Chiếc xe đạp theo chân người Pháp vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, nhưng sức phổ biến của nó trong đời sống người dân Việt chỉ thật sự thể hiện sau đó vài thập niên. Và kéo dài đến tận ngày nay.

Xe đạp nam có sườn ngang, ghi đông ngang, xe không có vè chắn bùn (Nguồn: Manhhaiflickr)
Rất khó để nói chính xác ai là người Việt đầu tiên sử dụng xe đạp. Nhưng nếu nói về sở hữu, thì vua Thành Thái được xem là người đầu tiên có xe đạp riêng. Một tấm hình đăng trên báo L’Illustration vào những năm 1895 -1897, cho biết vua Thành Thái hay dùng xe để đi dạo Hoàng thành lúc rảnh rỗi.
Ðọc sách cũ mới biết mãi đến 10 năm sau, tức năm 1917, các trạm bưu điện mới trang bị xe đạp cho nhân viên phát thư. Thời bấy giờ chiếc xe trông rất hầm hố và không thẩm mỹ chút nào. Sườn xe đạp làm bằng sắt đúc rất nặng, bánh làm bằng cao su đặc (thời đó chưa có ruột xe bơm hơi, cấu trúc niền vỏ đúc liền khối như bánh xe kiếng ngựa kéo), không có vè chắn bùn. Xe đạp phát thư đầu tiên không phải ở Sài Gòn mà ở tỉnh Gò Công, bưu điện sở tại được cấp cho 4 chiếc xe đạp, lúc này chính quyền phải thuê một “chuyên gia” người Pháp từ Sài Gòn về hướng dẫn cách đạp xe.
Mãi đến đầu thập niên 1930, xe đạp của Pháp mới cải tiến toàn diện khi nhập vào Đông Dương bên cạnh số ít xe hơi xuất hiện trên đường phố. Sườn xe làm bằng nhôm và xe có hai loại dành cho nam và nữ giới. Xe đạp nam chỉ có một kiểu dáng sườn ngang (đòn dông), ghi-đông ngang. Khung sườn xe nữ (xe đạp đầm) thanh thoát có hai gọng sườn hạ thấp để các cô dễ dàng bước chân qua ngồi lên yên xe. Thuở ấy hầu hết xe đạp được nhập từ Pháp từ hãng Peugeot hoặc một vài hãng khác. Nhưng xe hiệu Peugeot được dân chúng ưa chuộng nhất vì kiểu dáng thanh lịch.

Vào những năm 1895 -1897, cho biết vua Thành Thái hay dùng xe để đi dạo Hoàng thành lúc rảnh rỗi (Ảnh: Tư liệu)
Anh bạn tôi kể, chiếc xe đòn dông của Pháp toàn bằng nhôm của ông nội mua cho cha anh hồi gia đình từ quê lên Sài Gòn sinh sống. Nó gắn liền gần như cả cuộc đời với cha anh từ lúc đi học cho tới đi làm thư ký của một hãng buôn lớn. Thuở giữa thập niên 40, chiếc xe đạp nhôm đắt tiền gấp đôi một chiếc xe đạp Peugeot của Pháp nhập vào bán ở Sài Gòn. Thời ấy ngoài giao thông công cộng bằng xe điện; xe đạp, xe ngựa, xe hơi không nhiều cho nên nhà nào có xe đạp Pháp là thuộc loại khá giả trung lưu. Sau này giao thông đô thị có thêm xe taxi, xe lam, xe gắn máy nhưng xe đạp vẫn là loại phương tiện cá nhân chiếm ưu thế.
Giá một chiếc xe đạp khi ấy vẫn đắt so với mức sống trung bình. Khoảng cuối thập niên 1940, một chiếc xe đạp Peugeot có giá 27 đồng, gần bằng cả tháng lương của một người lao động bình thường. Thế nên ngoài là phương tiện di chuyển, xe đạp còn là công cụ phân biệt giai cấp trong xã hội. Xe mua xong có cả giấy chứng nhận sở hữu.
