Lời giới thiệu: Phụ nữ rất kỳ lạ, họ có thể làm được những điều kỳ diệu: đưa cho họ một căn nhà, họ sẽ biến thành một tổ ấm, đưa rau trái, họ sẽ biến thành một bữa cơm ngon, cho một nụ cười, họ sẽ tặng bạn trái tim, cho một tình yêu sẽ nhận về lòng son sắt… Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không được yên bình để gầy dựng hạnh phúc, bão tố thời cuộc đã ập xuống đôi vai mỏng manh của họ.. nhưng sau đó, họ lại tỏa sáng khắp nơi, từ nhà máy, văn phòng, trong căn bếp nhỏ hay chốn thương trường đầy sóng gió…

Bạn có thể giới thiệu cho Ngân Bình email: nganbinhdang13@gmail.com, những người phụ nữ quen biết, cho mục “Chuyện của Nàng” được lung linh muôn sắc. Xin cảm ơn.

Bảo Huân

Mẹ thêm chút sữa vào “Mashed potato” giùm con, không thôi nó bị khô.

– “Cranberry sauce” hình như đặc quá mẹ ơi.

– Mẹ thăm chừng “Green bean” đừng để nhừ quá nha mẹ.

Chị gật đầu, ừ à luôn miệng rồi bỗng bật cười một mình. May mà Thu Diễm đang chú tâm vào con gà tây vàng ươm vừa lấy ra khỏi bếp, nên không thấy để thắc mắc hỏi “Mẹ cười chuyện gì thế?” như thường khi. Chị nhớ, “ngày xưa” mình và con gái cũng đứng đây, nhưng vai bếp chính là chị, chứ đâu phải như bây giờ… làm thợ phụ mà còn không được con gái tin tưởng phải nhắc nhở từng chút một. Thời gian qua nhanh quá, mới đó mà đã hai mươi mấy năm, tính từ lần đầu tiên bé Diễm đi học về và hỏi chị:

– Chừng nào mẹ mới nấu “Turkey”?

Ðang nêm nồi canh chua, chị quay lại nhìn con:

– “Turkey” gì?

– Turkey cho Thanksgiving đó.

Ánh mắt buồn hiu, chứa đầy nỗi thất vọng của Thu Diễm khi nhận được cái lắc đầu rất “hồn nhiên” của mẹ làm chị cảm thấy ân hận, nên phải vội vã gọi điện thoại cho cô em gái ở tận Boston, để hỏi han về các món ăn trong ngày lễ rất quan trọng của người Mỹ mà con gái chị vừa biết được ở lớp mẫu giáo, qua cô bạn xinh đẹp, có đôi mắt xanh lơ và mái tóc vàng óng rất thân thiết với Diễm.

Em chị giải thích:

– Thanksgiving là ngày để người ta bày tỏ lòng biết ơn đối với Thượng đế và những người thân trong gia đình hay bạn bè vì những gì mình đã có được về vất chất lẫn tinh thần. Ủa! em nhớ, lúc chị mới đến Mỹ cũng vào dịp lễ, nên gia đình người bảo trợ đã đãi cả nhà món “turkey” mà.

– Ừ! thì có ăn, nhưng chị nhà quê thấy mồ, có biết lễ lộc gì đâu. Sau đó quên bẵng, không để ý tìm hiểu, chỉ thấy nó giống lễ Giáng sinh thôi.

– Mà hồi ấy chị ăn Turkey có ngon không?

