Nhận được thư của một độc giả với biệt hiệu “Người vợ xui xẻo” tôi băn khoăn khi thấy trong phần “Subject” của email ghi “Gửi mục Tình Chàng Ý Thiếp”. Tôi thầm nghĩ, chắc lâu rồi chị không đọc Trẻ nên không biết Chàng và Thiếp đã ngao du sơn thủy, giờ chỉ có Nàng kể lể chuyện buồn vui trong cuộc sống đa đoan với nhiều khó khăn, phiền toái.

Tuy Tình Chàng Ý Thiếp đã khép lại nhưng tôi vẫn muốn làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi nên hồi âm nhất định phải có trong Chuyện Của Nàng. “Thủ tục” của TCYT là đăng dòng tâm sự của ai đó lên trang mục để nhận được lời góp ý của độc giả Trẻ. Nhưng để “Người Vợ xui xẻo” không phải chờ lâu, tôi mau mau nhấc điện thoại gọi cho những người bạn thân thiết cũng là độc giả ruột của mục TCYT và từng có kinh nghiệm “gỡ rối tơ lòng”, hẹn nhau đến một nhà hàng quen thuộc và xin ông chủ cho phép những thực khách đặc biệt này ngâm nga vài giờ để thảo luận sôi nổi về một đề tài, tuy đã cũ nhưng mãi mãi còn mới đối với các Nàng đang làm vợ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

-oOo-

– No nê rồi, vô đề lẹ đi.

Tôi cầm điện thoại lên:

– Đây là email của một độc giả. Thư khá dài nên tôi chỉ tóm tắt ý chính và đây cũng là câu hỏi mà tôi cần các Nàng trả lời giúp “Hôm đi đám cưới, khi nhìn thấy em từ phòng ngủ bước ra với khuôn mặt được trang điểm tỉ mỉ và chiếc áo đầm lộng lẫy (nhưng giá chỉ có 19 đô la mua ở tiệm Ross) khuôn mặt không được đẹp trai lắm của chồng em xìu xuống như cái mẹt, anh chỉ trích em thẳng thừng “Có chồng rồi còn muốn thằng nào nhìn nữa mà trét son, trét phấn cho lắm vào… chỉ tổ tốn tiền chứ có đẹp hơn ai đâu. Thà để tiền đó để cho Nhà xài còn có ích hơn”. Chị biết không, Nhà đó là nhà của ảnh ở Việt Nam, chỉ toàn những người chuyên môn bịa ra những bệnh hoạn, tai nạn để xin tiền. Em phải làm sao đối với người chồng như thế này. Thôi không ăn diện nữa để khỏi phải bị chồng tát nước sôi vào mặt bằng câu nói xóc óc “Tôi còn không muốn nhìn thì có thằng nào mà thèm nhìn”. Hay là “đường ta, ta cứ đi mặc cho chó sủa”. Chị giúp em với. – Người vợ xui xẻo.

Chị Cầm nhìn ra cửa sổ thở dài:

– Tội nghiệp, cô ấy đúng là “người vợ xui xẻo” vì đã chọn lầm chồng.

Bảo Huân

Hải Trầm hắng giọng:

– Tối qua, khi lướt trên mạng tôi đã đọc được một câu chuyện, trong đó có phần phát biểu của một nam nghệ sĩ đang rất nổi tiếng ở Việt Nam “Em rồi sẽ già đi. Vậy thì trong cái khoảng thời gian đẹp nhất của phụ nữ em phải tỏa sáng cho bản thân mình. Em phải phục vụ cho mình trước, để đến khi mất những điều kiện thuận lợi nhất, lúc đó mình sẽ nhún nhường hơn một tí. Nếu như phụ nữ ích kỷ, tôi xin phép được cho phụ nữ cái quyền ấy trong thời gian thanh xuân hoàng kim của họ”.

– Chà nghe đã lỗ tai ghê ta. Anh nào mà đưa phụ nữ lên đến tận đỉnh mây cao vậy?

– Không nói tên, kẻo thiên hạ lại bảo mình “cuồng…”. Và tiếp theo là một vài phản hồi của dân mạng “Đây là một ông chồng mà tất cả phụ nữ đều ao ước, trong đó có tôi. Ước gì anh là… của tôi”. Một người khác viết “Đàn ông biết nghĩ cho người vợ nhiều như thế thời @ không có nhiều nha chị em”. Nói chung chung là phe kẹp tóc ủng hộ hết mình nhưng cũng có mấy đấng nam nhi xía vô móc ngược “Thôi đi cha nội, đừng bắt giàn cho vợ tui leo. Tui mà gãy cổ thì tui mò tới nhà ông mà ăn vạ đấy nhé”. Thêm một cái nghịch nhĩ nữa “Không biết có được mấy đấng ông chồng rảnh rỗi để học đòi cái style ga lăng dởm đời này. Tôi thì không. Cho em tỏa sáng thì có ngày nhà mình tối hù vì bị thằng khác nó cuỗm mất vợ. Cứ phụ nữ là phải tận tâm, tận trí mà lo cho chồng, cho con trước. Việt Nam mình xưa nay là thế, các ông chồng cứ đường ấy mà đi, mắc gì bắt chước Tây phương cho mệt. Thế đi các Mợ nhé””.