Người bạn lớn tuổi khác kể thêm kỷ niệm xe đạp ở thời trung học với những lần kè kè cô bạn cùng lớp tan trường. Gạ mãi lắm, nàng mới dối cha mẹ đi học bằng xe lam vì đi xe đạp tà áo dài hay vướng vào bánh xe làm bẩn áo. Cứ sáng chàng trờ tới điểm hẹn, nàng vén tà áo thẹn thùng ngồi phía sau. Ðể thêm phần lãng mạn, chàng năn nỉ đòi đổi chiếc xe sườn ngang bằng nhôm của ông già chạy cho ra dáng đàn ông hơn là đi chiếc xe đạp đầm Peugeot cha mẹ mua cho hồi lên đệ tam. Chiều con nhưng vẫn nhắc nhở rằng đừng đua đòi với chúng bạn, lo học hành, năm nay thi cử không khéo “rớt tú tài anh đi trung sĩ” thì cha mẹ già trông cậy vào ai, chứ nào biết thằng con vào tuổi thêu dệt mộng tình.

Người đi xe đạp thời Pháp thuộc phải học luật lệ giao thông dành cho xe đạp (Ảnh: Tư liệu)
Ðó là thời gian sau vào thập niên 60, chứ thời cha tôi toàn xe đạp Pháp, anh bạn đính chính. Anh nói thêm, chỉ ở Sài Gòn mới có nhiều xe đạp, chứ quê nội ở Vĩnh Long xe đạp thời đó cũng không nhiều. Sau này nhiều đại lý nhập xe hiệu Pacific, rồi các cơ xưởng Sài Gòn làm sườn xe dán mác ngoại quốc nhưng phụ tùng thì nhập vào chứ chưa sản xuất được, thậm chí là cái ghi-đông. Hồi thời cha anh, luật giao thông bắt buộc, xe đạp phải gắn đèn nên chiếc xe nào cũng đều có bộ phận dinamo cạ vào bánh xe phát ra dòng điện để đốt bóng đèn gắn dưới cổ xe. Do đó vỏ xe trước thường mòn một bên. Sau này, có đèn hay không đèn cứ chạy ban đêm chẳng cảnh sát nào phạt.
Nghe anh kể làm tôi nhớ hồi trước nhà có hai chiếc xe đạp, một chiếc hiệu Peugeot, chiếc kia hiệu gì đó tôi không rõ. Chiếc Peugeot gắn liền với thời gian học cấp ba của tôi sau năm 1975, thời xe đạp trở lại lên ngôi huy hoàng trên đường phố Sài Gòn. Tôi cũng không rõ chiếc Peugeot trong nhà có phải là xe đạp do Pháp sản xuất hay xe giả dán mác decal bán đầy ở các tiệm sửa xe đạp xe gắn máy. Tuy nhiên cặp vỏ xe hiệu Michelin cũ chưa mòn làm tôi tin tưởng. Ðã là xe Pháp thì phải trọn vẹn toàn bộ. Thiếu cái đèn, đi mua cái đèn và bộ dinamo gắn vào cho ra dáng xe nguyên thủy. Tốn tiền lùng kiếm mua cho được, cuối cùng phải tháo bỏ vì xe không có chỗ gắn đèn, chế tới chế lui, đèn lúc sáng lúc không, bánh xe mòn một bên lại đạp nặng. Mấy năm sau, vỏ xe banh talon vá chằng vá chịt ráng xài thêm thời gian ngắn rồi đem bán lạc xoong mua chiếc xe đạp cuộc sườn ngang của Tiệp Khắc hai dĩa năm líp đi cho giống cua rơ.
Thằng bạn chơi xe cổ ở Sài Gòn tiếc rẻ, “phải chi giữ tới giờ, nếu đúng là xe thứ thiệt giá của nó không thua chiếc xe gắn máy xịn”. Ai mà biết nó xịn hay không, xe chỉ có mác Peugeot bằng giấy decal không thấy mác đồng ấn chứng “Made in France”, lỡ xe dỏm thì giữ lại làm gì. Chiếc Peugeot này nó cũng “vật” tôi dữ lắm. Sên dãn dĩa mòn, đạp nhanh là rớt sên vướng kẹt giữa cái chắn sên, tháo ra gắn lại, hai bàn tay lấm lem mỡ bò đen thui thấy ớn.

