Sài Gòn – Gia Định có một vài địa danh do người địa phương đọc sai hoặc do lỗi in ấn trong các văn bản lâu ngày đã trở thành tên chính thức trong các văn bản hành chánh. Chẳng hạn Bình Thanh thành Bình Thạnh, Hàng Sanh thành Hàng Xanh, Hanh Thông biến thành Hạnh Thông và sau đó là Hạnh Thông Tây, một làng của quận Gò Vấp.

Dân chúng xếp hàng chích ngừa dịch bệnh trước Nhà Hội đồng Hanh Thông Xã (Nguồn: Manhhaiflick)   

Trong bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815, ghi rõ địa danh làng Hanh Thông, thuộc Tổng Bình Trị, huyện Bình Dương của phủ Tân Bình, tỉnh Gia Ðịnh. Làng Hanh Thông rất rộng, giáp làng Bình Hoà, làng Phú Nhuận và Tân Sơn Hoà. Năm 1944, Toàn quyền Ðông Dương ký nghị định thành lập tỉnh Tân Bình, vùng đất quận Gò Vấp bao gồm các làng: Bình Hưng Hòa, Phú Nhuận, Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Hoà, Tân Hòa, Vĩnh Lộc và Phú Thọ Hoà, Hanh Thông, Hạnh Thông Tây, Bình Hòa Xã, Thạnh Mỹ Tây và An Hội. Nhưng một năm sau đó, các làng trên lại trở về tỉnh Gia Ðịnh.

Sau 1954, các làng thuộc quận Gò Vấp gọi là xã, trung tâm hành chánh quận đặt tại xã Hanh Thông. Từ đây dân chúng quen dùng từ Hanh Thông Xã để chỉ quận lỵ. Qua các thời kỳ phân chia địa giới hành chánh cấp quận cho đến năm 1960, quận Gò Vấp chỉ còn 7 xã trực thuộc là: An Nhơn, An Phú Ðông, Bình Hòa, Thạnh Lộc, Hạnh Thông, Thạnh Mỹ Tây, Thông Tây Hội (Thông Tây Hội do sáp nhập hai xã, Hạnh Thông Tây và An Hội làm một).

Tôi có quãng thời gian ngắn sống tại Gò Vấp trên đường Phạm Văn Chiêu, đối diện với trường tiểu học An Hội. Qua tìm hiểu một chút về xã Thông Tây Hội với vài người lớn tuổi tại địa phương, họ nói đùa rằng, Thông Tây Hội là em út của Hanh Thông Xã. Vì thực tế, Hạnh Thông Tây là phần đất cắt ra của Hanh Thông Xã ở phía Tây. An Hội chỉ là một xã nhỏ nên kết hợp luôn cho gọn. Do vậy, khi nghe nói đến Hạnh Thông Tây thì người sống ngoài quận đinh ninh là Hanh Thông Xã ngày xưa. Ngày nay, Hạnh Thông Tây được nhiều người biết đến trên quãng đường Quang Trung từ ngã tư Phạm Văn Chiêu lên đến Nguyễn Oanh. Trên đường Quang Trung có hai chợ mang tên Hạnh Thông Tây. Một là chợ đối diện với nhà thờ Hạnh Thông Tây; hai là chợ cũng trên đường Quang Trung ra hướng đường Nguyễn Oanh (có thể đây là chợ xã Hanh Thông ngày xưa).

Đình Thông Tây Hội cổ xưa nhất vùng Gia Định (Ảnh: Internet)

Có lần, tôi hỏi chuyện với chú Ba Ðức lúc còn sanh tiền. Chú là chủ quán cà phê nhỏ phía sau chợ Hạnh Thông Tây. Dấu ấn nào ở Gò Vấp mà dân địa phương thường hay nhắc tới? Ông trả lời: “Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Hạnh Thông Tây. Ngày còn nhỏ, đường Quang Trung là một hương lộ cỏ dại mọc hai bên cao quá gối, chợ Hạnh Thông Tây lúc ấy chưa có, còn là đất quân sự, có chòi lính canh, sau lưng là phi trường Tân Sơn Nhất. Phía bên kia đường là nhà Thờ Hạnh Thông Tây do ông Lê Phát An bỏ tiền của xây cất. Nhích lên phía trên ra ngã Ba chú Ía là một chợ xã Hạnh Thông Tây, người ta buôn bán từ sáng đến chiều. Quẹo ra đường Nguyễn Văn Lượng (trước 1975 là Minh Mạng, sau đổi thành Nguyễn Văn Lượng và nay thành Thống Nhất) có một ngôi đình tên là Thông Tây Hội có tuổi đời hơn ba trăm năm. Trở ra ngã Ba chú Ía gần chợ Gò Vấp là nhà việc Hanh Thông Xã (sau 1975 là Uỷ ban Nhân dân xã Hanh Thông).

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 14 tháng 3 năm 2024

Ngôi đình Thông Tây Hội chú Ba Ðức nhắc tới chính là đình Hanh Thông hay Hạnh Thông Tây ngày xưa sau khi phân chia lại địa giới hành chánh quận Gò Vấp. Theo sử liệu, ngôi đình này được xây dựng vào khoảng năm 1679 (ngày nay đình còn được biết tới như là ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Ðịnh xưa và của cả miền đất phương Nam còn tồn tại). Ðình Thông Tây Hội là nguồn dữ liệu phong phú về cư dân vùng Gò Vấp, một vùng đất ra đời tương đối sớm đối với Sài Gòn – Gia Ðịnh. Với giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, xã hội, đình được nhà cầm quyền công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật văn hóa lịch sử cấp quốc gia năm 1998.

