Trước đây, mỗi khi Bắc Hàn phô trương thử vũ khí mới hoặc lớn tiếng thách thức, đe doạ thế giới thì người ta nghĩ rằng quốc gia này đang gặp vấn đề, thường là nạn đói và thiếu thực phẩm trầm trọng, và coi đó như một vụ ăn vạ kiểu Chí Phèo. Nhưng nay, trong khi thế giới tự do đang phải lưỡng đầu thọ địch – cuộc chiến Ukraine và cuộc xung đột ở dải Gaza – thì Bắc Hàn ngày càng trở nên mối đe doạ thực sự cho nền an ninh của thế giới và các chính phủ của thế giới tự do cần có thái độ nghiêm túc và chú ý nhiều hơn tới vấn đề Bắc Hàn.

Trong 5 năm qua, chế độ Kim Jong Un đã chế tạo thành công một số loại vũ khí mới, được thiết kế cho chiến tranh khu vực và gần đây đã thấy binh lính Nga sử dụng một số loại vũ khí này trong cuộc chiến tại Ukraine. Vào tháng 1 năm nay, Kim tuyên bố từ bỏ hy vọng thống nhất với Nam Hàn bằng hoà bình và theo đuổi những mục tiêu mang tính đối đầu hơn. Kim cũng không nhắc gì đến các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, và gần đây quay sang thân thiện với Vladimir Putin, được dự kiến sắp tới đây sẽ đến thăm Bình Nhưỡng, nâng vị thế ảnh hưởng Bắc Hàn trên chính trường quốc tế lên tầm cao hơn.

Lãnh tụ độc tài này cũng đã biết lợi dụng tình trạng rạn nứt trong trật tự toàn cầu để biến Bắc Hàn thành một quốc gia hạt nhân đầy đe dọa – khiến cho tình hình tương lai của thế giới vốn vẫn chưa giải quyết xong hai cuộc chiến tranh ở Châu Âu và Trung Đông lại ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Kim có lẽ đang tính toán về một chiến lược lâu dài với kho vũ khí hạt nhân đã nhanh chóng phát triển kể từ khi các cuộc đàm phán thất bại tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2 năm 2019 với cựu Tổng thống Donald Trump ở Hà Nội. Điều đó khiến cho việc dự đoán những bước đi tiếp theo của ông ta trở nên mù mờ và đáng lo ngại hơn.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Các chuyên gia an ninh cho rằng điều đặc biệt đáng lo ngại là Kim Jong Un, mặc dù tình trạng thiếu lương thực và nạn đói đang tràn lan ở Bắc Hàn, vẫn tỏ có thái độ đối đầu nhiều hơn với chính phủ Nam Hàn Quốc.

Thay đổi chính sách

Tại một cuộc thử nghiệm vũ khí năm 2022, Kim đã trực tiếp giám sát vụ thử phóng hoả tiễn đạn đạo liên lục địa tầm xa (ICBM) đầu tiên của Bắc Hàn sau gần 5 năm tạm ngưng. Trước đây, mỗi lần thử nghiệm như vậy, Nga và Trung Quốc thường lên án hành động này tại Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ngày càng thắt chặt quan hệ hơn vì mục tiêu chung của họ là đối đầu với Washington, và chỉ vài tuần trước đó, Bắc Hàn trở thành một trong số ít quốc gia công khai lên tiếng ủng hộ việc Nga xâm chiếm Ukraine.

Kể từ đó đến nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành thêm 8 vụ thử ICBM nữa. Hoa Kỳ hơn chục lần tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi lên án hoặc trừng phạt chế độ Kim. Mỗi lần như vậy đều gặp thất bại.

Trong nhiều thập niên, các giới chức quốc tế thường giải thích các hành động của Bình Nhưỡng qua lăng kính của cái gọi là “chiêu thức khiêu khích” mà họ vẫn thường đem ra áp dụng, trong đó các vụ thử vũ khí và những lời tuyên bố hiếu chiến đã buộc thế giới phải nhanh chóng tiến hành đàm phán với chế độ Bắc Hàn. Kim Jong Un và những vị tiền nhiệm trước đó sử dụng chiêu thức này để gây sự chú ý và nâng cao vị thế toàn cầu của Bắc Hàn cũng như nhận được viện trợ hoặc giảm nhẹ lệnh trừng phạt bằng cách hứa sẽ dừng hoạt động vũ khí của họ, nhưng thường thì vẫn ngấm ngầm tiến hành. Nhưng Kim Jong Un gần đây dường như đã bỏ lối quy ước đó.

Theo nhận định của một số quan sát viên, hiện nay Kim đang chế tạo vũ khí hạt nhân với mục đích là giữ lại trong kho thay vì làm món hàng trao đổi trong các cuộc đàm phán như trước đây, ngay cả khi điều này có nghĩa là Bắc Hàn phải đối diện với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn. Bình Nhưỡng cũng đang điều chỉnh lại mối quan hệ của họ với các đồng minh bằng cách ngày càng liên minh với Nga.

