Từ đầu thế kỷ 20, đá banh và quần vợt là hai môn thể thao được người Việt ưa chuộng, đặc biệt là bóng tròn. Trước đó, người Anh từng đến Sài Gòn làm ăn với thực dân Pháp, họ đem môn bóng bầu dục (rugby) vào phổ biến, và người Pháp cho xây dựng một sân bóng ở vườn Ông Thượng (phía sau Cercle Sportif Saigon) nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Sân banh Vườn Ông Thượng năm 1949 được trang bị đèn đá ban đêm (Ảnh: Maivantran.com) 

Trong một bài viết về thể thao của nhà nghiên cứu văn hoá Agathe Larcher Goscha do trường Ðại học Montreal, Canada lưu trữ, từ năm 1905 đến 1949, Nam Kỳ có 46 đội banh, Trung Kỳ có 4 và Bắc Kỳ có 5. Qua đó, ta thấy tinh thần thể thao của dân chúng Nam Kỳ rất mạnh. Vào khoảng thời gian đó, tại Nam Kỳ nhất là Sài Gòn – Gia Ðịnh, có rất nhiều đội bóng tròn như Cercle Sportif, Gia Dinh Sport, Commerce, Govap Sport, Cho Lon Sport, Nam Hoa Sport, Khanh Hoi Sport, Chi Hoa Sport, Paul Bert Sport, Saigon Sport… Nhiều sân vận động thuộc vùng Sài Gòn được xây dựng, cầu thủ có nơi luyện tập và tổ chức các trận đấu giữa các đội banh. Trong đó có sân vận động Renault (đặt theo tên của Philippe Oreste Renault, tham biện hạng nhất, chủ tịch Uỷ hội Thành phố Chợ Lớn, sau đổi thành sân Cộng Hoà) khánh thành năm 1931, thường tổ chức các trận banh quốc tế. Từ đó, người Nam Kỳ càng yêu thích môn đá banh hơn bao giờ hết.

Với những người tuổi 70 trở lên, hẳn còn nghe và nhớ đến thủ môn Phan Văn Rạng của Ðội tuyển túc cầu quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, ông cùng đội tuyển đoạt huy chương vàng môn bóng tròn tại SEAP Games lần I (1959) tại Thái Lan. Ông bắt đầu sự nghiệp năm 17 tuổi trong màu áo đội Ngôi sao Bà Chiểu. Hai năm sau, ông được chọn làm thủ môn cho đội tuyển Thanh Niên. Năm 1953, ở tuổi 19 ông được tuyển vào đội tuyển quốc gia. Với thành tích chung của đội tuyển, ông được mời vào đội tuyển ngôi sao Châu Á thi đấu với Câu lạc bộ Chelsea của Anh với thành tích 2-1. Báo chí Malaysia và khu vực ca ngợi ông hết mực. Ngoài ra, ông còn tham dự những trận giao hữu với các đội tuyển lừng danh thế giới và từng bắt dính 3 quả penalty của “vua bóng tròn” Pele.

Ðó chỉ là một vài tên tuổi cầu thủ nổi bật vào thuở vàng son của Ðội tuyển Ngôi sao Gia Ðịnh nổi tiếng nhất miền Nam cho đến khi đội bóng này giải thể vào năm 1954, các cầu thủ gia nhập vào các câu lạc bộ khác. Trước đó một thập niên, không chỉ có Phan Văn Rạng mà còn nhiều cầu thủ khác nổi danh như cồn của đội tuyển Nam Kỳ như trung phong Bửu, thủ môn Tịnh, hậu vệ Minh… Ðội tuyển Nam Kỳ thuở đó hình thành từ đội tuyển các cầu thủ cự phách từ các câu lạc bộ mạnh của Gia Ðịnh, Sài Gòn và toàn cõi Nam Kỳ, để thi đấu với các đội banh nước ngoài đến đá giao hữu hoặc các giải của các đội tuyển trong khu vực Ðông Nam Á.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Việc hình thành các đội tuyển bóng tròn hay xây dựng các sân vận động không phải là câu chuyện được nhiều người quan tâm nhiều. Nhiều người hẳn sẽ quan tâm đến tinh thần thể thao ngày xưa và có những trận cá độ như thể thao ngày nay hay không. Báo chí xưa ít có dịp nhắc đến vấn đề này xem tinh thần thể thao nước nhà là chuyện quan trọng hơn việc bán độ giữa các đội tuyển, không có tổ chức cá độ ăn thua tán gia bại sản. Thật ra, trong các trận bóng dù là giữa các đội banh đồng hương hay trận đấu quốc tế, cáp độ giữa những nhóm người hay cá nhân đều có ít nhiều. Dẫu vậy, trong trận đấu tinh thần ủng hộ đội nhà hay đội tuyển của quốc gia mình vẫn là trên hết.

