Gần đây, mùa dịch, nhiều người dành thời gian đọc một số tác phẩm lớn lâu nay muốn đọc nhưng ngần ngừ vì nhiều lý do, tôi đọc Truyện Kiều.

Tình cờ tôi thấy một bài báo với tựa đề: “Nghe người trẻ bàn về Kiều: Vì 4 cái sai này, nàng Kiều không đáng tôn vinh, càng không thể tha thứ nổi”1.

  1. Về việc Kiều trao duyên cho Vân, một độc giả nói “Nếu Kiều không trao duyên, Vân và Kim Trọng đã có thể tìm hạnh phúc mới (cá nhân mình thấy tình cảm của Trọng và Kiều chưa thật sự sâu đậm).”

Theo nghĩa nào đó, tôi có thể hiểu tại sao có độc giả nghĩ như vậy, và ở góc nhìn hiện đại, chuyện Kiều phải bán mình hay trao duyên cho Vân rất khó hiểu. Bản thân tôi cũng thương cho Vân.

Tuy nhiên đây là một tác phẩm của thế kỷ 19 (dựa theo tiểu thuyết thế kỷ 17), nên phải đặt vào bối cảnh lịch sử và truyền thống, quan niệm lúc đó, chứ không thể đánh giá bằng con mắt bây giờ. Nếu nhìn bằng con mắt hiện đại và không chịu hiểu quan điểm hiện thời hay tâm lý nhân vật, người ta cũng có thể hỏi tại sao Fanny Price trong Mansfield Park không ủng hộ diễn kịch tại nhà, tại sao Anna Karenina chỉ ngoại tình mà phải tự sát, hoặc tại sao Hester Prynne tiếp tục sống ở tỉnh đó và chấp nhận đeo chữ A màu đỏ mà không dọn luôn đi nơi khác v.v.

Thời nay hôn nhân sắp đặt cũng chẳng còn, nhưng vào thời của Kiều, lời hẹn ước rất quan trọng, và Kiều cảm thấy phản bội lại lời thề nguyền với Kim Trọng nên phải nhờ Vân, còn bản thân Vân chấp nhận vì Kiều đã phải hy sinh cứu gia đình.

  1. Bài viết nói “Cái sai thứ hai là chuyện Kiều biết Thúc Sinh có vợ nhưng vẫn nguyện lao vào mối quan hệ này. Ðể cuối cùng khi Hoạn Thư muốn giành lại chồng, thứ vốn dĩ thuộc về cô ta thì lại bị mang tiếng ác.”

Ðây cũng là một phát biểu do không hiểu hoặc không quan tâm bối cảnh tác phẩm. Thời nay tất nhiên tôi không ủng hộ làm người thứ ba. Nhưng chuyện năm thê bảy thiếp trong xã hội của Truyện Kiều là bình thường. Thứ nữa, Kiều lúc này đang ở lầu xanh-nếu bạn đang ở lầu xanh, bạn có chấp nhận làm vợ lẻ để được thoát không, hay cứ chấp nhận ngồi trong lầu xanh tới khi gặp người chưa vợ?

Xem thêm:   Đi về điểm tận cùng trái đất

Thứ ba, Kiều không biết Hoạn Thư là kiểu người thế nào, còn bản thân Thúc Sinh không thành thật với cả hai-tại sao trách Kiều mà không trách Thúc Sinh?

Tuy nhiên tôi cũng thấy, trước khi đọc Truyện Kiều tôi vẫn thường nghe chữ Hoạn Thư dùng để gọi loại phụ nữ ghen tuông vô độ. Nhưng nhân vật của Nguyễn Du thật ra cũng rất khôn ngoan lý trí, đã tạo điều kiện cho Thúc Sinh thừa nhận lấy vợ lẻ nhưng Thúc Sinh không nói, và Thúc Sinh là một loại đàn ông yếu đuối, bạc nhược.

  1. Một độc giả viết “Kiều đã đi nghe lời người ngoài khuyên Từ Hải hàng. Cô ấy chỉ là một cô gái nuôi trong nhà chưa ra trận mạc bao giờ biết gì mà tham gia năm lần bảy lượt khuyên hàng. Nếu cô ấy hiểu Từ Hải thì phải biết khi hàng tự tôn của Từ Hải cũng biến mất chứ?”

Kiều đúng là dại khi khuyên Từ Hải ra hàng, nhưng Kiều có lý do của Kiều-không muốn Từ Hải tiếp tục giết người, và muốn quay về triều đình vì nhớ nhà, muốn gặp lại gia đình. Ngược lại, trách Kiều, thế còn Từ Hải? Người khác khuyên là một chuyện, Từ Hải đồng ý và ra hàng, tại sao làm tướng mà không có mưu, không hiểu kẻ thù?

Cái đáng chú ý không phải là Kiều xúi dại Từ Hải, mà chi tiết Kiều chơi đàn cho Hồ Tôn Hiến sau khi góp phần giết chồng. Nhiều người đã chỉ trích Kiều vì chi tiết này.

