Hiệp định Genève chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17 đánh dấu cuộc di cư của gần một triệu đồng bào từ phương Bắc xuôi Nam lánh nạn cộng sản. Nhạc phẩm “Hận ly hương” là một sáng tác của Anh Hoa và Ngọc Long vào năm 1955 nói lên tâm tình của người ra đi muốn gửi gắm bao lời thương, tiếng nhớ về quê xưa, chốn cũ đã mịt mờ xa cách.

Hình bìa tờ nhạc “Hận ly hương”, ấn phẩm của nhà xuất bản Trưng Vương, 1955
(Hận Ly Hương)
Trại Palawan thuộc lãnh thổ của xứ sở Phi-Luật-Tân nằm trên một vùng đất rộng lớn, gần vịnh Subic, mặt giáp với biển, mặt với núi đồi, mặt tiếp với sân phi đạo và mặt kia là con đường trải nhựa phẳng phiu xuôi ra phố thị Puerto Princesa. Thấp thoáng nơi đây, hàng ngàn lượt người Việt-Nam tị nạn đã đến và đi, trên bước viễn hành kiếm tìm một quê hương mới.
Cái khí hậu nóng rát thịt da và cái nắng nung người nơi này không làm Tám nhớ nhiều như những ngày mưa lạnh. Ở Palawan nắng nhiều mà mưa cũng không ít. Có khi mưa dai dẳng từ ngày này qua ngày khác và trói chân người tị nạn trong những mái lá nghèo nàn, xiêu vẹo. Có hôm mưa đan thành một tấm lưới trắng mờ đục, giăng kín cả khung trời và che khuất một vùng biển rộng ngoài xa. Mưa vẫn rơi khi hoàng hôn sắp chìm vào khoảng mênh mông hay góp phần tăng thêm nhiều lượng nước giữa lúc mực nước biển đang dâng cao rồi tràn qua bờ đá. Nồi niêu xoong chảo và những vật dụng tạp nhạp trôi bềnh bồng từ nhà này sang nhà khác. Biết của ai mà mang đi trả, thôi thì mượn tạm xài đỡ và tự hứa là khi rời trại sẽ để lại cho người đến sau. Quý nhất là những thanh củi lớn như cái bắp đùi, mau mau tay vớt để có cái mà nấu nướng cho ấm bụng mỗi khi chiều xuống. Thuở đó, nước ngọt và củi là những thứ cần thiết và quý hiếm trong sinh hoạt hằng ngày nơi trại tị nạn.
Những ngày đầu tiên xa xứ ấy, đôi chân gói gọn trong một vùng đất chai lì khép kín, đi vài ba phút thôi đã trở về chốn cũ và trong lòng Tám luôn mang mểnh một nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ thương Sài-Gòn da diết. Phía bên hông cái vạt tre Tám nằm ngủ thường được gọi vui tai là cái ổ rơm, sừng sững một căn nhà lá rộng lớn, khá chắc chắn và được dựng trên một nền đất thật cao. Vì nhà nằm sát biển nên gia chủ đã đắp nền cao hơn, hòng ngăn được lượng nước biển tràn vào. Chủ nhà là một người đàn ông trung niên, đẫy đà. Ngoài ông ra, khá nhiều thiếu niên đang tuổi ăn, tuổi lớn hiện diện trong ngôi nhà thiếu vắng bàn tay phụ nữ đó. Vì có chân trong ban phát thư của trại và qua những lần giao thư cho ông mà Tám biết được tên ông là HCĐ. Nghe đâu trước khi bỏ xứ đi vượt biển, ông là chủ nhân của một cơ sở ấn loát có tiếng ở Sài-Gòn.
Cũng như bao nhiêu chiều mưa khác, Tám ngồi bó gối và nhìn qua khung cửa hẹp. Ngoài kia là một vùng biển vắng, trắng xóa, mênh mông. Từ ngôi nhà có nền đất cao cao, tiếng hát của ông hàng xóm có gương mặt hiền lành vang xa và át cả tiếng mưa rơi ..
“Ôi quê hương giờ chìm trong khói sương
Mây bao la gợi sầu ai viễn phương
Bên kia sông ai nỡ cắt đôi đường
Gieo rắc mối u buồn
Tìm đâu tình cố hương” (*)

Chuyến tàu di cư, 1945
Tiếng hát của ông không như tiếng hát của các danh ca thời thượng, không điệu đà, trau chuốt. Nhưng trong tiếng hát đó, Tám đã nghe được những tiếng nấc nghẹn ngào, tiếng lòng nức nở của một tâm hồn lưu lạc. Ông hát đi, hát lại bài hát đó không biết bao nhiêu lần trong buổi chiều hôm mưa lạnh. Ngoài trời, mưa vẫn rả rích rơi, ánh điện vàng vọt trong xóm biển đã leo lét thắp sáng. Chiều rơi lặng lẽ ở một nơi không phải là quê nhà và cũng không là chốn cũ. Khói bếp nhà ai lan tỏa um tùm vì củi ướt, cành tươi. Khói làm mắt cay cay hay những giọt nước mắt buồn bã thương má, nhớ ba đang lặng lẽ tuôn rơi làm cho cơm canh mặn đắng.
Đến đoạn điệp khúc, hình như cái cảm xúc của người hát đã hòa tan cùng cái thân phận tha hương đang trôi nổi, bềnh bồng. Ông hát mà như đang tâm sự với riêng mình:
“Ra đi xa mái tranh thân yêu
Xa bến xưa cô liêu với hình dáng quê nghèo
Ðêm nay ta lặng ngắm mây trôi
Nhớ về phía xa xôi
Hận sầu dâng đầy vơi” (*)
Nỗi sầu hận hình như đã chất cao thành núi khi nhớ về một quê nhà tan tác, một xứ sở lầm than hay một quê hương đã đến hồi mạt vận. Niềm thương tiếc không phải từ cái mùa xuân ly loạn hay từ ngày binh tướng tan hàng mà nỗi đau đời cứ kéo dài từ thuở đất nước bị phân ly, hàng triệu người dân rời xứ Bắc đi lánh nạn cộng sản. Một lần xa quê, thêm một lần bỏ xứ và nỗi niềm cứ theo bóng thời gian và đeo đẳng cho đến bây giờ. Mấy mươi năm trôi qua rồi mà sao tiếng hát ly hương, lạc loài đó vẫn còn âm vang trong ký ức, trong từng suy nghĩ và nhất là mỗi khi Tám chạnh nhớ về một vùng đất tạm dung hay một vùng biển lặng cho dù đó không là quê nhà với mưa chiều, nắng sớm. Người đi, đi mải miết, chí lớn chưa về, đôi bàn tay vẫn chơi vơi. Mưa rơi dài trên phố nhỏ, mưa rơi ở một nơi cách xa quê nhà vạn dặm và nỗi sầu xa xứ cứ đong đầy theo tiếng hát của ngày mưa muộn.
TV
(*) Nhạc phẩm “Hận ly hương” của Anh Hoa và Ngọc Long