Nhiều người bàng hoàng khi nghe tin ca sĩ Phi Nhung đã qua đời ở Việt Nam sau thời gian điều trị Covid-19. Cô có một người con ruột ở Mỹ và cô cũng nhận nuôi dưỡng 23 bé dưới tuổi vị thành niên ở Việt Nam mà mọi người gọi là “con nuôi” của Phi Nhung. Vì Phi Nhung từng sống ở Mỹ và có quốc tịch Mỹ, tài sản của Phi Nhung có thể phải giải quyết việc thừa kế dựa vào luật pháp của Mỹ. Dựa vào luật Texas, hãy mang trường hợp này ra phân tích để hiểu rõ thêm 2 bộ luật, luật gia đình và luật thừa kế, liên quan với nhau như thế nào.

Theo luật thừa kế của Texas, khi một người qua đời không có di chúc, con ruột và con nuôi có quyền thừa kế tài sản như nhau. Ðể xác định quyền thừa kế của các “con nuôi” của Phi Nhung, điều đầu tiên cần chứng minh là Phi Nhung có thực sự hoàn tất thủ tục pháp lý và tòa án để chính thức nhận các bé là con nuôi hay không.

Nếu Phi Nhung đã làm giấy tờ pháp lý việc chính thức nhận con nuôi cho tất cả 23 bé thì khi Phi Nhung mất mà không để lại di chúc thì tất cả tài sản của Phi Nhung theo đúng pháp luật sẽ phải chia ra 24 phần bằng nhau để chia đồng đều cho 1 người con ruột và 23 người con nuôi.

Theo luật gia đình của Texas, để hoàn tất thủ tục nhận con nuôi thường gồm có 2 phần. Phần thứ nhất là “termination” – thủ tục từ bỏ/chấm dứt quyền làm cha mẹ của cha mẹ ruột, và phần thứ hai là “adoption” – xin được nhận con nuôi của cha mẹ nuôi. Hai phần này có thể hoàn tất theo thứ tự nêu ra hay tiến hành song song cùng một lúc đều hợp pháp.

Trong trường hợp bé Hồ Văn Cường, ba mẹ bé Hồ Văn Cường về ở chung nhà với Phi Nhung và làm phụ việc cho Phi Nhung thì có lẽ Phi Nhung chỉ hứa miệng sẽ chăm lo cho Hồ Văn Cường chứ không có ra tòa làm giấy tờ pháp lý hợp thức hóa vấn đề nhận làm con nuôi. 22 bé “con nuôi” còn lại có thể Phi Nhung cũng đón nhận về nuôi chứ cũng không chính thức ra tòa là giấy tờ hợp pháp trong việc nhận con nuôi.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng (kỳ chót)

Nếu  Phi Nhung chỉ hứa miệng là sẽ nuôi dưỡng 23 bé ở Việt Nam mà không làm thủ tục pháp lý chính thức thì theo luật pháp và tình tiết của từng trường hợp mà tòa có thể quyết định quyền thừa kế tài sản của các “con nuôi” của Phi Nhung sau khi tòa án xem xét mỗi người “con nuôi” bán chính thức này có hội đủ điều kiện để được tòa công nhận là trường hợp “Equitable adoption” không?

“Equitable adoption”- tạm dịch là: công bằng mà nói thì coi như đã là con nuôi- là luật được tòa án Texas bắt đầu đưa ra xem xét từ năm 1934. Dựa vào 2 thuyết lý, estoppel (không chối từ được) và agreement/contract (thỏa thuận/hợp đồng) mà tòa quyết định việc coi như đã là con nuôi đó luật pháp có phải công nhận hay không dù cha/mẹ nuôi chưa hoàn tất giấy tờ pháp lý trong việc nhận con nuôi.

Trong thuyết estoppel, tòa án dựa vào yếu tố “công bằng”. Tòa nhấn mạnh những quyền lợi mà cha mẹ nuôi đã nhận được từ đứa con nuôi chưa chính thức đó là gì cũng như hành động và lời nói của người cha mẹ nuôi trước công chúng và đứa con đó về việc nhận đứa con nuôi là con của mình.

