Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu

Anh về học lấy chữ nhu

Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.

Nhà máy điện đầu tiên ở Sài Gòn, phía xéo sau lưng Nhà Hát Lớn năm 1893 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Ðiện ở Sài Gòn có vào năm 1893. Thời gian này người Sài Gòn được sử dụng điện là ai? Xin thưa, chỉ một thành phần cơ quan chính quyền, công chức người Pháp và một ít trụ sở thương mãi lớn của nhà nước và tư nhân. Giữa Sài Gòn và Mỹ Tho việc sử dụng điện có quá nhiều khác biệt (Mỹ Tho khi ấy chưa có mạng lưới điện). Trong khi Sài Gòn điện đã có mặt tại khu trung tâm quận 1, 2 và 3, 5, còn khu ngoại ô vẫn còn thắp đèn dầu.

Thời kỳ sử dụng máy hơi nước tạo ra năng lượng tại các xứ thuộc địa Ðông Dương kéo dài khá lâu, trong khi châu Âu đã sử dụng nguồn năng lượng điện (nhiệt điện) thay thế từ lâu. Ðèn đường ở các nước thuộc địa vẫn còn thắp sáng bằng dầu hoả, máy móc phải đốt bằng củi, xe lửa chạy bằng hơi nước gây ảnh hưởng, làm trì trệ công cuộc phát triển và khai sáng các xứ thuộc địa. Ðiều này khiến nhà nước Pháp gấp rút tìm ra biện pháp khắc phục bằng cách đưa nhiều kỹ sư sang Việt Nam thiết lập các dự án vừa xây dựng hạ tầng thành phố vừa phát triển công nghiệp cho toàn Ðông Dương.

Suốt nhiều năm, cho đến khi dự án thử nghiệm xây dựng một nhà máy phát điện có công suất nhỏ sau lưng xéo Nhà hát lớn thành phố. Năm 1896, công ty Société d’Électricité de Saigon (SEVS) được thành lập để cung cấp điện cho thủ đô của Nam Kỳ. Cũng trong năm đó, công ty đã khai trương trạm phát điện đầu tiên trên đường Nationale (Hai Bà Trưng). Vị trí này năm 1967 là trụ sở công ty Sài Gòn Ðiện Lực, và sau 1975 là trụ sở của Công ty Ðiện lực TpHCM.

Phái đoàn Hoa Kỳ và chính phủ VNCH đi thăm công trường nhiệt điện Thủ Đức khởi công xây vào năm 1966 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Thời đó, dân xứ mình không gọi trạm phát điện hay nhà máy điện mà gọi là nhà đèn. Ðơn giản là họ nghĩ cái thứ năng lượng làm ra chỉ để đốt đèn. Ðúng như vậy, đốt đèn là việc chính để thay thế đèn đường đốt bằng dầu hoả và chiếu sáng các công sở mà việc thử nghiệm đầu tiên là Nhà hát lớn và đèn đường trên một phần đường Catinat (Tự Do).

Xem thêm:   Đông dược

Thật ra trước đó vài ba năm, tại trụ sở Messageries Maritimes (Cảng Nhà Rồng), hàng trăm bóng đèn đã được thắp sáng bằng một trạm phát điện nhỏ. Ðối với dân chúng Sài Gòn thuở ấy, nhìn thấy Cảng Nhà Rồng sáng rực về đêm là một kỳ quan của sự văn minh.

Từ năm 1908, công ty SEVS bắt đầu cung cấp điện chiếu sáng cho đường phố Sài Gòn, ban đầu giới hạn chỉ ở vùng trung tâm thành phố. Một năm sau, công ty CEE (Compagnie des Eaux et d’Électricité de Saigon), nghĩa là Công ty Ðiện Nước Sài Gòn có nhiệm vụ cung cấp nước cho các vùng Chợ Lớn, Sài Gòn và cả Nam Vang. Sau khi mua lại SEVS, công ty CEE bắt đầu mở rộng cung cấp điện cho toàn thành phố. Khi khai trương chợ Bến Thành năm 1914, hàng ngàn bóng đèn được chiếu sáng toàn bộ khu vực trong và ngoài chợ, tạo dấu ấn cho người dân Sài Gòn. Người ta tổ chức hội chợ suốt ba đêm dưới ánh sáng đèn vàng, xanh đỏ và tiếp theo đó, xe lửa hơi nước được thay thế bằng điện, chuyển đổi thành xe điện di chuyển khắp Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Ðịnh.

