Nhiều người mơ ước được một lần trong đời leo lên tới đỉnh núi cao nhất thế giới: đỉnh Everest, chọc thẳng lên trời với độ cao 8,848 mét, nằm giữa biên giới Tây Tạng và Nepal, trong rặng núi Hy Mã Lạp Sơn. Mặc dù lên đến đỉnh cao nhất của thế giới là một công việc gian khổ và có khả năng gây chết người do độ cực cao, tuyết lở, băng rơi và nhiều mối nguy hiểm khác, nhưng đỉnh núi lại nằm khá gần đường xích đạo, ở vĩ tuyến 28 độ, ngang với thành phố Tampa của Florida.

nguồn Pinterest 

Sir Edmund Hillary và người dẫn đường Tensing Norgay là hai người đầu tiên đã leo lên tới tận đỉnh Everest năm 1953 qua ngả Ðông Nam thuộc Nepal, và cho đến ngày nay vẫn là lộ trình được nhiều người leo núi sử dụng nhất để mong chạm được tới nóc nhà của thế giới. Còn một lộ trình khác cũng được nhiều người sử dụng được gọi là ngả Bắc nằm ở bên phía Tây Tạng.

Kể từ khi cặp Hillary/Norgay lần đầu tiên leo lên được tới đỉnh cho đến nay chỉ có khoảng 5,000 người đặt chân lên được đỉnh Everest – là một thành quả cá nhân hiếm hoi.

Hành trình leo núi nói chung thường phải mất nhiều tháng chuẩn bị, dành khá nhiều thời gian tập luyện để có được sức khoẻ thật tốt, thích nghi với môi trường thiếu dưỡng khí ở trên độ cao, và nhiều chuyến leo núi ngắn bắt đầu từ trạm nghỉ chính Base Camp để làm quen với địa hình và thời tiết.

Như ông Ronald Crystal, một bác sĩ sống ở thành phố New York, kể rằng để chuẩn bị cho chuyến leo núi Everest, ông đã phải tập luyện tăng sức mạnh ba lần một tuần và thường xuyên leo cầu thang cùng với ba lô trên vai và đôi giày leo núi trong toà nhà 36 tầng nơi ông ở. Ngoài ra ông còn thức dậy mỗi sáng lúc 5 giờ rưỡi để tập đạp xe ngay tại nhà.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Phần đông các tay leo núi và người dẫn đường phải chuẩn bị sẵn đầy đủ tất cả mọi đồ dùng cần thiết tại Kathmandu, thủ đô của Nepal. Từ đây, họ leo lên một chiếc phi cơ nhỏ bay 25 phút tới phi trường Lukla.

Từ Lukla, các tay leo núi phải cuốc bộ 40 dặm tới chân của ngọn núi. Ðoạn đường này thường phải đi mất hai tuần lễ, là vì các tay leo núi cần phải tập làm quen để thích nghi với hoàn cảnh thời tiết ở độ cao.

Vượt qua khu vực Khumbu Icefall – nguồn Explore-Share.com

Tới trạm nghỉ chính Base Camp thì họ dừng chân. Ðây là khu vực nằm trên một sông băng lớn và việc họ nghỉ chân tại đây cũng có thể gặp nguy hiểm. Theo lời kể của những người dẫn đường, địa hình sông băng thay đổi rất nhanh buộc những người leo núi phải di chuyển lều của họ cứ hai tuần một lần.

Hầu hết những người sống và làm việc tại Base Camp là người địa phương thuộc giống dân Sherpa, rất giỏi leo núi và nghề chính của họ là dẫn đường cho các tay leo núi và vận chuyển hàng hoá giữa Kathmandu, Base Camp, và các trạm nghỉ chân khác ở độ cao hơn trên đường tới đỉnh núi.

Trạm Base Camp nằm ở độ cao 5,400 mét. Ở độ cao này người leo núi có thể gặp những biến chứng về sức khoẻ, và đây mới chỉ hơn nửa đoạn đường để lên tới đỉnh núi. Thế nên, các tay leo núi thường phải bỏ ra từ một tới hai tháng sống ở Base Camp, thực hiện nhiều chuyến lên xuống núi để cơ thể làm quen với thời tiết cực lạnh và thay đổi ở mỗi độ cao.

