Nhiều bệnh tật con người mắc phải là do vi khuẩn và siêu vi (virus). Những tên “tội phạm” này giống nhau ở chỗ là ở nhan nhản khắp nơi, chỉ rình rập cơ hội là đột nhập vào cơ thể con người. Nhưng chúng lại có những điểm khác biệt nhau.

Vi khuẩn (bacterium), còn được gọi là vi trùng, thuộc loại đơn bào (chỉ có một tế bào), thường sinh sản bằng cách phân bào (một tế bào tách làm đôi). Chúng giữ vai trò quan trọng trong quy trình tiêu hóa của người và vật, giúp lên men, hóa mùn cây cối và súc vật đã chết.

Bệnh do vi khuẩn lây nhiễm thường qua tiếp xúc, không khí, thực phẩm, nước, côn trùng…, và có thể trị bằng thuốc kháng sinh, gồm hai nhóm là diệt khuẩn (bacteriocide) và kìm khuẩn (bacteriostasis), có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn.

Virus, còn gọi là siêu vi, là những sinh vật cực nhỏ, chỉ thấy được bằng kính hiển vi điện tử. Chúng phát triển trong tế bào sống. Ra khỏi tế bào sống, chúng sẽ tự hủy diệt, không thể phát triển. Virus gây bệnh cho người và súc vật do thở hay nuốt vào, hoặc đột nhập vào chỗ trầy xước trên da.

Ngày nay, khoa học đã khám phá được khoảng 2,000 loại virus khác nhau, trong đó chừng 300 loại có thể gây bệnh cho người như AIDS, viêm gan B và C, sốt xuất huyết, bại liệt, bệnh dại, đậu mùa, cúm… và Ebola.

Khác với vi khuẩn, virus tấn công vào hệ miễn dịch của cơ thể, do đó điều trị bằng thuốc kháng sinh sẽ không có hiệu quả, mà chỉ có thể đề phòng bằng cách chủng ngừa. Riêng các loại virus gây cúm, vì chúng biến chủng rất nhanh nên thuốc chủng chế từ virus năm nay có thể năm tới lại không hữu hiệu với cùng virus đó.