Cuộc chiến giữa nhóm phiến quân Taliban và liên quân Hoa Kỳ tại Afghanistan được cho là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và đã kết thúc trong sự hỗn loạn tột cùng. Nhưng bên cạnh đó còn một cuộc chiến khác giữa hai nhóm Hồi giáo đối thủ của nhau một cuộc chiến ít được nói tới nhưng có thể còn dai dẳng trong nhiều năm và cũng đẫm máu không kém.

ISIS-K tại căn cứ địa Khorasan – nguồn longwarjournal.org 

Một bên là nhóm Taliban, hợp tác cùng với phần tàn dư của nhóm al Qaeda. Bên kia là cánh tay nối dài của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan, thường được biết tới dưới cái tên ISIS-K, với tham vọng là tìm cách kết hợp một phần lãnh thổ Afghanistan vào trong đế chế Hồi giáo (caliphate) mở rộng được xuất phát từ khu vực Trung Ðông.

Nhóm Taliban, đã có thời gian được sự hỗ trợ bởi một số quốc gia và thậm chí từ liên quân Hoa Kỳ, ngay vào thời điểm này được xem là bên thắng cuộc trong cuộc tranh giành quyền lực tại Afghanistan. Nhóm ISIS-K hiện đã bị đẩy lui ra khỏi những hang động trú ẩn tại Afghanistan và các tay súng của họ bị phân tán lẩn trốn khắp nơi. Trong thời gian Taliban tiến quân về Kabul sau khi quân đội Hoa Kỳ rút đi, người ta không thấy có sự kháng cự nào từ phía ISIS-K.

Tuy nhiên, vào hôm thứ Năm 26/8, ISIS-K xuất hiện trở lại với hai vụ đánh bom tự sát ngay giữa đám đông đang tụ tập quanh phi trường Kabul, nơi lực lượng Taliban giữ an ninh bên ngoài và lực lượng Hoa Kỳ canh giữ bên trong trong khi hàng nhiều ngàn người ngoại quốc cũng như dân địa phương đang tìm cách lọt vào bên trong phi trường để lên phi cơ rời nước – gây thiệt mạng ít nhất 90 thường dân Afghanistan và 13 binh lính Hoa Kỳ, sẽ là vết nhơ khó xoá trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden.

Hai vụ nổ cũng một lần nữa nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng cuộc chiến đối đầu giữa Taliban và ISIS-K vẫn còn tiếp tục chứ chưa hẳn kết thúc và có lẽ sẽ còn đẫm máu trong những ngày tháng tới.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Ðược thành lập 6 năm trước bởi những tay súng Taliban bất mãn người Pakistan. Hiện nay con số thành viên của tổ chức này đã giảm xuống chỉ còn khoảng từ 1,500 đến 2,000 tay súng, bằng một nửa con số thành viên thời cực thịnh của họ vào năm 2016 trước khi các cuộc không kích của Mỹ và các cuộc đột kích của biệt kích Afghanistan gây tổn thất nặng cho tổ chức, giết chết nhiều thủ lãnh của họ.

Nhưng kể từ tháng 6 năm 2020, ISIS-K được lãnh đạo bởi một chỉ huy mới nhiều tham vọng là Shahab al-Muhajir, và cũng là người chứng tỏ rất tích cực trong việc tuyển mộ thêm các tay súng Taliban bất mãn và những dân quân khác. Theo một phúc trình của Liên Hiệp Quốc, ISIS-K hiện đang hoạt động mạnh và rất nguy hiểm, và trong năm nay đã gia tăng tốc độ đáng kể với các cuộc tấn công.

Một làng trong tỉnh Nangarhar từng chứng kiến nhiều cuộc giao tranh giữa các lực lượng Hoa Kỳ, chính quyền Afghanistan, Taliban và ISIS-K – nguồn WSJ.com

Có thể nói, nhánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Afghanistan là nhóm đối kháng chủ yếu có khả năng đối đầu với Taliban về lâu về dài. Ðã có lúc hai tổ chức này đã trực tiếp đụng độ nhau khốc liệt để tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi, đặc biệt là tại khu vực miền đông Afghanistan. Một số phân tích gia cho biết có nhiều tay súng từ mạng lưới Taliban thậm chí đã đào tẩu để đầu quân với nhóm ISIS tại Afghanistan, bổ sung thêm nhiều tay súng kinh nghiệm trong hàng ngũ của họ.

Nhìn lại lịch sử của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ta có thể thấy để tiêu diệt và kiềm chế các mạng lưới khủng bố là việc rất khó. Tổ chức này bắt đầu xuất hiện sau khi người Mỹ chiếm đóng Iraq vào năm 2003 như là một nhánh của Al Qaeda, nhưng sau đó đã tách ra, thành lập ra cái gọi là caliphate, là một chế độ thần quyền Hồi giáo, bao gồm một khu vực rộng lớn của Iraq và Syria mà vào thời cực thịnh của nó có diện tích ngang với Vương quốc Anh.