Tôi xin kể lại một câu chuyện dựa theo bài báo viết từ hồi 1961 trên Sài Gòn Mới mà tác giả (khuyết danh) có mặt tại sân vận động Cộng Hoà trong một trận đấu quốc tế. Tác giả không tường thuật diễn tiến gay cấn xảy ra trên cầu trường giữa các cầu thủ, lại đi nhớ chuyện cáp độ giữa một người Việt và một Hoa kiều sống cùng làng tại Ðức Hoà, trên sân banh Vườn Ông Thượng (Tao Ðàn) cách đó 20 năm (1941). Chuyện cũ xì nhưng toà soạn cho đăng với ẩn ý cổ vũ tinh thần thể thao của nước nhà trước đội tuyển người Tàu. Họ cáp độ ăn thua một con trâu trong trận đấu giữa đội tuyển Nam Kỳ và đội tuyển Nam Hoa ở Chợ Lớn có cầu thủ nổi tiếng Lý Huệ Ðường. Hồi đó, óc địa phương nặng lắm, Huê kiều cư ngụ ở xứ ta chưa nhập Việt tịch nên cũng binh đám gà nhà họ hết mình. Thành ra, mỗi lần có trận đấu, Lý Huệ Ðường sang Tàu kéo đám anh tài bên đó sang Sài Gòn bổ sung cầu thủ cho đội Nam Hoa, là kể như khán giả Sài Gòn chia ra hai phe rõ rệt.

Hình vẽ minh hoạ Hai Của và chú Lù đi xem đá banh trong báo Sài Gòn Mới năm 1961 (Tư liệu)

Phe ủng hộ thiết cước đại vương họ Lý thì có Huê kiều ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Lục Tỉnh, còn phe của đội tuyển Nam Kỳ thì khỏi nói, ai cũng biết là người Việt Nam, mà trong đám này nổi bật hơn hết là anh Hai Của ở Ðức Hoà, một nông dân chân chất đại diện dân chúng Nam Kỳ ủng hộ đội tuyển nhà. Phe ủng hộ cho đội Nam Hoa thì có chú Lù, một Hoa kiều cũng ghiền coi đá banh bênh vực màu cờ không kém gì anh Hai nhà ta. Chú Lù cũng sống ở Ðức Hoà, cùng làng với Hai Của. Ðầu đuôi câu chuyện khá buồn cười.

Xem thêm:   Đông dược

Sau trận đầu Hoa Nam thắng, Hai Của ấm ức cùng chú Lù ngồi xe ngựa về Ðức Hoà. Chú Lù khen đội Nam Hoa số dách, có Lý Huệ Thòn (Ðường) sút banh như đạn cà nông. Hai Của vẫn bênh đội nhà cho rằng đội nhà thua là do trọng tài cụi, banh “ho rơ” (việt vị) mà vẫn công nhận bàn thắng của Lý Huệ Ðường. Chú Lù cãi: “Cái lầy Lý Huệ Thòn tá một cái, cái lầy Lam Kỳ lỡ không nổi mà!”. Hai Của sừng sộ: “Ð.M… Trọng tài đui mới để Lý Huệ Ðường ăn trái đó. Ngộ làm trọng tài thằng Lý Huệ Ðường hết tương chao”.

Hai người cãi qua cãi lại một hồi, Hai Của nói: “Trận tới ngộ biểu thằng Bửu thằng Minh (hậu vệ) “cặp” Lý Huệ Ðường mượn bút nó một cái giò cho nị coi!”. Chú Lù đáp: “Lá ban chứ quánh lộn sao? Ngộ dám nói Lam Hoa thắng lữa cho nị coi”. Hai Của tức đỏ mặt: “Phách hoài, đánh cá không?”. “Lánh thì lánh. Ngộ còn dám chấp nị. Lam Hoa ăn Lam Kỳ một cái, ngộ thua nị. Ăn hai cái mới tính”.

