Mẹ ơi! cho con sang bố.
-Bố đang ốm nên không muốn con sang, sợ con sẽ bị lây bệnh.
Bé Rosie khóc òa lên:
– Con nhớ bố. Con muốn bố.
Bà Anh vừa từ cầu thang bước xuống, quắc mắt nhìn hai mẹ con Bích Ðào, nói như hét:
– Ðến nhà này thì không được nhắc đến bố mày, nghe chưa?
Rosie lùi lại, núp sau lưng mẹ, cố nén tiếng thút thít. Bích Ðào nhăn mặt:
– Sao mẹ lại nói thế?
Bà Anh càng la to:
– Nói thế thì đã sao? Tao còn muốn nói nhiều hơn cho nó hiểu, không thôi giòng họ thằng Hiệu lại nhét vào đầu nó những điều xấu xa cho nhà mình.
Bích Ðào sa sầm nét mặt, cao giọng bất mãn “Con xin mẹ!”, rồi cúi xuống, bế xốc bé Rosie lên tay, đi nhanh ra cửa, mặc cho bà Anh đang la ơi ới phía sau:
– Này! sao không để nó ở đây mà mang đi đâu thế? Lại sang nhà thằng bố vô tích sự của nó phải không?
Theo thông lệ, cuối tuần Rosie về với Hiệu sau một tuần ở với Bích Ðào. Cứ như thế đã hơn một năm kể từ ngày Bích Ðào và Hiệu ly hôn, thế mà Rosie chưa quen được với sự thay đổi này. Cứ sang nhà bố lại đòi mẹ. Ở với mẹ thì luôn miệng hỏi “Bố đâu”. Và cũng từng ấy thời gian Bích Ðào luôn ray rứt vì mặc cảm tội lỗi. Cái lỗi lớn nhất là không cho con gái của mình một mái ấm gia đình tràn ngập tình yêu thương mà lại làm cho con buồn bã vì hễ ở với bố thì không có mẹ, ở với mẹ thì không có bố.
Cho đến bây giờ Bích Ðào vẫn không tin giữa mình và Hiệu đã xảy ra sự đổ vỡ trầm trọng. Cũng như Bích Ðào không thể trả lời được câu hỏi của Tú Cầm, người đã làm chiếc cầu nối cho Bích Ðào và Hiệu nên duyên vợ chồng.
“Trước đây, em và Hiệu phải vượt qua rào cản của tôn giáo, gia đình để đến với nhau và cũng đã từng khẳng định rằng không thể thiếu nhau trong cuộc sống. Vậy thì lý do nào khiến hai người chia tay dễ dàng, trong khi ai cũng nói có thể hy sinh tất cả để bé Rosie có được một cuộc sống hạnh phúc”.
Tú Cầm đâu biết rằng chính Bích Ðào cũng đã tự hỏi mình câu hỏi đó trong những đêm lẻ loi, đơn độc trên chiếc giường thênh thang quen thuộc, nhớ da diết nhớ người đàn ông mình từng yêu thương đắm đuối và tình yêu đó vẫn còn tồn đọng trong trái tim rạn nứt dù Bích Ðào cố gắng giấu kín trong một góc rất khuất của trái tim. Có lần, Bích Ðào cố ghìm nước mắt khi bé Rosie nằm nép vào lòng mẹ, bàn tay bé xíu vỗ nhẹ trên khoảng giường trống trải còn lại, thỏ thẻ căn dặn:
“Mình chừa chỗ này cho bố nghe mẹ!”
Một lần khác, sau khi đọc xong mẩu chuyện “Ba Ðiều Ước” cho Rosie nghe trước khi ngủ, Bích Ðào hỏi con:
“Nào! Rosie nói cho mẹ nghe, nếu bà tiên cho điều ước con sẽ ước gì? áo đầm? xe đạp hay đồ chơi?”
“Không, con chỉ ước sáng mai thức dậy con sẽ thấy bố nằm đây với con và mẹ”..
Không ngăn được nước mắt, Bích Ðào vòng tay ôm siết con gái trong nỗi xúc động và khao khát. Làm sao Rosie hiểu được đó chính là niềm mơ uớc thầm kín của người mẹ son trẻ chỉ vì thiếu suy nghĩ và cứng rắn mà bị chao đảo bởi lời ra tiếng vào của mẹ, của chị, của em rồi tự đánh mất hạnh phúc của mình.
