Đường Trần Quốc Toản (3 Tháng 2 ngày nay) hình thành từ khi nào? Hồi thời Pháp thuộc nó có tên Pavie. Đó vẫn còn là điều thắc mắc của nhiều người quan tâm đến việc phát triển thành phố Sài Gòn. 

Phía cuối đường Trần Quốc Toản nối vào Hậu Giang ngay vòng xoay Cây Gõ (Nguồn: Manhhaiflickr)   

Ta cần quay lại thuở người Pháp mới chiếm thành Gia Ðịnh được vài năm để tìm hiểu rõ hơn. Với mục đích xây dựng một nơi giải trí cho binh lính và sĩ quan, người Pháp cho lập trường đua ngựa ở Ðồng Tập Trận (nay thuộc quận 3 và 10). Cánh đồng này rộng đến vài ngàn mẫu. Trước đó, đây là nơi luyện tập diễn binh của binh sĩ thành Gia Ðịnh vào giữa thế kỷ 19. Ngày nay vị trí chính xác từ mé đường Ðiện Biên Phủ – Cách Mạng Tháng 8 cho đến Ngã Sáu Công Trường  Dân Chủ. Cạnh bên Ngã Sáu là Mả Ngụy hay Mả Biền Tru (vì có ngôi mộ chung chôn 1,831 xác người lớn nhỏ sau khi cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi bị dẹp tan) và còn rất nhiều mồ mả của cư dân sống quanh vùng được chôn cất ở đây. Người Pháp gọi là Ðồng Mả Mồ (Plaine des Tombeaux).

Trường đua rộng lớn, kéo dài đến đường Hoà Hưng vào Khám Chí Hoà ngày nay, thông qua đến đường Tô Hiến Thành – Nguyễn Tri Phương nối dài vòng sang đường 3 Tháng 2, trở về Ngã Sáu Công Trường Dân Chủ. Và đó là lý do tại sao vùng đất này còn nhiều đất trống, xây cất trại lính, khu gia binh vào thời cuối thập niên 1950.

Trường đua nằm ở khoảng giữa vùng đất đường Ðiện Biên Phủ ngày nay lấn sang làng Chí Hoà, được xây dựng rất lớn, đường đua hình chữ nhật có khán đài nhìn sang một con đường nội bộ hơi gãy khúc cắt dài trên sân cỏ, gần song song với đường Ðiện Biên Phủ. Con đường này không có tên, một đầu gần đường Petrus Ký (nối dài), đầu kia đụng đường Lê Văn Duyệt.

Đường Trần Quốc Toản phía đầu Công trường Dân chủ (Nguồn: Manhhaiflickr)

Trường đua này hoạt động cho đến năm 1931 mới chuyển vị trí về làng Phú Thọ lúc đó gọi là quận 4 (trưng dụng một phần đất của quận 5 và huyện Tân Bình, đến năm 1969 mới đổi thành quận 11. Trong khi đó quận 4 hiện nay, hồi xưa lại là quận 6). Trường đua cũ được phá bỏ. Mảnh đất đó sau này thuộc về đất quân sự thời đệ nhất VNCH cho xây trại Lê Lợi hướng mặt ra đường Lê Văn Duyệt, mặt hông đường Trần Quốc Toản cho cất lục quân công xưởng hay còn gọi xưởng quân cụ căn cứ 40.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Nói tóm lại, đường Trần Quốc Toản hình thành vào thời gian sau 1954, từ đoạn đường không tên trong trường đua và được kết nối với đoạn đường có sẵn trước đó (khoảng năm 1920 khi mở rộng ranh giới Sài Gòn thành lập quận 4, quận 3) mang tên là Pavie. Hai đoạn đường cũ và mới (gặp nhau tại ngã tư Nguyễn Tri Phương). Từ sau 1954 đặt tên Trần Quốc Toản. Không chỉ có đường Trần Quốc Toản mà nhiều con đường trong thành phố cũng được nâng cấp chỉnh trang cùng một lúc tại nhiều quận trong thành phố kể từ mốc thời gian này.

Báo Sáng Dội Miền Nam số 48 (tháng 6/1963) có một bài viết đặc biệt về tình hình phát triển đường phố và các khu dân cư sau 9 năm định dạng đô thị Sài Gòn: Ðây là một xa lộ mới mở của vòng đai đô thành để cho các xe đò và xe lô qua lại, khi muốn vào bên trong thành phố hay từ bến toả đi các tỉnh. Ðây cũng là con đường để cho xe đi từ các tỉnh miền Ðông thẳng sang các tỉnh miền Tây, không cần ghé qua thành phố, giảm áp lực cho giao thông nội đô thành phố lúc đó đã bắt đầu tăng, giờ vào sở và tan sở, xe cộ vẫn bị kẹt đến 15 phút nửa giờ mới nhích xe đi được. Vì vậy đường Trần Quốc Toản hết sức cần thiết để xe cộ thoát được ra ngoài đô thành.

Ðường dài khoảng năm cây số từ đầu nối ngã năm (sau năm 1963 mới mở thêm đường Nguyễn Thượng Hiền từ Phan Thanh Giản thông vào, từ đó thành ngã sáu Công Trường Dân Chủ) Yên Ðỗ, Hiền Vương, Lê Văn Duyệt, thẳng tới Phú Lâm (ngã sáu Cây Gõ) gặp đường Lục Tỉnh để đi về các tỉnh miền Tây. Ðường rộng có ba dòng xe đi và ba dòng xe về lúc nào cũng tấp nập xe chạy.

