Xóm Chiếu là cách gọi theo làng nghề như bao thôn xóm hình thành trên đất Sài Gòn-Gia Định như xóm Lò Gốm, xóm Bột, xóm Thuốc… Cũng với sự phát triển kinh tế, những xóm nghề theo thời gian dần dần mất đi, chỉ còn lại ký ức trong tâm tưởng người cố cựu.

Bên kia rạch Bến Nghé là thôn Khánh Hội. Trong đó, Xóm Chiếu còn là một vùng ao trũng hoang vắng (Nguồn: manhhaiflickr) 

Ðiều tôi vẫn thắc mắc là Xóm Chiếu không còn làm chiếu từ khi nào? Một thôn xóm rất rộng lớn của Sài Gòn từ thuở xa xưa không có tên chính thức trên các văn bản hành chánh, kể từ khi hình thành vùng Bến Nghé mà ngày nay người ta gọi là Khánh Hội, Vĩnh Hội thuộc quận 4. Thậm chí một phần đất của Vĩnh Hội trước kia còn lấn sang quận 8 khi người Pháp đào kinh Tẻ (sau hiệp định Genève, chính quyền Sài Gòn thực hiện cuộc cải cách rộng lớn, sắp xếp lại ranh giới cơ sở hành chính. Sài Gòn hình thành 8 quận, và thập niên sau đó lập thêm hai quận mới là 10 và 11).

Nói một chút về địa hình để gợi nhớ sự rộng lớn của thôn xóm ngày xưa. Vùng đất quận 4 xưa được hình thành bởi các khu vực Khánh Hội, Vĩnh Hội, Cây Bàng, Xóm Chiếu, cù lao Nguyễn Kiệu từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, lập phủ Gia Ðịnh (1693-1698). Vùng đất này trước đây có nhiều tên gọi như: Tam Hội, Khánh Hội, Khánh Hoà, Khánh Bình, Bình Ý, Tân Vĩnh, Vĩnh Khánh… thuộc tổng Dương Hoà, huyện Tân Bình. Sang thời kỳ Pháp thuộc, quận 4 được biết đến bởi những tên địa danh như Xóm Chiếu, Khánh Hội, Cây Bàng (Tân Thuận). Những địa danh khác biến mất theo sự thay đổi tổ chức hành chánh qua từng thời kỳ.

Ðể tìm hiểu ngọn ngành, ta nên bắt đầu bằng việc hình thành vùng đất từ thuở dân chúng dựng nên đình làng bởi đây là tập quán văn hoá của người dân nước Việt. Ðình là nơi thờ Thành hoàng, những người có công khai phá vùng đất mới và đình làng cũng là nơi hội họp, tổ chức lễ hội, tập hợp người dân trong các sinh hoạt cộng đồng.

Nhà thờ Xóm Chiếu một trong những giáo xứ lâu đời trên đất Sài Gòn (Ảnh: Internet)

Ðình Khánh Hội là một trong những ngôi đình cổ xưa, nằm trên địa bàn Quận 4. Ðình Khánh Hội xưa vốn tọa lạc bên bờ rạch Bến Nghé, ngôi đình này đã bị đốt cháy cùng với làng Khánh Hội vào năm 1858 khi lính Pháp tiến đánh thành Gia Ðịnh. Tàu chiến của Pháp và Tây Ban Nha theo sông Lòng Tàu tiến vào Sài Gòn, nã súng đại bác bắn phá hai đồn binh trấn thủ hai bờ tả hữu. Năm 1935, đình mới được xây dựng lại. Trong khi đó, đình Vĩnh Hội có nét cổ xưa hơn, nằm ở thôn Vĩnh Hội. Không rõ đình xây dựng năm nào nhưng đình Vĩnh Hội là một trong số ít những ngôi đình ở Sài Gòn còn lưu giữ bản sắc phong cổ xưa do vua Tự Ðức ban vào năm 1895. Khi người Pháp đào kinh Tẻ, thôn Vĩnh Hội bị tách ra một phần (ngày nay thuộc về địa bàn quận 8 như đã nói ở trên).

