Có một điều khó tranh cãi: Thế Vận Hội Mùa Hè Tokyo 2020, sự kiện thể thao lớn nhất trong năm qua, là độc nhất vô nhị, có thể không bao giờ lặp lại.

National Stadium trống trơn. Ảnh AP

Sau một năm đình hoãn vì đại dịch cúm Tàu, Olympic Tokyo cuối cùng khai mạc ngày 23/7 và bế mạc ngày 8/8/2021. Dù vậy, tên gọi chánh thức trên phương diện truyền thông vẫn là “Thế Vận Hội 2020”. Mặc dù các lực sĩ người Nhật đoạt tới 27 huy chương vàng và 58 tổng cộng, cả hai kỷ lục vừa mới thiết lập, có thể nói TVH Tokyo 2020 để lại di sản vui buồn lẫn lộn. Du lịch vốn là một lợi thế của Nhật, theo như lệ thường, Olympic là cơ hội khuếch trương lợi nhuận du lịch thập phần, nhưng kỳ này nước Nhật quá xui, bị CoronaVirus quậy dữ, khiến đường sá, vận động trường vắng hoe du khách lẫn khán giả. Cũng như lệ thường, các khoản thu từ tiền vé vào cửa, bản quyền TV, tài trợ, quảng cáo… đều hứa hẹn lợi nhuận kếch xù. Tuy nhiên, với du khách/khán giả ngoại quốc bị cấm cửa suốt thời gian diễn ra TVH, lúc cả nước Nhật trong tình trạng báo động khẩn cấp, số tiền thu về thật khiêm tốn, chưa chắc đã đủ để trang trải tốn kém đầu tư xây sân National Stadium $1.6 tỉ, thêm chi phí tu trì/bảo hành trung bình mỗi năm $22 triệu.

Tokyo mùa Olympic. Ảnh www.mironline.ca

Trong khi đó, tốn kém tổ chức TVH Tokyo 2020 vọt lên lẹ hơn hỏa tiễn sau khi ban tổ chức đưa ra ngân sách khởi điểm $7.5 tỉ. Theo một phúc trình tài chánh mới đây của chánh phủ Nhật, chi phí chung cuộc, tính luôn thiệt hại do cúm Tàu, có thể lên tới $27 tỉ.  Chắc chắn Olympic Tokyo 2020 là sự kiện tốn kém nhất cho nước Nhật trong suốt thập niên qua. Không có gì khó hiểu khi các thăm dò dân ý tiền Olympic đều đặn cho thấy 70-80 phần trăm người Nhật bất ưng TVH, muốn chánh phủ và BTC huỷ bỏ Olympics. Ða số dân chúng cho là sai lầm khi vẫn tổ chức Olympic giữa lúc nước nhà xất bất xang bang vì CoronaVirus. Nhiều dư luận còn hồ nghi $27 tỉ tiền thuế của dân Nhật có phải là thỏa đáng không, thay vì dùng để xây 300 nhà thương tân kỳ, mở thêm 1,200 trường học mới tinh, hoặc yểm trợ nửa triệu trẻ em đang độ tuổi còn đi học.

Khán giả Nhật. Ảnh AP

Câu chuyện mới nhất của Tokyo gợi nhớ những thua lỗ tài chánh từ thời Rio de Janeiro 2016, Los Angeles 1984, Montreal 1976… Các thành phố lớn luôn lỗ lã nhiều triệu Mỹ Kim sau khi đón Olympic, khiến cả nền kinh tế bị trì trệ nhiều năm sau đó. Những kỳ TVH suốt hai thập niên qua đến nay vẫn còn phải cày bừa để trả nợ. Trường hợp Montreal-Canada bi đát nhất, phải mất hơn bốn thập niên mới trả hết nợ từ hồi 1976 tổ chức Olympic. Cái “dớp” này khiến nhiều thành phố ngại tổ chức Olympic vì sợ tốn kém, vô tình gợi lại cuộc tranh luận về chuyện chỉ nên ủy quyền tổ chức TVH cho một thành phố duy nhất, gọi là “Permanent Olympic City”. Ngay từ kỳ TVH tiên khởi năm 1896, Hy Lạp đã đề xướng chỉ nên dành cho Athen tổ chức Olympic. Phái đoàn Hoa Kỳ từ lúc đó đã đồng ý, nhưng đa số trên thế giới phản bác, cho rằng bất công.

Team USA. Ảnh Getty Images

Hoàn cảnh thế giới thay đổi, rất có thể sẽ thúc đẩy Ủy Ban Olympic Quốc Tế IOC cân nhắc giao quyền tổ chức Olympic trường kỳ cho Hoa Kỳ hay Nhật chẳng hạn. Ðô thành Tokyo và vùng phụ cận đông dân nhất thế giới, với chừng 37.5 triệu người, đã tổ chức tốt TVH lần này giữa vô vàn khốn khó dịch bệnh, chưa kể khoảng 200 chuyên viên thượng thặng về Cyber Security đã giúp phá 500 triệu vụ tin tặc tấn công vào hệ thống Computer của nước chủ nhà. Ban tổ chức TVH Tokyo 2020 còn được ca ngợi là hài hòa với môi trường thiên nhiên. Toàn bộ huy chương vàng-bạc-đồng của Olympic lần này được tái chế từ hằng triệu điện thoại và thiết bị điện tử phế thải. Nệm & giường của lực sĩ trong Làng Thế Vận Hội đều được ép tái chế từ vỏ thùng giấy cũ. Các chiếc bục trao huy chương làm từ vật liệu nhựa tái chế. Vỏ đuốc TVH được đúc thành nhờ Aluminum tái chế từ các khu gia cư tạm thời chánh phủ Nhật xây cho nhân viên cứu trợ khẩn cấp trú ngụ sau tai nạn hạch tâm Fukushima năm 2011. Ngay cả điện năng cần dùng cho Tokyo Olympic cũng 100% là năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió…) Tất cả những yếu tố này giúp tôn lên vị thế của thủ đô Tokyo của Nhật như mẫu hình lý tưởng cho các Olympic tương lai.

Lễ Bế Mạc TVH Tokyo 2020. Ảnh Xinhua

Về lâu dài, rất có thể TVH Tokyo 2020 sẽ giúp nâng vị thế nước Nhật trên trường quốc tế, cũng không khác lắm kỳ Olympic 1964, thời điểm người Nhật khiến cả thế giới ngỡ ngàng không chỉ với mãnh lực kinh tế mà cả kỹ thuật tân tiến chỉ không đầy hai mươi năm sau khi phục sinh từ tro tàn Ðệ Nhị Thế Chiến. Giờ đây, cũng đúng hai thập niên sau khi bước vào thế kỷ 21, TVH Tokyo 2020 trình diễn trước thế giới một quốc gia thoát thai từ bao năm tháng kinh tế trì trệ, từ thảm cảnh hạch tâm Fukushima sau trận động đất năm 2011—một nước Nhật hòa hiếu, vững chãi, tự tin bên trời Ðông Á, vẫn là đối trọng đáng gờm cho tham vọng China.

Dân Nhật phản đối Olympic. Ảnh Carl Court-Getty Images

TTD