năm 2003. Cảnh sát đổ lỗi vụ giết người là do tranh chấp chính trị trong đảng của ông. Một người khác là Yury Shchekochikhin, chết bất ngờ vào tháng 7 năm đó mà các nhà điều tra Nga mô tả là do bị dị ứng nhưng các đồng nghiệp thì nghi ngờ là bị ngộ độc.
Năm 2006, Quốc hội Nga thông qua một đạo luật hợp pháp hóa các vụ giết người ngoài vòng pháp luật đối với những người Nga bị coi là cực đoan sống ở ngoại quốc. Các nhà lập pháp Nga lập luận rằng họ chỉ đang cạnh tranh với Hoa Kỳ và Israel bằng cách cho phép các lực lượng đặc biệt của Nga hoạt động chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. Những người chỉ trích, trong đó có cả một số cựu giới chức an ninh Nga, cho rằng đạo luật có thể đưa đến các vụ ám sát chính trị.
4 tháng sau, Alexander Litvinenko, một đàn em thân tín của nhà tài phiệt Berezovsky, đã cùng ông này trốn sang London trước đó, bị ám sát bởi một đặc vụ Nga, là người đã bỏ một lượng nhỏ chất phóng xạ có tên là polonium-210 vào trong trà của ông này tại một nhà hàng ở trung tâm London. Chính phủ Anh cho biết điện Kremlin đứng đằng sau vụ giết người, trong khi Kremlin từ chối dẫn độ đặc vụ Andrei Lugovoi, hiện là một thành viên của quốc hội Nga.
Năm 2013, đến lượt Berezovsky được phát hiện chết trong phòng tắm tại căn nhà riêng ở Anh do bị treo cổ. Các nhà giám định tử thi không đồng ý với nhau trong việc xác định cái chết của ông này là một vụ tự sát hay bị giết. Một cộng sự cũ của Berezovsky là Nikolai Glushkov, người cũng đã trốn sang London sau khi bị tù ở Nga, được phát hiện chết tại nhà riêng vào năm 2018, do bị siết cổ bằng dây xích chó. Cảnh sát cho biết họ đang truy tìm những người ngồi trong chiếc xe van màu đen đậu gần nhà ông này vào đêm ông ta bị giết. Vụ án hiện vẫn chưa tìm được manh mối.
Cũng trong năm 2018, hai đặc vụ của điện Kremlin đã tìm cách ám sát không thành một cựu điệp viên Nga là ông Sergei Skripal và con gái của ông này bằng một loại chất độc có từ thời Liên Xô tại một thành phố ở miền Nam nước Anh. Vụ ám sát mà thủ tướng Anh lúc đó là bà Theresa May nói rằng gần như chắc chắn đã được lệnh từ một nhân vật cao cấp của chính phủ Nga. Nga phủ nhận mọi trách nhiệm và Anh Quốc đã trục xuất 23 nhà ngoại giao của họ.
Cái giá của đối lập
Theo nhận định của viện nghiên cứu Carnegie Endowment, chương trình ám sát của Nga dường như có hiệu quả trong việc đe doạ và thuyết phục không chỉ những nhân vật quan yếu mà luôn cả những người Nga bình thường rằng điện Kremlin có thể truy lùng ra họ bất cứ nơi nào. Một điều rõ ràng là kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022, không một giới chức cao cấp nào của Nga đào tẩu sang phương Tây và công khai tố cáo Putin.
Alexei Navalny là trường hợp ngoại lệ trong số những nhân vật đối lập với Kremlin vì ông tỏ ra không sợ hãi trước những đe dọa và liên tục bị bắt giữ. Navalny trở nên nổi tiếng với tư cách là một blogger chống tham nhũng và sau đó là diễn giả trong các cuộc biểu tình rầm rộ vào năm 2011-2012 chống lại cuộc bầu cử bị cho là có gian lận ở Nga. Việc bị bắt giữ thường xuyên chỉ làm cho tên tuổi Navalny nổi danh hơn.
Những lời đe dọa và luật hà khắc chống lại các cuộc tụ tập và biểu tình của công chúng đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại cho các nhà lãnh đạo phe đối lập.
Boris Nemtsov, một cựu phó thủ tướng dưới thời Yeltsin vào thập niên 1990 và là một chính trị gia có sức lôi cuốn, mặc dù gặp nhiều áp lực nhưng vẫn ở lại Nga và tiếp tục tranh đấu trong tư cách đối lập. Ở chốn riêng tư, ông từng bày tỏ lo ngại có thể bị ám sát. Đầu năm 2015, Nemtsov bị bắn chết trong khi đang đi bộ về nhà cùng người bạn gái ngay gần điện Kremlin ở trung tâm thủ đô Moscow.
Sau cái chết của Nemtsov, một cách tự nhiên, Navalny bị đẩy vào vị thế kế thừa vai trò lãnh đạo phe đối lập. Ông thu hút được ủng hộ của giới trẻ nhờ biết sử dụng một cách hiệu quả phương tiện truyền thông xã hội và phá vỡ sự độc quyền phương tiện phát sóng truyền thông của điện Kremlin, tố cáo Kremlin bằng các cuộc điều tra về tham nhũng và thủ đoạn gian trá của các giới chức cao cấp Nga.
Sau khi thoát hiểm vụ đầu độc trong một chuyến bay ngang qua khu vực Tây Bá Lợi Á năm 2020, ông vẫn đủ bình tĩnh chế nhạo những tay sát thủ của mình. Navalny sau đó được đưa tới Đức để các bác sĩ hồi phục lại sức khoẻ và cùng lúc hợp tác với nhóm phóng viên điều tra Bellingcat để điều tra tổ chức đã tìm cách ám sát ông. Sau khi biết được danh tính của tổ chức này, Navalny đã gọi điện cho những kẻ giết người, tự nhận mình là một nhân viên an ninh Nga, khiến một trong số những người này tưởng thật tiết lộ rằng họ chịu trách nhiệm về vụ đầu độc.
Đầu năm 2021, Alexei Navalny quyết định trở về Nga và đã bị bắt ngay sau khi máy bay đáp xuống phi trường Moscow. Mặc dù biết trước việc này sẽ xảy ra nhưng Navalny đã tuyên bố rằng ông sẽ không biếu cho Putin món quà quý giá là chọn sống lưu vong. Và ông đã phải trả giá quá đắt bằng chính cuộc đời của mình.
VH