Ở xứ Tây Ban Nha có một môn chơi không hẳn là thể thao nhưng cũng được khá đông người hưởng ứng. Mỗi năm nó chỉ xảy ra một lần, tại một địa điểm duy nhất, đó là môn Chọi Cà Chua.

nguồn festivaloffood.com    

Nói chính xác thì đây là một buổi lễ hội, được tổ chức tại ngôi làng Bunol [Bu-nhôn] trong vùng tự trị Valencia miền Ðông nước Tây Ban Nha, gần biển Ðịa Trung Hải. Hàng năm cứ đến cuối tháng 8 là người dân tứ xứ kéo về đây để tham dự lễ hội mang tên La Tomatina (cà chua trong tiếng Spanish là ‘tomate’). Ngôi làng Bunol bình thường dân số chưa đến 10 ngàn người. Nhưng tới mùa La Tomatina nó phình lên đến 3-4 chục ngàn như chơi.

Theo thống kê của thành phố, mỗi kỳ lễ hội như vậy người ta phải chở hơn 100 ngàn kí lô cà chua đến cho thiên hạ chọi nhau. Già trẻ bé lớn gì cũng có thể tham gia. Người người đứng đầy hai bên đường, chẳng khác nào Mardi Gras ở New Orleans, và có những xe truck chở cà chua chạy lòng vòng thảy cà chua xuống. Ðể tránh tai nạn xảy ra, thành phố ra một số quy định như sau:

Lễ hội “Gigantes y Cabezudos” tại San Sebastian năm 1927-Kutxa Fototeka

  1. Bóp cho quả cà nhẹp ra trước khi ném
  2. Không được ném những vật thể cứng như chai lọ
  3. Không được ném áo thun hoặc kéo rách áo người khác (nhất là phụ nữ)
  4. Giữ khoảng cách an toàn với các chiếc xe truck
  5. Ngưng ném khi nghe còi báo hiệu lần thứ nhì (lần thứ nhất là hiệu lệnh bắt đầu cuộc chiến cà chua)

Gọi là “cuộc chiến cà chua” vì quả thật đây là một trận chiến giữa tất cả mọi người, không chia phe chia phái. Ai cũng là chiến binh. Ai cũng phải tự vệ và tự tấn công. Và tất cả mọi người đều vui vẻ tham gia trong tinh thần thượng võ. Nói theo kiểu Bùi Giáng là “Vui thôi mà!”

Ném không chưa đã Chơi luôn sốt cà (Bunol, 2016) nguồn: AP

Thường thì trận đánh kéo dài độ 1 tiếng đồng hồ. Sau đó sẽ có những chiếc xe vòi rồng đi quanh xịt nước cho sạch hết mọi thứ. Vì trong cà chua chứa nhiều chất acid nên sau khi gột rửa ngôi làng được cho là sạch  hơn bình thường. Nhiều người cũng nhân dịp này đứng nán lại cho vòi rồng gội bớt cà chua trên người. Nhưng để cho thiệt sạch người ta thường lội xuống hồ “Los Penones” gần đó để tắm gội.

La Tomatina chỉ mới xuất hiện từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến, nhưng nó có một nguồn gốc khá ly kỳ. Số là từ giữa thế kỷ thứ 13, người Tây Ban Nha có một lễ hội hàng năm gọi là “Gigantes y Cabezudos” (Người khổng lồ và Người đầu bự). Ðây là một ngày lễ mang tính cách tôn giáo. Người khổng lồ được làm bằng gỗ và giấy bồi, cao vài mét, tay và đầu có thể nhúc nhích. Mỗi người khổng lồ được một người ở bên trong điều khiển để có thể vừa đi vừa lúc lắc.

Họ diễn hành qua các con đường làng. Mỗi địa phương tự chế ra các nhân vật khác nhau tùy theo phong tục mỗi miền. Thuở ban đầu các người khổng lồ thường mang hình thù rồng, rắn, ngạ quỷ… để tượng trưng cho các thử thách của Chúa Giê-su. Về sau người ta tạo ra thêm các nhân vật mới như Thần Làng, những nhân vật nổi tiếng, hay các vị lãnh chúa quanh vùng v.v. Ðặc biệt bao giờ cũng phải có một cặp nam nữ khổng lồ, vừa đi vừa múa may theo điệu nhạc của các ban nhạc nhà vườn. Một số nơi còn soạn ra các vở nhạc kịch ngắn dựa trên những nhân vật khổng lồ của mình để diễn cho bá tánh xem.