Sau khi kết hôn, vợ chồng Bích Ðào quyết định mua căn nhà trị giá hơn 3 trăm ngàn và Hiệu đã rút hết tiền trong trương mục tiết kiệm để trả 20 phần trăm số tiền “down”. Gia đình Bích Ðào không ai tin điều đó nên cười nửa miệng khinh khi “Lương nó bao nhiêu mà có cả 60 ngàn đô”, dù Bích Ðào đã giải thích rành mạch đó là phần Hiệu được chia đôi với người chị Cả sau khi bán căn nhà của bố mẹ Hiệu để lại. Mọi người xúm nhau chỉ trích Hiệu.
“Người ta lấy chồng thì được chồng nuôi, đằng này con Bích Ðào nhà tôi lại phải nuôi chồng”.
Bích Ðào thẳng thắn phản đối lời phê phán thiếu công bình ấy:
“Anh Hiệu đi làm chứ có phải ở không đâu mà bảo là vợ nuôi”.
Bà Anh liếc mắt, cong cớn đôi môi rộng toạc:
“Hứ! lương nó chưa được phân nửa lương dược sĩ của con thì làm được gì. Ðã thế còn thất nghiệp liên miên. Ngày xưa mẹ đã can ngăn mà con có nghe lời mẹ đâu”.
Bích Ðào cau mày khó chịu:
“Sao mẹ cứ đem chuyện tình cảm mà so sánh với tiền bạc. Ðiều quan trọng là tụi con yêu thương nhau. Lỡ mai này con mất việc thì cũng phải nương tựa vào chồng, có sao đâu!”.
Khánh, chị của Bích Ðào dài giọng:
“Mẹ nói làm gì, con bé này chỉ mê cái mã đẹp trai của thằng Hiệu thôi”.
Lần nặng nề nhất là trong bữa giỗ, trước mặt khách khứa mẹ lặp lại câu nói “Người ta lấy chồng thì được chồng nuôi, đằng này con Bích Ðào nhà tôi lại phải nuôi chồng”. Tự ái của người đàn ông cao như núi thì làm sao Hiệu có thể im lặng được trong khi anh đã từng nói nhịn là nhục. Với khuôn mặt xám ngoẹt, Hiệu lớn tiếng sỉ vả gia đình Bích Ðào là một đám người chỉ biết có tiền và tệ hại hơn nữa là Hiệu đem chuyện mẹ của Bích Ðào đòi phân nửa số tiền khách mừng đám cưới để gửi về Việt Nam xây mồ mả tổ tiên. Màu xám từ Hiệu chuyển sang bà mẹ vợ quen thói đàn áp con rể. Ðể gỡ gạc bà Anh chỉ vào mặt Hiệu hùng hổ:
“Thằng hỗn láo, từ nay tao cấm mày gọi tao bằng mẹ. Cái thứ bất tài vô tướng, cái thứ đỉa đeo chân hạc như mày không đáng làm con rể của tao”
Chưa bao giờ Bích Ðào thấy cơn giận của Hiệu bùng cao đến độ anh không còn kềm chế được dù từ xưa đến giờ Hiệu là người rất cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói.
“Tôi cũng chẳng vinh dự gì khi gọi bà bằng mẹ”.
“Hiệu!”
Tiếng gọi thống thiết của Bích Ðào dường như không có hiệu quả như mọi khi. Bà Anh và Hiệu tiếp tục lời qua tiếng lại bằng những từ ngữ cay độc nhất khiến khách khứa ngỡ ngàng và họ lặng lẽ rút lui khi bà Anh trừng mắt nhìn Bích Ðào:
“Ly dị! Con phải ly dị ngay cái thằng khốn nạn này”.
Bích Ðào còn đang bàng hoàng vì mức độ tác tệ của sự việc đang xảy ra thì chị em của Bích Ðào hùa vào tấn công:
“Nó ăn nói với mẹ như thế mà mày còn ở với nó thì mày còn ngu hơn con bò”.
“Chị không nghe lời mẹ thì từ rày đứng vác mặt về nhà”.