Tên Thông Tây Hội là do ghép từ hai làng Hạnh Thông Tây và An Hội. Khi hai làng sáp nhập làm một (1944) thì đình làng Hạnh Thông Tây được chọn làm đình chung và từ đó được đổi tên thành đình Thông Tây Hội. Làng Hạnh Thông Tây được tách ra từ làng Hạnh Thông (một trong những làng ra đời từ rất xa xưa từ thời chúa Nguyễn).

Nhà thờ Hạnh Thông Tây đã xây thêm tháp chuông (Nguồn: Manhhaiflick)

Trong “Gia Ðịnh thành thông chí” của Trịnh Hoài Ðức có ghi: Hạnh Thông thôn – Hạnh Thông Tây thôn – An Hội thôn – thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình. Xã Hạnh Thông Tây có thể ra đời rất sớm cùng với sự ra đời và tồn tại của làng xã. Theo các cụ cao niên tại địa phương cho biết: ngôi đình đầu tiên của làng Hạnh Thông Tây được dựng lên từ khi tách làng, được làm bằng gỗ lợp lá, nằm ở vị trí khác, cách ngôi đình 800m về phía Nam. Ngôi đình thứ hai được làm bằng gỗ lợp ngói, nhỏ và đơn giản nằm tại vị trí ngôi đình. Ðất dựng đình do một nhà hào phú địa phương tên Huỳnh Văn Thu hiến cúng. Ngôi đình hiện nay được trùng tu trên địa điểm ngôi đình thứ hai.

Xem thêm:   Phải đâu miền đất hứa

Ấn tượng thứ hai, chú Ba Ðức nói đến là trụ sở hội đồng Hanh Thông Xã của quận Gò Vấp. Ðây là một công trình kiên cố xây dựng theo kiến trúc Pháp pha lẫn Á Ðông. Cạnh bên có những văn phòng hành chánh trong xã mà thực tế là những việc hành chánh của cấp quận Gò Vấp. Nên nhớ rằng, trước năm 1945, Gò Vấp vẫn còn là vùng đất thuần nông nghiệp, dân cư chưa nhiều, đường sá hầu như còn là đường đất, trừ số ít đường tập trung ở khu tỉnh lỵ Gia Ðịnh. Nhà việc Hanh Thông Xã có cách sinh hoạt tương tự như một đình làng, là nơi hội họp các thôn trưởng đại diện dân chúng, góp tiếng nói chung để xây dựng đời sống trong cộng đồng. Sau năm 1954, Gò Vấp bắt đầu tiếp nhận dân di cư miền Bắc và nhiều tỉnh trong cả nước tìm về vùng đất mới sinh sống. Xóm Mới là một trong những khu định cư sau này của người miền Bắc từ năm 1945 đến 1954, chuyên trồng thuốc lá làm thuốc rê Gò Vấp.

Dấu ấn thứ ba là nhà thờ Hạnh Thông Tây được xây dựng năm 1921, toàn bộ chi phí xây dựng đều được vợ chồng ông Denis Lê Phát An và bà Trần Thị Thơ (con trai trưởng của Huyện Sỹ Lê Phát Ðạt) tự nguyện đóng góp xây dựng. Sau khi du học bên Pháp về rồi lập gia đình, ông Lê Phát An được cha cho cai quản nhiều khu đất rộng lớn tại Gò Vấp. Ðất ông cho nông dân thuê lại trồng hoa và rau cải, ông lên Ðà Lạt mua đất mở đồn điền trồng trà cà phê bên cạnh gia đình cô em là Lê Thị Bình và em rể Nguyễn Hữu Hào (trở thành cha mẹ vợ của vua Bảo Ðại vào năm 1934), thỉnh thoảng mới lái xe về Sài Gòn xem xét đất đai ở Gò Vấp.

Nhà thờ Hạnh Thông Tây chưa có tháp chuông, phía bên đường chưa có chợ Hạnh Thông Tây khi ấy còn là đất quân sự giáp với Phi trường Tân Sơn Nhất (Nguồn: Manhhaiflick)

Một lần khi xe đi ngang qua một ngôi nhà Nguyện thuộc xứ đạo Hạnh Thông Tây, cám cảnh ở giữa một nơi hoang vắng, chung quanh toàn là đồng cỏ chăn dê thả bò, ông bảo tài xế dừng xe, ghé thăm đi lễ ngôi nhà Nguyện. Nhìn thấy tượng Thánh Giuse đeo một chiếc túi vải, ông thấy lạ, hỏi chuyện và xin phép Cha Sở cho mình được đọc nội dung bên trong rồi ra về. Vài ngày sau, ông cùng người tài xế quay trở lại, ghé Thánh đường thưa chuyện với Cha, xin phép bỏ một số tiền lớn để xây cất lại nhà thờ hoàn toàn mới với một ý nguyện khi vợ chồng mất xin được cho chôn cất trong nhà thờ.

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Toà Giám mục đồng ý cho phép thực hiện nguyện vọng của ân nhân. Trong lúc xây dựng nhà thờ, ông Lê Phát An gợi ý cho kiến trúc sư và nhà điêu khắc xây dựng phần hai ngôi mộ nằm hai bên chái lõm của nhà thờ để được kín đáo, người từ bên ngoài đi vào không để ý thì không thấy. Ðó cũng là một việc làm tế nhị giảm thiểu phần phô trương của người góp của xây dựng nhà thờ. Hiện hai ngôi mộ trong nhà thờ vẫn còn đó. Ðiều có thể làm cho người ta cảm động trước hai bức tượng là, ngôi mộ của ông thì có tượng bà ôm choàng lấy tấm bia gục đầu thương tiếc, còn ngôi mộ bà thì có tượng ông mặc áo dài, trước gối quỳ có bó hoa tặng vợ, hai tay đan xen phía trước ngực, đầu gục dựa cạnh bia mộ như thì thầm nói chuyện với bà.

TN