Trên báo Công Luận, ra ngày 17 tháng Mười Một, 1936, có ô quảng cáo “Lời người không sai”. Nội dung giới thiệu một loại thức uống xuất hiện trên thị trường từ mấy năm trước: “Rượu đời nay chẳng những là không say mà thôi, mà lại còn bổ dưỡng, hay ho nhiều chỗ, chỗ khoái là khác. Rượu gì mà khoái dữ vậy. Rượu La-ve Larue, chứ rượu gì?”.

Nhà máy bia B.G.I tại Sài Gòn (Nguồn: Manhhaiflickrs) 

Không chỉ quảng cáo trên tờ Công Luận ca tụng La-Ve Larue là loại rượu không say mà còn có vài tờ báo khác viết lời đăng hơi quá đà: “Ðàn bà thiếu sữa cho con bú thì phải làm sao? Uống La-ve Larue thì sữa ra dư dật. Ông già yếu sức hay khát nước, thì phải làm sao? Uống rượu La- ve Larue thì giải khát ngay, đã giải khát lại còn được tinh thần tráng kiện”. Và: “Con nít có nên uống La-ve Larue không? Nên lắm chớ. Vì cho con nít uống cho có chừng thì càng ngày càng mập mạnh. Ðã vậy nó lại còn tránh khỏi sự uống nước bậy bạ mà sanh bệnh hoạn là khác”. Cuối cùng kết luận: “Nói tóm lại, thứ rượu La-ve Larue là một thứ giải lao, giải khát chẳng có thứ chi bì kịp nó”.

Có lẽ, hồi đó người ta quan niệm rằng loại rượu này là một thức uống giải lao, giải khát như câu kết của quảng cáo ở trên, tức phải hiểu uống có chừng mực. Nó là một loại rượu nhẹ, uống vào không say. Nhưng thực tế với người thích rượu bia lại là chuyện khác. Uống một chai thì lòng sảng khoái. Uống 2 chai thì cảm giác lâng lâng. Uống 3 chai thì đầu óc ta bay theo trời mây. 4, 5 chai thì tâm hồn ta cuồng quay. Và cứ thế uống rượu không say nào hay, uống rượu không say nào mê như lời ca của một bài hát.

Rượu La-ve hay Larue là một loại bière (bia) như bao thương hiệu bia của châu Âu hay beer ở Mỹ. Một loại thức uống có chất cồn nhẹ do hãng bia nhỏ mang tên Bière Larue làm ra. Hãng này được thành lập từ năm 1875 tại Sài Gòn (gần sân vận động Cộng Hoà), do một sĩ quan hải quân giải ngũ có tên là Victor Larue làm chủ. Tuy vậy, suốt nhiều năm, sau khi thành lập, hãng chủ yếu sản xuất nước đá cây và nước ngọt, còn bia chỉ sản xuất một số ít tiêu thụ ở các nhà hàng qua các thương hiệu như Royale, Hommel hay Tiger (các thương hiệu này đều có chung logo hình đầu con cọp). Vậy, bia Larue hay La-de có từ lúc nào?

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, rượu vang vẫn là loại thức uống có cồn được người Pháp tại Ðông Dương tiêu thụ nhiều nhất. Nhiều tài liệu báo chí và niên giám cho thấy, vào đầu thế kỷ 20 lúc đó vẫn chưa có bài viết hay một quảng cáo nào về bia Larue. Mãi cho đến đầu thập niên 1920, khi nền báo chí nở rộ cả nước mới có những bài viết và quảng cáo các sản phẩm tiêu dùng trên báo. Theo một tài liệu thì bia Larue bắt đầu sản xuất từ năm 1927, sau khi hãng bia Larue chính thức sáp nhập vào hệ thống hãng B.G.I (Brasseries Glacières d’Indochine – hãng Bia và nước đá Ðông Dương) của chính quốc.

Một quảng cáo của hãng bia Larue với các sản phẩm thuở đầu thế kỷ 20 (Ảnh: Internet)

Có thể bia là một thức uống chưa được phổ biến rộng rãi tại Sài Gòn do mãi lực còn yếu so với rượu vang nên nhà máy bia B.G.I sản xuất cầm chừng với cái tên Larue bên cạnh nước ngọt và nước đá cây. Ðến đầu thập niên 1930 mới bắt đầu thấy xuất hiện quảng cáo bia La-ve Larue trên các trang báo Công Luận, Hà Thành, Sài Gòn… như giới thiệu ở phần đầu bài viết. Người ta ra sức ca tụng La-ve, xem nó là một thứ giải khát chẳng thứ gì bì kịp. Nhãn hiệu bia La-ve có hình đầu con cọp màu vàng trên nền đỏ hình bầu dục. Do vậy, người Việt mình gọi là bia Con Cọp hay gọi La-de (Larue) cho gọn.

