Tiếp tục truyền thống lâu nay, tại Olympic Tokyo 2020 vừa qua, phái đoàn Hoa Kỳ cũng dẫn đầu xa lắc. Ai nấy đều biết Team USA mãnh lực rất lớn, với ưu thế trải đều ở nhiều môn tranh tài khác nhau. Điều ít thấy nhắc tới là Hoa Kỳ không chỉ giỏi cho riêng mình, mà còn dang tay trợ giúp cả thế giới.

Jessica Hull, Maria Sharapova, Naomi Osaka
Trên thực tế, có rất nhiều lực sĩ về pháp lý là thường trú nhân USA, thậm chí có những người mang song tịch. Không ít nhân tài thể thao trên thế giới được gởi sang huấn luyện tại các trung tâm thể thao tân kỳ của Hoa Kỳ từ lúc tuổi nhỏ (có cả người từ VN ngày nay). Nhiều lực sĩ quanh năm suốt tháng ăn ở tập luyện tại Hoa Kỳ để tranh tài cho nước họ. Hai gương mặt rất quen thuộc là Maria Sharapova và Naomi Osaka. Thời còn cầm vợt, Sharapova luôn tranh tài lấy tư cách lực sĩ nước Nga, mặc dù cô đã trở thành thường trú nhân USA từ 1994, vài năm trước khi khởi sự đời banh nỉ nhà nghề (2000-2020). Còn Naomi Osaka ra đời ở Nhật (cha Haiti mẹ Nhật) nhưng từ 3 tuổi đã sang Hoa Kỳ sanh sống, tập luyện tennis. Năm nay, Osaka còn mua phần hùn làm đồng chủ nhân đội đá banh nữ North Carolina Courage. Mặc dù vậy, chánh thức Naomi Osaka tranh tài dưới màu áo Nhật.
Tiền đạo Christine Sinclair, 38 tuổi, là thủ lãnh của đội banh nữ quốc gia Canada suốt hai thập niên qua, nhưng cũng có bấy nhiêu năm đá banh thời sinh viên đại học University of Portland cũng như chơi nhà nghề ngay tại Hoa Kỳ. Ảnh Silvia Izquierdo / The Associated Press
Có thể kể nhiều tên tuổi khác. Tay đua người Canada chuyên trị cự ly trung bình (5,000m & 10,000m), Moh Ahmed, 30 tuổi, từng dự tranh Olympic 3 lần, mới vừa giật huy chương bạc TVH Tokyo 2020 trên đường chạy 5000 m, nhưng nhiều năm qua vẫn tập luyện tại câu lạc bộ điền kinh Bowerman Track Club ở thành phố Portland tiểu bang Oregon. Bên nữ có kình ngư người Úc Jessica Hull, 24 tuổi, 4 năm học đại học (2016-19) từng là thành viên đội thể thao Oregon Duck của ÐH University of Oregon. Tại TVH Tokyo 2020, trên đường bơi 1,500m, tuy không giật huy chương, nhưng Jessica Hull cũng kịp thiết lập kỷ lục mới cho Úc Châu. Ðội điền kinh Anh Quốc có mặt tay đua nữ Amy-Eloise Markovc, 26 tuổi, chạy cự ly trung bình, huy chương vàng Âu Châu giải Torun 2021 đường chạy 3,000m, nhưng thời sinh viên Amy-Eloise Markovc lại theo học ÐH University of Washington và khoác áo đội Husky của trường này. Ðội banh rổ nữ quốc gia Úc có mặt đấu thủ Stephanie Talbot, 27 tuổi, từng dự tranh hai kỳ TVH trong màu áo Úc Châu, song kỳ thực chỉ sống ở Sydney bên Úc cho tới tuổi đi học thì dọn nhà sang Seattle, lên đại học chơi cho ÐH University of Washington, rồi đánh PRO Basketball WNBA. Kỳ cựu bậc nhất có lẽ là nữ tiền đạo đá banh Christine Sinclair, 38 tuổi, chân sút thủ lãnh của đội banh nữ quốc gia Canada suốt 20 năm. Tính luôn TVH Tokyo 2020 là kỳ Olympic thứ tư Sinclair khoác áo nữ Canada, chưa kể 5 lần tranh hùng World Cup nữ, và không dưới 7 lần được vô danh sách FIFA đề cử cầu thủ nữ hay nhất trong năm. Trên thực tế thì bao nhiêu năm qua Christine Sinclair chỉ đá banh tại Hoa Kỳ, từ thời sinh viên đại học University of Portland rồi nay là đội Portland Thorns.