Quan điểm cực đoan của nhóm về việc mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, tích cực sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, đăng tải những hình ảnh bạo động để thu hút và chiêu nạp các tay súng từ khắp nơi trên thế giới, truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công chết người tại các thành phố Ả Rập, châu Âu và Mỹ, và những việc làm quá khích này đã bắt buộc Hoa Kỳ phải thành lập một liên minh quốc tế để ngăn chặn và chống lại họ.

Xem thêm:   Ham & hố

Tương tự như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria, nhóm hoạt động tại Afghanistan đã trở nên khét tiếng với các đoạn video quay lại các cuộc hành quyết rùng rợn, các cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự và sử dụng bạo lực cực kỳ độc ác để đàn áp những người dân địa phương nào mới bị họ chinh phục nhưng bày tỏ phản đối về đường lối cai trị của họ.

Tại tỉnh Nangarhar, ISIS-K đã hành quyết những bô lão và những người địa phương trong làng bằng cách bịt mắt và bắt họ ngồi trên một đống chất nổ trên một ngọn đồi, rồi nhấn nút cho nổ. Sau đó họ tung đoạn video quay lại vụ hành quyết lên trên mạng internet, làm nhiều người kinh tởm và khiếp sợ.

Cuộc đối đầu trực tiếp giữa Taliban và ISIS-K xảy ra tại tỉnh Jowzjan năm 2017. Ðược sự hợp lực bởi một nhóm dân quân người Uzbekistan có tên gọi là Phong trào Hồi giáo Uzbekistan, cùng nhau họ chiếm được hai khu vực thung lũng của tỉnh và chính thức giương lá cờ Nhà nước Hồi giáo ngay trên phần đất họ kiểm soát.

Quang cảnh sau vụ nổ bên ngoài phi trường Kabul – nguồn Getty Images

Cuộc giao tranh kéo dài trong nhiều tháng được mô tả là cùng lúc ISIS-K đã phải đối đầu với ba mũi dùi tấn công bao gồm các lực lượng của Hoa Kỳ, của chính quyền Afghanistan và của Taliban. Hàng trăm tay súng ISIS-K đã đầu hàng lực lượng của chính phủ một năm sau đó.

Tại tỉnh Nangarhar, ISIS-K cũng gặp sự tổn thất tương tự như trên bởi các cuộc tấn công từ phía Hoa Kỳ, từ chính quyền Afghanistan và từ Taliban. Hoa Kỳ đã thả xuống khu vực loại bom MOAB, có hỗn danh là “mẹ của tất cả loại bom”, một thứ bom quy ước có sức công phá mạnh nhất trong kho vũ khí của quân đội Hoa Kỳ, để san bằng một hệ thống hang động có từ thời Sô Viết do dân quân ISIS-K kiểm soát.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Kể từ khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo xuất hiện và nổi lên như một kẻ thù quốc tế mới đã mang lại cho Taliban cơ hội để mở rộng quan hệ ngoại giao toàn cầu mà trong nhiều năm họ đã cố tìm cách tẩy xoá đi cái nhãn hiệu khủng bố như một vết bẩn dính chặt vào tổ chức này.

Có thể nói Hoa Kỳ đã công nhận Taliban một cách không chính thức sau khi cả hai bên đồng ý ngồi vào bàn đàm phán tại Doha, Qatar, dẫn đến việc 5,000 tù binh được thả ra từ các nhà tù ở Afghanistan hồi năm ngoái. Nhiều người trong số tù binh này ngay sau đó đã trở lại chiến trường, củng cố thêm sức mạnh cho lực lượng Taliban.

Như một phần của thoả thuận đạt được tại Doha, Taliban hứa sẽ ngăn chặn các nhóm khủng bố không cho sử dụng Afghanistan như một căn cứ để tấn công phương Tây. Nhưng liệu Taliban có thi hành cam kết đó hay không, và liệu họ có đủ khả năng để ngăn chặn những tổ chức khủng bố như ISIS-K hay không, đến nay vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Theo một phúc trình của Liên Hiệp Quốc đúc kết vào tháng 6 vừa qua, trong mấy tháng trước khi lực lượng Hoa Kỳ rút lui, có khoảng từ 8,000 đến 10,000 tay súng jihadi từ các khu vực Trung Á, Bắc Caucasus của Nga, Pakistan và Tân Cương của Trung Quốc đã tràn vào Afghanistan. Hầu kết có liên hệ với Taliban hoặc Al Qaeda. Nhưng một số đông khác liên minh với ISIS-K và điều này sẽ là một thách đố lớn đối với sự ổn định và an ninh mà Taliban hứa sẽ mang lại cho đất nước Afghanistan.

Trong khi các chuyên gia về khủng bố nghi ngờ rằng các tay súng ISIS ở Afghanistan không có đủ khả năng để thực hiện các cuộc tấn công ở tầm vóc lớn chống lại phương Tây, nhiều chuyên gia cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo nay có phần nguy hiểm hơn nhiều so với các tổ chức khủng bố khác, kể cả Al Qaeda.

Hai vụ đánh bom bên ngoài phi trường Kabul vừa qua là một bằng chứng rõ ràng nhất, và trong khi tình hình vẫn còn đang hỗn loạn, Afghanistan là một khoảng trống an ninh lớn và ISIS-K sẽ không ngồi yên.

VH