– Hồi ấy… ấy à… nhìn con gà tây vĩ đại nằm ngất ngưởng trên chiếc dĩa to đùng với bao nhiêu món “phụ tùng” lạ hoắc, lạ huơ chưa từng biết, chị hết hồn luôn. Nhìn cũng khá hấp dẫn, nhưng khi cho một miếng thịt nạc trắng tinh vào miệng thì chẳng ngon lành gì, vì mùi vị là lạ. Cũng may ông bà bảo trợ, chồng Mỹ, vợ Việt, mà bà ấy lại tinh ý. Thấy anh chị trợn trạo nuốt không trôi, bà nói nhỏ, tôi cũng không thích món gà tây lắm đâu, nhưng đây là món truyền thống của người Mỹ trong dịp lễ Tạ Ơn, nên mỗi năm tôi đều phải nấu cho ông xã và các con ăn. Có món này… chắc anh chị sẽ thích. Nói xong, bà mở tủ lấy ra một cái hộp nhỏ, có in hình trái dưa leo bên ngoài, đưa lên và nói, mỗi khi ngán thức ăn Mỹ tôi thường dùng nó như món để “chữa lửa”. Thì ra, đó là món dưa leo ngâm nước tương mà bà gọi là dưa mắm.

Xem thêm:   Đồ cho ai?

– Trời!… ai lại ăn Turkey với dưa mắm. Người Mỹ mà nghe thấy chắc phải khóc ròng, vì chị đã coi thường món ăn ngon của họ.

Chị cười thành tiếng để khỏi phải hình dung ra cái mặt nhăn như khỉ của đứa em, dù không đối diện nhưng chị cũng đoán biết.

– Thì vậy… cũng nhờ nó mà anh chị không bị mang tiếng bất lịch sự với người bảo trợ rất dễ thương, rất tốt bụng, đã lo lắng chu đáo cho gia đình chị trong thời gian đầu, đầy khó khăn, bỡ ngỡ, thiếu thốn đủ điều.

-oOo-

Bọn trẻ, sau một hồi ồn ào trên bàn ăn, với cái bụng căng đầy và cái miệng hết thòm thèm, kéo nhau vào phòng chơi game. Thu Diễm nhanh tay dọn thức ăn thừa sang nhà bếp rồi đem đĩa trái cây đủ màu sắc đã được gọt tỉa sạch sẽ đặt trên bàn ăn. Sau khi nhai xong trái nho xanh ngọt lịm, anh quay về phía bếp gọi:

– Thu Diễm, xong chưa, ra đây nghe mẹ kể chuyện đời xưa, mục không thể thiếu trong chương trình tạp lục tối hôm nay.

Chị liếc xéo anh:

– Bữa nay mệt rồi không kể gì hết, đừng chọc quê tôi.

Thu Diễm nhanh nhẩu vuốt ve mẹ, trong khi thằng rể chạy đến, đưa tay kéo ghế ra vẻ nhiệt tình hóng chuyện.

– Rồi, tụi con sẵn sàng nghe lời vàng ngọc của mẹ.

Chị lặng thinh, đưa mắt nhìn lên trần nhà. Chẳng biết…  có phải mình lẩm cẩm hay không mà năm nào cũng như một băng nhạc cũ xì với ca sĩ giọng nhão nhoẹt, hát hoài bản tình ca xưa lắc, xưa lơ. Nhưng có sao đâu, những bản tình ca ấy vẫn được người đời ca tụng bằng hai chữ “bất tử” mà. Thế thì… những câu chuyện chị kể hoài không chán, được con gái chị đặt tên là “lời vàng ngọc” cũng đâu có gì là quá đáng. Thật lòng, chị muốn con chị phải ghi nhớ công ơn của những người bạn đã từng thương yêu và giúp đỡ gia đình chị bằng tất cả tấm lòng. Trong đó có Tiển, đã cho anh chị lên tàu vượt biên dù biết anh chị không có một đồng dính túi. Rồi thêm chị Hiền, mỗi lần đến thăm là mỗi lần dúi vào túi chị vài chục bạc để có tiền mua sữa, mua bánh cho con và người anh rể mới gặp mặt lần đầu đã sốt sắng cho mượn tiền mua xe, khi anh chị vừa chân ướt, chân ráo đến Mỹ. Trong thời gian bị thất nghiệp, vợ chồng chị Ngà năm lần, bảy lượt gọi anh chị đến nhà họ ở tạm để khỏi phải trả tiền thuê. Cô chủ “Sandwich shop” nơi chị làm việc, thấy tiền lời ngân hàng đang xuống thấp đã luôn miệng đốc thúc chị hãy nhân cơ hội ấy mua nhà và sẵn sàng cho chị mượn tiền “down”… Biết bao là ơn sâu, nghĩa nặng mà anh chị đã nhận được từ lòng thương mến, nâng đỡ không điều kiện, không so đo tính toán của người thân và bạn bè mà chị muốn con mình luôn ghi nhớ để biết ơn và sẵn sàng giúp đỡ người khác như gia đình chị đã từng được giúp đỡ.