Bà Anh bĩu môi:
“Thằng này mà dám ly dị à? Ly dị rồi thì lấy ai nuôi nó”.
Hiệu hất mặt:
“Cứ đưa đơn ly dị đi thì biết”.
“Hiệu! anh đừng nói nữa có được không?”
Lời nói của Bích Ðào như đi vào hư không. Hiệu vẫn tiếp tục vung tay la lối. Khánh giận dữ gằn giọng:
“Ðấy! nó có coi mày ra gì mà luyến tiếc”.
Bích Ðào ngồi phịch xuống sàn nhà, ôm mặt đau đớn “Trời ơi! chẳng còn ra thể thống gì nữa”. Từ bữa ấy, Hiệu và Bích Ðào chẳng nói với nhau một lời. Không khí gia đình càng nặng nề hơn khi mỗi ngày Hiệu bày tỏ sự hậm hực của mình trong từng chuyện nhỏ nhặt mà không hề biết rằng câu nói “thì cứ đưa đơn ly dị đi thì biết” đã làm tổn thương Bích Ðào đến chừng nào.
Cho đến ngày em của Bích Ðào đem đến một tấm ảnh, trong đó Hiệu đang ngồi ăn trưa với người phụ nữ khác thì câu chuyện bùng nổ. Khi Bích Ðào giận dữ đặt câu hỏi:
“Người này là ai?”
Hiệu trả lời ngắn ngủi:
“Bạn đồng nghiệp”.
Tiếp theo đó Hiệu tỏ thái độ bất cần bằng câu nói:
“Nếu muốn mượn cớ này để ly dị thì cứ tự nhiên chứ đừng gán tội cho tôi khi cô thừa biết việc bạn bè đồng nghiệp đi ăn trưa với nhau là chuyện bình thường”.
Ðối với Bích Ðào đó là lời thách đố. Không nói thêm một lời, Bích Ðào ký tên vào tờ đơn ly dị đặt xuống bàn ngay ngày hôm sau. Dễ dàng. Nhanh chóng. Và vô duyên hết sức cho đoạn cuối của một cuộc tình nồng nàn kéo dài hơn 12 năm kể từ ngày yêu nhau, và cả hai, không ai có lỗi với ai mà chỉ vì… bà mẹ vợ!!!
o O o
Với ly rượu đỏ trên tay, Hiệu thẫn thờ nhìn bức ảnh do chính anh chụp cách đây 2 năm khi chợt nhìn thấy cái bóng mảnh khảnh của Bích Ðào in trên nền cỏ, dưới bóng nắng cuối ngày rất dịu dàng trong làn gió thoang thoảng đong đưa những vạt tóc bồng bềnh thơm nồng mùi hoa bưởi mà Hiệu rất yêu thích, cạnh đó Bé Rosie lăng xăng chạy đuổi chú vịt con đang lẹt đẹt né tránh. Hình ảnh thân thương này bao năm qua đã in đậm trong tâm trí của Hiệu và trong những ngày tháng quạnh quẽ nơi căn phòng độc thân lạnh toát màu vôi trắng. Hiệu thèm được một lần sống lại niềm hạnh phúc ngày xưa giờ đã xa rời trong nuối tiếc.
Ðã hơn một năm rồi mà Hiệu vẫn còn bàng hoàng khi sực nhớ mình và Bích Ðào đã ly dị trong những lần thức giấc nửa khuya. Ly dị. Hai tiếng ấy Hiệu nhắc đi, nhắc lại với cảm giác rất xa lạ. Thế mà ngày đó, trong cơn tức giận Hiệu lại thốt ra một cách trơn tru để bây giờ có hối tiếc cũng không còn kịp nữa. Hiệu nhiều lần tự trách mình quá nông nổi khi trút sự phẫn nộ lên Bích Ðào, người vợ hiền lành, tế nhị. Nhưng dẫu sao, mặc cảm thua kém vợ vẫn âm ỉ trong lòng Hiệu nên dù biết mình sai anh vẫn không thể nói lời xin lỗi. Thêm vào đó, những lời rẻ rúng, khinh miệt của mẹ vợ vẫn ngày đêm lảng vảng trong trí nhớ của Hiệu. Nhớ để mà hận. Nhớ để mà đau.