Thấy chú Lù đưa điều kiện ngon lành quá, Hai Của tính ăn thua, nhưng sực nhớ lại anh ta không có tiền làm sao đánh cá lại chú Lù. Không tiền thì anh ta tính cách khác. Máu ăn thua Hai Của trổi lên, anh có một đôi trâu, chết hết một con, còn một con đánh cá luôn, lỡ thua thì mình thay trâu cày ruộng.

Hôm trận về hai đội, Hai Của với chú Lù cùng đi xe thổ mộ xuống Sài Gòn. Họ mua vé và tình cờ cả hai ngồi gần nhau. Chú Lù ngồi trước, sau lưng là Hai Của. Banh vừa lăn là nghe tiếng Hai Của la to như ô-pạc-lưa: “Bửu ơi! Ráng quật tụi nó sụm nghe mậy? Tao có trâu cày ruộng hay sạt nghiệp bữa nay cũng do mầy nghe mậy!”. Chú Lù cũng không chịu thua. Chú “trâm” một hơi dài bằng tiếng Quảng Ðông. Cái gì nghe “thòn thòn”. Chắc chú cầu Lý Huệ Ðường sút bóng. Banh giao qua giao lại, Hai Của la to: “Kẹp nó coi! Nhấn cho nó cái cùi chỏ coi!”. Khi đó, Nam Hoa sút vào cửa khung thành một cái ầm. Chú Lù la lên: “Dô ló!”. Hai Của phản đối: “Không dô đó!”. Quả thật trái banh của Lý Huệ Ðường sút mạnh vô khung gỗ như đạn cà nông bị Tịnh bắt dính đá trở ra. Hai Của được dịp la to: “Tịnh ơi! Tao phục mầy quá xá! Tối tao mời mày ghé Ðức Thành Hưng tao đãi mầy một chầu rượu nghe mậy”.

Xem thêm:   Cao tốc & thấp tốc?

Hai người không còn ngồi mà đều đứng dậy cho nước. Mỗi lần Nam Kỳ kéo xuống hãm thành Nam Hoa, thì không phải trái banh bị mũi giày sút đâu, mà cái bàn đít của chú Lù còn bị bàn chưn Hai Của sút vào nghe bình bịch! Chú Lù lấy hai bàn tay che đít lại. Hễ Hai Của đá vào đít chú Lù và hô to lên: “Dô đó!” thì chú Lù tay bịt đít cũng la trả lại: “Hổng dô ló!”. Khán giả vừa xem cuộc biểu diễn bóng tròn trên sân, vừa được dịp nhìn những pha cụp lạc giữa hai người đánh cá ở hạng cá kèo!

Hiệp đầu Nam Hoa thắng một bàn. Chú Lù kể như cầm phần thắng trong tay, nhưng Hai Của cũng chưa thấy thua vì nếu đến mãn trận mà Nam Hoa thắng một bàn là Hai Của ăn cá chú Lù.

Hiệp nhì diễn ra sôi nổi. Hai Của xông xáo hơn, nghĩa là càng đá vào đít chú Lù nhiều hơn. Chỉ còn năm phút nữa là mãn cuộc, đội tuyển Nam Kỳ còn thua một bàn trắng nên cố sức gỡ. Nam Hoa thì cố ghi bàn thêm, không nữa thì giữ tỉ số cũng được. Bỗng đường banh từ Bửu bắn sang cho cánh hữu Guichard lao xuống. Hai Của đôn đốc: “Tém vô Guichard! Tém vô!”. Không phải Guichard nghe lời Hai Của, mà thật ra đường banh ấy phải tém vô trong vì hàng canh phòng đã có mặt, nhứt là trung phong Tốt đang sửa soạn cặp giò. Guichard tém banh cho Tốt. Nhận banh Tốt hất banh lao xuống khung thành, khán giả đồng thanh la lên: “Sút Tốt! Sút!”. Tốt sang banh qua chân mặt. Hai Của la lên: “Dô đó! Dô đó!”.

Chú Lù phản đối, tay vừa bụm đít! “Không dô ló! Không dô ló!”. Nhưng Tốt đã đưa một cú thần công vào góc khung gỗ, chú Lù tiếp thêm não nuột: “…Hà! Dô lá! Chết con tâu rồi!”. Tiếng còi mãn trận thổi vang. Hai Của chụp vào vai Chú Lù: “Chú Hai! nhớ lựa một trâu mập mạp nghen chú Ha…ai!”.

TN