Xem thêm:   Nhật Thực toàn phần tại Dallas - Fort Worth,Texas

Không những thế, dẫn tới đường ấy, từ trong giữa thành phố còn có các đường nhỏ nối dài ra khiến Trần Quốc Toản trở thành một trục giao thông chính, một cái xương sống cho tất cả các đường khác như: Cao Thắng, Nguyễn Thiện Thuật, Lý Thái Tổ, Petrus Ký (Lê Hồng Phong), Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Tri Phương, Triệu Ðà (Ngô Quyền), Nguyễn Kim, Nguyễn Văn Thoại (Lý Thường Kiệt), Lê Ðại Hành, Phó Cơ Ðiều, Lý Thành Nguyên (Ðỗ Ngọc Thạnh), Tôn Thọ Tường (Tạ Uyên), Hà Tôn Quyền, Dương Công Trừng (Nguyễn Thị Nhỏ) v.v.

Học viện Quốc gia Hành chánh cất năm 1954 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Ở các đường nhỏ này, đường phóng tới đâu là nhà dân mọc theo tới đó. Nhà lá, nhà tôn, nhà ngói… xen lẫn nhà bê tông đúc làm theo lối mới kiên cố đủ điện nước, đường chưa tráng nhựa. Trên đường này đối diện với khu Học viện Quốc gia Hành chánh đương xây cất, nhà dân đã mọc kín, toàn là nhà đẹp và đắt tiền…

Ðấy là vài hình ảnh của sự phát triển dân cư trên đường Trần Quốc Toản của năm 1963. Vào thời gian này, các công sở, trường học, bệnh viện, trại lính, chung cư đã được xây trước đó. Cụ thể từ hướng Công Trường Dân Chủ về Cây Gõ, bắt đầu từ bên trái, ta thấy xưởng quân cụ (sau năm 1975 là Z751) và nối tiếp là Cục Quân Cụ, đối diện bên kia đường là kho dự trữ gạo và lương thực của quân đội VNCH (Quân tiếp vụ). Nhích xuống gần ngã ba Cao Thắng ta thấy một thuỷ đài bê tông, cạnh bên là khu dân cư, rồi đến Học viện Quốc gia Hành chánh. Nhìn sang bên đường là trường tư thục Hồng Lạc, gần đó là trường đại học tư Minh Ðức.

Học viện Quốc gia Hành chánh được xây dựng nhanh chóng trong năm 1954 để chuyển Trường Quốc gia Hành chánh ở Ðà Lạt về Sài Gòn vào năm 1955, gấp rút đào tạo viên chức hành chánh cao cấp cho chính phủ. Từ đây, đi tiếp ta thấy Cơ quan Viện trợ Quân sự Thế giới Tự Do (Free World Military Assistance Organization), đến năm 1973 toà nhà này trở thành Trụ sở của Uỷ ban Hỗn hợp Quân sự bốn bên (International Commission of Control and Supervision) gọi tắt là ICCS. Cơ quan này có nhiệm vụ giám sát việc thực thi Hiệp định Paris, ngưng chiến và trao đổi tù binh. Sát bên là Viện Hoá Ðạo do Thượng tọa Thích Tâm Châu là Viện trưởng.

Viện Hoá Đạo (Nguồn Manhhaiflickr)

Xuống tí nữa là ngã tư Petrus Ký, xe đò đi miền Tây lẫn miền Ðông đậu ken cứng hai bên từ đầu đường Trần Quốc Toản đến tận Nhà máy thuốc lá MIC. Xe đò từ sáng sớm đến chiều tối ra vô tấp nập khiến xe trên đường Trần Quốc Toản quá tải. Ðến năm 1965, Bộ Giao thông mới bắt đầu xây cất Xa cảng miền Tây để giải toả bến xe đò này.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Bước thêm nữa gặp đường Nguyễn Tri Phương, góc ngã tư bên tay phải là chợ cá đầu mối Trần Quốc Toản. Lúc trời nắng nóng, mùi tanh cá mắm bay cả khu vực, cộng thêm mùi của bãi rác khổng lồ bên hông chợ, ai đi ngang qua cũng bịt mũi.

Xuống dưới, khỏi chợ cá Trần Quốc Toản là cư xá Công Binh bên tay phải, cư xá Nguyễn Tri Phương bên tay trái, rồi tới cư xá Vườn Lài I, Vườn Lài II, cư xá Phú Thọ, cư xá Nhảy Dù, cư xá Lữ Gia… Ði tiếp qua vách tường mặt sau của Trường đua Phú Thọ, hai bên nhà cửa san sát, tiếp đến là cuối đường giáp vào Dương Công Trừng. Ðến năm 1969 đường Trần Quốc Toản được nối dài đi qua chùa Linh Quang, bước tới là chùa Phụng Sơn hay còn gọi Chùa Gò. Tại đây đường Trần Quốc Toản nhập vào đường Hậu Giang (Hồng Bàng) ngay Công trường Bình Ðịnh Vương Lê Lợi (sau 1975 Vòng xoay Cây Gõ).

Như vậy, đường Trần Quốc Toản hình thành qua ba giai đoạn: Ban đầu vào khoảng 1920 mang tên Pavie từ Dương Công Trừng đến Nguyễn Tri Phương. Kế đến là năm 1954 từ Nguyễn Tri Phương đến Công Trường Dân Chủ. Cuối cùng là năm 1969 từ Dương Công Trừng nối dài đến đường Hậu Giang.

TN