Nhập tỉnh, bỏ huyện, nhập tỉnh lẻ vào thành phố, như trường hợp Quảng Nam bỗng dưng thành thành phố và Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Huế (trực thuộc trung ương) đã tạo nên một trận “động đất” tại khu vực Quảng Nam (cũ) và Thừa Thiên Huế (cũ). Hai nơi mới trở thành dân thành phố này nhanh chóng xuất hiện những đợt sóng đất và tạo ra một rừng bong bóng đất đáng sợ.
Sao gọi là bong bóng?
Nói là bong bóng đất bởi có một thực tế là cho đến lúc này, mặc dù nền chính trị Việt Nam có phần “khởi sắc” trong dân chúng ít nhiều bởi niềm hy vọng sẽ giảm bớt số người đu bám chế độ để kiếm ăn, hay nói khác đi là giảm bớt một số lượng lớn cán bộ không có năng lực, ăn không ngồi rồi và ngồi dai như đỉa (mặc dù số tiền chung cho họ về vườn có người vài trăm triệu đồng, có người vài tỉ đồng… Nhưng nó chẳng thấm béo gì so với số tiền họ phá mỗi năm một khi họ tại vị cũng như tiền hưu trí của họ sau này…).
Tuy nhiên, mọi niềm lạc quan có được do biến động chính trị chẳng thể lấp được cái lỗ hổng kinh tế bởi một nền kinh tế òi ọp sau nhiều năm dịch giã và phong tỏa. Hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, hàng quán ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng giảm thê thảm. Kinh tế thực sự rơi vào suy thoái.
Và cú thay đổi, “khắc nhập” của ông Tổng Bí Thư Tô Lâm giúp cho rất nhiều người hy vọng “nước lên thì béo lên”, tức khi được xác định ranh giới thành phố thì tiêu chuẩn sống sẽ tăng, đầu tư tăng và giá đất cũng tăng. Cũng bởi cách suy nghĩ này mà giá đất nhanh chóng được đẩy lên cao một cách bất thường, thị trường nhà đất thời gian gần đây hết sức chộn rộn và lộn xộn. Chộn rộn bởi nơi nơi, nhà nhà trở thành cò đất, nhà buôn đất, người người trở thành cò đất, nhà buôn đất, đi đâu cũng nghe bàn tán về giá đất và câu chuyện trong các quán từ cà phê đến quán nhậu chỉ nghe người ta bàn về mua – bán đất.

Qua một thời gian dài khủng hoảng, liệu bất động sản có thể thanh khoản nhanh như nhiều người kỳ vọng?
Có hai khu vực đang sốt đất một cách bất thường, đó là khu vực bờ biển phía Nam thành phố Huế và khu vực Điện Nam – Điện Ngọc, thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam hiện tại (mà tương lai không xa sẽ trở thành Điện Nam – Điện Ngọc, thành phố Đà Nẵng). Giá đất ở hai khu vực này tăng vùn vụt từng giờ, có nhiều người bán cọc, tức mới đặt cọc để mua miếng đất với giá vài trăm triệu, sau đó có người trả cao hơn 20%, thậm chí 50%, vậy là bán lại cọc, hưởng lợi trong 50% đó, tức đến giao dịch mua, người mua sau cùng đứng tên hợp đồng phải thanh toán số tiền 150% so với giá bán ban đầu, tức người mua ban đầu chỉ đóng cọc, sau đó nhận tiền lãi.
Và không dừng ở chuyện bán cọc, để bơm thị trường, làm cho thị trường trở nên nóng sốt, các cò đất bày đủ các chiêu thức. Như lời của anh Phong, một người từng bị dính bẫy ở công ty địa ốc Bách Đạt An mà cho đến nay, sau nhiều năm vẫn chưa được giải quyết rốt ráo:
– Chưa có năm nào cò đất rầm rộ như năm nay, nhưng anh thấy toàn bong bóng cả, chẳng có chi để vui mừng!
– Do chuyển dịch địa lý hành chính nên người ta trông mong vào sự phát triển, sao anh lại tỏ ra bi quan vậy?

Đất Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Đồng Hới… cò rao sốt dẻo, người ôm cuối cùng là người ôm sô
– Đồng ý là chuyển dịch địa lý hành chính, nhưng hầu hết sức mua của người dân đều vá víu, chắp vá, tiềm lực không có, chủ yếu nguồn tiền từ việc vay ngân hàng. Mà ngân hàng nhận thế chấp đất để vay mua đất thì câu chuyện này chưa biết sẽ ra sao. Vì không biết bao nhiêu tiền chính phủ bơm vào cho đủ!
– Anh thấy lần sốt đất này có giống lần nào trước đây không?
– Có, giống cái đợt cách đây chừng 2, 3 năm, hồi đó sức mua không có vì ai cũng vừa thoát dịch, nhiều cơ xưởng đóng cửa, nhiều doanh nghiệp tuyên bố phá sản. Thế nhưng có một nhóm cò đã chơi trò đấu giá đất, tranh nhau mua đất, chạy rần rật như thể chạy đua và mua đất cứ như mua tôm cá… Sau đó người ta cho phát tán videoclip trên mạng xã hội để tạo hiệu ứng đám đông. Vụ này xảy ra ở Bình Phước, sau đó công an vào cuộc, mời hàng loạt “nhà doanh nghiệp đất” lên làm việc, có người bị ra tòa… Cái kiểu làm ăn chụp giật thì người Việt mình lúc nào cũng dẫn đầu (cười).
– Theo anh dự đoán thì tình hình sốt đất này kéo dài được bao lâu?
– Không bao lâu đâu, vì cái quan trọng nhất là mãi lực, mà mãi lực mạnh nhưng không có tiềm lực gốc, tức sức mua quá mạnh, người ta liên tục bơm giá và người mua cứ lao vào như con thiêu thân. Trong khi đó tiềm lực kinh tế của người mua rất hiếm người có thật, chủ yếu dựa vào tiền vay mượn từ ngân hàng, từ thân nhân và đeo đuổi để kiếm lãi. Như vậy chẳng bao lâu nữa, những người chốt hợp đồng cuối cùng sẽ đứng hình. Anh từng gặp vụ này rồi. Anh có mấy lô đứng cả gần chục năm nay, nó vẫn tăng giá đó, nhưng không có người mua

