Trường phổ thông trung học Lê Quý Đôn ngày nay khi xưa là trường Collège Chasseloup Laubat, có thể nói là trường dạy bậc trung học đầu tiên ở Sài Gòn. Tuy vậy, trước đó 20 năm (1862), người Pháp đã cho xây trường Collège d’Adran gần Sở Thú, dạy chương trình trung học đệ nhất cấp thi lấy bằng Thành Chung, do Hội Thừa sai quản lý. Những người thi đỗ điểm cao được ra làm thầy giáo bậc tiểu học, người điểm thấp hơn có thể làm thơ ký ở các cơ quan công quyền.

Trường Collège Chasseloup Laubat vào năm 1906 (Ảnh: Tài Liệu)   

Với mục đích tiếp tục khai hoá dân trí xứ Nam Kỳ, chính quyền thuộc địa Pháp cho xây thêm trường École Normale Colonial (trường Sư phạm thuộc địa) vào năm 1871, đào tạo giáo viên theo hệ thống giáo dục riêng của chính phủ. Trường xây trên phần đất của chùa Khải Tường ngày trước, đến năm 1874 trường đổi tên thành Collège Indigène (trường bản xứ) tiền thân trường Collège Chasseloup Laubat vào năm 1876.

Mảnh đất rộng lớn này được bao bọc bởi bốn con đường Testard (Trần Quý Cáp/Võ văn Tần), Barbé (Lê Quý Ðôn), Mac-Mahon (Công Lý/Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Chasseloup Laubat (Hồng Thập Tự/Xô Viết Nghệ Tĩnh). Trường chia làm hai khu riêng biệt: Khu nội trú Quartier Indigènes (Khu học sinh bản xứ) hay còn gọi là Petit Cour và Quartier Européens (khu học sinh Châu Âu) còn gọi là Grand Cour. Tuy vậy, con em người Việt muốn vào học phải qua kỳ thi tuyển chọn và phải có quốc tịch Pháp.

Theo vài tài liệu cho thấy trường Chasseloup Laubat được xây từ năm 1874 đến năm 1877 thì hoàn thành. Nhưng thực tế trường được xây dựng kéo dài nhiều năm từ 1871 đến 1877 mới hoàn thành căn bản và mãi đến năm 1882 mới hoàn thành tất cả các hạng mục công trình. Như vậy, trường vừa xây dựng vừa đào tạo. Có hai giai đoạn đào tạo: Ban đầu là đào tạo giáo viên và viên chức nhà nước, kế tiếp dạy học sinh bậc tiểu học 5-6 năm qua kỳ thi chuyển cấp lên trung học 4 năm (đệ nhất cấp). Các môn học bắt buộc là tiếng Pháp, sơ yếu văn học Pháp; làm luận văn bằng Pháp ngữ. Môn lịch sử gồm khái niệm sử cổ đại và hiện đại. Ngoài ra, học sinh còn học các môn khoa học tự nhiên khác như: toán, vật lý, vạn vật học và các phép đo đạc, sổ sách kế toán, hội họa… Riêng học sinh bản xứ học thêm quốc ngữ và chữ Nho. Sách dành cho môn chữ Nho và quốc ngữ khi đó rất hiếm, với các cuốn Tứ thư, Việt địa dư ký, truyện ký của Trương Vĩnh Ký và thơ Lục Vân Tiên.

Học sinh Tây và Việt trước cổng trường Chasseloup Laubat thập niên 1940 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Tuy nhiên, từ năm 1879, theo sự cải tổ giáo dục phù hợp với chương trình giáo dục tiểu học và trung học tại chính quốc, trường Collège Chasseloup Laubat chia thành ba cấp. Cấp tiểu học thuộc dãy lớp hướng ra đường Testard, khu trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp (3 năm) thuộc hai dãy lớp bên hông và dãy lớp hướng ra đường Chasseloup Laubat.

Xem thêm:   Biden & Trump

Mặc dù chương trình cải cách giáo dục bắt đầu áp dụng ở Ðông Dương từ năm 1879 nhưng hiếm có trường nào người Việt theo học có thể hoàn tất bậc trung học đệ nhị cấp tức hệ trung học ba năm. Vào thời gian này, ngay cả trường Collège Mỹ Tho, Cần Thơ hay Sóc Trăng cũng chỉ dạy đến bậc tiểu học là hết. Muốn vào trung học phải lên Sài Gòn thi vào trường Collège d’Adran hay Chasseloup Laubat và các trường này cũng chỉ có bậc trung học đệ nhất cấp mà thôi, thi lấy bằng Thành Chung (Diplôme d’Etudes Complémentaires).

Chương trình học trung học đệ nhất cấp khá nặng, nhiều môn học nhất về lịch sử thế giới, Pháp, và Việt Nam. Sau khi lấy bằng Thành Chung, học sinh có thể ghi danh theo học sư phạm ra làm thầy giáo tiểu học hoặc ra trường làm thơ ký, công chức nhà nước.

Trong Báo Xuân Thần Chung năm Nhâm Thìn 1952, tác giả Thời Nhân có sưu tầm tài liệu qua bài viết Xã hội Sài Gòn và Lục tỉnh 20 năm về trước, có ghi nhận ở tiểu mục “Ngó sơ qua về việc học hành” như sau: “Buổi ấy, trường trung học d’Adran là trường đào tạo được nhiều người giúp việc nhà nước đã bãi bỏ. Học trò trường này sang học luôn bên trường “Xách Lu” (Chasseloup Laubat). Trong năm 1892, vỏn vẹn có 33 anh học sinh Việt Nam đi thi bằng “bờ-rờ-quê” và chỉ có 12 anh thi đỗ mà thôi. So sánh với số học sanh ngày nay thấy mà phát ngán. Chính phủ cũng có cấp học bổng cho mấy trò sang học ở trường “Lít xê” bên Anger. Có bốn trò giỏi, được phần thưởng nhứt hạng trong trường, hơn cả học sinh các nước (Trần Văn Thông, Bùi Quang Chiêu, Lê Công Hoàng, Phạm Ngọc Thiện)”.