Kim và Putin tại giàn phóng phi thuyền của Nga ở vùng Viễn Đông – Reuters

Thái độ hiếu chiến

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Một dấu hiệu rõ ràng nhất về thái độ hiếu chiến của Kim Jong Un là vào tháng 1 vừa qua khi ông này tuyên bố từ bỏ học thuyết quan trọng làm nền tảng cho các chính sách của ông bố và ông nội trước đây. Trong một bài diễn văn nảy lửa, Kim tuyên bố chế độ của ông ta sẽ không còn theo đuổi chính sách tìm kiếm sự thống nhất trong hòa bình với Seoul nữa. Thay vào đó, Nam Hàn nên được coi là kẻ thù chính. Ông ta ra lệnh cho cả nước chuẩn bị chiến tranh. Tượng đài “Thống nhất Môn” tại thủ đô Bình Nhưỡng – do ông bố Kim Jong Il xây dựng để vinh danh ông nội Kim Il Sung – đã bị phá bỏ.

Các giới chức chính phủ tại Washington và Seoul ngày càng tỏ ra lo ngại về một cuộc chiến tranh hay xung đột sẽ mang ý nghĩa gì dưới cái nhìn của Kim. Một cuộc tấn công toàn diện do Bắc Hàn thực hiện mặc dù khó có khả năng xảy ra nhưng vẫn là điều không hẳn là không nên quan tâm. Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu, Bắc Hàn hiện nay có thể sở hữu từ 50 đến 60 đầu đạn hạt nhân. 5 năm trước, người ta ước tính kho vũ khí đó của Bình Nhưỡng là vào khoảng 35.

Chỉ vài tuần sau cuộc đàm phán với Donald Trump thất bại tại Hà Nội, Bắc Hàn đã cho khởi động lại hoạt động tại nhà máy chế tạo hoả tiễn ICBM và hoàn tất việc xây dựng địa điểm phóng hoả tiễn chính của họ. Sau đó Kim gặp Putin ở Vladivostok, tại đây Kim đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã hành động thiếu thiện chí trong cuộc đàm phán. Tháng 5 năm 2019, các cuộc thử nghiệm hoả tiễn bắt đầu lại.

Không giống như các vụ thử hạt nhân và phóng vũ khí tầm xa trước đây, Bắc Hàn lần này ưu tiên phát triển các hoả tiễn mới, tinh vi có thể đe doạ các nước láng giềng như Nam Hàn và Nhật Bản – là phần còn thiếu trong kho vũ khí của họ. Các hoả tiễn mới, được đặt tên là KN-23 và KN-24, có thể trang bị đầu đạn hạt nhân và có khả năng đổi hướng khi đang bay.

Xem thêm:   Liên minh phòng thủ chống Iran

Theo đánh giá của Washington, Seoul và Kyiv, những vũ khí đó hiện đang được binh lính Nga sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine.

Xích lại với Nga

Sau nhiều năm tự cô lập do đại dịch Covid, Bắc Hàn mở cửa trở lại với thế giới bên ngoài bằng cách mời các giới chức của Nga và Trung Quốc tới dự lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng vào tháng 7 năm ngoái.

Kim cũng dành nhiều sự chú ý hơn với vị khách đặc biệt của Nga là Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, khi đích thân dẫn ông này thăm viếng một cuộc triển lãm vũ khí của Bắc Hàn, trong đó có loại hoả tiễn tầm ngắn hiện đang được sử dụng ở chiến trường Ukraine.

Ít tháng sau, Kim và Putin bắt tay nhau tại địa điểm giàn phóng phi thuyền của Nga ở vùng Viễn Đông. Đây là chuyến đi ngoại quốc đầu tiên của Kim kể từ sau đại dịch. Trong cuộc gặp gỡ, Putin hứa hỗ trợ cho chương trình phát triển vệ tinh của Bắc Hàn.

Trước khi trở về, Kim được đưa đi thăm viếng một nhà máy sản xuất phi cơ chiến đấu của Nga và xem duyệt một tàu khu trục của hải quân Nga. Không lâu sau đó, các chuyến xe lửa chở hàng của Bắc Hàn bắt đầu tới Nga.

Theo ước tính của bộ quốc phòng Nam Hàn, cho đến cuối năm ngoái, Bình Nhưỡng đã cung cấp khoảng 5,000 thùng container vũ khí cho Moscow và có thể sắp tới đây sẽ cung cấp thêm loại hoả tiễn chiến thuật được điều khiển từ xa.

Ngày thăm viếng Bình Nhưỡng của Putin hiện vẫn chưa được ấn định. Tuy nhiên, bộ ngoại giao Bắc Hàn cho biết cả nước đang hết sức chân thành chờ đợi chuyến viếng thăm này và nói rằng ông Putin là “người bạn thân nhất của nhân dân Triều Tiên.”

Nhìn chung, việc liên minh giữa Bắc Hàn và Nga sẽ là mối đe doạ cho nền an ninh thế giới.

Kim Jong Un tại cuộc thử nghiệm hoả tiễn ICM vào tháng 3 năm 2022 – AP

VH