Tuần trước, khi hai cha con ngồi nghỉ chân sau một tiếng đồng hồ loanh quanh trong sở thú, Rosie chợt lên tiếng hỏi:
“Bố ơi! sao bà hay mắng bố thế?”
Hiệu ậm ừ không biết nói sao.
-“Ừ! thì…thì…tại bố hư”
– Con không hư sao bà cũng mắng mỗi lần con nhắc bố. Tại sao hở bố?
– Ừ… tại… bà không thích bố.
– Con cũng không thích bà. Con ghét bà. Con không muốn đến nhà bà nữa.
– Con đừng nói thế. Mẹ nghe được sẽ giận con.
Bé Rosie im thin thít nhưng gương mặt phụng phịu bày tỏ sự bất mãn. Hiệu ôm con mà cảm thấy xót xa trong lòng. Một đứa bé vừa chớm biết nhận thức đã phải đối diện với những tranh chấp, oán giận rồi tâm tính nó sẽ ra sao? Có bao giờ Bích Ðào nghĩ đến điều này không? Ứớc gì Bích Ðào mở lòng, bỏ qua những chuyện không vui đã xảy ra và đồng ý mang bé Rosie theo Hiệu đi đến một thành phố rất xa, nơi anh vừa nhận được việc làm mới. Không cha mẹ, không chị em với những dòm ngó, xét nét đầy ác ý có lẽ cuộc sống của hai vợ chồng sẽ êm ả, không bị xáo trộn vì những lý do thật vô lý.
Bất chợt Hiệu nhớ đến email vừa nhận được từ Tú Cầm chiều hôm nay. Chỉ một đoạn ngắn, không có thêm lời thăm hỏi hay nhắn nhủ như thường lệ.
“Lời hay ý đẹp.
Hãy mang tất cả tài nguyên từ bi hỷ xả để xóa hết nỗi đau khổ mà chúng ta vô tình hay cố ý tạo ra cho nhau từ bấy lâu”.
o O o
– Em có thể ban cho anh một ân huệ không?
Bích Ðào ngước nhìn Hiệu bằng ánh mắt ngạc nhiên thoáng chút xúc động.
– Hãy đi với anh. Anh rất mong mình sẽ có những tháng ngày bình an, hạnh phúc để cùng chăm lo cho bé Rosie, để anh không còn nhìn thấy những giọt nước mắt tủi thân của đứa con thân yêu mỗi lần nó đưa bàn tay bé bỏng vẫy chào bố trước khi bước vào nhà với mẹ.
Giọng nói khẩn thiết của Hiệu sao tựa như lời thuyết phục chân tình của Tú Cầm tối hôm qua.
“Chị không khuyên em chọn hiếu cũng không khuyên em chọn tình mà chỉ nhắc em hãy đặt tương lai và hạnh phúc của bé Rosie lên hàng đầu. Và hạnh phúc của Rosie là được ở cùng bố mẹ trong suốt quãng thời gian từ bé thơ cho đến lúc thật sự trưởng thành”.
Chắc chắn không phải là tình cờ khi Tú Cầm gọi Bích Ðào chỉ để nhắc lại một lời khuyên đã cũ. Nhưng lời khuyên cũ vào đúng thời điểm mới -cái thời điểm Hiệu sẽ rời xa chốn này để đến một thành phố lạ lẫm- như một động lực thúc đẩy cho ước muốn hàn gắn của hai người được thành tựu.
Hình như cảm nhận được điều gì đó, bé Rosie chồm tới nắm tay Bích Ðào đặt vào tay Hiệu như nó vẫn làm với ánh mắt van nài tha thiết. Khác với mọi lần, Bích Ðào không rút tay lại để Hiệu được ấp ủ bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại của người vợ thân yêu đã trót cách chia không phải vì lỗi lầm mà chỉ vì tự ái. Hiệu cảm nhận rõ ràng mình đang nắm giữ rất chặt một cái gì quý giá thiêng liêng lắm đã có lần vuột mất. Hiệu biết đây là câu trả lời chính xác nhất của Bích Ðào. Câu trả lời như một khởi đầu cho cuộc hành trình đầy ý nghĩa với hình ảnh 3 người trong một mái gia đình ấm êm, hạnh phúc.
NB