– Đó là ý kiến của bá tánh. Còn chị Chiêu Oanh nghĩ sao?

– Theo tôi, anh chồng này chỉ quan trọng việc tiền bạc chứ chẳng quan tâm, ghé mắt đến vợ nên cô ấy có chăm chút sắc đẹp đến mấy anh cũng không màng.

– Có thể anh ta là người giản dị không thích vợ trang điểm và ăn mặc thời trang. Một mẫu người của thời ông nội, ông ngoại của tụi mình.

– Chị nói làm em nhớ Ba em. Hồi còn nhỏ, em chẳng bao giờ thấy Mẹ kẻ mày, kẻ mắt hay sơn móng tay, móng chân. Em hỏi “Tại sao, Mẹ không thích à? Mẹ cười với ánh mắt buồn buồn “Ba con không thích”. Em trả lời “Những cái đó thuộc về thân thể của Mẹ, Mẹ có quyền chứ”. 15 tuổi nhưng em đã có lập trường rõ ràng. Mẹ em lắc đầu “Con muốn gia đình mình yên ổn hay Ba Mẹ cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt ấy”. Theo em thì chuyện ấy chẳng phải nhỏ nhặt vì nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của mình. Em sẽ chẳng vui và cuộc đời sẽ chẳng có chút ý nghĩa gì nếu em không được làm theo ý thích của mình mà phải phụ thuộc vào người khác. Bởi vậy, khi Mẹ dạy “Sau này lấy chồng thì phải chăm lo gia đình, thuận theo ý muốn của chồng để các con được sống trong một mái ấm vui vẻ, chỉ có tiếng cười không có tiếng cãi nhau”, em thấy tội Mẹ và những người phụ nữ của thế hệ trước. Vì thế, khi đọc một bài viết trên báo, trong đó có một ông đã dõng dạc tuyên bố “Khổng Tử là kẻ thù của phụ nữ” em rất bất ngờ và thích thú vì câu nói mang tính phản kháng ấy lại xuất phát từ cửa miệng của một người đàn ông.

Chị Hoàng vỗ tay đồm độp và nói:

– Có phải em Hải Đường muốn nhắn nhủ với “Người vợ xui xẻo” rằng hãy chọn cách “đường ta, ta cứ đi” chứ đừng “lùi bước trước quân thù” đó.

– Góp ý kiểu này là phá gia cang của người ta đấy cô nương ơi.

Hải Đường lắc đầu:

– Không, đây chỉ là suy nghĩ của em về vấn đề này, còn chọn lựa cách nào là do chị ấy thôi. Kể các chị nghe chuyện của anh Tư trùm sò của em. Ngoài việc chi tiêu cho những sinh hoạt thường nhật của gia đình, đối với anh Tư, tất cả những mua sắm gì ngoài kế hoạch đã vạch sẵn thì đều là hoang phí, nhất là chi tiêu cho việc làm đẹp của chị dâu. Kem dưỡng da, kem chống nắng là thứ mà anh ghét nhất. Mỗi lần chị dâu mua là anh càm ràm cả ngày, nào là phí tiền vì những lời quảng cáo láo phét, nào là tôi không cần xài những thứ đó mà da mặt tôi có vấn đề gì đâu. Thế là chị dâu nghĩ ra cái mánh. Khi đi mua sắm, lúc anh Tư còn chạy loanh quanh tìm chỗ đậu xe, chị vào tiệm mỹ phẩm quen thuộc, đưa phân nửa số tiền cho người bán hàng trước, dặn cô ta nói hôm nay hàng giảm giá 50% nên chị chỉ trả có phân nửa tiền để anh Tư khỏi “đứt ruột”.

– Ha! ha! chiêu này hay à nha.

Chị Cẩm Tuyền trầm ngâm:

– Tôi nghĩ, cũng có thể những lời hậm hực của anh chồng xuất phát từ sự ghen tương ngấm ngầm. Có nhiều ông không muốn vợ mình ăn diện đẹp để gợi sự chú ý của đàn ông khác, nhưng thay vì nhỏ nhẹ góp ý hay thật thà bày tỏ suy nghĩ của mình với vợ thì họ chỉ dùng những lời cộc lốc, nặng nề để giải tỏa sự bực tức, khó chịu. “Người vợ xui xẻo” hãy cố gắng bình tâm để tách rời cái thành kiến đối với anh trong cách giúp đỡ gia đình ở Việt Nam hầu tìm ra cách giải quyết vấn đề gút mắc của hai vợ chồng. Chị hãy thử nhẹ nhàng hỏi ý kiến của anh những lúc muốn mua sắm các món làm đẹp cho phụ nữ và cũng bày tỏ thêm là chị chăm chút bản thân và nhan sắc là muốn cho anh đẹp mặt khi bên cạnh một người vợ xinh xắn. Hy vọng điều này sẽ vuốt ve tự ái của anh và những mâu thuẫn của anh chị sẽ giảm bớt và trở nên nhẹ nhàng hơn.

-oOo-

“Người vợ xui xẻo” ơi, hy vọng những lời trao đổi của các chị bạn ở phần trên sẽ là những gợi ý để giúp chị chọn cách tháo mở cái gút đang dần thắt chặt giữa anh chị để vợ chồng có thể thấu hiểu và gần gũi nhau hơn.

NB