Nhìn chung, bầu khí quyển Việt Nam từ hôm tháng Hai đến nay thay đổi đáng kể, ban đầu, người dân hoang mang vì việc sáp nhập địa giới hành chính tỉnh và xã, bỏ cấp huyện khiến nhiều người lo lắng về việc làm lại các giấy tờ tùy thân và giấy tờ liên quan đến đất đai, hợp đồng… Tuy nhiên, khi chính phủ công bố sẽ không làm lại giấy tờ, những ai làm giấy tờ mới sau ngày 1 tháng 7 năm 2025 sẽ lấy theo địa giới hành chính mới. Nghe vậy, mọi người thở phào.

Loại bỏ bớt cán bộ, sẽ có thêm một lực lượng lao động mới    

Cán bộ nói gì?

Hầu hết cán bộ đều không muốn nhập tỉnh và đưa ra lý lẽ “làm mà không trưng cầu dân ý”, cái lập luận của phần đông cán bộ hiện nay trong nước lại rất giống một số nhà hoạt động dân chủ trong và ngoài nước. Không biết ý gì và ai đúng, ai sai, nhưng rõ ràng, “dân” họ biết nếu nhập tỉnh, người bà con, họ hàng, chỗ dựa của họ rất có thể bị loại khỏi quyền lực.

Và hầu hết các Sở đều dư cán bộ, đến thời điểm hiện nay, lượng cán bộ Sở dư ra hơn một nửa, nên nháo nhào cả lên vì ai cũng sợ mất việc, mất ghế, mất chỗ kiếm ăn béo bở. Dân thì nghĩ rằng nếu cán bộ về vườn mà chi ra tiền tỉ trả cho họ thì ngân sách cũng đủ lụn bại. Số tiền cho họ về vườn “vui thú điền viên” kia chẳng là gì so với số tiền họ moi được mỗi năm, đó là chưa nói đến gánh nặng trì trệ do kém năng lực và nạn quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu mà họ gây ra.

Đó là cấp huyện, tỉnh, hầu như cán bộ tỉnh chỉ còn giữ lại chừng 50% mặc dù ban đầu tính giữ lại đến 80% (nếu không dự tính như vậy, đố mà thay đổi được!). Đến khi cấp xã được nhập nhiều xã thành một cụm xã, tương đương với nhập một lố cụm huyện thành một huyện bự hơn. Loại bỏ hàng loạt cán bộ địa phương, và đây là lúc rất nhiều ông cán bộ bắt đầu giở “lý lịch”, bề dày “thành tích” ra để kể công… Như trường hợp ông H., một người mà không riêng gì tôi, cả xã ai cũng biết ông ta học hết lớp 8 trung học cơ sở, sau đó đi bộ đội, giải ngũ làm vũ trang, rồi công an xã, sau đó làm trưởng công an xã kiêm phó chủ tịch xã và cuối cùng là chủ tịch xã. Khi ông H. làm chủ tịch xã thì đã có bằng Cao học, tức bằng Thạc sĩ. Mỗi khi đi họp với ngành giáo dục địa phương, ông H. giảng đạo đức và hướng dẫn cả chuyên môn tâm lý cho các thầy cô. Mặc dù ai cũng thừa biết thực học của ông H. là lớp 8, nhưng vẫn phải “chịu đựng” nghe lãnh đạo thuyết giảng, để yên ổn cái chỗ dạy, để lỡ có vay tiền hay ký đấm gì thì không bị làm khó dễ.

Tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh, bỏ huyện, rất nhiều ghế bị cất đi

Đùng cái thay đổi chính sách, thay đổi vấn đề hành chính, ông H. có nguy cơ về quê chăn vịt, ông H. giận lắm, buồn lắm. Tôi tỏ ra thông cảm, hỏi ông H. về vấn đề thay đổi nhân sự, ông H. xổ luôn:

Xem thêm:   "Nhà bảo tàng Thi Đà Lạt"

– Mẹ nó, người vừa có công lại vừa có năng lực như chú đâu phải dễ có, bây giờ thay đổi cái rẹt, vậy là chú phải chạy đua với mấy thằng trẻ chưa sạch cứt mũi!

– Chú thấy mình thắng được bao nhiêu phần trăm?

– Tụi nó trẻ, chỉ hơn chú cái trẻ, chứ năng lực, kinh nghiệm và công lao đóng góp cho đất nước thì tụi nó làm sao so bì với chú được.

– Thế chú đóng góp những gì cho đất nước này?

– Chú đóng góp nhiều lắm chứ, làm sao kể hết được, bao nhiêu dân trong xã này có nhà cũng nhờ chú, bao nhiêu đứa ra trường có việc làm cũng nhờ chú, chú làm công an thời trước, ‘xử lý’ biết bao nhiêu tội phạm, rồi lên làm chủ tịch xã, cái tượng đài to lớn của xã mình cũng do chú xây!

