Gary Woodland vừa đoạt giải U.S. Open 2019, phá kỷ lục của Tiger Woods trên sân Pebble Beach huyền thoại. Càng khó tin hơn nữa là thành công của chàng golfer vô danh này có sự trợ giúp của một cô gái tật nguyền…

Năm nay đã 35 tuổi, Gary Woodland không phải là một golfer nổi danh. Tuy được biết đến trong làng banh chuyên nghiệp là một tay gậy khá, nhưng Woodland không được xếp vào hàng siêu đẳng như Tiger Woods hay Brooks Koepka. Trước giờ anh chỉ mới thắng 3 giải PGA, nghĩa là cũng không đến nỗi dở – nhiều người chơi cả đời không được giải nào. Chiến thắng gần đây nhất của Woodland là giải Phoenix Open vào tháng Hai năm 2018. Cũng tại Phoenix đầu năm 2019, cơ duyên đã đưa đẩy nhà đương kim vô địch đến với Amy Bockerstette.

Amy là một cô gái 20 tuổi mắc bệnh Down, đồng thời là thành viên của đội golf nữ của trường Paradise Valley Community College gần Phoenix, Arizona. Amy được mời chơi với Woodland ngày Thứ Tư (trước khi giải Phoenix Open chính thức khai mạc vào ngày Thứ Năm.) Tại lỗ 16, mệnh danh “The Stadium Hole” vì được vây quanh bởi ba khán đài lớn, Amy đã làm cho mọi người sửng sốt khi cô chỉ mất 3 cú để đưa banh vào lỗ par-3 cực khó này. Sau khi cú thứ nhất (117 yards) của Amy rơi vào ụ cát bunker, Woodland hỏi ướm, “Có chắc Amy muốn đánh ra từ đó không?” “Chắc chứ,” Amy trả lời. “I got this!”

Gary Woodland và Amy Bockerstette tại lỗ số 16 – nguồn people

Nói xong, Amy bình tĩnh bước vào ụ cát và nhẹ nhàng quất trái banh lên sàn green, ngừng cách lỗ chừng 3 mét. Khán giả vỗ tay ầm ĩ; Woodland phấn khích thấy rõ. Anh đưa cây gậy putter cho Amy. Cô nói, “I got this.” Xong cô hít một hơi dài, bước đến và đùa trái banh vào ngay giữa – chẳng khác nào một tay pro chính hiệu. Khán trường nổ tung. Woodland không kềm nổi xúc động, anh ôm chầm lấy Amy và nói, “Quá tuyệt vời! Em là niềm phấn khởi và hy vọng cho tôi!” Video clip này đã nhanh chóng lan truyền trên mạng, và tới giờ phút này đã có gần 10 triệu lượt xem!!

Kể từ hôm ấy Gary và Amy trở thành đôi bạn thân qua Internet. Hôm tuần rồi, khi hay tin Woodland đang dẫn đầu giải U.S. Open, Amy theo dõi sát người bạn mình trên TV. Ngày cuối cùng, khi đương kim vô địch hai năm liền Brooks Koepka sẽ bắt kịp Woodland, Amy vừa coi TV vừa hét: “You got this, Gary! You got this!” Phần mình, Woodland kể lại lúc đó trong đầu anh luôn nghĩ tới Amy và tự nhủ “I got this! I got this!” Câu thần chú đơn sơ nhưng hiệu nghiệm ấy đã giúp Woodland giữ bình tĩnh, quên hết mọi chuyện xung quanh và kết thúc bằng những cú quất tuyệt đẹp, đè bẹp quán quân Brooks Koepka 3 gậy với số điểm -13, qua mặt luôn kỷ lục -12 của Tiger Woods trong giải U.S. Open cũng tại sân này cách đây 19 năm.

Amy – Nguồn ESPN

Năm 2008, khi mẹ Amy mang bầu bà đã có linh cảm con mình sẽ không bình thường vì lúc ấy bà đã 38 tuổi. Ðến lúc Amy chào đời với căn bệnh Down thì hai vợ chồng bà đã buồn khổ ghê gớm. Joe, cha của Amy, thất vọng não nề vì biết mình sẽ không có cơ hội dẫn con mình đi chơi thể thao như bao nhiêu người bố khác. Người mắc bệnh Down không có sức khoẻ như người bình thường, họ mau mất sức và dễ bị xỉu nếu hoạt động quá độ. Tuy vậy từ nhỏ Amy đã chứng tỏ cá tính mạnh mẽ, yêu đời, yêu người và thích thể thao. Thấy vậy Bố Mẹ Amy cho con chơi đá banh, softball, khiêu vũ v.v. Dĩ nhiên chỉ ở mức độ vừa phải, và lúc nào cũng cần có người lớn bên cạnh để trông chừng.