Tay ném người Úc, Stephanie Talbot, 27 tuổi, chơi banh rổ nhà nghề Hoa Kỳ WNBA từ năm 2014. Ảnh commons.wikimedia.org
Tại các kỳ Olympic, kể cả Tokyo 2020 vừa qua, nhiều lực sĩ từng đoạt huy chương Olympic cho những nước “khác” song thực sự đã có nhiều năm rèn luyện và tranh tài trong khuôn khổ Hiệp Hội Thể Thao Ðại Học Quốc Gia – NCAA – National Collegiate Athletic Association – hùng mạnh nhất thế giới. TVH Tokyo 2020 đón trên 1,000 lực sĩ đang hoặc từng tranh tài trong khuôn khổ NCAA đại diện trên 100 quốc gia. Kỳ TVH Rio de Janeiro 2016 cũng vậy, trên 100 nước ghi danh lực sĩ trưởng thành từ lò NCAA. Ðại Học Stanford University, nếu có thể tính như một quốc gia riêng, thì dễ dàng và thường xuyên chiếm giữ 10 hạng đầu, vì các lực sĩ sinh viên Stanford đến nay đem về 153 vàng 81 bạc 302 đồng trên đấu trường Olympic (để dễ đối chiếu, cả nước VN từ xưa tới nay thắng 1 vàng 3 bạc 1 đồng). Trường Ðại Học University of Miami lâu nay rất nổi tiếng với các chương trình huấn luyện “Diving”, đến nỗi có hỗn danh “the NATO of diving.” Cũng tại TVH Tokyo 2020 vừa qua, chỉ riêng đội chèo thuyền Husky của ÐH University of Washington đã góp 11 tay chèo thuyền tranh tài cho 5 nước: Úc, Ý, Anh, New Zealand và Hòa Lan. Bên làng điền kinh, lâu nay có thông lệ các tay đua sinh viên người Anh thích xin về các đại học ở Louisville tiểu bang Kentucky; người Úc lại thích Phoenix tiểu bang Arizona; các tay đua người Mỹ Latinh thì chuộng vùng sơn cước Boulder tiểu bang Colorado; còn các tay đua Phi Châu thường thích rủ nhau sang Albuquerque tiểu bang New Mexico.
Trung tâm bơi lội International Swimming Hall of Fame ở Fort Lauderdale tiểu bang Florida. Ảnh www.fortlauderdale.gov
Lực sĩ trên toàn thế giới chuộng Hiệp Hội Thể Thao Ðại Học Quốc Gia – NCAA vì nhiều lý do. Các trường đại học Hoa Kỳ hằng năm dành trên $5 tỉ ngân sách cho thể thao sinh viên. Có thể nói NCAA là môi trường duy nhất trên thế giới, vừa có nguồn học bổng hậu hĩnh bảo đảm sinh viên lấy được bằng đại học, lại vừa có thể tiếp tục thi triển năng khiếu thể thao. Lực sĩ sinh viên ngoại quốc được tập luyện, chăm sóc sức khỏe, và thọ hưởng nền giáo dục bậc nhất thế giới. Những cơ sở thể thao của Hoa Kỳ cũng không đâu sánh bằng, thí dụ như trung tâm bơi lội International Swimming Hall of Fame ở thành phố biển Fort Lauderdale tiểu bang Florida.
Một lý do nữa có nguồn cơn từ Ủy Ban Olympic Quốc Tế. IOC quy định các quốc gia được chọn lực sĩ mang song tịch. Rất nhiều lực sĩ tận dụng sự rộng rãi này, mặc dù năm này tháng khác ăn học, tập luyện, sanh sống… tại Hoa Kỳ, nhưng mỗi khi tới kỳ tranh tài lớn, nhất là Olympic hay World Cup, thì đều lục tục… quy cố hương. Nỗi niềm ái quốc là một lẽ, nhưng một lý do đơn giản hơn nhiều là nếu ở lại với Hoa Kỳ chưa chắc họ đã đủ điều kiện được chọn vô Team USA. Những chuyện lực sĩ là bạn thân, cùng “một lò” Hoa Kỳ, nhưng tới Olympic thoắt trở nên… khác chiến tuyến là điều rất thường gặp. Một giai thoại thể thao về kỳ TVH Montreal 1976, thời hoàng kim của bơi lội Hoa Kỳ, khi Team USA giật gần trọn bộ huy chương vàng, chỉ chừa đúng một chiếc cho tay bơi người Anh, David Wilkie, người chiến thắng 200m bơi ếch. Ðiều ít được kể là Wilkie bầu bạn với cả đội bơi Hoa Kỳ vì cùng ăn học và tập luyện tại Ðại Học University of Miami.
Cơ sở huấn luyện “Diving” trứ danh của ĐH University of Miami. Ảnh miamihurricanes.com
Câu chuyện lực sĩ ngoại quốc, chuyện kẻ trong người ngoài, cũng không tránh khỏi rắc rối đôi khi. Hoa Kỳ là một xứ sở hào hiệp và nền thể thao cũng như vậy. Tuy nhiên vẫn cần sự cân bằng. Mỗi năm khoảng 1,500 lực sĩ sinh viên ngoại quốc tranh tài thể thao trong khuôn khổ NCAA. Tính theo chu kỳ 4 năm Olympic thì cả thảy 6,000 lực sĩ là “người ngoài”. Cũng có nghĩa chừng đó 6,000 lực sĩ trẻ Hoa Kỳ mất cơ hội học bổng lẫn tranh tài. Chưa kể không ít lần các lực sĩ, HLV, lẫn khán giả Hoa Kỳ trái tim tan nát cảnh “nuôi ong tay áo”, khi bị thua về tay các lực sĩ ngoại quốc vẫn ngày ngày tập luyện chung với mình.
TTD