Tên đầy đủ là trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, toạ lạc tại số 112 Nguyễn Du, quận 1 từ năm 1960. Nơi này nguyên là phòng hoà nhạc (Société Philharmonique) có từ thời Pháp. Trường dọn về đây (sau khi xây một dãy nhà hình chữ U bao quanh phòng hoà nhạc) do ngành âm nhạc và kịch nghệ phát triển đầy đủ các môn, cần một cơ sở khang trang, rộng lớn hơn.

Ngoài môn hoạ, điêu khắc, trường Mỹ thuật còn có môn âm nhạc vào thời ông Lê Văn Đệ làm giám đốc (Nguồn: Manhhaiflickr) 

Trong một bài viết trước đây về trường Cao đẳng Mỹ thuật dưới thời họa sĩ Lê Văn Ðệ làm giám đốc, tôi có nhắc đến ngoài những môn họa, điêu khắc, trường còn có môn âm nhạc truyền thống và phương Tây. Sở dĩ trường ghép hai môn Nhạc – Họa vào Mỹ thuật là do cả hai môn này trong giai đoạn đầu thập niên 1950 đang trên chặng đường phát triển. Ngành nhạc có số học sinh tuyển vào còn quá ít mặc dầu thí sinh dự thi khá đông nhưng để đào tạo được một nghệ sĩ tài năng, nhà trường phải chọn những học sinh thật sự có năng khiếu qua cuộc thi tuyển sàng lọc. Trong kỳ thi tuyển, ngày 10-10-1956, trong số 2500 đơn dự thí chỉ lấy 150 người.

Vào được trường đã khó, thi ra trường còn khó hơn, nhất là các môn nhạc cụ phương Tây. Môn nhạc phương Tây thường gọi là tân nhạc bắt đầu được các nghệ sĩ tiếp nhận từ giữa thập niên 1930, vẫn còn trong giai đoạn phôi thai. Mãi cho đến thập niên 1950 tân nhạc mới thật sự phát triển nhờ những cuộc tuyển lựa tài năng âm nhạc do đài Radio Pháp – Á tổ chức.

Sau đó cùng với sự xuất hiện môn kịch nghệ tại miền Nam, bên cạnh môn âm nhạc dân tộc truyền thống có từ lâu đời, cần phải được đào tạo chuyên nghiệp hơn. Do vậy, năm 1955 chính quyền đã chọn ông Nguyễn Phụng (tên Pháp là Nguyễn Phụng Michel), từng được đào tạo âm nhạc bên Pháp về làm giám đốc khi tách môn Âm nhạc khỏi sự quản lý của trường Cao đẳng Mỹ thuật về Nha Kỹ thuật học vụ số 48 đường Phan Ðình Phùng (xưa là văn phòng công ty Établissements Brossard et Mopin – công ty xây dựng những công trình lớn thời Pháp thuộc).

Ông Nguyễn Phụng Michel, Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn từ năm 1957-1973 (Ảnh: Internet)

Môn Âm nhạc chuyển về Nha Kỹ thuật học vụ cũng chỉ là tạm thời trong khi tìm kiếm địa điểm cho một trường âm nhạc đúng với tầm cỡ tại trung tâm Sài Gòn. Phòng hoà nhạc của Pháp được chọn lựa, chung quanh còn đất trống. Chính quyền Sài Gòn cho xây dựng một dãy nhà hình chữ U bao quanh phòng hoà nhạc để môn âm nhạc có cơ sở hoạt động và giảng dạy tốt hơn. Năm 1960, trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn chính thức khánh thành. Ông Nguyễn Phụng Michel tiếp tục quản lý điều hành tại cơ sở này cho đến năm 1973. Bên cạnh việc tuyển sinh hằng năm, trường còn gây phong trào âm nhạc thanh niên học đường nhằm tìm kiếm tài năng trẻ. Nhiều cuộc thi chung kết văn nghệ tại các trường trung học tại Sài Gòn được tổ chức tại sân khấu hoà nhạc của trường Quốc gia Âm nhạc.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/18/2024)

Trong thập niên 1960, nghệ thuật cải lương vẫn còn “ăn khách”. Tuy nhiên, thọai kịch bắt đầu tạo được sự chú ý của khán giả. Các đoàn kịch Tuý Hồng, Tuý Hoa, Kim Cương, Vân Hùng, Thẩm Thuý Hằng, Xuân Phát lần lượt ra đời nhưng so với các đoàn cải lương thì vẫn chưa “sáng đèn” trên sân khấu cho lắm. Tuy nhiên khán giả Sài Gòn bắt đầu quen dần với những nghệ sĩ khai phá ngành thọai kịch, cạnh tranh với môn cải lương đang làm mưa làm gió.