Chẳng hạn trong trường hợp bé Hồ Văn Cường, dù Phi Nhung không ra tòa làm giấy tờ chính thức nhận bé làm con nuôi đi nữa, Phi Nhung đã và đang giữ giùm tiền thưởng 180 triệu đồng (tiền thưởng là 200 triệu đồng và sau khi trừ đi 20 triệu tiền thuế) của bé khi bé đạt giải Quán Quân Vietnam Idol Kids với tư cách là mẹ nuôi của bé. Ngoài ra, khi bé Hồ Văn Cường đi trình diễn cùng Phi Nhung thì tiền cát-xê Phi Nhung cũng giữ giùm hết với tư cách mẹ nuôi. Ngay cả tiền khán giả dúi vào tay bé khi bé đi trình diễn, bé cũng phải đưa lại cho mẹ nuôi Phi Nhung giữ giùm.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng (kỳ 3)

Ngoài ra, tòa cũng có thể dựa vào thỏa thuận, bằng lời nói hay trên giấy tờ, giữa cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi trong việc nhận con nuôi dù hai bên chưa hoàn tất thủ tục pháp lý. Nhưng việc thỏa thuận này chỉ là chi tiết phụ so với thuyết “estoppel” nêu ra như trên, và đó cũng có thể đã đủ để tòa án công nhận quyền thừa kế của bé Hồ Văn Cường dù cho Phi Nhung chưa chính thức hoàn tất thủ tục pháp lý trong việc nhận bé Hồ Văn Cường làm con nuôi.

Tuy nhiên, như tôi đã nêu ra từ đầu, thủ tục nhận con nuôi có 2 phần. Ngoài việc nhận con nuôi, song song vào đó là việc truất đi quyền làm cha mẹ của cha mẹ ruột (termination). Trong trường hợp bé Hồ Văn Cường, ba mẹ bé tiếp tục sống chung với con mình trong cùng một ngôi nhà của Phi Nhung, không rõ có bằng chứng nào mà bé Hồ Văn Cường và gia đình có thể đưa ra để chứng minh rằng ba mẹ Hồ Văn Cường và Phi Nhung thỏa thuận vĩnh viễn cho Phi Nhung nhận Hồ Văn Cường làm con nuôi mà ba mẹ em không hề có quyền làm cha mẹ của Hồ Văn Cường nữa hay không? Nếu điều này bên bé Hồ Văn Cường chứng minh được thì bé có thể đã hội đủ những điều kiện của trường hợp “equitable adoption” để có quyền được kế thừa tài sản của Phi Nhung.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng

Qua những vụ án đã xử, nếu không có bằng chứng rõ ràng về việc thỏa thuận từ bỏ quyền làm cha mẹ của cha mẹ ruột, một trong những cách để chứng minh “termination” là cha mẹ ruột hoàn toàn cắt đứt liên lạc hoặc không hề chăm sóc đứa con ruột đó nữa để người cha mẹ nuôi hoàn toàn chịu trách nhiệm chăm sóc.

Trong trường hợp bé Hồ Văn Cường, chúng ta không biết gia đình Hồ Văn Cường có bằng chứng rõ ràng gì cho việc tự nguyện từ bỏ hay chấm dứt quyền làm cha mẹ của cha mẹ ruột (termination) hay không, nhưng tình tiết việc Phi Nhung nhận bé Hồ Văn Cường làm con nuôi (adoption) thì rất nhiều dù không chính thức làm thủ tục pháp lý. Quyền thừa kế tài sản của bé Hồ Văn Cường phần lớn sẽ nằm vào việc tòa án xác định bé Hồ Văn Cường hội đủ cả hai phần của thủ tục làm con nuôi là “termination” và “adoption” hay không. Mà phần quyết định lớn nhất sẽ là những bằng chứng liên quan đến vấn đề “termination”.

Với 22 bé còn lại, dựa vào tình tiết của từng bé thì tòa án có thể xét xử khác nhau. Nhưng ai sẽ là người giành lại công lý cho các “con nuôi” của Phi Nhung trong việc đòi quyền thừa kế tài sản của các bé. Khó có người đứng ra để lo giúp các bé chi trả tòa án phí và luật sư phí để giúp các “con nuôi” của Phi Nhung được công nhận quyền thừa kế tài sản của Phi Nhung theo đúng với pháp luật và tòa án Mỹ. Rồi thì số phận đáng thương của các bé cũng sẽ trôi dạt vào đâu?

AT

(Cell phone: 623-341-8835)