Có thể nói giấc mơ của mọi cầu thủ đá banh là được có lần thi thố trên đấu trường World Cup. Lịch sử World Cup gắn liền với nhiều tên tuổi được xếp vào hàng các chân sút hay nhất trên làng banh thế giới xưa nay.

Bernd Schuster (áo tráng). Ảnh Gettyimages    

Thủ thành kiệt xuất nhất, Lev Yashin, trấn giữ khung thành của Liên Bang Sô Viết – CCCP – vào thời điểm vàng son: hạng tư World Cup 1962, vào tứ kết World Cup 1966 và World Cup 1970. Cặp người nhện trứ danh của Ý, Dino Zoff & Gianluigi Buffon, cũng từng giật cúp vàng World Cup 1982 (Zoff) và World Cup 2006 (Buffon). Sát thủ xé lưới CRISTIANO RONALDO, với biệt hiệu CR7 trở nên nổi tiếng toàn cầu thời buổi “Social Media”, là thủ lãnh của Bồ Ðào Nha “Portugal” trong 4 kỳ World Cup gần đây nhất (2006, 2010, 2014, và 2018). Các siêu sao từng nắm giữ số áo #10 huyền thoại như cầu vương Pelé (Brazil 1958,1962,1970), quái kiệt đá banh Diego Maradona (Agentinia 1986), hay siêu sao Zinedine Zidane (Pháp 1998), đều từng dẫn dắt đội banh quốc gia của mình lên đỉnh cao World Cup. Còn Michel Platini (Pháp), Roberto Baggio (Ý), Lionel Messi (Argentina), cùng với số #14 huyền thoại Hòa Lan JOHAN CRUYFF, tuy chưa giật cúp vàng World Cup nhưng cũng từng tung hoành ngang dọc đấu trường này, làm khán giả nhớ mãi: Michel Platini 3 lần (1978, 1982, 1986), Baggio 3 lần (1990, 1994, 1998), Lionel Messi 4 lần (2006, 2010, 2014, 2018), hoặc như CRUYFF nhạc trưởng trong đội hình Hòa Lan mê hoặc cầu trường World Cup 1974 với chiến thuật “Ðá Banh Tổng Lực” (Total Football).

Tuy nhiên, World Cup cũng phải lỡ hẹn với một số chân sút kiệt xuất. Họ tài hoa và mê hoặc cầu trường, thành công trên mọi phương diện với các câu lạc bộ, nhưng luôn… vô duyên với World Cup. Vì nhiều lý do, trong đó có chuyện đời cầu thủ ngắn ngủi mà World Cup chỉ tổ chức mỗi 4 năm 1 lần, có khi cá nhân cầu thủ giỏi hơn người nhưng đội banh quốc gia họ đại diện lại quá yếu, hoặc chỉ đơn giản là sự đời may rủi.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

GARETH BALE

Tay chạy cánh #11 khét tiếng của Real Madrid là một trong những chân sút giỏi nhất trong thế hệ cầu thủ đá banh hiện thời, nhưng đến nay chưa hề ra mắt đấu trường World Cup vì Xứ Wales là đội banh tí hon ở Âu Châu. Dù có Bale tả xung hữu đột suốt thập niên qua, họ vẫn không lọt vào chung kết World Cup. Ðến nỗi, hơn một lần Bale cân nhắc xin FIFA đổi sang khoác áo Anh Quốc mong được nếm mùi World Cup. Trước Gareth Bale, từng có hai đàn anh lẫy lừng khác của Xứ Wales cũng chưa hề dự World Cup. Ryan Giggs (cuối 1980 tới đầu 2010) đá 963 trận cho Manchester United, 13 lần vô địch nước Anh, là người giữ kỷ lục 162 lần chuyền banh giúp đồng đội tung lưới trong khuôn khổ English Premier League. Hoặc như Ian Rush thời 1980-1990 ghi bàn như máy, giúp Liverpool thời đó  2 lần vô địch Âu Châu và 5 lần vô địch Anh Quốc.

ERIC CANTONA

Sir Alex Ferguson từng gọi Eric Cantona là 1 trong 4 cầu thủ giỏi nhất mà ông từng huấn luyện. Các mùa banh từ 1992–1997, Cantona đá 143 trận cho Manchester United, có 64 lần tung lưới. Nhưng Cantona cũng sớm treo giày khi tuổi mới 30. Cantona cũng chỉ có vỏn vẹn 45 lần khoác áo đội banh quốc gia Pháp trong thập niên 1990 kỳ lạ. Vòng loại World Cup 1990, Pháp xếp sau, kém Scotland có 1 điểm, đành lỡ hẹn nước Ý. Vòng loại World Cup 1994, Pháp chỉ cần thêm 1 điểm trong hai trận cuối, đều đá trên sân nhà. Hai trận đụng những đội làng nhàng là Do Thái “Israel” và Bulgaria, họ đều ghi bàn trước, nhưng đều để đối phương lội ngược dòng, đá bại vào những phút chót. Ðến World Cup 1998, Pháp làm chủ nhà, nhưng tới lúc đó Eric Cantona đã bị thất sủng. Ngôi sao trẻ Zinedine Zidane chiếm chỗ, đưa nước Pháp lên bục cao nhất.

