Thiềng Liềng là một ấp đảo thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, tp. HCM.

Tứ bề là rừng ngập mặn
“Hiện nay có tour một ngày đi đảo Thiềng Liềng cùng du thuyền King Yacht khởi hành từ Bến tàu Cao tốc Bạch Đằng được nhiều người chọn. Tuy nhiên hôm ấy nhóm chúng tôi 6 người đi bằng vỏ lãi đến Thiềng Liềng từ điểm đón dọc đường rừng Sác ở bến sông cầu Long Giang Xây… với người lái tàu tên là Chí.

Cầu tàu khu dân cư
Vẻ đẹp sông nước
Nhìn trên bản đồ, cảm giác Thiềng Liềng như viên ngọc trời cho giữa vùng sông rạch chằng chịt và thảm cây rừng xanh đầy mê hoặc.
Công bằng mà nói, cảnh sông nước dẫn đến Thiềng Liềng trông khá thơ mộng, êm đềm.
Tứ bề là rừng cây ngập mặn. Cây rừng mọc thành từng cụm tự nhiên nhưng như có bàn tay sắp đặt trông rất ngoạn mục; đi trên sông mà như trên biển, đi trên biển mà như trên sông. Tốc độ vỏ lãi vừa phải khiến sự thích thú tăng lên được thong thả ngắm cảnh xung quanh. Rừng nối tiếp rừng, trên là bầu trời trong xanh, tô điểm đẹp thêm bởi những cụm mây trắng và dưới là nước, cây rừng…

Gọi là núi Giồng Chùa
“Ngọn núi cao nhất tp. HCM và thấp nhất Việt Nam”
Là câu khá gợi tò mò khi tìm hiểu về Thiềng Liềng trước khi đi. Vậy nên, chúng tôi chọn điểm đến đầu tiên là núi Giồng Chùa.
Theo các tài liệu, đây là ngọn núi nhỏ, được coi là ngọn núi duy nhất và cao nhất Thành phố HCM và thấp nhất Việt Nam bởi nó chỉ cao khoảng hơn… 10 mét.
Tương truyền, tên gọi Giồng Chùa là bởi trên đá có vết lõm sâu như “dấu chân” của vua chúa nào đó đã từng qua đây. «Núi Chùa» có thể là biến âm của từ «núi Chúa».
Chiếc vỏ lãi dừng lại ở một ngôi nhà mái tranh của hai vợ chồng làm nghề muối. Một câu chuyện “huyền thoại” khác nữa mà chúng tôi nghe được ở đây là ngày xưa, có một bà tiên gánh đá ngang qua, gánh nặng quá, bà làm rớt nơi đây một hòn đá khiến gánh bị mất cân bằng. Bà lấy hết sức lực ném đầu gánh còn lại sang Vũng Tàu. Những câu chuyện kể dân gian luôn là điều thú vị bởi con người thường gắn sự mơ mộng của mình cho thiên nhiên thêm phần hoang đường, hấp dẫn. Và tôi chắc, bạn sẽ thất vọng khi thấy núi chỉ là một khối đá lớn. Nhưng, điều làm nên sự khác biệt là câu hỏi đặt ra: tại sao giữa vùng sông nước, bao la cây rừng ngập mặn đước, mắm, bần… và những ruộng muối lại nổi lên một khối đá như thế?

Đường trên đảo – Một bên là ruộng muối, một bên là sông Lòng Tàu
Men theo bờ ruộng muối chúng tôi đến khối đá mang tên “núi Giồng Chùa”. Bạn sẽ thắc mắc như tôi khi đứng nơi cao nhất và nhìn chung quanh. Giữa màu xanh bao la của cây rừng, một khối đá có lẽ được hình thành hằng trăm triệu năm trước và khi ấy nước phủ kín tứ bề, bởi trên đá chi chít những đường ngang dọc như được cắt bởi dòng nước từ thời khai thiên lập địa chăng? Là công việc của những nhà địa chất khi trên núi đá có dấu vết nghiên cứu địa chất, và theo các tài liệu thì đây là một khối đá andezit (andesit) loại macma (magma) nguồn gốc núi lửa. Thiên nhiên vốn luôn là điều bí ẩn thôi thúc con người khám phá kia mà!
Rời “núi Giồng Chùa” chúng tôi đến ấp đảo Thiềng Liềng. Cũng sông nước biển khơi là điểm chính của chuyến đi. Màu xanh cây rừng đẹp mê hoặc, và gió khi mơn man, lúc suồng sã tạo cho khách sự thích thú.

