Là vùng hứng chịu nặng nề nhất trong trận động đất 7.7 độ Richter ở Myanmar ngày 28/3/2025. Mọi thứ sụp đổ, hàng dài người còn sống thất thần đi trên những con đường hai bên là nhà đổ nát. Cơ quan Địa chất Mỹ dự báo con số có thể lên tới 10,000 người chết dựa trên mức độ rung lắc, mật độ dân cư và nhiều yếu tố khác.

Đồi Sagaing
Tổn thất vượt quá sức chịu đựng của con người. Và tôi không hình dung Myanmar sẽ tái thiết như thế nào sau động đất khi trong lúc những con người khốn khổ, khốn nạn còn bị vùi lấp dưới đống đổ nát thì đâu đó trên đất nước họ vẫn vang lên tiếng súng của cuộc nội chiến. Làm sao thân phận con người chịu đựng nổi vừa thiên tai và vừa chiến tranh?
Những chuyến cứu trợ khẩn cấp của các nước trên thế giới đã và đang trên đường đến với Myanmar chạy đua với giờ vàng cứu người, những tấm lòng sẻ chia chút ấm áp nhỏ nhoi làm sao bù được thiệt hại ghê gớm của một đất nước còn nghèo ở Đông Nam Á này?

Tượng Phật ở chùa Mahamuni
Màn trời chiếu đất, người sống sót không có cả thức ăn và nơi ở… Một phận người được cứu là cả một nỗ lực. Trăm ngàn con người cần cứu và đã không còn cơ hội được cứu. Mùi tử khí khắp nơi trong cái nắng nóng 41 độ C khi mọi thứ đã qua khung giờ vàng.

Bên trong chùa Mahamuni
Và còn di sản, tôi thật sự thẫn thờ khi mà gần như những đền, chùa, công trình lịch sử tôi đã đến thăm 8 năm trước bị đổ sụp. Mỗi ngày, bất cứ công trình lịch sử nào ở Mandalay bị hư hại được công bố, với tôi như có điều gì làm nghẹt thở. Quá nhiều công việc cần truyền thông nhanh mà đường giao thông tắc nghẽn, còn vì bất ổn chính trị; tin tức đến với mọi người trên thế giới không đầy đủ về thiệt hại. Cứu người trước đã, tay không mà bới tìm trong đống đổ nát, trong bùn chút mong manh sự sống… Di sản, công trình lịch sử tính sau, dù rất đau đớn

Chùa Mahamuni sau động đất
Tôi tour lại những tấm hình cũ. Mandalay, kinh đô của hoàng triều cuối cùng của Myanmar, cách Yangon khoảng 716 km về phía Bắc, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, và rất nhiều di tích cổ xưa được giữ lại trong một thành phố là trung tâm kinh tế quan trọng của Myanmar.
Này là tấm hình tôi chụp trước chùa Mahamuni (1). Buổi sáng hôm ấy nơi đây khá đông người. Một thánh tích Phật giáo nổi tiếng và là trung tâm hành hương quan trọng của Phật tử Myanmar. Tôi nhớ lại, trong chánh điện của chùa có bức tượng Phật dát vàng. Lớp vàng dày lên mỗi ngày khi khách hành hương đến viếng và tiếp tục dán lên bức tượng các lớp vàng lá.

Chùa Amarapura bị hư hại nặng (hình Internet)
Người dân Myanmar khi có chút tiền thì họ mua vàng, không phải đầu cơ tích trữ mà là dát chùa dát tượng. Những ngôi chùa, và có lẽ có những pho tượng dát vàng hùng vĩ đã vỡ vụn và lẫn vào đất. Không biết rồi họ sẽ nhặt những vụn vàng ấy lên cất đi để một ngày nào đó lại dát lên tượng hay phân kim để bán mua chút lương thực sống qua ngày theo ý nghĩ của một người “trần tục” như tôi?
May quá, tôi chưa thấy tin tu viện Maha Gandhayon Kyaung (1) bị sụp đổ.

