Năm mươi năm trước, tôi hai mươi tuổi.
Cho đến bây giờ tôi vẫn là cô gái đôi mươi.
Tôi chỉ nhận ra mình đã già khi nhìn thấy một tấm hình, đọc một câu nói của ai đó từ một bản tin được chia sẻ trên mạng xã hội. Ví dụ như chuyện một bà lão 70 đi lạc, hay cụ bà tuổi 60 vẫn tần tảo mỗi ngày bán buôn, nuôi đứa cháu nhỏ mồ côi cha mẹ… Tôi đã thảng thốt kêu thầm rằng mình đã lên hàng «cụ» rồi sao? Trong vòng giao tiếp, cái chức cao nhất tôi thường được gọi là «bác». Đám con cháu ruột thịt của tôi gọi tôi bằng “bà”. Cũng có những đứa trẻ khác gọi tôi là “bà trẻ” theo ý muốn của cha mẹ chúng, với lời giải thích như một cách trau giồi thêm tiếng Việt cho đám trẻ con.
Dù đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn còn đi làm vì đam mê công việc. Còn bận tâm trau chuốt manh quần tấm áo mỗi khi bước ra đường và dường như luôn có sự tự tin, dù niềm tin này có thể chỉ là những ảo tưởng.
Trong một buổi trà dư tửu hậu, một người bạn đã nói với tôi: khi nghe bọn trẻ trò chuyện anh mới hay rằng mình đã là một ông cụ, nhưng sao lúc nào anh cũng cảm thấy như mình vẫn còn trẻ lắm. Tôi nghĩ, không chỉ hai chúng tôi có những suy tư này. Còn biết bao người, nói hoặc không nói ra những gì họ nghĩ.
Anh bạn tôi luôn thấy mình của ngày nào vai đeo ba lô đi qua những ruộng làng xơ xác. Thấy mình tay ghì súng, lăn lộn giữa rừng sâu, giữa bom đạn ngút trời. Anh chỉ bày tỏ một hai câu ngắn ngủi, nhưng tôi biết trong anh còn vô số những hình ảnh khác. Chuyện đời lính gian truân trĩu nặng một nỗi buồn thất trận, là sự đau đớn không thể nguôi quên. Nhưng tôi tin anh vẫn còn thấy lại mình những ngày vui thời ấu thơ, thời thư sinh đèn sách, hay hoa niên tươi đẹp với những hẹn hò. Dù ở đâu, tuổi trẻ vẫn có những ngày mộng mơ phố thị, những quán xá tưng bừng, náo nhiệt niềm vui.
Tuổi tôi mười lăm-mười sáu, cô học trò ngày hai buổi đi về trong con ngõ. Ngõ vui vì luôn có những tiếng hát vẳng ra từ một chiếc máy thu băng của một căn nhà cửa mở.

Bảo Huân
Mười bảy-mười tám, đã biết điệu đàng với hai tà áo. Áo tơ tằm mềm như mây trắng đã cùng tôi, cùng bạn lượn lờ rong chơi qua những con đường. Đường xanh cây cao bóng tỏa, đường nhộn nhịp những cao ốc, phố lầu. Những cánh áo như bướm bay trên từng góc phố nắng trưa. Áo ủ rũ nép mình dưới một mái hiên Sài Gòn vì những cơn mưa bất chợt. Những màu áo xưa ngày ấy không chỉ là những màu sắc được ca tụng trong thi ca. Tôi còn có áo hoa, vằn vện những hình thù lạ lẫm. Những mẫu mã hoa hòe được vẽ theo thời trang của một phong trào lập dị, phản chiến đến từ Hoa Kỳ, ào ạt như sóng trên dòng thác tuổi trẻ Việt-Nam.
– Tôi có chiếc áo nào màu đỏ không?
– Không!
– Có!
Đó là câu hỏi bật lên trong đầu tôi vào một sớm mai. Nó đến từ một giấc mơ nhưng không xa sự thật. Không chỉ là một tà áo đỏ mà còn có bóng dáng một người Mỹ mang tên Smith.
Một câu chuyện rất cũ, rất xưa đã bị chìm sâu trong tận cùng ký ức. Phải chăng, những gì đang được lặp lại trên mạng xã hội, những bài viết mổ xẻ về cuộc chiến tranh, sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam mà tôi đọc gần đây đã khiến tôi mơ thấy ông?
Tôi biết hai người Mỹ có cùng tên Smith. Ông Smith, giáo sư dạy đàm thoại ở trường sinh ngữ Nguyễn Ngọc Linh, nơi tôi theo học từ năm lên đệ Tứ. Thỉnh thoảng tôi nhắc đến ông khi kể với ai đó về lớp học này. Nhưng người tôi mơ đêm qua là ông Smith, một viên chức dân sự. Mơ thấy ông thì phải có Trương Thiên Thu, cô bạn học chung lớp đệ Nhị, vì Smith là bố nuôi của Thiên Thu. Vì sao Thu lại có một ông bố nuôi người Mỹ tôi cũng không rõ. Ông anh họ của nó là một vị Bộ trưởng, một tên tuổi khoa bảng được đào tạo từ Hoa Kỳ. Có thể con nhỏ đã từng được dự một buổi tiệc nào đó của ông anh và đã gặp Smith.
…
Đường Pasteur, khu yên tĩnh, nơi cư ngụ của đa số những người ngoại quốc đến Việt Nam làm việc.
Ánh sáng từ những chùm đèn qua bóng cây tỏa sáng. Thứ ánh sáng nhấp nháy như nụ cười đêm bàng bạc trên màu áo đỏ của tôi. Chúng tôi dựng xe dưới một tàn cây rậm lá sau khi nhờ người gác cửa chung cư vào gọi ông Smith.