Nếu người leo núi không cho cơ thể đủ thời gian để điều chỉnh và thích nghi với điều kiện thời tiết thật khắc nghiệt trong rặng Hy Mã Lạp Sơn, họ có thể gặp tình trạng sưng màng não và phổi, và có thể đi đến tử vong.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Với lý do đó, các tay leo núi nói chung thường phải thực hiện ít nhất ba chuyến leo lên núi từ trạm Base Camp, cứ mỗi lần lại thử leo cao thêm 1,000 mét rồi trở xuống trước khi leo chuyến cuối cùng lên tới đỉnh núi.

Trong mỗi chuyến leo lên núi từ trạm Base Camp, các tay leo núi còn phải vượt qua một khu vực hết sức nguy hiểm gọi là Khumbu Icefall.

Khumbu Icefall là khu vực có địa hình được tạo thành bởi nhiều khối băng khổng lồ liên tục chuyển dịch tạo ra những khe nứt rất lớn xen kẽ giữa các khối băng. Người leo núi phải sử dụng loại thang bằng kim loại cứng để vượt qua những khe nứt này.

Trạm nghỉ Base Camp – nguồn businessinsider.com

Trong khoảng thời gian từ 1953 tới 2016 đã có 44 người thiệt mạng tại đây – tương đương khoảng 25% tổng số người chết trong các chuyến leo núi ở phần phía nam của Everest cũng trong khoảng thời gian này. Nếu ai đó chẳng may sẩy chân rớt vào trong những khe nứt đó thì kể như mất tích vì chỉ một thời gian ngắn sau có những tảng băng tan chảy quanh đó sụp đổ hoặc tuyết lở sẽ chôn vùi họ vĩnh viễn.

Theo lời kể của một tay leo núi và cũng là nhà làm phim tên David Breashears, không khí trên đó quá ít dưỡng khí đến nỗi thậm chí dù có mang bình thở nó cũng vẫn làm cho người ta có cảm giác như là “đang chạy trên máy chạy bộ và thở bằng ống hút.”

Ðiều kiện thời tiết khắc nghiệt ở độ cao của núi Everest có lẽ là yếu tố biến những tay leo núi thành những con người độc đáo khác thường. Các lực sĩ thể thao điển hình thường tập luyện và trau dồi tài năng sao cho đạt tới đỉnh điểm vào đúng ngày thi đấu – tinh thần bền bỉ hơn và cơ thể mạnh mẽ và tràn đầy năng lực hơn. Trong khi leo núi, vào ngày lên tới đỉnh, cơ bắp của người leo núi bị teo đi, họ còn bị mất ngủ và kiệt sức. Ðiều tuyệt đối quan trọng là người leo núi phải chú ý đến những gì đang xảy ra xung quanh và bên trong cơ thể của họ. Họ cần phải chú ý đến những tín hiệu thật nhỏ mà cơ thể đang truyền cho họ.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Từ trạm nghỉ số 4 (Camp Four) lên tới đỉnh người ta phải leo thêm độ cao gần 800 mét và mất khoảng bảy tiếng đồng hồ. Ðây là ngày được cho là khó khăn và thử thách nhất trong suốt cuộc hành trình. Thông thường, các tay leo núi cố gắng leo lên tới đỉnh rồi quay trở lại trạm nghỉ số 4 trong cùng ngày, dành thật ít thời gian nếu có thể ở trên khu vực cao nhất đó.

Ðỉnh núi Everest thực sự là một mái vòm nhỏ phủ tuyết rộng bằng một cái bàn ăn. Trên đó đủ chỗ cho khoảng sáu người leo núi đứng và thưởng thức ngắm cảnh có một không hai này, mặc dù vào những ngày có đông người, các tay leo núi phải thay phiên nhường nhau mỗi người ít phút để thực sự được đứng trên đỉnh cao nhất của thế giới.

Leo núi là môn thể thao đầy thử thách. Leo lên tới đỉnh Everest có lẽ là thử thách cao nhất. Nhưng tâm lý con người nói chung, càng khó khăn thử thách bao nhiêu thì lại càng hấp dẫn người ta bấy nhiêu. Do đó, mỗi năm lại có nhiều trăm người tìm đến chân ngọn núi để cố gắng một lần leo lên tới đỉnh Everest.

Đường lên đỉnh – nguồn PBS

VT