Bây giờ đang là mùa phượng, mùa học trò nghỉ hè. Nếu có ai nhắc đến Mandalay, kinh đô của hoàng triều cuối cùng của Myanmar, cách Yangon khoảng 716 km về phía Bắc – thành phố lớn thứ hai của Myanmar, tôi nhớ vô cùng màu hồng của phượng và của những bộ tu phục của nữ sinh ở nơi đây. Chúng tôi chỉ có hai ngày ở Mandalay nhưng nhiều cảm xúc khác nhau bởi những di tích cổ xưa được giữ lại trong một thành phố là trung tâm kinh tế quan trọng của Myanmar.

Phượng hồng trên đồi Sagaing
Ngày thứ nhất
Khởi hành từ Inle lúc 7 giờ tối, với quãng đường khoảng 300km chúng tôi đến Mandalay vẫn còn sớm, đủ để về khách sạn, chọn phòng, vệ sinh cá nhân… và thuê một chiếc taxi để bắt đầu hành trình khám phá thành phố.
Ðiểm đến đầu tiên là chùa Mahamuni, một ngôi chùa lớn ở Madalay, toạ lạc về hướng Tây Nam của thành phố. Ðây là một thánh tích Phật giáo nổi tiếng và là trung tâm hành hương quan trọng của Phật tử Myanmar.

Tác giả chụp ở chùa Mahamuni
Chuyện kể rằng, trong lần Ðức Phật thăm Arakan lần thứ 4, vua Candrasuriya tại vùng này đã xin phép tạc một bức tượng bằng kích thước của Ðức Phật để thờ tại đền Mahamuni trên ngọn đồi Sirigutta. Năm 1784 khi vua Bodawpaya đánh chiếm Arakan, ông đã chuyển bức tượng Phật cùng với chiến lợi phẩm và tù binh về. Ông cho xây chùa dưới chân đồi Mandalay để lưu giữ tượng Phật được cho là linh thiêng nhất vùng, để khẳng định sự mộ đạo của mình. Trong chánh điện còn lưu giữ bức tượng Phật cao 3.8m, nặng 6.5 tấn làm bằng vàng và trang trí bằng đá quý, chỉ nam giới mới được tới gần và dát vàng lên tượng. Những Phật tử mộ đạo và khách hành hương đến viếng tiếp tục bao phủ bức tượng Mahamuni bằng các lớp vàng lá chồng lên nhau. Có thể nói, bức tượng vẫn đang được làm lớn hơn mỗi ngày nhờ lớp vàng lá dát lên. Người ta cho rằng độ dày vàng lá được dát lên tượng lên đến 15cm. Ở đây, phụ nữ chỉ được phép quỳ, ngồi hay đứng sau hàng rào cách tượng Phật khoảng 30m, đàn ông mới có quyền đi lại ở khu vực trước và sát tượng.

Khất thực ở tu viện Maha Gandhayon Kyaung
Rời Mahamuni, người lái taxi đưa chúng tôi thăm viếng hai ngôi chùa nữa gần đó, một cơ sở điêu khắc đá và một cơ sở dệt lụa để sao cho vừa kịp đến tu viện Maha Gandhayon Kyaung vào lúc 10 giờ, tận mắt thấy các tu sĩ trẻ xếp hàng khất thực.
Hôm ấy, rất may mắn, chúng tôi được chứng kiến một lễ cúng dường của một đoàn Phật tử đến từ Pakistan.

Chân sáo và những nụ cười hồn nhiên
Ðiểm đến tiếp theo trong buổi sáng là Ðồi Sagaing. Taxi dừng lại bên đường vừa lúc tan trường. Thoáng thấy áo hồng ở phía cuối con dốc có tàn phượng. Tôi vội kéo zoom máy hình, bấm lia lịa không kịp thở. Tiếc là khi ấy xe cộ qua lại nhiều và con đường vào giờ tan học hơi nhộn nhạo nên không có được khoảnh khắc ưng ý như mắt nhìn. Thích nhất là bắt được những bước chân sáo, những nụ cười hồn nhiên, trong trẻo, vô ưu.