Ba của người bạn đồng nghiệp với tôi lúc sinh thời không phải là người mê thích rượu bia nhưng hồi làm công chức thời Pháp vẫn thích loại La-ve này. Ông kể, lúc còn thanh niên bắt đầu biết uống bia với vài anh em cùng sở thích ca cổ. Vào mỗi cuối tuần họp mặt nhau đàn ca tài tử, anh em hùn tiền mua một két bia Con Cọp 12 chai cùng ít mồi, có khi là đậu phộng rang nước tương hay chục hột vịt lộn. Chỉ bấy nhiêu thôi, buổi ca cổ nghiệp dư sôi nổi tưng bừng suốt cả buổi chiều. Bia Con Cọp chai lớn có dung tích 0.66 lít, dung tích gấp đôi chai bia 33, tính ra rẻ hơn bia 33. Do vậy, hầu như mọi giới từ lao động bình dân đến dân trí thức khá giả ai cũng thích uống bia Con Cọp.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Ông kể thêm một chi tiết, là sau Hiệp định Geneve tên hãng bia viết tắt vẫn là B.G.I nhưng tên viết đầy đủ được sửa lại là Brasseries Glacières d’Internationales – (quốc tế), vì Liên Hiệp Ðông Dương giờ đây đã tan rã. Tuy vậy, hãng bia vẫn thuộc quyền điều hành của người Pháp. Sản phẩm bia cho đến sau này (1975) vẫn chỉ có hai loại: Bia 33 Export hảo hạng dành cho xuất cảng sang các nước Ðông Nam Á, tuy vẫn có phân phối trong thị trường nội địa và bia Con Cọp.

Bia Larue bán trên đường phố Sài Gòn dưới dạng bia hơi (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Mặc dù, chỉ có bia Con Cọp và bia 33 phổ biến trên thị trường nội địa nhưng mức tiêu thụ cũng chưa nhiều do tình hình kinh tế chính trị bất ổn, đời sống dân chúng còn nhiều khó khăn. Cho đến khi chính phủ nền Ðệ Nhị Cộng Hoà đời sống người lao động, công chức, quân nhân khá hơn, theo đó nhu cầu tiêu dùng cũng được tăng theo. Lúc đó các cửa hàng PX có cung cấp bia Budweiser, Coolight cho lính Mỹ, tuy vậy, không ít lính Mỹ lại thích bia Con Cọp của VN. Ðơn giản vì hương vị đậm đà.

Kể từ thời gian này, bia Con Cọp xuất hiện khá rộng rãi trên khắp mọi miền, từ vĩ tuyến 17 trở vào. Thành phố Sài Gòn, nơi tiêu thụ nhiều nhất vẫn là các quán nhậu, quán ăn, quán nước vỉa hè, chợ búa, bến xe cho đến các nhà hàng sang trọng. Ðể có giá thấp hơn cho quân đội VNCH, năm 1973 chính phủ ký hợp đồng với hãng B.G.I sản xuất bia với nhãn hiệu riêng bán cho các cơ sở Quân Tiếp Vụ. Từ đó, bia Con Cọp có thêm tên gọi là bia Quân Tiếp Vụ.

Xem thêm:   Nhật Thực toàn phần tại Dallas - Fort Worth,Texas

Cũng trong thời gian này, bia Con Cọp xuất hiện thêm nhãn hiệu Trái Thơm. Những người uống bia đều khen rằng ngon hơn bia Con Cọp. Ðể hiểu rõ chuyện này, tôi xin ghi lại lời nói của Tiến sĩ Phạm Văn Song, từng là trưởng phòng tiếp thị rồi là giám đốc B.G.I từ năm 1973 đến 1976.

Bia 33 và bia Con Cọp có nhãn hiệu mới hình trái thơm quanh logo con cọp và bia Quân Tiếp Vụ (Ảnh: Internet)

Năm 1973, B.G.I có kế hoạch thay đổi mẫu mã nhãn hiệu, ông Song giao cho hoạ sĩ thiết kế trong công ty thực hiện. Hình ảnh con cọp vẫn là chủ đạo chỉ vẽ thêm hoa houblons bao quanh. Hoạ sĩ từ nào giờ chưa thấy hoa houblons tươi nên dựa theo hình dạng hoa khô vẽ ra. Bộ phận marketing xem xong duyệt qua cái rụp vì họ cũng đâu biết hoa houblons tươi là như thế nào. Thiết kế được đưa qua nhà máy thuỷ tinh ở Khánh Hội đặt in đợt đầu 100,000 vỏ chai. In xong, mang về thì các kỹ sư trong hãng cho biết hình in không giống hoa houblons mà giống hình trái thơm hơn. Vỏ chai lỡ in xong rồi không thể bỏ. Và thế là số chai bia mang nhãn hiệu có hình trái thơm bao quanh con cọp được bỏ chen vào mỗi két một chai để “tẩu tán” sự sai lầm này.

Bia được tung ra thị trường nhưng sự sai sót kỹ thuật này lại biến thành sự kiện nhãn hàng khiến người tiêu dùng chú ý, và ban giám đốc B.G.I coi như đó là một chiến dịch marketing. Ðó cũng là cơ hội kiếm thêm tiền của các đại lý lớn của người Hoa hợp tác với nhà máy phân phối sản phẩm. Họ nói với các đại lý bán lẻ, bia Trái Thơm là loại đặc biệt, thơm ngon mỗi két chỉ có một chai nhưng nếu muốn mỗi két có vài chai thì chi thêm tiền. Doanh số bia của hãng theo đó cũng tự nhiên tăng vọt. Nhưng có mấy ai hiểu rằng, sản phẩm bia Con Cọp, bia Trái Thơm hay bia Quân Tiếp Vụ cũng chỉ là rượu cũ bình mới mà thôi.

Sau năm 1975, B.G.I bị quốc hữu hóa và hãng mẹ B.G.I ở Pháp tiếp tục dùng nhãn hiệu này trên toàn thế giới. Trong khi đó loại bia tại Việt Nam được Nhà máy bia Sài Gòn (tức B.G.I cũ) sản xuất ra theo công thức của bia 33 không được mang thương hiệu 33 vì đây là nhãn hiệu đã đăng ký toàn cầu, nên đổi thành 333 cho hợp pháp.

TN