Eric Cantona (#7) Ảnh pinterest.com

GEORGE WEAH

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Cầu thủ Phi Châu giỏi nhất xưa nay. Năm 1995, Weah đoạt giải Trái Banh Vàng Ballon d’Or, cùng lúc được FIFA vinh danh là chân sút hay nhất thế giới “World Player of the Year”, trở nên cầu thủ Phi Châu đầu tiên và duy nhất cho đến nay đạt được cả hai thành tích này trong cùng một năm. Hết nghiệp cầu thủ nhà nghề 14 năm, Weah chơi cho Monaco, Paris Saint-Germain, AC Milan, Chelsea, Manchester City, Marseille, giật 11 chiếc cúp khác nhau tại cả 3 nước Ý, Pháp, Anh. Tuy nhiên, quê hương Liberia lại là một xứ tí hon trên bản đồ đá banh thế giới. Chỉ nhờ có George Weah mà họ hai lần mon men xém được đi World Cup: 1990 và nhất là 2002. Vòng loại World Cup 2002, đã vào buổi xế chiều, ở tuổi 36, Weah vẫn dẫn dắt Liberia đi tới trận cuối cùng, cần chỉ 1 điểm để dự World Cup, nhưng Liberia vẫn chịu thua Ghana ngay trên sân nhà.

George Weah. Ảnh www.dailymotion.com

GEORGE BEST

Tay chạy cánh khét tiếng của Manchester United trong thập niên 1960, đá hay cả 2 chân, lanh lợi, mau lẹ, không hậu vệ nào kèm nổi Best trong cảnh một chọi một. Bất lợi duy nhất của Best chắc chỉ là nguồn gốc dân Bắc Ái Nhĩ Lan (Northern Ireland). Vòng loại World Cup 1966, trong trận chót, họ chỉ cần thắng người tí hon Albania, nhưng lại để đối phương gỡ hòa phút 77 (cũng là điểm duy nhất của Albania trong vòng loại lần đó). Vòng loại World Cup 1970, trận sau cùng Bắc Ireland phải bay sang Moscow, cần thủ hòa, nhưng phải chào thua CCCP 0-2. Năm 1977, George Best mệt mỏi, tuyên bố nghỉ không đá cho đội banh quốc gia nữa. Chỉ đến khi đó, Northern Ireland được đi World Cup 1982 (vào vòng 2) và lần nữa năm 1986.

George Best. Ảnh EMPICS Sport

BERND SCHUSTER

Ðây là trường hợp kỳ lạ bậc nhất. Quốc tịch Ðức, song đời cầu thủ nhà nghề của Bernd Schuster diễn ra tại Tây Ban Nha, qua các đội Barcelona, Real Madrid và Athletico Madrid (vô địch La Liga với Barcelona & Real Madrid). Ở Barcelona, tới ngày nay, dân chúng vẫn thương mến gọi Schuster là “Blond Angel” (tạm dịch thiên thần tóc vàng). Nhưng cái tên Bernd Schuster chưa từng xuất hiện trên đấu trường World Cup. Ở tuổi 22, Schuster đã được ca ngợi là chân sút người Ðức sáng giá nhất mọi thời, sau khi giúp đội Ðức vô địch Âu Châu 1980. Tới World Cup 1982, Schuster bị bể đầu gối phải chầu rìa. Tiếp theo, sau nhiều cãi vã với đồng đội và liên đoàn đá banh nước Ðức “German FA”, Bernd Schuster đơn phương tuyên bố ly khai với đội banh quốc gia khi mới 24 tuổi. Tới lúc huyền thoại Franz Beckenbauer làm HLV Ðức tại World Cup 1986, cố thuyết phục Bernd Schuster trở lại, nhưng vẫn bị từ chối. Cả 2 kỳ World Cup 1982&1986 người Ðức đều về nhì (thua Ý 1-3 năm 1982, và thua Argentina 2-3 năm 1986), không ai nói được sự thể ra sao nếu Ðức có Bernd Schuster.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

ALFREDO DI STEFANO

Khét tiếng với tài chuyền banh như đặt, Di Stefano có 5 lần vô địch Âu Châu trong màu áo Real Madrid, tung lưới 376 lần trong 522 trận banh. Di Stefano được xếp vào hàng những chân sút giỏi nhất xưa nay, ngang hàng với  Pele, Maradona, Cruyff v.v. Alfredo Di Stefano cũng là chân sút duy nhất trong danh sách này từng khoác áo đại diện 3 quốc gia khác nhau (Argentina, Colombia, Tây Ban Nha), và được cả 3 nước trọng vọng. Nhưng Di Stefano cũng xui xẻo bậc nhất, thường lâm cảnh mà Anh ngữ gọi là “Wrong-place at the Wrong-time” (tạm dịch trật chỗ trật lúc). Chào đời tại Buenos Aires, Di Stefano từ cuối thập niên 1940 đá cho Argentina nhưng họ tẩy chay World Cup 1950. Tới World Cup 1954, Di Stefano đổi sang quốc tịch Colombia, bị FIFA xem là vi phạm điều lệ. Ðến World Cup 1958, Di Stefano vào quốc tịch Tây Ban Nha thì nước này không qua nổi vòng loại. Cuối cùng, Di Stefano cũng được Tây Ban Nha ghi danh đi đá World Cup 1962, nhưng lại bị chấn thương, không ra sân đá phút nào.

Di Stefano (trái). Ảnh EPA

TTD