Bên cạnh thuốc Đông y thịnh vượng trong nhiều thập niên, ngành Tây dược từ đầu thập niên 1950 bắt đầu phát triển khắp nơi, nhất là tại Sài Gòn. Nhiều dược sĩ tốt nghiệp từ Pháp trở về nước, làm việc ở các viện bào chế (laboratoire) tư nhân và tự mở Nhà thuốc Tây kinh doanh, tạo nên nhiều đại gia tên tuổi.

Thuốc tây, thuốc Đông y quảng cáo khắp nơi ở Sài Gòn trước 1975 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Thuở nhỏ của tôi gắn liền với chai thuốc đỏ. Trẻ con thường hay nghịch ngợm chơi đùa, té ngã. Chỗ nào trầy xước, chỉ cần bôi vào một tí thuốc đỏ là vài hôm sau lành lặn như thường. Hồi đó, tôi cũng không biết vì sao thuốc đỏ lại hiệu nghiệm như vậy và cũng không biết loại thuốc này có chứa thủy ngân. Thuốc đỏ sát khuẩn ngoài da, nếu vết thương sâu quá, thuốc đỏ trở nên nguy hiểm do chất thuỷ ngân có thể thâm nhập vào máu, gây phản ứng phụ hoặc thậm chí gây chết người. Do vậy ngày nay, thuốc đỏ không còn là “thần dược” trị vết thương và cấm bán ở nhiều nước châu Âu và tại Hoa Kỳ.

Vậy mà, thuở trước, ông Dược sĩ La Thành Nghệ làm giàu nhờ loại thuốc này và được giới dược phòng phong tặng danh hiệu “vua thuốc đỏ”. Ông xuất thân từ một gia đình giàu có, du học ngành Dược tại Pháp. Trở về nước lập Laboratoire La Thành trên đường Tự Do, giữa nhà sách Xuân Thu và cà phê La Pagoda. Thực ra, dược phòng của La Thành Nghệ được phép độc quyền sản xuất và phân phối thuốc đỏ theo hợp đồng với một công ty dược bên Pháp cung cấp dược liệu, chứ không phải dược phòng của ông điều chế sản xuất. Nhà văn Hứa Hoành ghi nhận loại thuốc đỏ như sau: “Thời đó, thuốc đỏ do Laboratoire La Thành sản xuất, được sử dụng trong các bệnh viện, các quân y viện, các bệnh viện dã chiến, các trung tâm y tế, các đơn vị quân y… và rất được dân chúng, từ thành thị tới thôn quê ưa chuộng, vì rẻ tiền mà lại hiệu nghiệm”.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 21 tháng 3 năm 2024

Ngoài thuốc đỏ độc quyền phân phối cho các nhà thuốc tây khắp miền Nam, dược phòng của ông La Thành Nghệ còn điều chế và sản xuất được loại thuốc mỡ (pommade) trị bịnh ngoài da bị trầy xước, ghẻ mủ, nhiễm trùng… rất hiệu quả. Pommade của hãng dược La Thành bôi vào năm ba ngày thì các mụn rộp lặn mất.

Nói đến chuyện này, tôi xin góp thêm câu chuyện trà dư tửu hậu của mấy ông bạn già. Số là trong đám bạn già có ông bị bệnh hoa liễu, không dám đi bệnh viện vì mắc cỡ cho dù thuở đó bác sĩ hầu hết đều là đàn ông. Mua thuốc uống mãi không giảm, nghe người ta mách mua thuốc pommade của hãng dược La Thành thoa lên mấy chỗ mụn rộp. Trước khi thoa, lấy cồn xức lên, rồi bôi thuốc đỏ. Ngại ra tiệm thuốc tây, nên ông nhờ đứa nhỏ láng giềng cho nó mấy đồng ăn kẹo. Thằng nhỏ ra hiệu thuốc không nhớ tên thuốc, chạy về nhà gặp ông định hỏi. Không ngờ bà vợ của ông nghe thấy, hỏi bệnh gì mà không kêu tui lo thuốc thang mà nhờ thằng bé. Ông lừng khừng nói: “À thuốc pommade La Thành trị bỏng đó mà.” Bà vợ nói: “Tưởng gì, nhà có lọ mỡ trăn, lấy mà thoa lên công hiệu còn hơn cái gì La Thành đó. Con cái ở nhà không sai lại đi nhờ thằng nhỏ hàng xóm!”.

Dược sĩ La Thành Nghệ nhờ thuốc đỏ, pommade mà trở nên giàu có. Có tiền của nhưng ông không ăn chơi trác táng như những doanh nhân khác. Thuở đó các dược sĩ làm ăn khấm khá, tiền vào như nước, nhiều ông sắm xe hơi, cất nhà lầu, mở thêm vài cái nhà thuốc.

Dược sĩ La Thành Nghệ (góc trái) từng được mệnh danh là “vua” thuốc đỏ (Ảnh: Internet)

Cũng nhắc chuyện “vua” thuốc đỏ La Thành Nghệ, nhà văn Hứa Hoàng viết: “La Thành Nghệ sống thầm lặng, ít khoe khoang hay ăn chơi trác táng như một số nhà giàu khác. Ngược lại, dân ăn chơi Sài Thành, không ai không nghe tiếng hoặc biết đến “công tử” Hoàng Kim Lân, con của “vua dây kẽm gai” Hoàng Kim Quy. Tôi được nghe, có lần tại vũ trường Maxim, ông Hoàng Kim Lân đứng lên giữa sân khấu tuyên bố: “Hôm nay là ngày sinh nhựt của tôi. Tôi xin đãi tất cả quý vị có mặt tại đây. Quý vị tha hồ ăn uống bất cứ món gì mà không phải trả tiền”. Tiếp theo sau đó, rượu sâm banh chảy ra như suối và khách ăn chơi vỗ tay như sấm để tán thưởng sáng kiến độc đáo của mạnh thường quân Kim Lân”.