La Tomatina phiên bản Á Châu. nguồn: SCMP

Còn Cabezudos là người nộm kích cỡ bằng người thường nhưng với chiếc đầu thật to. Chiếc đầu này được làm bằng giấy bồi (giống như ông Ðịa của Tết Trung-Thu bên ta nhưng bự hơn) và có khi dùng cả thạch cao. Và cũng giống như Gigantes, ở mỗi vùng người ta chế tác ra các nhân vật khác nhau cho Cabezudos của mình.

Năm 1945, trong một buổi lễ hội tại Bunol, một nhóm trai trẻ nhập bọn với ban nhạc đang diễn hành. Chúng đùa giỡn sao đó mà làm rớt chiếc đầu giả của một người Cabezudos. Nổi xung, ông ta chạy rượt đám đông và không may tông vào một quầy hàng bán cà chua bên đường. Cà chua đổ ra vương vãi khắp nơi. Dân làng thấy vậy bèn lượm cà chua lên ném tứ tung vào nhau; cảnh sát đến dẹp họ mới ngưng.

Tưởng vậy là xong, ai ngờ năm sau một số thanh niên bày ra một trận đấu cà chua tại lễ hội. Họ lén đem cà từ nhà tới, và chiến cuộc một lần nữa nổ ra, kỳ này là do cố ý. Và cũng phải nhờ cảnh sát dẹp chúng mới chịu thôi. Nhưng có lẽ vì dân làng thấy “vụ này hơi vui nha bây!” nên từ đó về sau cứ đến lễ Gigantes là ai nấy tự động đem cà chua tới để chọi nhau.

Du khách tắm cà chua ở Bunol, 2016. nguồn AP

Thấy không ổn, sang thập niên 1950 nhà chức trách ra lệnh cấm trò chọi cà chua, ai tham dự sẽ bị bắt bỏ bót. Nhưng điều đó lại càng làm cho công chúng bất mãn. Dân làng xuống đường phản đối dữ dội, thành phố buộc phải lùi bước trước khí thế dũng mãnh của bà con.  Thế là La Tomatina nghiễm nhiên trở thành một truyền thống của Bunol, người tham gia ngày càng đông và cuộc chiến mỗi năm lại càng sôi động hơn. Giờ thì La Tomatina đã được Cục Du Lịch nhà nước trao cho danh hiệu Lễ Hội Có Tầm Vóc Quốc Tế, và hàng năm hốt được thêm một mớ bạc từ du khách khắp nơi đổ về.

Thế mới biết, ném cà chua coi vậy cũng kiếm ra tiền. Thấy La Tomatina vui vui, nhiều nơi khác cũng bắt chước. Từ năm 1982 thành phố Twin Lakes ở Colorado đã tổ chức một “cuộc chiến cà chua” hàng năm với Texas, gọi là “Colorado-Texas Tomato War”. Phe Texas dựng lên một căn cứ quân sự bằng rơm và đặt tên là “The Alamo” để chống cự (và thường là thua thê thảm, y như lịch sử từng ghi). Ở Colombia, Nam Mỹ, người dân vùng Sutamarchan cũng có lễ hội Chọi Cà Chua vào tháng 6, sau mùa thu hoạch. Costa Rica xưa nay đã có Hội Chợ Cà Chua hàng năm, nhân dịp này người ta cũng bày ra trò chọi nhau cho xôm tụ. Thậm chí ở Quảng Ðông, Trung Quốc, cũng có một lễ Chọi Cà Chua vào ngày 19 tháng 10 hàng năm. Nghe nói mỗi lần như vậy dân Tàu xài tới cả 15 tấn cà!

Còn ở Việt Nam thì sao? Tưởng tượng nếu có ai bày trò chọi cà chua (hay trứng thối) vào hình nộm các nhà lãnh đạo thì bảo đảm dân ta sẽ hưởng ứng nhiệt tình. Chỉ sợ không đủ cà để ném mà thôi!

BB