Xe đạp nữ (xe đầm) có sườn thanh thoát, sườn ngang hạ xuống trụ sườn, ghi đông cánh én (Nguồn: Manhhaiflickr)
Ngày nay, chiếc xe đạp Peugeot có giá so với ngày xưa bởi vì nó là xe của những người có tinh thần hoài cổ. Không mấy ai có xe còn giữ nguyên trạng đầy đủ phụ tùng. Phần nhiều xe hư hỏng thay nhiều bộ phận cũng chẳng có giá là bao. Dân chơi xe mua vài ba chiếc tháo ra ráp lại thành một chiếc thì giá mắc là điều đương nhiên. Trong thực tế, hiện nay một chiếc xe đạp hiệu Peugeot nhập từ Pháp giá đến 1,500 đô, chẳng rẻ chút nào! Kiểu dáng loại xe này hiện đại không thon thả như chiếc xe đạp Pháp ngày xưa nên dân chơi xe đạp vẫn ưu ái cho chiếc xe cũ mang dấu ấn văn hóa một thời, sau trăm năm người Pháp mang xe đạp vào Việt Nam, được xem là phương tiện giao thông đơn sơ nhưng hiện đại vào thời đó.
Mấy ông bạn nghe tôi nói nhà có chiếc xe đạp Peugeot thì bảo chắc hồi đó gia đình tôi khá giả lắm. Khá gì, dân lao động bình thường. Ba tôi đi lính, mà tiền lính là tính liền. Má tôi buôn bán gánh thêm chút ít lo cho cuộc sống. Ông bạn người Bắc kể chuyện xe đạp rằng: Ở Hà Nội gia đình nào có chiếc xe đạp Peugeot là một gia tài lớn. Xe có đăng bộ, mang bảng số lưu thông như xe gắn máy. Trước năm 1954, người Pháp nhập xe đạp, xe gắn máy vào Ðông Dương buôn bán và số ít gia đình có thân nhân là Việt kiều Pháp gởi xe về cho gia đình sử dụng. Tuy vậy, số xe đạp và xe gắn máy không nhiều bằng trong Nam, nhất là Sài Gòn. Anh chàng Hà Nội nào có chiếc Peugeot cá vàng là một trong những tiêu chuẩn để chọn người yêu của các cô gái Hà Nội thời cách nay nửa thế kỷ.
Như trên đã nói, thời sau 1975 là thời trở lại huy hoàng của xe đạp (vì khan hiếm xăng dầu, xe gắn máy, xe hơi nằm xếp xó). Các cơ xưởng mọc ra như nấm sản xuất xe đạp. Chợ Tân Thành ở Q.5 chuyên bán phụ tùng xe đạp xe gắn máy Hồng Kông sản xuất bên hông Chợ Lớn. Có khi dây sên đục ra lộn trái, đánh bóng như mới, gắn vô xe chạy một hai năm là bỏ. Vào thời gian này, ai có chiếc “Phượng Hoàng” là oách lắm. Phải công nhận một điều, hàng hóa của Trung Quốc sản xuất chê gì thì chê, chứ xe đạp Phượng Hoàng đẹp và bền lắm.
Hình ảnh giao thông Sài Gòn giờ đã khác xưa, chỉ một số ít người lao động, học sinh còn sử dụng xe đạp. Tuy vậy, chiếc xe đạp luôn giàu hình ảnh trong trí tưởng tượng của những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ. Giới văn nghệ sĩ có thích đi xe đạp không lại là một chuyện khác hay chỉ nhìn em “chiều chiều em đạp xe, thả dốc dài bến Ðá” (Tình ca Vũng Tàu – Hoàng Vân). Trăm năm qua xe đạp vẫn còn đó và tôi tin rằng nó mãi mãi tồn tại trong đời sống con người.
TN