Chuông ở chùa Amarapura
Đây là hình ảnh ngôi chùa Amarapura, một kiệt tác về kiến trúc. Ngôi chùa màu trắng thật đẹp này được xây dựng vào 1820. Tôi nhớ lại rất rõ, khi ấy nhóm chúng tôi mọi người tản mác đi khắp nơi, chỉ mình tôi tha thẩn với cái máy hình trước những bậc thềm dẫn lên rất cao, có một cánh cổng nhỏ, thấp. Một vị sư tiến đến, tôi ngỏ ý nói muốn lên trên cao đó nhưng tôi nhận được câu trả lời là phụ nữ không được lên. Ông hỏi tôi có muốn ông chụp giúp cho vài tấm hình không? Background trắng toát và ngược sáng, tôi biết tấm hình sẽ không đẹp và không tin tưởng vào tài bấm máy của vị sư ấy. Quả đúng vậy, những tấm hình không cân, không bố cục, không ưng ý nhưng bây giờ tôi thấy quý quá chừng. Tôi cũng chụp cho vị sư ấy một tấm hình, nhưng không hiểu sao, chính tay tôi chụp cũng không đẹp, không như ý. Vị sư hiền từ ấy đã thế nào qua trận động đất kinh hoàng này? Lại thêm một dấu hỏi trong rất nhiều dấu hỏi. Tôi đâm ra tức mình, tại sao ngôi chùa đẹp như vậy mà tôi chỉ có những tấm hình lệch lạc, không cân đối. Rồi lại tự bào chữa, có thể khi ấy tôi từ Bagan về, mắt đã no đầy với cả biển tháp vàng mênh mông nên không còn hứng thú chăng? Lại càng thêm tiếc nuối (thời gian lúc ấy) khi tôi coi lại những hình bạn chụp tôi với cái chuông khổng lồ của chùa mà bây giờ tôi bỏ tấm hình vào công cụ tìm kiếm google nó chỉ ra hàng loạt nơi có chuông như vậy. Tôi khó tha thứ cho cái sự hời hợt này của mình – nơi cần lưu giữ hình thì lại bỏ qua, nơi không cần nhiều thì lại thừa thãi.

Chùa Amarapura
Và còn nữa, trái tim tôi thật sự nhói lên khi đọc tin chùa Kuthodaw (2) hay còn gọi là The World’s Biggest Book nằm trong danh sách di sản bị hư hại bởi động đất.
Tôi đọc trên báo: “Mandalay và Sagaing là hai vùng thuộc miền trung Myanmar chịu hậu quả thảm khốc nhất”. Trưa hôm ấy chúng tôi lê bước thật chậm lên đồi Sagaing vì mệt mỏi do đi nhiều nơi và… đói. Thế nhưng lên đến nơi nhìn xuống mới thấy xứng công. Một biển tháp và cây rừng bên dưới, đặc biệt là những cây phượng cổ thụ (1), gió trên đồi mát rượi, mệt nhọc tan biến. Dòng sông vòng lượn dưới chân đồi thật ngoạn mục. Đồi Sagaing xinh đẹp bây giờ thế nào sau thảm họa?

Chùa Kuthodaw
Và còn nữa để cho trái tim tôi thổn thức vì tiếc và nhớ. Chùa Hsinbyume hơn 200 tuổi, Ngôi chùa sở hữu lối kiến trúc ấn tượng mô phỏng theo hình dáng ngọn núi thiêng của Phật giáo, bề ngoài sơn màu trắng. Động đất kinh hoàng đã biến công trình biểu tượng của Mandalay thành đống đổ nát, phần tháp chính của chùa bị sập gần như toàn bộ. Hệ bậc thang xung quanh hư hỏng.

chùa Kuthodaw sau động đất
Tôi đọc tin trên báo: “Bagan, thành phố với hàng ngàn ngôi chùa Phật giáo với những bảo tháp nhọn tuyệt đẹp, nằm gần đường Đứt gãy Sagaing, đã hứng chịu tổn thất nặng nề trong thảm họa động đất ngày 28-3.” Thế nhưng tôi không tìm thấy hình ảnh nào về một Bagan đổ nát ngoại trừ một tấm hình mà tôi chưa chắc chắn đó là Bagan (2). Tôi cầu mong, Bagan không sụp đổ, tôi cầu mong bản tin trên không có thật.

Chùa Hsinbyume. bị đổ nát
Cũng vì Myanmar có chùa đẹp lâu đời và họ giữ gìn giáo pháp mà khách đến. Tôi thành tâm cầu mong cho người Myanmar vượt qua thiên tai lần này như đã từng vượt qua những trận động đất dữ dội, những biến cố trong quá khứ. Và không còn những bất ổn chính trị để du khách lại tìm đến vùng đất hiền lành, con người sống chậm, tin vào điều thiện… để trầm trồ di sản cùng ngắm những gương mặt chân chất và những nụ cười thật hiền của họ.

Chùa Hsinbyume
ĐTTT
(1) Dẫn lại bài viết “Phượng hồng Mandalay của tôi đăng trên Trẻ Phượng hồng Mandalay – TRE Magazine
(2) Dẫn lại bài viết “Mùi hương bí ẩn ở Bagan” của tôi đăng trên Trẻ Mùi hương bí ẩn ở Bagan – TRE Magazine