Thiên Thu nghiêng đầu ngắm tôi:
– Áo mới hả? Đẹp đấy. Mày thích màu đỏ sao?
Tôi nghĩ đến những phong pháo đỏ treo trên những cửa nhà trong xóm tôi. Đúng giờ giao thừa, những dây pháo được đốt cháy bung ra những tia lửa sáng ngời, lăn tăn tí tách cùng tiếng nổ giòn giã vui tai. Mùi thuốc pháo thơm lừng, từng lớp giấy tan tác rơi vãi khắp cùng con ngõ.
Tôi cười:
– Ừ, Tết thì phải đỏ!
Khác với tôi, áo màu đậm, nhạt, thay đổi từng ngày. Thiên Thu quanh năm áo trắng. Không phải là những sợi tơ mềm bóng, mà bằng một thứ vải được gọi là téteron, đủ dày để che giấu những đường cong con gái. Tôi đi giầy gót cao kiểu này, kiểu nọ. Thiên Thu guốc mộc bốn mùa, tóc ngắn vừa đủ túm lại bằng một sợi thun. Tôi điệu hơn Thiên Thu, thì giờ để điệu đàng với quần áo của tôi nhiều hơn bạn. Và dĩ nhiên tôi học dở hơn bạn. Thiên Thu đang nuôi mộng lấy được một học bổng du học Hoa Kỳ. Tôi tin nó có đủ khả năng thực hiện điều này. Và tối nay nó đã rủ tôi đến chúc Tết ông Smith.
Tết của ông Smith qua lâu rồi. Ông ấy can dự gì đến Tết ta của mình mà chúc? Nghĩ như thế, nhưng tôi hiểu những lần Thiên Thu rủ tôi đi gặp ông Smith chỉ để học đàm thoại Anh ngữ. Và như bao lần, lớp học được mở ra dưới những bóng cây, trước sân cao ốc.
Bóng ông Smith hiện trên thềm cửa tòa nhà. Tôi và Thiên Thu tiến tới chào ông. Tôi lại được dịp đứng thẳng người khoe tà áo mới.
Chúng tôi nói với ông những câu xã giao quen thuộc, nhàm chán. Nhưng những nụ cười của hai đứa tôi lúc nào cũng rạng rỡ tươi vui.
– Ông khỏe không? Hôm nay là ngày thứ ba trong năm của chúng tôi. Theo phong tục, ông phải lì xì hai đứa…
Tôi cười ngặt nghẽo vì câu nói của Thiên Thu: “you lì xì me”.
Chúng tôi không còn liên lạc kể từ cuối niên học ấy. Thiên Thu được du học Hoa Kỳ như mơ ước. Trước khi đi, nó mang cuốn lưu bút giấy lụa màu ngà. Những trang giấy mỏng ẩn bóng những bông hoa nhạt, lại còn thêm những khung hình để dán hình vào. Khung vuông, tròn, và cả hình tim. Tôi không nhớ mình đã dán hình mình vào đâu trong những khung hình đó?
Cuốn “lưu bút” ngày xanh ấy giờ nơi đâu? Và cả cái áo đỏ của tôi nữa. Nó được rao bán ở chợ trời hay như những chiếc áo dài không còn hợp thời, đã được cắt may thành áo ngắn mặc ở nhà sau ngày tang thương ấy? Bao nhiêu màu áo chờn vờn trong ký ức, sao lâu rồi chiếc áo đỏ và tuổi 17 trong sáng, ngây thơ mới chịu quay về?
Hai mươi tuổi, có những ngày không thể ra đường. Đêm đêm dù muốn dù không vẫn phải nghe tin tức của đài BBC Luân Đôn, đài VOA tiếng nói Hoa Kỳ phát ra từ chiếc radio Zenith của anh tôi. Tôi nhớ như in tiếng nói của người xướng ngôn viên mở đầu chương trình cũng như chấm dứt bản tin.
Hai mươi tuổi, đêm nằm nghe âm thanh hỏa tiễn vun vút xa gần. Sáng thức dậy bàng hoàng khi biết tin đêm qua, ngôi nhà trong một khu xóm bên kia đường bị trúng đạn pháo kích cướp đi mạng sống của người gia chủ, là một người quen của gia đình tôi. Nhớ ánh mắt, bàn tay gầy yếu run rẩy của người góa phụ khi tôi theo mẹ đến nhà chị chia buồn.
Hai mươi tuổi, đứng bên hè phố, ứa nước mắt khi nhìn những chiếc xe tăng cồng kềnh nghiền nát lòng đường.
…
Năm mươi năm rồi! Tất cả đã xưa, khoảng đời ấy đã tít tắp biển dâu. Nhưng xưa mà nào đã xa, đã cũ.
Có lúc tôi tự hỏi, nếu trở về sống ở quê nhà, tôi có thao thiết nhớ về nơi chốn này, nơi tôi đã sống hơn nửa đời dài, gấp đôi khoảng thời gian sống trên quê hương cũ?
Những người chết trẻ còn mãi tuổi thanh xuân. Bởi vì thời gian đã ngừng lại trên bia mộ.
Ký ức vui-buồn cũng là một nấm mồ tâm tưởng. Những nấm mộ không ghi dấu thời gian. Thời gian trong mỗi hồn người và tôi vẫn thấy mình còn mãi tuổi xuân, một cô gái đôi mươi trên những con phố Sài Gòn ngày ấy.
ĐML
(tháng 4/2025)