Ðến năm Amy lên lớp 7, Joe Bockerstette tình cờ phát hiện con gái mình có cú đánh golf thật đẹp và tự nhiên. Thế là ông mướn thầy cho Amy. Không bao lâu sau Amy đã được chọn vào đội golf nữ của trường trung học. Tuy không được cho chơi nhiều vì đi bộ 18 lỗ là việc rất khó cho cô, nhưng nhờ sự ủng hộ hết mình của huấn luyện viên cùng bạn bè đồng đội, năm lên lớp 11 Amy đã có thể tự chơi 18 lỗ. Không những vậy, do trường cô tham dự hai giải vô địch trung học của tiểu bang nên Amy cũng được tham gia cùng. Ðối với ông bà Bockerstette thì đây là một thành quả ngoài sức tưởng tượng của họ.

Gary và Amy trở thành đôi bạn thân – nguồn golf digest

Nhưng rồi thực tế cũng đến với gia đình Bockerstette sau khi Amy ra trường. Bố Mẹ Amy không nghĩ con mình đủ sức học đại học nên họ bắt đầu chuẩn bị tinh thần cho con mình chọn việc học nghề. Hơn ai hết, họ biết chương trình đại học sẽ quá khó cho Amy. Nhưng sau nhiều tháng trời tìm tòi nghiên cứu, họ phát hiện trường Paradise Valley Community College (PVCC) có chương trình đặc biệt cho người khuyết tật; sinh viên chỉ cần học 6 giờ mỗi học kỳ là đủ tiêu chuẩn. Ðã vậy, PVCC còn có đội golf nữ. Thế là họ điền đơn ghi danh cho Amy.

Không những Amy được nhận, cô còn được PVCC cho học bổng toàn phần để chơi trong đội golf! Thế là bỗng nhiên Amy Bockerstette trở thành bệnh nhân Down đầu tiên được nhận học bổng golf trong lịch sử nước Mỹ (và có lẽ trên toàn thế giới!) Mặc dù trí lực không như người bình thường, Amy được đồng đội vô cùng quý mến vì lúc nào cô cũng lạc quan yêu đời, lúc nào cũng cổ vũ tinh thần cho các bạn mình. Trong những chuyến đi xa để tranh giải, trong xe Amy là người hay kể chuyện tếu để chọc cho mọi người cười, giúp giảm căng thẳng trước khi thi đấu hay để xả hơi sau cuộc tranh tài.

Amy Bockerstette, Gary Woodland và The Today Show – nguồn PGA tour on twitter

Thật ra người mắc bệnh Down tuy bị thua thiệt về một số phương diện, nhưng ngược lại họ hay hơn người bình thường ở chỗ họ nhìn đời đơn giản, trực tiếp, không rắc rối bi quan. Một trong những yếu tố quan trọng của thể thao nói chung, và đặc biệt là của golf nói riêng, là khả năng tập trung vào việc cần làm trước mắt, không bị phân tâm bởi những gì đã qua hay có thể xảy ra sau đó. Trong golf người ta hay dùng cụm từ “in the moment” để diễn tả trạng thái thiền này. Tiger Woods là một trong những golfer nổi tiếng về tài tập trung này, nhất là trong các giải quan trọng. Nhưng khả năng ấy đến từ sự khổ công luyện tập chứ không phải do bẩm sinh. Trong khi đó đối với một người “khuyết tật” như Amy thì đó lại là chuyện hết sức bình thường, “dễ như ăn cơm sườn.”

Theo lời của Bố của Amy – người làm caddy cho cô từ khi cô bắt đầu tập đánh golf, ông phải đếm điểm cho Amy vì cô không bao giờ biết (hay cần biết) mình đánh bao nhiêu cú trong mỗi trận. Ðối với Amy lúc nào cô cũng chỉ có duy nhất một cú đánh mà thôi. Và dù kết quả hay dở thế nào nó cũng chẳng ảnh hưởng đến cách cô đánh trái banh kế. Ðó chính là trạng thái “in the moment” mà golfer nhà nghề nào cũng mơ ước. Và đó cũng là bài học mà Gary Woodland đã tiếp thu được từ Amy.

Hai ngày sau giải Open, trong lúc Amy đang được phỏng vấn trên chương trình TV Today’s Show thì Gary Woodland xuất hiện với chiếc cúp U.S. Open. Cuộc hội ngộ bất ngờ đã làm Amy sung sướng ra mặt. Nhưng Woodland nói anh mới là người hạnh phúc vì đã được làm quen với Amy và học hỏi nhiều điều từ cô. Trả lời báo chí, nhà tân vô địch khiêm tốn tuyên bố: “Thế giới này cần thêm nhiều người như Amy!”

BB