Xem thêm:   Làm đẹp

– Ủa “đài phát thanh” hôm nay bị trục trặc kỹ thuật hay sao mà im lặng vậy ta? phát ngôn viên chính thức lên tiếng đi chứ?

Chị quay mặt đi, hứ một tiếng rồi nói tiếp:

– Xin thông báo… từ năm nay, cái radio cổ lỗ sĩ này sẽ mãi mãi được cất vào nhà kho, không làm phiền lỗ tai của quý vị thính giả nữa. Ðược chưa?

Anh xoa nhẹ bờ vai chị, nịnh nọt:

– Bà không biết thời bây giờ đồ cổ là đồ quý sao? Nè các con, mẹ con là cổ mỹ nhân quý giá nhất trong căn nhà này đó nha.

Anh cười giòn giã, nhưng giọng nói có vẻ hờn mát của chị khiến Thu Diễm bối rối, quay sang nhìn mẹ với ánh mắt hối lỗi. Chị biết, con gái mình đã nghe hết những lời phê phán của bạn chị.

Hôm qua, trong lúc sắp xếp thức ăn vào tủ lạnh thì có điện thoại gọi đến. Ðể không mất thời gian chị mở “speaker” để nghe chị bạn náo nức rủ rê mà quên mất Thu Diễm vừa mở cửa bước vào nhà.

– Ngày mai đi shopping không? Hàng “sale” nhiều lắm.

– Không được, mai tụi nhỏ về ăn…

Chị bạn cướp lời:

– Thanksgiving sớm phải không? Sao năm nào bà cũng phải ăn lễ sớm hơn thiên hạ vậy. Biểu tụi nhỏ sắp xếp lại đi, chớ con gái bà cứ ưu tiên cho bên chồng hoài là không được. Lễ Tạ Ơn, rồi Giáng Sinh … từ hồi quen bà tới giờ, chưa năm nào tôi thấy nó dành cho bà tiệc mừng đúng ngày lễ. Nói nhỏ cho nghe, hiền quá người ta lờn mặt đó nha. Thấy bà lép vế tôi chịu không nổi.

“Nói nhỏ” nhưng giọng bà bạn cứ oang oang khiến chị phì cười:

– Lép chút cũng đâu có sao. Chỉ mong con gái tôi được gia đình chồng yêu thương, vợ chồng nó hòa thuận là tôi vui rồi, chứ ăn trước hay ăn sau không thành vấn đề. Miễn là tụi nhỏ có kéo tới “chén thù, chén tạc” với vợ chồng già này là hạnh phúc rồi.

– Thấy bà xìu xìu, ển ển tôi bực mình ghê đi. Phải mạnh mẽ lên chứ…..

Chị tắt máy với nụ cười tươi và thầm nghĩ, mạnh mẽ để làm gì? Ðòi hỏi “quyền lợi” cho mình ư?  Nếu bây giờ chị cũng tranh giành để có được những bữa tiệc đúng ngày, đúng tháng, đúng ý nghĩa thì chỉ làm cho con chị khó xử. Rồi bao nhiêu bất hòa sẽ nảy sinh bên cạnh đó, khiến vợ chồng nó hục hặc. Ðó không phải là điều chị muốn. Hạnh phúc mong manh lắm, nếu chị không góp sức để giúp con xây dựng nền móng thêm vững vàng thì cũng đừng tạo nên những rạn nứt cỏn con, để một ngày nào đó, nếu chuyện không vui xảy đến, chị sẽ phải tự đấm ngực, muộn màng hối tiếc.