Nhà máy nhiệt điện Chợ Quán xây dựng vào năm 1922 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Tuy vậy, đến năm 1922, CEE Pháp bắt đầu cho xây dựng nhà đèn Chợ Quán. Ban đầu, điện cũng chỉ đủ cung cấp thắp sáng cho số ít hãng xưởng hoặc nhà ở của công chức, giới thương buôn người Hoa. Dân chúng lao động dù là người Hoa hay người Việt sống trong hẻm hóc hay cư dân vùng ngoại ô vẫn thắp sáng bằng đèn dầu hoặc khá hơn một chút thì đốt đèn khí đá cho đến sau khi chiến tranh Ðông Dương kết thúc.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Theo một tài liệu cho biết: “Cuối năm 1945, CEE gặp phải hai khó khăn lớn: bị phong tỏa nên số thiết bị và nồi hơi mà công ty đặt mua mãi đến một năm sau mới lấy về được; số than đá được cung cấp từ Hòn Gai ngày càng khó khăn, sau đó ngưng hẳn. Các nhà máy điện phải dùng đủ thứ để đốt lò như vỏ trấu, bắp, than bùn. Công ty buộc phải ngưng cung cấp điện cho mấy tỉnh phía bắc Sài Gòn. Năm 1945-1946 sản lượng điện sụt giảm thê thảm. Mức cung cấp điện cho giờ cao điểm Sài Gòn – Chợ Lớn chỉ đạt 4,200 kW, trong khi dân số thành phố ngày càng gia tăng. Sau đó, công ty CEE nỗ lực đưa công suất và sản lượng điện gia tăng bằng cách đầu tư trang bị lại cho nhà máy điện Chợ Quán, đến năm 1951 thì công suất nhà máy này lên 36,200 kW. Phần hơi nước gồm chín nồi hơi nước với năng lực sản xuất mỗi giờ là 135 tấn hơi nước, trong đó ba nồi được làm lại mới hoàn toàn để sử dụng dầu mazut. Nhận thấy những thay đổi trên vẫn chưa đủ cung cấp điện cho nhu cầu rất lớn của Sài Gòn – Chợ Lớn nên CEE thực hiện chương trình đầu tư kéo dài 5 năm với kinh phí trên hai tỷ Franc. Họ phục hồi nhà máy đèn Cầu Kho bằng cách lắp đặt ba nhóm máy diesel với công suất 900 kW mỗi máy, trang bị thêm hai nhóm máy phát điện, bốn nồi hơi có áp suất lớn hơn, mua thêm một máy phát điện tuôcbin công suất 12,000 kW. Ðến đầu năm 1954, công suất thiết kế của cả hai nhà máy Chợ Quán và Cầu Kho đã đạt được 54,000 kW. CEE tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối điện, tăng số trạm biến thế và chiều dài đường cáp ngầm”.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Ký hiệu trên các trạm biến áp CEE (trước 1967) và SĐL (sau 1967) (Nguồn: Saigoneer)

Mặc dù, CEE cố gắng tăng công suất nhưng với sự phát triển đô thị và dân số tăng nhanh do người dân di tản về Sài Gòn tránh chiến tranh, nên ngành điện không cách nào đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của toàn thành phố. Và mặc dù nước Pháp chấm dứt sự hiện diện trên toàn Việt Nam từ năm 1955, nhưng công ty CEE vẫn hoạt động đến năm 1967, sau đó giao lại cho công ty Sài Gòn Ðiện Lực được thành lập vào năm 1967.

Năm 1966, Cơ quan Viện trợ Kinh tế và Văn hoá Mỹ bắt đầu xây dựng nhà máy nhiệt điện Thủ Ðức nhằm tăng cường cung cấp điện cho toàn thành phố. Ðây là khoảng thời gian tôi nhớ rõ nhất khi nhân viên công ty điện lực Sài Gòn đi gắn trụ điện trong các con hẻm của vùng Hoà Hưng, nơi tôi cư ngụ. Nhà nào cũng được gắn đồng hồ điện. Tất nhiên là phải làm đơn và đóng tiền. Tuy vậy, trong xóm nhỏ của tôi chừng hai ba chục nóc gia, nhà có đồng hồ điện chiếm chưa tới phân nửa. Ða số là dân lao động nghèo nên muốn có điện phải câu nhờ hàng xóm, trả tiền mỗi tháng theo thoả thuận.

Ngày nay, nếu các bạn đi dạo một vòng Sài Gòn vẫn còn thấy một số trạm biến điện trên các con phố ghi ký hiệu tên công ty của mình, chẳng hạn CEE 1966. Sau thời gian 1967, các trạm biến thế đổi lại là SÐL (Sở Ðiện Lực) đúng theo khế ước CEE ký với chính quyền.

TN