Từ trên Đồi Sagaing nhìn xuống dòng sông Irrawaddy
Tổng chiều dài những bậc thang dẫn lên đỉnh đồi khoảng 1km. Lên đến nơi mới thấy giá trị của chuyến đi. Nhìn xuống bên dưới một biển cây rừng và vô số tháp cao thấp ẩn hiện và màu hoa phượng. Phượng nơi đây dạng cổ thụ với thân cây xòe ra rất nhiều cành và hoa phủ trùm lên nó, không rực rỡ nhưng quá ấn tượng. Dòng sông Irrawaddy dài nhất Myanmar lượn dưới chân đồi. Tại đây hầu như chỉ có đền chùa của nhà sư, ẩn sĩ, thiền sư. Do đó người ta gọi Ðồi Sagaing là nơi cư trú của các vị Thánh.

Chùa Cẩm Thạch
Theo chương trình, chúng tôi sẽ quay lại trung tâm Mandalay nhưng người lái taxi rất nhiệt tình bảo chúng tôi rằng, nên viếng một ngôi chùa gần đó có tên gọi dân dã là chùa cẩm thạch, một nơi khá đặc biệt vì toàn bộ được làm bằng đá cẩm thạch từ lối đi lên cho đến các tượng Phật. Nếu bỏ qua sẽ rất tiếc.
Chùa cẩm thạch nằm trên một đồi thấp. Dù trời rất nắng nhưng lối đi lên ngoài trời mát rượi bàn chân do được lát bằng đá cẩm thạch (vào bất cứ đền, chùa nào ở Myanmar đều phải bỏ giày, vớ, dép bên ngoài). Trên cao khí hậu mát dịu, khác hẳn với bên dưới nắng, nóng. Khách hành hương đông nhưng ai nấy đều lặng yên và cầu nguyện.

Tất cả đều bằng cẩm thạch
Về lại trung tâm thành phố, chúng tôi thả bộ trên cầu gỗ U Bein, được xây dựng từ năm 1800 bởi hàng nghìn tấm ván bằng gỗ tếch với 1,068 trụ cột, bắc qua hồ Taungthaman, dài 1.2 km.
Chúng tôi kết thúc ngày đầu tiên ở Mandalay bằng bữa cơm tối gần khách sạn, sau đó đi bộ lang thang qua những con phố, mua vài vật kỷ niệm một lần đến Mandalay.

Cầu gỗ U Bein
Ngày thứ hai
Người tài xế taxi đón chúng tôi với lịch của ngày hôm đó là đi làng cổ Mingun, cách Mandalay khoảng 11km về phía Bắc, bên kia bờ sông Ayeyarwady. Thả chúng tôi xuống bến tàu, anh ta hẹn giờ buổi chiều sẽ quay lại đón. Vậy là an tâm.
Hôm ấy, chúng tôi thuê một chiếc tàu quá lớn so với 4 người với giá tương đương 2 triệu rưỡi tiền Việt. Nếu đi phà thì rẻ hơn nhiều nhưng phụ thuộc giờ giấc.

Xe chở khách ở làng cổ Mingun
Thuyền trôi êm ả trên sông khoảng một giờ thì đến nơi. Xuống thuyền, chúng tôi chọn một thanh niên trong nhóm hướng dẫn viên du lịch (HDV) của làng. Khi hỏi giá, anh ta bảo muốn cho bao nhiêu tuỳ ý.
Nhận xét đầu tiên là nơi này quá yên bình, hầu như không thấy sự hiện diện của đời sống công nghiệp. Các cô gái vẫn để nguyên trang phục đang tắm sông với những tràng cười giòn tan, trong vắt. Những chiếc xe bò sơ sài nhưng có hai chữ “Taxi” khiến chúng tôi bật cười. Và thật sự thú vị khi đi trên những chiếc taxi này chầm chậm trong làng.

Phụ nữ tắm sông ở làng cổ Mingun
Ðưa chúng tôi đến phế tích dang dở của chùa Mingun, HDV nói rằng, đây là một công trình đầy tham vọng của vua Bodawpaya. Ngôi chùa này được khởi công vào năm 1790 và dự kiến xây cao tới 150m, nhưng sau đó đã bị ngừng giữa chừng vì lời tiên tri: nhà vua sẽ chết khi chùa xây xong. Những vết nứt khá lớn sau trận động đất năm 1838 không phá hủy được ngôi chùa mà để lại cho hậu thế sự ngạc nhiên về độ vững bền của di sản.
Ðiểm tiếp theo là ngôi chùa màu trắng muốt Hsinbyume, được đặt theo tên một vị hoàng hậu. Từ trên cao có thể nhìn thấy bao quát chung quanh vùng Mingun, những ngôi chùa ẩn hiện trong màu xanh lá cây và dòng sông uốn lượn. Ngoạn mục, thanh bình.