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Còn tên gọi Xóm Chiếu chỉ là cách gọi dân gian chỉ định làng nghề tại địa phương. Xóm Chiếu nằm trong thôn Khánh Hội ở phía Ðông và cả một phần phía Tây của thôn Vĩnh Hội. Vùng đất Khánh Hội và Vĩnh Hội ngày trước kinh rạch chằng chịt; một vùng nê địa sình lầy hoang vu thưa thớt dân cư, đất ngập úng, chạy dọc theo kinh Bến Nghé, xuống đến cầu chữ Y ngày nay, rồi theo kinh Ðôi (do Pháp đào năm 1905 để khai thông đường thuỷ từ sông Sài Gòn vào Chợ Lớn) ngược lên vùng Tân Thuận, trở lại đầu vàm Bến Nghé. Do địa hình sông nước ao trũng đất sình, thực vật thiên nhiên chỉ toàn cỏ lác, cỏ cói mọc um tùm và thứ cỏ hoang dại này tự nhiên trở thành nguyên liệu cho dân địa phương dệt ra những tấm đệm, tấm chiếu phục vụ đời sống người dân.

Giáo xứ Xóm Chiếu là một trong những họ đạo có niên đại thành lập rất sớm (năm 1856) tại vùng rạch Thầy Tiên (đường Khánh Hội sau này). Theo bút tích của Linh mục Phêrô Nguyễn Linh Dược, Chánh xứ Xóm Chiếu từ năm 1885-1914, vùng này trước đây rạch ngòi chằng chịt, rừng hoang cỏ rậm dày đặc. Thấy ven sông mọc nhiều cây lác, nhiều người cắt đem về dệt chiếu, tạo thành xóm dệt chiếu. Cha ghi lại: “Xứ này hiệu là Xóm Chiếu, vì thuở Phú Lang Sa (Pháp) chưa qua, ở đây đã làm nghề này”.

Cầu quay Khánh Hội trên rạch Bến Nghé phân chia Sài Gòn và vùng Khánh Hội, Vĩnh Hội khoảng năm 1930 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Ðây là một xứ đạo có giáo dân khá đông (1,500 người), ngôi giáo đường nhỏ trở nên chật chội nên năm 1862, Linh mục Phêrô tìm đất mới ở rạch Cây Bàng cất nhà thờ mới. Do cất nhà thờ bằng vật liệu thô sơ và trên nền đất trũng, nhà thờ nhanh chóng hư hỏng. Tuy nhiên, việc xin cấp đất lại gặp nhiều khó khăn do chính quyền Pháp đang có kế hoạch sửa chữa và mở rộng cảng Sài Gòn. Song nhu cầu xây dựng nhà thờ mới vẫn cần thiết nên Linh mục Thừa sai Claude Roy (cha Từ), quyết tâm thực hiện cho kỳ được. Và sau vài lần tìm kiếm mua đất, năm 1868 ngôi nhà thờ của Xóm Chiếu được cất lên cạnh mé sông Sài Gòn với tên gọi Nhà thờ Thánh Phêrô. Chung quanh khuôn viên bao bọc bởi đồng ruộng, đầm lầy bao la. Trong thủ bút do Linh mục Dược (coi xứ từ 1885 – 1914) viết năm 1910: “Cha Từ khéo, đã cất được nhà thờ kiểu Tây, có tầng đờn, có lầu chuông, chọn Thánh Phêrô làm bổn mạng”. Sau này gọi là Nhà thờ Xóm Chiếu.

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Nhìn lại tấm hình tài liệu, vào thập niên 1890, do người Pháp chụp một góc của Sài Gòn giáp với rạch Bến Nghé nhìn sang bên kia là vùng đất Khánh Hội còn rất hoang vu. Những mái nhà trại thấp nằm dọc theo sông rạch, chưa có những nhà kho lớn dọc theo cảng Khánh Hội như sau này khi Pháp nâng cấp thương cảng Sài Gòn và xây dựng thêm cầu cảng, mở rộng việc lưu chuyển hàng hoá ra nước ngoài.

