Ngay sau khi chiếm Sài Gòn, quân đội Pháp cho thành lập ngay một nghĩa trang, cách thành Gia Định chừng hơn một cây số, gọi là Jardin du Père d’Ormay. Sau đó đổi lại thành Cimetière Européen. Người Việt gọi là Đất Thánh Tây đúng theo nghĩa đen. Sau này, nó mang một tên khác là nghĩa trang Massiges, lấy tên con đường dẫn vào cổng chính nghĩa trang trên đường Legrand de la Liraye (Phan Thanh Giản), phía cuối đường Massiges (Mạc Đĩnh Chi).

Cổng chính của Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (Cimetière Européen) hồi xưa (Nguồn: Manhhaiflickrs) 

Nghĩa trang rộng 7.5 mẫu, bao quanh bởi 4 con đường: Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), Legrand de la Liraye (Phan Thanh Giản), Mayer (Hiền Vương) và Paulin Vial (Phan Liêm). Vào thuở ấy, tất cả con đường đều là đường đất nhỏ hẹp, hai bên cây cối um tùm. Ðường Hai Bà Trưng còn mang tên là National dẫn đến làng Phú Nhuận. Nghĩa trang chưa có phân chia đường nội bộ, cây cối cỏ dại mọc xen kẽ với các phần mộ trông rất thê lương.

Ðến khoảng năm 1870, người Việt tại Sài Gòn lập một nghĩa trang nhỏ (Cimetière Anamite hay Cimetière Indigène) nằm ngay con đường đất về phía Bắc, cạnh phần Ðất Thánh Tây, thành hai nghĩa trang riêng biệt. Con đường đất này được đặt tên là rue des Deux cimetières (đường hai nghĩa trang) và đến năm 1880 mới đổi thành đường Mayer. Nghĩa trang của người Việt tồn tại đến năm 1954 thì giải toả, nhường phần đất của người chết cho người sống khi công cuộc tái thiết và mở rộng đô thị thời TT. Ngô Ðình Diệm bắt đầu tiến hành. Bấy giờ, Ðất Thánh Tây chính thức lấy tên là Nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi, đồng thời mở cổng chính trên đường Hai Bà Trưng. Cổng chính (cũ) đường Phan Thanh Giản trở thành cổng phụ.

Bài viết về nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi của trang mạng thaolqd.blogspot.com dựa theo bài viết của nhà biên khảo Tim Doling ghi nhận, từ năm 1859, nghĩa trang được thành lập dùng làm nơi chôn cất binh lính và sĩ quan Pháp tử trận, do Hải quân Pháp quản lý. Ðến năm 1870, nghĩa trang được đổi tên là vườn của cha Ormoy, tức bác sĩ trưởng Lachuzeaux d’Ormoy (1863-1874) dùng ý tưởng đưa các bệnh nhân “khó bảo” nhất đến đây để chăm sóc luống cỏ và vườn hoa.

Xem thêm:   Nghệ sĩ Chí Tâm

Những binh lính và sĩ quan đầu tiên được chôn cất ở đây gồm có Ðại úy thủy quân lục chiến Nicolas Barbe (bị chém đầu tại chùa Khải Tường ngày 07/12/1860), Trung tá Jean-Ernest Marchaisse (bị giết tại Tây-Ninh ngày 14/6/1866) và Ðại úy Savin de Larclauze (cũng thiệt mạng tại Tây Ninh ngày 07/6/1868); nhà thám hiểm sông Cửu Long Captain L Doudart de Lagrée (qua đời ngày 12/3/1868 khi dẫn đầu một cuộc khảo sát địa lý và thăm dò về sông Mekong sang Lào và Trung Quốc) và Trung úy Francis Garnier (chết ngày 21/12/1873 tại Hà Nội). Lúc đó (năm 1895) nghĩa trang có 239 ngôi mộ của sĩ quan, binh lính Pháp.

Mộ của Kiến trúc sư A. Foulhoux người thiết kế nhiều công trình dinh thự thuộc địa ở Sài Gòn (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Tuy vậy, từ đầu năm 1870, nghĩa trang quân đội buộc phải tiếp nhận nhiều người chết là thường dân Pháp vì trong những năm đầu ở thuộc địa, tỷ lệ tử vong cao do các bệnh nghiêm trọng, đặc biệt như dịch tả, sốt rét, ký sinh trùng đường ruột và kiết lỵ. Một báo cáo năm 1889 ghi nhận rằng: “Tại thuộc địa, dịch bệnh khủng khiếp, gây tổn thất sinh mạng của chúng tôi hơn các chuyến đi biển”.

Vào khoảng thời gian này trở đi, nghĩa trang không những tiếp nhận thêm các phần mộ của thường dân Pháp, mà còn cả những người châu Âu như các nhà buôn người Ðức và binh sĩ Nga. (Trong một góc của nghĩa trang này có một nhóm mộ của thủy thủ người Nga bị thương, chạy trốn đến vịnh Cam Ranh vào  năm 1894, sau khi thất bại trong trận Tsushima, sau đó đã chết trong bệnh viện quân sự ở Sài Gòn).

