Cách đây gần 1 tháng, ngày 21-3-2023, truyền thông Việt Nam đưa tin rộn rã về 50 doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ đến Việt Nam, theo chương trình của Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), để thảo luận về các “cơ hội” đầu tư và hợp tác kinh doanh. Trong đó có một số công ty nổi tiếng như Coca-Cola, PepsiCo, Apple (đang hoạt động tại Việt Nam), còn có đại diện của Boeing, SpaceX, Pfizer, Abbott, Visa, Citibank, Meta, Amazon… Nhiều tờ báo trong nước gọi đây là những con “đại bàng” của thế giới.
Việt Nam vẫn là nơi các doanh nghiệp Mỹ dè dặt trong việc đầu tư, hiện nay số vốn rót khá nhỏ giọt, chừng 13 tỉ đô la, đứng thứ 11, sau Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản…
Đối với việc thu hút đầu tư, tăng thu nhập và công ăn việc làm, Việt Nam phải đối đầu với các đối thủ sẵn sàng “giựt mối” là Ấn Độ và Indonesia. Họ có lợi thế về chính trị. Trong khi Việt Nam bị ràng buộc về thể chế, chính sách, pháp luật lộn xộn. Việc giữ chân được các “đại bàng” là một điều không hề dễ dàng. Ngoài việc hợp tác, Mỹ đang là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam xuất sang Mỹ, nông sản, thuỷ sản, đồ nội thất, trang trí năm 2022 trị giá $135 tỉ đô la. Hơn 10 lần hàng hóa Việt Nam nhập từ Mỹ.
Tối 29-3-2023 , Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi điện cho Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng, nội dung quanh việc “nâng cấp” quan hệ song phương, trong đó có những vấn đề liên quan đến quốc phòng, bắt đầu bằng việc giải quyết hậu quả chiến tranh, nâng cao “năng lực thực thi pháp luật” trên biển, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Mới nhất là Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố sẽ đến Việt Nam vào tuần sau, sau cuộc họp với các đồng minh châu Âu về việc hỗ trợ cho Ukraine vào ngày 4-4-2023. Khoảng thời gian có thể là ngày 10-4-2023 hoặc 15-4-2023 sẽ đến Hà Nội. Tiếp đó ông sẽ bay sang Nhật để họp G7 vào ngày 16-4-2023.
Việt Nam dẫu cần làm ăn và hợp tác với Mỹ nhưng luôn bị “bóng đè” từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thế lực Trung Quốc ngày càng suy yếu. Sự bất ổn về chính trị, đặc biệt là khả năng khống chế với biến động rất kém cỏi, khiến Mỹ và châu Âu không còn tin tưởng, họ sẽ dần dần rút khỏi Trung Quốc để đặt cơ sở ở những quốc gia ổn định hơn.
Việt Nam là một trong những quốc gia được chọn lựa, tuy nhiên, Việt Nam phải thay đổi những tiêu chuẩn căn bản về tự do, nhân quyền và trên hết phải được bảo vệ về mặt quốc phòng, một khi “tự lập” được, họ sẽ không còn “thuần phục” với Trung Quốc như trước.
Mặc dầu, Mỹ và đồng minh thấy rằng, Việt Nam không có tiềm năng cao và quan trọng như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Singapore… nhưng góp phần trong việc tạo một nền tảng sản xuất thay thế Trung Quốc. Để những “nền tảng” này không gây biến động như Trung Quốc trong thời gian qua, Mỹ và đồng minh phải giúp những quốc gia khác có thể tự đứng trên đôi chân của mình và thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Cộng.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông Antony Blinken (ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Hạnh Dung (tổng hợp)