Xem thêm:   Dubai

Trở lại chuyện La Thành Nghệ, ông chỉ giao thiệp với giới nhà giàu và thượng lưu, trí thức ở Sài Gòn. Năm 1967, La Thành Nghệ ra ứng cử nghị sĩ Quốc Hội, chung liên danh Bạch Tượng với Dược sĩ Trần Văn Lắm và đắc cử. Ông Trần Văn Lắm có lúc làm Phó chủ tịch Thượng Viện và Tổng trưởng Ngoại Giao dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tuy nhiên, danh nghĩa nghị sĩ Quốc Hội chỉ để trang trí cho La Thành Nghệ chứ không hái ra tiền như viện bào chế La Thành. Do đó, trong thời gian tham chính, dư luận hay báo chí không nghe ông tuyên bố hay có hành động chính trị nào. Ông cũng tránh xa các áp-phe làm ăn của các ông tai to mặt lớn khác.

Hồi xưa các tiệm thuốc tây bán thuốc cho bệnh nhân có toa bác sĩ hay không có toa đều như nhau. Ai bệnh cứ ra khai bệnh với dược tá là mua được thuốc. Từ những loại thuốc thông dụng như ban nóng, cảm ho cho đến trị bệnh đau bụng vì sán lãi hay thậm chí mua thuốc trụ sinh đều dễ dàng. Nhà thuốc Tây Nguyễn Văn Cao, ngay góc chợ Bến Thành với đường Lê Lợi, chuyên bán các loại thuốc trụ sinh. Nhà thuốc của ông Dược sĩ Nguyễn Chí Nhiều chuyên bào chế và bán thuốc cảm mạo dành cho trẻ em. Thuốc thông dụng nhất của Nguyễn Chí Dược cuộc là Euquinol nổi tiếng khắp miền Nam, từ thành thị đến nông thôn. Trong tủ thuốc gia đình nhà nào cũng có vài gói Euquinol dự phòng.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Vào thuở thập niên 1960, tuy Euquinol thông dụng với nhiều gia đình nhưng gia đình tôi vẫn sử dụng thuốc Nam. Má tôi bảo, thuốc Tây uống nóng, thuốc Nam tuy đắng nhưng dã bệnh. Má tôi quen với thuốc tán hiệu Ông Già chuyên trị cảm mạo, người lớn hay trẻ em đều dùng được. Thật ra Euquinol được bào chế dạng thuốc bột màu trắng, pha chút nước nguội, dễ uống hơn thuốc cảm hiệu Ông Già. Nhưng do nhiều lần gia đình dùng thấy công hiệu, uống vào mồ hôi vã ra như tắm, xông lá tràm, ăn bát cháo nóng, nghỉ ngơi một chút là hết cảm mạo.

Theo ông Hứa Hoành ghi nhận, thuở đó Euquinol đã đánh bại thuốc ngoại cảm tán của nhà thuốc Nhị Thiên Ðường vốn độc quyền thị trường mấy thập niên trước đó. Euquinol của Nguyễn Chí Nhiều vừa rẻ tiền, vừa hiệu nghiệm, lại được quảng cáo sâu rộng, được bày bán trong tiệm thuốc tây và cả tiệm tạp hoá nên dân chúng mua dễ dàng. Không những thế, các chiến dịch quảng cáo rầm rộ thuốc Euquinol trương bảng khắp nơi. Ðặc biệt, ông Nguyễn Chí Nhiều biết tận dụng các cuộc tranh tài thể thao để quảng cáo sản phẩm của mình. Sau này ông trở thành ông bầu của đoàn đua xe đạp mang tên Euquinol. Ông bỏ tiền ra mua xe đạp và cung cấp phụ tùng, phát lương cho cua-rơ của đội để họ cố tâm luyện tập, khỏi lo chuyện sinh kế. Vì thế đội Euquinol thường lập được nhiều thành tích, chiếm các giải đồng đội và cá nhân trên các đường đua.

Hồi trước 1954, Sài Gòn còn nhiều Nhà thuốc Tây do người Pháp làm chủ, dược sĩ người Việt chỉ số ít. Nhưng sau khi Pháp rút về nước, nhiều dược sĩ Việt từ Pháp về mở Nhà thuốc Tây. Nhà thuốc của người Việt có Cường Lắm ở góc đường Công Lý và đường Lê Lợi của Dược sĩ Trần Văn Lắm. Dưới thời đệ Nhị VNCH, ông Lắm trở thành Thượng nghị sĩ và Ngoại trưởng. Ngoài ra còn có Pharmacie Lý, chủ nhân là Dược sĩ Nguyễn Thị Lý; Pharmacie Dương Hữu Lễ của Dược sĩ Dương Hữu Lễ ở đường Lê Thánh Tôn.

Nhà thuốc Tây Nguyễn Văn Cao tại góc Lê Lợi và chợ Bến Thành (Nguồn: Sanhhaiflick)

TN