Trường Chasseloup Laubat đổi tên thành Trung tâm Giáo dục Lê Quí Đôn trước 1975 (Ảnh: Internet)

Cũng trong sách Tân An ngày xưa xuất bản năm 1973, tác giả Ðào Văn Hội đưa vào trang mục nhân sĩ đất Tân An có ông Ðốc phủ Huỳnh Văn Ðẩu, tốt nghiệp bằng Thành Chung Brevet Élémentaire Collège Chasseloup Laubat năm 1890. Ông theo học sư phạm năm 1891, ra trường về Tân An dạy học.

Xem thêm:   Mất mạng

“Ông Huỳnh Văn Ðẩu, ông giáo lớp nhứt (Cours Supérieur) chúng tôi, năm 1918 gần năm mươi tuổi, cao lớn mạnh mẽ. Ông ở gần bên trường, một cái nhà lợp ngói nền đất, vách bổ kho, sạch sẽ. Ông bới một đầu tóc nho nhỏ và ăn trầu chút đỉnh. Qua trường dạy học, ông mặc áo xuyên dài, mang giày hàm ếch, để đầu trần. Chỉ khi nào ông lên nhà tư dạy ông Cordier, Phó Chủ tỉnh học Việt ngữ, mỗi tuần hai lần, ông mới bịt khăn đóng, mang đôi giày mới, đi kêu ken két. Ông rất chuyên cần trong chức vụ, không bao giờ vô lớp trễ và mãn giờ cũng không ra về sớm. Ông có phương pháp dạy rất hay và học sanh lớp ông gần như đồng đều, nhứt là toán pháp và pháp văn ông buộc học trò học kỹ lưỡng.

Ông đặc biệt giỏi về môn toán pháp; có người thuật rằng hồi ông thi bằng Thành Chung tại trường Chasseloup Laubat, không rõ Chủ khảo ra đề thi về bài toán đố (problème) thế nào mà ông đứng dậy nói rằng bài toán ấy không thể có giải đáp được vì thiếu yếu tố (élément). Giám khảo xem lại thì quả ông có lý, thí sinh rất phục ông.

Nơi đây, chúng tôi xin mở một dấu ngoặc: sau khi lập nền cai trị vững chắc rồi, Chánh Phủ Pháp lập trường “Collège des Stagiaires” gọi là “Trường Hậu bổ”; sau trường nầy đổi tên là “Collège Chasseloup Laubat” lấy tên ông Hầu tước De Chasseloup Laubat, Tổng trưởng thuộc địa Pháp quốc thuở quân đội Pháp xâm chiếm Việt Nam. Học sanh học bốn năm thi bằng Thành Chung; mấy thí sinh đỗ cao được bổ dụng làm giáo viên và cam phận “thầy giáo” mãn đời”.

Một tranh hí hoạ của học sinh Dương Hữu Nghĩa vẽ thầy cô trong trường niên khoá 1960 khi trường mang tên Lycée Jean Jacques Rousseau (Ảnh Internet)

Cho đến năm 1925, Bộ Giáo dục Pháp ban hành nghị định mới, sau khi có bằng Thành Chung, học sinh muốn đạt bằng tú tài phải học thêm ba năm. Học xong 2 năm đầu được thi lấy bằng Tú Tài phần thứ nhất (Baccalauréat, 1ère partie), học xong lớp đệ nhất thi lấy bằng Tú Tài Toàn Phần (Certificat de Fin d’Études Secondaire Franco-Indigènes). Có tú tài học sinh có thể ghi danh thi vào đại học. Cũng theo quy định của chính quyền, muốn mở trường dạy trung học phải do thống đốc, thống sứ hay khâm sứ đề nghị lên toàn quyền Ðông Dương. Do có sự hạn chế này miền Nam chỉ có bốn trường dạy bậc trung học gồm Chasseloup Laubat, trường nữ trung học Áo Tím (Collège Des Jeunes Filles Indigènes), Mỹ Tho, Cần Thơ; ở miền Trung có Quốc học Huế; miền Bắc có trường Bảo hộ (trường Bưởi).

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Năm 1927 Toàn quyền Ðông Dương ra nghị định cải thiện bậc giáo dục trung học Pháp bản xứ. Người Pháp lập riêng cấp trung học bản xứ, tách ra từ lớp trung học mà người Việt học chung với Pháp ở Chasseloup Laubat. Trường Collège Pétrus Ký được xây xong năm 1927 nhưng một năm sau đó mới khai giảng khóa đầu tiên với 200 học sinh dạy trung học đệ nhất và đệ nhị cấp. Như vậy, ở Sài Gòn vào thời gian này chỉ có 3 trường là có bậc trung học đệ nhị cấp. Và từ đây các trường Chasseloup Laubat, Petrus Trương Vĩnh Ký, và Trường Áo Tím đổi tên chính thức từ Collège thành Lycée (trung học).

Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Sài Gòn, trường được sử dụng làm trung tâm tiếp nhận người tị nạn từ Ðông Dương và trung tâm truyền bá Nhật ngữ. Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, trường mở cửa trở lại cho đến năm 1960, trường đổi tên thành Lycée Jean Jacques Rousseau dạy phần lớn là học sinh Việt. Năm 1967, trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Ðôn. Sau năm 1975, trường chuyển thành trường phổ thông trung học Lê Quý Ðôn, học sinh tiểu học và trung học cơ sở được chuyển sang các trường khác.

TN