Phế tích dang dở của chùa Mingun – Vết nứt từ trận động đất
Sau đó chúng tôi đến ngôi đền nơi lưu giữ quả chuông Mingun.
Năm 1808, nhà vua Bodawpaya cho đúc quả chuông này với mục đích thờ phụng. Ðây là quả chuông treo còn nguyên vẹn lớn nhất thế giới (quả chuông lớn nằm ở Moscow – Nga nhưng đã bị nứt vỡ), có đường kính miệng hơn 5m và cao hơn 4m. Trận động đất năm 1838 đã làm gãy thanh gỗ tếch treo chuông, sau đó người Anh đã giúp dân làng Mingun xây trụ đỡ bằng kim loại treo quả chuông.

Ngôi chùa màu trắng muốt Hsinbyume,
Ðiểm cuối cùng là Chinthe (linh vật nửa sư tử nửa rồng) là hai tượng khổng lồ sát bờ sông. Tương truyền, trước khi bị phá hủy bởi cơn động đất dữ dội, mười người có thể trú trong vòm miệng của Chinthe để tránh những cơn mưa khắc nghiệt của vùng Mingun. Hình thù còn lại chỉ còn thân con sư tử, khó nhận ra nếu không có HDV cho biết.
Về lại trung tâm thành phố, tôi tiếp tục “đi vét” những nơi còn lại của Mandalay bằng cách nhờ cậu lễ tân khách sạn giới thiệu một bác xe ôm.

Quả chuông Mingun
Những con đường ở Mandalay cũng giống như nhiều thành phố lớn Việt Nam với xe máy, ô tô, nhà ống, những con đường rộng, sạch đẹp ở các khu vực trung tâm. Bác xe ôm đưa tôi đến một xưởng điêu khắc gỗ khá ấn tượng với hằng hà sa số các tượng Phật lớn, nhỏ được chạm trổ đẹp, sắc sảo, tinh vi.
Ðiểm cuối cùng trong ngày của tôi là khu vực Chùa Shwenandaw và tu viện Atumashi. Vé vào cửa hai nơi này khá đắt khoảng 50 USD.

Tượng khổng lồ Chinthe
Chùa Shwenandaw là công trình xa xỉ, nổi tiếng với kiến trúc truyền thống và nghệ thuật chạm khắc, được dựng đầu thế kỷ XIX. Khắp nơi trên tường nhà, mái nhà, hành lang và lan can đều được chạm khắc tinh xảo hình ảnh các Phật thoại và họa tiết chim muông, hoa lá, thể hiện nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Myanmar. Sàn chùa được đặt trên 150 trụ cột với tòa sen cách điệu dưới chân. Ban đầu, chùa được sơn và dát vàng, nhưng thời gian đã xóa màu vàng, chỉ còn màu của thời gian ẩn trong các vân gỗ.
Tu viện Phật giáo Atumashi được vua Mindon xây dựng vào năm 1857, sau khi Mandalay được chọn làm thủ đô. Năm 1890, một trận hoả hoạn đã làm hỏng bức tượng Ðức Phật cao 9 mét. Người ta cũng cho rằng, có một viên kim cương 19.2 cara đã bị biến mất sau vụ cháy.

Chùa Shwenandaw
Tuy vé vào cửa khá cao, nhưng hai nơi này rất đáng để ghé thăm.
Với tôi, hai ngày ở Mandalay hoàn toàn kín thời gian với thật nhiều cảm xúc. Nếu trở lại lần nữa, tôi sẽ đi chậm hơn, nhìn ngắm kỹ hơn một thành phố hiện đại nhưng vẫn giữ hoàn hảo những di sản mà tiền nhân để lại cho họ.

Đường phố ở Mandalay
ĐTTT