Tháng 3/1963, trong buổi hội thảo về tình trạng và đời sống của nghệ sĩ sân khấu nước nhà tại báo Văn Ðàn, ông Nguyễn Phụng cho rằng: “Những khuyết điểm về đời sống nghệ sĩ sân khấu là do chủ gánh quá thiên về tài lợi hơn là nghệ thuật, hoặc quá chú ý về cái nhất thời, không lưu tâm đến cái trường cửu. Chúng tôi không muốn so sánh với các nước tiên tiến, không đòi hỏi một tình trạng y như ở các nước Ý, Pháp, Ðức hay Mỹ, cái gì ở đời cũng tương đối mà thôi. Ở đây, làm thế nào ngày nay chúng ta còn một Năm Châu, một Phùng Há, cũng là điều đáng mừng. Tại sao tôi nói đáng mừng? Bởi vì theo đà sinh họat hiện thời, một anh kép, một cô đào hát suốt trong một tháng, đêm nào cũng hát đến 12 giờ, chưa nói đến chuyện vãn hát còn đi ăn uống, tôi dám chắc không có nghệ sĩ nào trên thế gian này có thể chịu đựng lối sinh họat đó. Ở các nước, khi người nghệ sĩ ký hợp đồng với chủ gánh, bầu gánh, thì hợp đồng nêu rõ rằng trong một mùa trình diễn, chủ gánh sẽ đem ra diễn mấy vở tuồng? Người nghệ sĩ ký hợp đồng đó đã thương lượng với ông chủ gánh rằng mình sẽ đóng trong mấy vở và đóng vai gì? Ðể bảo vệ sức khỏe nghệ sĩ, người ta phải sắp đặt cho anh kép này, cô đào kia, hát xong thì trong vòng ba đêm liên tiếp hoặc một tuần mới diễn lại được, chứ không thể nào như ở nước ta…”.

Nhạc sư đàn tranh Nguyễn Vĩnh Bảo trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại trường Quốc gia Âm nhạc (Ảnh: Internet)

Nhận xét của ông Nguyễn Phụng không sai trong khi cải lương vẫn là môn nghệ thuật được hầu hết giới bình dân Sài Gòn và các tỉnh yêu thích. Tân nhạc lép vế, các ca sĩ thành danh hầu hết đều biểu diễn ở các phòng trà, hoặc một năm vài ba “sô” đại nhạc hội ở các rạp hát. Thời hoàng kim của cải lương vẫn còn và không biết khi nào sẽ lụi tàn, mặc nhiên các nghệ sĩ cải lương phải hát hết mình, hát liên tục mỗi ngày để tích lũy tiền tài danh vọng. Sân khấu ở Sài Gòn còn có rạp, chứ sân khấu ở tỉnh lỵ thì trời mưa to, bão đến thì phải nghỉ hát, nghệ sĩ ăn cháo trừ cơm.

Xem thêm:   Đông dược

Nhìn vào danh sách thành phần ban giảng huấn tại trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn vào giai đoạn thập niên 1960 do giáo sư âm nhạc dân tộc Trần Quang Hải ghi lại, ta thấy việc đào tạo của ngành nhạc Tây phương vẫn còn khiêm tốn hơn ngành cổ nhạc truyền thống và kịch nghệ. Tuy vậy, tên tuổi của những nghệ sĩ ngành nhạc Tây phương đến nay vẫn còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng như: Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Ngô Ðình Hộ (Lê Thương), Phạm Duy…

Trong khi đó, ngành cổ nhạc có những nghệ sĩ đầu đàn của dòng nhạc dân tộc truyền thống. Ở miền Nam có ông Nguyễn Vĩnh Bảo; miền Trung có Nguyễn Hữu Ba; miền Bắc: Nguyễn Văn Năng. Trong ngành cổ nhạc lại có thành phần ban cố vấn hùng hậu như giáo sư Ðoàn Quang Tấn nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Nguyễn Văn Quí, Ðốc phủ Ngô Công Thiện (Ðốc phủ Bộ Nội vụ), Ðỗ Văn Rỡ (Ðốc phủ – Phủ đặc trách Văn hoá) và soạn giả Ngọc Linh. Ban giảng dạy hát bội gồm có: nghệ sĩ Ba Hạnh, Thành Tôn, Ba Ðắt, Ba Út, Hai Nhỏ, Năm Sa-Ðéc; cải lương thì có Phùng Há, Kim Cúc, Kim Lan, Bích Thuận, Kim Chung, soạn giả Năm Châu. Thọai kịch có nghệ sĩ Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Duy Lân.

Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn tại đường Nguyễn Du thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Trong số những tên tuổi của ngành nhạc phương Tây và cổ nhạc truyền thống VN tham gia giảng dạy tại trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn của thập niên 1960 đến nay hoàn toàn không còn trên cõi đời nữa. Người nghệ sĩ tài ba ra đi gần đây nhất là ông Nguyễn Vĩnh Bảo thọ 104 tuổi. Ông xuất thân từ một gia đình yêu thích đàn ca tài tử ở Cao Lãnh, Ðồng Tháp. Từ lúc 5 tuổi đã biết chơi đờn kìm, đờn cò; 10 tuổi biết chơi các nhạc cụ dân tộc. Ông giảng dạy đàn tranh cho trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn và giữ chức Trưởng ban cổ nhạc miền Nam từ năm 1955 đến 1964. Ông tham gia nghiên cứu âm nhạc kiêm cả nghệ nhân đóng đàn. Chính ông là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Ông từng đi diễn thuyết giới thiệu âm nhạc dân tộc và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 1972, ông cùng GS-TS Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp). Từ năm 1970-1972, ông là giáo sư đặc biệt thỉnh giảng về đàn tranh tại Ðại học Illinois, Hoa Kỳ.

Nhóm học sinh Gia Long chụp hình kỷ niệm tại trường Quốc gia Âm nhạc trong phong trào tìm kiếm tài năng trẻ (Nguồn: Manhhaiflickr)

TN