Trong suốt gần nửa thế kỷ, nghĩa trang Cimetière Européen vẫn được xem là một nghĩa trang dành cho quân đội Pháp. Tuy nhiên, do sự ổn định chính trị và tình trạng vệ sinh thành phố được cải thiện rất nhiều nên chính quyền thành phố bắt đầu đưa ra những quy định: kể từ ngày 14/12/1912, Cimetière Européen chỉ dành riêng làm nơi chôn cất cho tầng lớp thượng lưu. Nghĩa trang của người Châu Âu đã trở thành nơi an nghỉ cuối cùng của các chính trị gia thuộc địa của Sài Gòn và các quản trị viên, trong số có Kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892) và thị trưởng thành phố Sài Gòn Paul Blanchy (1837-1901).

Xem thêm:   Mùa hoa nhĩ cán tím & hoàng đầu ấn ở Tràm Chim

Việc thay đổi này dẫn đến nhiều chỉ trích. “Số lượng ngày càng tăng của những ngôi mộ to lớn thuộc các chức sắc cao trong khi các ngôi mộ của nhiều người lính và thủy thủ bị bỏ phế, cỏ mọc um tùm. Ðã có những lời chỉ trích việc “không cữ kiêng” khai quật các ngôi mộ của người nghèo trong thời hạn bảy hay tám năm và dời đi nơi khác, có lẽ là để nhường chỗ cho những người giàu có và nổi tiếng”.

Mộ của ông Lê Văn Tỵ vị Thống tướng đầu tiên của quân đội VNCH (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Ðầu thế kỷ 20, nghĩa trang được chia cắt thành những con đường nhỏ có trồng cây và kiểng do các nhân viên của Thảo cầm viên Sài Gòn thực hiện. Nghĩa trang lúc này được bao bọc bởi bốn bức tường vôi cao 2m5, với cổng chính ở phía nam đường Legrand de la Liraye. Cổng chính này nằm đối diện trực tiếp cuối phía bắc của đường Bangkok, và sau năm 1920, khi đường Bangkok được đổi tên thành đường Massiges, nghĩa trang được biết đến với cái tên mới là nghĩa trang đường Massiges.

Cũng trong bài viết của Tim Doling, ghi nhận nhiều nhân vật nổi tiếng của thời kỳ thuộc địa, đã được chôn cất ở đây như: sĩ quan Hải quân Pháp Alain Penfentenyo de Kervéréguin (mất 12/2/1946), nhà truyền giáo Grace Cadman (qua đời ngày 24/4/1946) và nhà báo kiêm chính trị gia Henri Chavigny de Lachevrotière (qua đời ngày 12/1/1951). Tuy nhiên, trong tất cả các phần mộ, ngôi mộ gây ấn tượng nhất của thời gian này là lăng mộ lớn của Thủ tướng Nguyễn Văn Thinh (qua đời ngày 10/11/1946), thủ tướng đầu tiên của thời tự trị Cộng hòa Nam Kỳ (République de Cochinchine Autonome, từ ngày 1/6/1946 đến 8/10/1947).

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 2 năm 2024

Vào tháng 3/1955, đường Massiges được đổi tên thành đường Mạc Ðĩnh Chi từ đó nghĩa trang này được mang tên nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi.

Huyệt mộ của  TT Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Sau cuộc đảo chính năm 1963, TT. Ngô Ðình Diệm và cố vấn Ngô Ðình Nhu bị sát hại, thi thể được đưa về chôn tại nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi. Vào thời gian đó, việc chôn cất anh em tổng thống diễn ra bí mật, không kèn không trống. Không một ai biết thi hài của hai ông được chôn cất ở đâu. Cũng theo Tim Doling: “Năm 1971, theo Arthur J Dommen (Tác giả cuốn Kinh nghiệm Ðông Dương của Pháp và Mỹ: Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản tại Campuchia, Lào và Việt Nam, 2001), vào thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu một phần bức tường phía tây bị sụp mà theo lời một nhà tiên tri theo đạo Cao Ðài nói là, ông Thiệu phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Diệm và phải làm gì đó để giải thoát cho linh hồn ông Diệm”.

Một năm sau đó (1964), nơi đây cũng là nơi an nghỉ của vị Thống tướng dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ: ông Lê Văn Tỵ, vị thống tướng đầu tiên và duy nhất của quân đội VNCH.

Qua năm Mậu Thân 1968, người Sài Gòn biết nhiều hơn về nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi, nhất là giới trẻ mới lớn như tôi. Báo chí Sài Gòn đưa tin rầm rộ về ngày giờ tang lễ Chuẩn tướng Không quân Lưu Kim Cương chết trận tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nhiều thanh niên xóm tôi rủ nhau chạy ra Sài Gòn, đứng chờ xem linh cữu của vị tướng này nhập thổ tại nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi rồi về nhà kể chuyện cho bà con trong xóm.

Ðến năm 1983, nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi bị giải toả, nhường chỗ cho công viên được đặt tên là Lê Văn Tám theo tên của một nhân vật huyền thoại không có thật thời Chiến tranh Ðông Dương.

TN