Giàn nuôi hàu
Ấp đảo Thiềng Liềng điểm du lịch đang “hot” của thành phố
Trước khi đến Thiềng Liềng chúng tôi được biết ở đây hầu như không có hàng quán ăn uống mà chỉ có những homestay và bất kỳ người lái đò nào cũng sẽ sẵn sàng cho bạn số điện thoại để đặt trước thức ăn cho đoàn.
Bởi Thiềng Liềng chỉ là một đảo nhỏ với 211 nhà, khoảng ngàn người sống bằng nghề làm muối với 400 ha muối, sản xuất hằng năm 20,000 tấn muối; một số ít cư dân nuôi hàu.
Vỏ lãi ngừng ở bến đò, chúng tôi đổ bộ lên đảo. Điều nhận xét trước tiên là cuộc sống bà con trên đảo khá êm đềm, bình yên. Nhà mặt tiền nhìn ra sông, ghe neo đậu trên bến, dưới thuyền. Hàng cây tạo bóng mát làm nơi chuyện trò của bà con lối xóm. Dừng lại một điểm bán rau, trái cây bên đường, chủ là một người đàn ông trung niên, anh kể quê ở Gò Công, qua Thiềng Liềng bán hàng đã nhiều năm nay. Người dân đảo rất thân thiện, sẵn sàng chỉ cho bạn điểm thuê xe đạp, hay cần đi những nơi đâu, vào nhà ai….
Thật ra, không cách nào lạc lối ở đảo bé nhỏ này khi bạn chỉ cần đi một vòng đường quanh đảo khoảng 4 cây số là hết.

Homstay Mười Bụng
Vài con đường nhỏ cắt ngang tạo thành những khối nhà. Ở đây hầu như không có nhà cao tầng. Nhà nhỏ, đường nhỏ xinh xinh, hàng cây bên bến sông, không có cảnh buôn bán ồn ào làm nên vẻ đẹp hiếm nơi nào có được như ở Thiềng Liềng.
Theo con đường bê tông, chúng tôi đến một cổng chào khác như lối dẫn vào khu du lịch. Tấm bảng sơ đồ cho biết có 12 nhà làm homestay. Những cổng gỗ nhỏ, trang trí đơn sơ một cách có chủ ý dẫn vào các nhà nghỉ, những chiếc thùng rác làm bằng nan tre, hoa đủ màu rạng rỡ… gợi sự tò mò
Chị Huyền, chủ một homestay từ nơi khác đến đây làm du lịch cho biết: “Khi lần đầu sang Thiềng Liềng, em bị lạc và may sao đúng vòng đường đẹp nhất. Hai bên bờ sông có những đồi cây đước bát úp rất đẹp, đẹp như ở Nga ấy. Em rất ngạc nhiên không nghĩ TP.HCM còn có chỗ hoang sơ tự nhiên như vậy. Thêm cái tên Thiềng Liềng gây tò mò, em mới tìm hiểu và thấy yêu mến nên ở lại. Nơi đây có 6 tháng mùa nắng làm muối, còn 6 tháng mùa mưa bà con đi làm thuê trên thành phố rất khổ cực. Đường sá xa xôi, trẻ con thất học nhiều lắm”.
Chị nói thêm vừa quảng cáo mà không quảng cáo vì tự nhiên đã như thế: “Tuyệt vời nhất là ở lại đêm trên đảo. Bạn sẽ có thời gian đi đạo bằng xe đạp quanh đảo, ngắm trăng, chụp hình bình minh hay ruộng muối vào mùa thu hoạch…”

Đường nhỏ trên đảo
Bữa cơm trưa thân thiện và món kem dừa nước
Hôm ấy chúng tôi đặt cơm ở nhà Mười Bụng. Bữa cơm trưa ê hề với các món cây nhà lá vườn như: lẩu hải sản, cá mú hấp, mực nang hấp, trứng tráng, rau lạc tiên xào… Đặc biệt, xoài ở Thiềng Liềng rất ngon, tôi cảm giác ngon hơn cả xoài Cần Giờ; hay vì khẩu vị của chúng tôi hôm ấy có phần ưu ái cho đảo nhỏ xa xôi?
Cơm trưa xong, chủ nhà gợi ý cho chúng tôi mượn xe máy chạy một vòng quanh đảo, thật không có sự hiếu khách nào hơn. Theo con đường độc nhất, một bên là ruộng muối, một bên là sông Lòng Tàu, đi dăm phút đã về chốn cũ là cầu tàu khu dân cư khi chúng tôi lên đảo lúc sáng.

Chụp hình phản chiếu trong một quán cafe ở Thiềng Liềng
Có 3 cầu tàu trên đảo là khu dân cư, Biên phòng và cầu tàu kho nước. Nước sinh hoạt ở đây được chở từ đất liền ra bằng sà lan và cung cấp cho dân cư qua hệ thống nước máy.
Chúng tôi tạm biệt Thiềng Liềng bằng chầu cà phê trưa ở quán cà phê Cột Muối có món kem dừa nước rất ngon. Quán được trang trí bằng những cột thủy tinh, bên trong là muối.
Điều thích thú nữa là chúng tôi không cần quay lại bến tàu dân cư. Bất cứ nơi nào trong khu du lịch đều có vỏ lãi đến đón tận nơi.
Đúng giờ hẹn, chiếc vỏ lãi trờ tới ngay quán cà phê đón chúng tôi ra về.
Sông Lòng Tàu là tuyến đường thủy quan trọng của Sài Gòn, tàu có trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa quốc tế ra vào nên thêm một điều thú vị khi đi trên sông là từ rất xa, có những chuyến tàu thật lớn đi qua, người lái vỏ lãi sẽ cho tốc độ chậm dần để tránh sóng. Cũng là một cảm giác thích thú trong chuyến đi của chúng tôi hôm ấy.

Tàu tải trọng lớn đi trên sông Lòng Tàu
ĐTTT