Xem thêm:   Phỏng vấn ca sĩ Châu Ngọc Hà

Chị quay sang ôm siết đứa cháu ngoại vừa chạy đến sà vào lòng chị. Thấu hiểu nỗi ái ngại, băn khoăn trong ánh mắt của con, chị vỗ về bàn tay của Thu Diễm khi đứa cháu ngoại dụi mắt, phụng phịu “con muốn ngủ”:

– Thôi, về đi con. Mấy đứa nhỏ mệt rồi đó.

Quay sang đứa con rể, chị ân cần:

– Ngày mai, sang nhà ông bà Nội của bé Mi, cho mẹ gửi lời chúc “Happy Thanksgiving” đến hai ông bà.

Thằng con rể ôm vai chị thì thầm “Con cám ơn Mẹ”.  Không nhìn nhưng chị biết nó đang cười. Nụ cười rất tươi trên khuôn mặt hiền lành, y hệt lúc nó cầm một bó hoa, một chai rượu đỏ đến gặp chị để nói “Happy Birthday Mẹ” cách đây bốn ngày, như một sự đền bù, vì chị không chịu mừng sinh nhật ở nhà hàng, mà chỉ muốn ở nhà đón nhận những lời chúc tốt đẹp của chồng con với món gà chiên bình dân. Ðơn giản như thế đó, miễn sao không hao tốn nhiều tiền của con là chị vui. Nhưng khi thằng rể hiện ra ngay cánh cửa vừa mở với hai món quà trên tay, chị vui gấp bội, vì biết con rể hiểu được tấm lòng và tình thương của chị dành cho chúng.

Mọi người đứng lên giữa tiếng thưa giòn giã của ba đứa cháu “Thưa ông bà ngoại con về”. Ra đến cửa, Thu Diễm trao chị một tấm thiệp và nụ hôn ấm nồng.

Trở vào nhà chị ngắm nghía tấm thiệp rất lâu. Trên phong bì là hàng chữ “Happy Thanksgiving” và hình ảnh từng khuôn mặt của những thành viên trong gia đình với nét bút phá cách rất ngộ nghĩnh của thằng cháu ngoại tám tuổi, có năng khiếu vẽ từ thuở bé. Cái thuở cây bút còn rụt rè trên những ngón tay non, nó quọt quẹt những đường nét ngây ngô nhưng báo hiệu một năng khiếu còn tiềm ẩn chỉ chờ thời gian để bộc phát. Chị vẫn tự hào – có thể là quá chủ quan- khi nói với anh ý nghĩ đó để anh trề môi chọc ghẹo “Mèo khen mèo dài đuôi”.

Gửi một nụ hôn nhẹ nhàng lên tấm thiệp, chị giở ra đọc mà như nuốt từng dòng chữ ngọt ngào của con gái.

“Hồi xưa, con đâu biết mẹ đã lo lắng đến dường nào mỗi khi con đau bệnh. Con cũng chẳng nhận ra mỗi khi con rời khỏi nhà là mỗi lần mẹ lo sợ, vì không biết con có gặp chuyện gì nguy hiểm hay không.

Hồi xưa, con đâu biết rằng sau này khi lớn lên, dù đã có một gia đình riêng, con vẫn rất cần mẹ. Cần mẹ để tâm sự. Cần mẹ để được an ủi những lúc gặp chuyện buồn.

Bây giờ thì con đã biết. Biết  “tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào” để mỗi ngày con đều tạ ơn Chúa đã ban cho con một người mẹ với tấm lòng yêu thương vô tận dành cho con và những đứa cháu bé bỏng.

Cám ơn Mẹ nhiều. Con thương mẹ bằng cả trái tim con, mẹ ơi”.

Ðêm trải dài êm ái trong niềm hạnh phúc lung linh. Chắc chắn tối nay chị sẽ có một  giấc ngủ ngon đầy mộng đẹp mà không cần đến những viên thuốc trắng tinh đáng ghét chị vẫn dùng hằng đêm.

NB