Người ta thường nói, sự bất lợi của người này đôi khi là cơ hội của người khác. Điều này hoàn toàn đúng trong bối cảnh Trung Quốc đối đầu với Mỹ và châu Âu. Những nhà máy cung ứng toàn cầu đang ào ạt kéo khỏi Trung Quốc rót sang Ba Lan (Poland), Mexico, Morocco, Indonesia và Việt Nam.

Những quốc gia này, thuộc loại “nghèo” chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu nhưng đã thu hút hơn 10% vốn đầu tư ngoại quốc, trị giá $550 tỉ đô la.

Chính quyền Việt Nam cố gắng thay đổi chính sách một cách uyển chuyển nhất để tránh mất lòng cả Mỹ lẫn Trung Cộng. Hiện nay, Mỹ là nơi tiêu thụ 1/3 số lượng xuất cảng của Việt Nam, trong khi Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu thô lớn nhất cho Việt Nam, từ máy móc đến nguyên phụ liệu may mặc. Bên cạnh đó, Trung Quốc luôn dùng áp lực kinh tế và chính trị để uốn nắn đường lối chính trị của Việt Nam theo ý mình.

Việt Nam cố thoát gọng kìm Trung Quốc bằng cách chính thức nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 9. Hoa Kỳ cũng tuyên bố sẽ giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn còn non trẻ.

Ngành công nghiệp điện tử đóng góp 32% tổng kim ngạch xuất cảng của VN vào năm 2022, tăng gấp đôi cách đây một thập kỷ. Tính đến tháng 6 năm 2022, lĩnh vực này đã tuyển dụng 1,3 triệu nhân công, và nếu đi đúng hướng, con số này sẽ còn gấp nhiều lần.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Thống kê cho biết hơn $15 tỉ đô la đã được đầu tư vào 2.600 dự án (FDI: Foreign Direct Investment) vào Việt Nam, chỉ tính đến ngày 20 tháng 10, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng vốn FDI trong giai đoạn này đã lên $26 tỉ đô la, tăng 14,7%. Trong tình hình kinh tế suy sụp, bết bát hiện nay, hy vọng Việt Nam có một chính sách thích hợp hơn, cởi mở hơn, ổn định hơn để cứu vớt dân lành, ổn định kinh tế nội địa, thay vì lớp lớp trai trẻ sắp hàng lượt thượt ở các lãnh sự quán nước ngoài chờ được “xuất khẩu lao động”.

Dân chúng VN đội mưa chờ duyệt trước lãnh sự quán nước ngoài Nguồn ảnh: laodong.vn)

Hạnh Dung (tổng hợp)