– Cháu nghe nói chú từng dính một vụ lùm xùm về từ thiện lũ lụt và chú có dính mấy vụ lùm xùm về đất đai. Đây là tiếng đồn ác ý hay là có thật hả chú?

– Đồn cả thôi, chú một đời thanh liêm, nhờ thanh liêm mà chú hiện tại rất giàu có, khấm khá, cháu thấy đó, có bao nhiêu chủ tịch xã khi về già được như chú.

Tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh, bỏ huyện, rất nhiều ghế bị cất đi

– Cháu vẫn chưa hiểu vì sao thanh liêm mà lại giàu được hả chú, vì hiện tại chú có hai khách sạn, đất đai chú có nhiều nơi?

Xem thêm:   Thằng lơ xe đò trong văn hóa Miền Nam

– Cái đó là do thím bán bún, rồi chú nuôi heo, nhờ bán bún, dư nước bún thì cho heo ăn mà mình có vốn.

– Đất đai là chú mua?

– Ừ, đất đai của chú mua, hồi đó xã tổ chức đấu giá, chú mua rồi trừ dần vào tiền lương.

– Hay quá, chắc mấy chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh người ta cũng mua đất giống như chú phải không?

– Họ cũng mua theo cách này. Ông bà mình nói rồi, sống có đức mặc sức mà ăn. Chú giàu là nhờ có đức.

Tôi dừng câu chuyện với ông H. ở đây, vì tôi là người từng tham gia tìm hiểu chuyện ông dắt một nhà từ thiện về nhà mẹ ruột của ông, sau đó rủ rỉ với nhau, nhà từ thiện này đưa cho mẹ ruột của ông vài chục triệu đồng, sau đó ông ký xác nhận đã nhận từ nhà từ thiện này trăm triệu đồng và dắt nhau đi nhà hàng. Dân tình tán thán về vụ này không ít nhưng không dám nói trực tiếp vì chủ tịch xã có rất nhiều “uy quyền” ở địa phương.

Và chuyện đất đai, nếu phanh phui thì chắc ông chủ tịch này sẽ chẳng còn miếng đất nào để dung thân.

Người dân thấp cổ bé họng đều vui khi cán bộ về bớt

Dân hoan hô

Trước đây người dân lo lắng về chuyện sáp nhập đơn vị hành chính sẽ dẫn đến thay đổi giấy tờ, thế rồi chuyện này được bỏ qua, người dân thấy vui. Vì việc thay đổi từ tỉnh này sang tỉnh khác hay nhập thành một cái tên tỉnh mới thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nồi cơm của họ. Chị Xuân, một giáo viên dạy môn lịch sử, tâm sự:

Xem thêm:   Hát quán nhậu

– Lịch sử Việt Nam có nhiều lần sáp nhập rồi lại tách tỉnh, cấp huyện cũng vậy mà cấp xã cũng vậy thôi, chẳng có gì mới đâu!

– Theo chị thì việc sáp nhập lần này có ảnh hưởng gì đến công việc của giáo viên như chị nói chung không?

– Mình nghĩ là không, trong lần sáp nhập tỉnh và xã này, dôi dư một mớ cán bộ, cắt bỏ bớt sẽ giúp xã hội phát triển thay vì ăn không ngồi rồi đeo bám chế độ, quấy nhiễu dân lành. Mà có thể nói rằng họ, những kẻ đeo bám kia là kẻ phá hoại chế độ nặng nề nhất, vì họ không có năng lực, không có chuyên môn nhưng giỏi bày trò. Dân rất mệt mỏi.

– Lần thay đổi này, theo chị có toàn triệt không?

– Tất cả những người có chuyên môn  (thật) đều không bị loại, từ bác sĩ, y tá, giáo viên, giảng viên, chuyên gia, chuyên viên ngân hàng cho đến kỹ sư, chuyên gia xây dựng đều làm việc bình thường và có cơ may được trọng dụng hơn, được tăng lương. Chỉ có cán bộ là bị loại, loại rất nhiều. Mà những cán bộ này vẫn còn sức khỏe, họ có thể về mở quán bán ăn, đi phụ hồ, đi chăn nuôi gà vịt, trâu, bò, heo… Họ có vốn mà!

Tôi thử dạo một vòng, từ chợ đầu làng la cà quán cà phê rồi mon men ra chợ huyện, vừa hỏi vừa nghe ngóng những người dân thử phản ứng của họ ra sao về việc sáp nhập địa giới hành chính và tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước. Hầu hết có vẻ nức lòng. Nức lòng vì “cái bọn ăn không ngồi rồi, gây phiền phức bấy lâu nay” bị loại khỏi chính quyền, khỏi bộ máy quản lý. Chưa nói đến nghịch lý là người dân cày như bò mộng, vẫn chật vật với đời sống. Trong khi tài sản của họ cứ mỗi ngày một phình ra, một cách khó hiểu…

Cây mùa xuân với chim tự do

Bài và hình UC