Một góc khu nhà ổ chuột khu Tôn Đản (thuộc vùng Xóm Chiếu xưa) (Ảnh: Internet)

Từ khi chiếm được thành Gia Ðịnh, người Pháp nhanh chóng xây dựng thành phố Sài Gòn và hiển nhiên vùng đất Bến Nghé cạnh bên sông Sài Gòn là vị trí thuận lợi được người Pháp nhìn thấy và khai thác (thực ra cảng Sài Gòn đã tấp nập ghe thuyền buôn bán trong và ngoài nước trước khi Pháp chiếm Sài Gòn). Thương cảng Sài Gòn được chính quyền Pháp chính thức thành lập ngày 22/2/1860, ngay trên vùng đất bờ sông của thôn Khánh Hội. Cảng nằm dọc theo sông Sài Gòn, gồm 5 khu vực, với 20 cầu tàu; trong đó địa bàn thuộc thôn Khánh Hội có đến 11 cầu tàu.

Nhờ sự thông thương đường thuỷ do mở rộng kinh Ðôi, kinh Tẻ vào đầu thế kỷ 20, hàng hoá nông sản từ miền Tây đổ dồn về các nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn rồi tập trung tại cảng Sài Gòn xuất ra ngoại quốc. Nhu cầu lao động bốc xếp tăng vọt, dân lao động tại địa phương hầu hết đi làm công nhân bốc xếp ở các kho. Không những thế cảng Sài Gòn còn thu hút nhiều dân tứ xứ kéo về Khánh Hội, Vĩnh Hội cư trú trong những nhà dựng trên kinh rạch, chằng chịt khắp khu vực, để kiếm sống,… Ðến năm 1939, Sài Gòn trở thành cảng đứng hàng thứ 7 trong số các thương cảng của người Pháp thuở bấy giờ.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Xem ra có thể giải thích, thời gian cảng Sài Gòn thu hút lao động địa phương, người dân Xóm Chiếu đã bỏ nghề dệt chiếu đi làm công nhân bốc vác. Công việc cực nhọc nhưng bù vào tiền công thu được cao hơn và đời sống ổn định hơn khi nhân công làm việc chính thức của cảng Sài Gòn được hưởng chế độ hưu trí và được công ty hỗ trợ chi phí xây cất nhà cửa, ổn định đời sống cho người lao động an tâm làm việc. Ðó là cách giải thích của nhiều người lớn tuổi sống ở chung cư Vĩnh Hội trước 1975.

Cách nay 40 năm, có lần tôi hỏi địa chỉ thằng bạn học để tiện ghé thăm. Bạn nói nhà ở Xóm Chiếu. Tôi hỏi: “Xóm Chiếu ở đâu? Nhà thờ Xóm Chiếu, chợ Xóm Chiếu hay đường Xóm Chiếu, hẻm Xóm Chiếu?”. Khu vực này là một mê trận gia cư. Cuối cùng tôi cũng tìm ra địa chỉ, té ra nhà nằm trong con hẻm nhỏ phía sau trường trung học Nguyễn Trãi. Khi đến nơi, tôi còn ngạc nhiên hơn khi thấy khu xóm giống như một nhà trại khép kín. Nhà nào cũng nhỏ bé, dính liền vách với nhau, bao quanh một hình tròn, ở giữa có cái giếng lớn dùng chung trong xóm. Bạn kể, nhà có từ thời ông nội lên Sài Gòn định cư từ năm 1940, làm bốc xếp ở cảng Khánh Hội. Cuộc sống khó khăn từ đời ông qua đời cha với công việc bốc vác nặng nề. Rồi bạn nhìn tôi với ánh mắt thầm hỏi: “Rồi đây, đời con đời cháu có tốt hơn chăng?”.

TN