  1. Bài viết cũng nói “Sau khi Từ Hải mất, nhiều độc giả cũng không hài lòng khi Kiều không thủ tiết theo chồng mà tiếp tục trở thành bạn tri kỷ với Kim Trọng.”
Xem thêm:   Về lại tương lai

Kiều không nhảy xuống sông tự vẫn đó sao? Hay phải nhảy lần hai sau khi được cứu thì độc giả mới vừa lòng?

Những ý này cho thấy nhiều độc giả thời bây giờ vẫn khe khắt với Kiều, dù Kiều đã hy sinh vì chữ hiếu, phải chịu 15 năm luân lạc, và biết trả ơn người giúp mình. Nhiều người hóa ra không có cái bao dung của Nguyễn Du từ thế kỷ 19.

Bài viết nói tiếp “Tính cách mong manh, dễ mềm lòng và việc Kiều có nhiều đoạn tình cảm với nhiều người đàn ông khiến không ít độc giả trẻ ngày nay, đặc biệt là độc giả nữ khó mà thông cảm với nàng.”

Ý này không hoàn toàn sai. Tính cách Kiều là như vậy, đa tình đa cảm, và chuyện Kiều yêu ba người đàn ông khác nhau, ở ba giai đoạn của cuộc đời, là dễ hiểu. Tuy nhiên ở Kiều cũng có một số khía cạnh tôi không thích, như cả tin, dễ mềm lòng, đa sầu đa cảm, thậm chí thụ động và đổ thừa hoàn cảnh. Mười lăm năm lận đận của Kiều có phải tất cả là do bạc mệnh không, hay có một phần trách nhiệm của Kiều? Kiều tất nhiên không chọn vào lầu xanh của Tú Bà, nhưng chẳng phải Kiều nghe lời Bạc Bà lấy Bạc Hạnh để bị bán vào lầu xanh lần hai đó sao? Kiều không chọn bị bắt và hành hạ bởi Hoạn Thư, nhưng sau đó quyết định trốn đi-tại sao không trốn sớm hơn? Kiều và Ðạm Tiên gặp lại nhau ở Tiền Ðường như đã định, hay Kiều đi theo Ðạm Tiên, và quyết định trầm mình khi biết tên sông là Tiền Ðường?

Tất cả là số mệnh, Ðạm Tiên báo trước tương lai, hay Kiều chỉ lẽo đẽo theo lời Ðạm Tiên và biến đó thành sự thực?

  1. Kiều có điểm tôi không thích, nhưng đã sao? Kiều không hoàn hảo, nhưng có ai hoàn hảo? Cái tài của Nguyễn Du là ở đó.
Xem thêm:   Tháng 3 hoa đào nở

Theo bài viết, có người nói “Về phương diện văn chương thì ai cũng công nhận Truyện Kiều là hay, nhưng về đường luân lý, theo các cụ là một quyển không nên cho đàn bà con gái xem. Người ta nói Ðàn ông chớ kể Phan Hoa Trần/ Ðàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều. Chắc cũng có cái lý của nó.”

Ðây là cách nhìn phản nghệ thuật-ai có quyền nói phụ nữ không nên đọc gì?

Nhà văn không có nghĩa vụ phải xây dựng nhân vật hoàn hảo thánh thiện. Nhà văn không có nghĩa vụ tạo ra lý tưởng cho người khác làm theo. Chỉ cần nhìn một loạt các kiệt tác trên thế giới của Tolstoy, Dostoyevsky, Flaubert, Wharton, Nabokov… là thấy.

Tôi cũng đã từng nhiều lần thấy người này người kia nói Truyện Kiều không xứng đáng được tôn vinh vì kể chuyện “một con đĩ” (từ nguyên văn), nhưng đó là cách nhìn hạn hẹp của người không hiểu và không quan tâm đến nghệ thuật. Một tác phẩm văn học trước hết phải đánh giá ở góc độ văn chương-ngôn từ, thi ca, khả năng xây dựng và thể hiện tâm lý nhân vật, khả năng mô tả, hình ảnh v.v. Sau nghệ thuật là phần tư tưởng-tư tưởng của Truyện Kiều có thể gói gọn trong ý tài mệnh tương đố, hồng nhan bạc mệnh, mệnh, nghiệp, và chữ tâm. Nguyễn Du coi trọng cái tâm và cái hiếu của Kiều, và qua cuộc đời Kiều, cho thấy số phận phụ nữ và số phận con người thời ấy.

Kiều chỉ vì chữ hiếu mới phải bán mình, và vì xã hội bất công lừa lọc, mới trở thành gái lầu xanh. Lấy cớ gì để nói vì thế mà Truyện Kiều không xứng đáng được tôn vinh?

Nói chung, 200 năm nay người ta đã tranh cãi về Kiều, và sẽ tiếp tục tranh cãi về Kiều. Nhưng một tác phẩm kinh điển phải được đánh giá vào thời của nó, không phải bằng con mắt hiện đại, và tác phẩm nghệ thuật phải được xem xét ở góc độ nghệ thuật.

DN

1: https://lostbird.vn/song-deep-cung-lac/sach/nghe-nguoi-tre-ban-ve-kieu-vi-4-cai-sai-nay-nang-kieu-khong-dang-ton-vinh-cang-khong-the-tha-thu-noi-457343.html