Tin rao bán đất liên tục được đăng
Lô nhô cò cuốc
Tôi vào các trang mạng xã hội, gặp toàn thông tin rao bán đất, các hội nhóm thi nhau rao bán, có nhiều nơi, một lô đất có đến 5 nhóm chào bán với 5 giá khác nhau, điều này cũng cho thấy thị trường rất lộn xộn và các cấp bậc cò cuốc trong thị trường đất cũng vô cùng phức tạp.
Tôi thử hỏi thăm một lô đất có giá hơn 2 tỉ đồng (tương đương 80,000USD) có diện tích 100m2, cò đất chào thêm vài lô khác và họ bắt đầu đổ xô chào các lô, riêng cái lô hơn 2 tỉ đồng có đến 3 nhóm cò khác nhau chào với 3 cái giá khác nhau (2 tỉ đồng, 2.1 tỉ đồng và 2.3 tỉ đồng). Chưa đầy nửa ngày đã có hàng chục nhóm chào bán đất và số lô lặp lại nhiều vô kể..
Các phòng công chứng tại Điện Bàn (cũ) lúc nào cũng đông nghẹt người, và đương nhiên là đến đây để công chứng việc mua – bán đất. Có thể nói tình hình mua bán đất sau nhiều năm im lìm, bỗng dưng sôi động một cách rất bất thường ở một số nơi.
Một người quen, làm chuyên viên ngân hàng, yêu cầu tôi giấu tên, nói:
– Số đông, phải nói là rất đông những người mua đất đều mới từ ngân hàng bước ra đó, họ vay tiền mua đất. Đương nhiên là vay có thế chấp sổ hồng những miếng đất khác.
– Theo chị thấy thì việc thế chấp sổ hồng để vay rồi mua tiếp miếng đất khác có phải là cách làm kinh tế tốt không?
– Nhìn gần thì có vẻ tốt, tức là người ta tạo ra tốc độ quay của đồng tiền làm cho xã hội bớt chây ỳ. Nhưng xét về sâu xa, tiềm lực không có mà mua nhiều thì chắc chắn đó là mãi lực ảo, mãi lực đen, tới khi vỡ bong bóng bất động sản thì chẳng còn mấy người mua hay bán cho dù chính phủ tiếp tục bơm tiền đi nữa!
– Có khi nào người ta nhắm đến phân đoạn “công chức về hưu non” để bán, tức những ông này kéo về quê mua đất làm nhà vì sống ở thành phố khó, điều kiện thu nhập thấp?
– Cũng có một phần như thế, nhưng chắc chắn với mức giá đẩy lên cao ngất như hiện tại thì có lẽ nhà đầu tư nhắm đến những chủ nhân ở phân khúc cao hơn kia. Ví dụ như người mua đất kinh doanh du lịch hoặc người mua đất xây nhà nhưng thuộc tầm trung hoặc giàu có. Chứ trông vào các ông mới bị cho thôi việc mà giá mua đi đã vài tỉ thì bán lại mấy ông đó không rớ tới nổi đâu!
– Thường thì những quan chức đó chẳng trông chờ vào số tiền đôi ba tỉ nhà nước hỗ trợ đâu, họ có “vốn” lâu nay rồi, chị nghĩ sao?
– Đúng, nhưng nhóm này mà về vườn thì lại rất lo sợ, họ sợ đói lắm, vì khả năng kiếm tiền ngoài xã hội của họ rất thấp, ngay trong cơ quan, họ cũng trộm tiền nhà nước bằng cách này, cách khác, nên khi mất việc, họ không dám vung tiền để mua đất làm nhà cho to đâu, phần nữa cũng sợ lòi đuôi nữa. Nhưng mà mình cũng chỉ võ đoán thôi, chứ chưa biết sự thể đến đâu. Thị trường nhà đất bùng lên như lửa rơm, lại võ bong bóng nữa chứ không giỡn chơi đâu!
Không biết những cái bong bóng bất động sản còn được thổi căng tới mức nào, nhưng rõ ràng là có rất nhiều bong bóng đang trôi trên bề mặt thị trường bất động sản xứ Việt ngay lúc này. Hy vọng là nó không mất dấu như bong bóng xà phòng!
UC