Tiếp theo những mặt hàng tivi, radio du nhập vào Sài Gòn, từ đầu thập niên 1970, hàng điện máy dân dụng như tủ lạnh, máy giặt, bàn ủi điện được bày bán ở chợ Huỳnh Thúc Kháng. Tuy vậy trong số đó, máy giặt vẫn là hàng hiếm vì khá đắt tiền và ít người mua vì giặt không được nhiều quần áo.

Giặt đồ bằng xà bông đá (Nguồn: Huynh Seldon Collection) 

Hồi học đệ Thất, tôi đến nhà thằng bạn chơi bên xóm vườn Tre sau chợ Hoà Hưng. Tôi thấy má nó gom quần áo bỏ vào một cái máy. Hỏi ra thì mới biết đó là máy giặt đồ. Cái máy đối với tôi là một vật lạ lẫm chưa bao giờ nhìn thấy ngoài đời. Ðó là một khối hình vuông bọc tôn phẳng sơn trắng, có nắp mở bên trên, phía dưới có hai cái núm vặn, phía trên thùng có hàng chữ Panasonic. Thằng Tiền nói ba nó mua hồi đầu năm để má nó giặt đồ cho khoẻ. Nhưng chẳng thấy khoẻ đâu, máy chỉ giặt được năm ba bộ quần áo cho ba nó, còn lại quần áo con cái, mùng mền chăn gối trong nhà toàn giặt bằng tay.

Tôi không hỏi cái máy giặt đó bao tiền nhưng chắc rằng giá đắt lắm. Thuở đó, tôi thường nghe vài ba thanh niên trong xóm tụ tập tán dóc về các mặt hàng máy móc bắt đầu nhập cảng vào Sài Gòn, phần lớn là hàng hoá sản xuất từ Nhật Bổn. Hàng của Nhật thì khỏi nói, vừa đẹp lại vừa bền. Mấy anh thanh niên nói như thể nhà mình từng có món hàng đó, am hiểu công dụng của chúng. Thật ra, trong cái xóm lao động của tôi, chẳng nhà nào sắm nổi cái tủ lạnh, nói chi đến cái máy giặt tân kỳ.

Máy giặt thuộc loại hàng xa xỉ, chỉ những gia đình giàu có hoặc gia đình làm ăn phát đạt như nhà thằng bạn mới sắm được. Ba và mấy chú của nó làm giày Tây, giày sandal, dép da bán cho các mối lái ở các tỉnh và nhà nó có vài ba sạp lớn bán ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Má nó ở nhà làm nội trợ, lại thêm chị Tư giúp việc dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt giũ.

Thằng Tiền kể rằng, ba nó thích sắm các đồ điện máy nhưng má nó không thích cái máy giặt. Nói là máy nhưng không giặt được bao nhiêu, vẫn phải kêu chị Tư giặt tay mấy đống quần áo, mùng mền. Cái bàn ủi điện vậy mà rất hữu ích, khỏi phải đốt than cho bàn ủi con gà.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Bàn ủi con gà thì nhà tôi cũng có một cái, nhưng từ từ nói chuyện bàn ủi. Chuyện giặt giũ quan trọng hơn. Ðồ không giặt thì hôi hám bẩn dơ, chứ quần áo không ủi thì cũng chẳng sao hết. Quần áo đem ra giũ mạnh vài lần, chừng năm ba phút thì vải nó mềm ra, mặc vào trông không đến nỗi xốc xếch khiến người khác chê cười. Chỉ có người làm công chức, tư chức, giáo sư, thầy giáo thì mới cần quần là áo ủi phẳng phiu.

Tôi nhớ thuở học lớp ba, lớp tư gì đó, má tôi bắt đầu giặt đồ với xà bông bột Viso có mặt tại thị trường chừng mười năm trước. Bột giặt xài tốt hơn vì có chất tẩy mạnh, quần áo sạch hơn, nhất là những cái áo trắng đi học của mấy chị em chúng tôi khi phơi khô trông chúng trắng hơn hồi còn sử dụng xà bông cây. Tuy vậy, bột giặt giá tiền đắt hơn xà bông cây, xài hao tốn hơn, cho nên phần đông người lao động trong xóm tôi đến tận những năm đầu thập niên 1970 vẫn sử dụng xà bông cây để tiết kiệm từng đồng.

Thật ra trước đó, má tôi vẫn sử dụng xà bông cây để giặt đồ. Lý do chính không phải vì tiết kiệm mà lúc ấy xà bông bột “Made in Viet Nam” chưa được giới bình dân chấp nhận rộng rãi, còn bột giặt Tide của Mỹ tuồn từ cửa hàng PX, bán ra ở chợ trời giá rất đắt đỏ. Giới bình dân mua hàng thiết yếu dùng trong sinh hoạt phải tính toán chi ly.

Một tiệm giặt khô tại Sài Gòn năm 1867 (Nguồn: Huynh Seldon Collection)

Còn vào thời Pháp thuộc thì sao?

Ông bạn già của tôi quê ở Bình Chánh kể rằng, gia đình ông thuộc loại điền chủ trung nông, nhà có của ăn của để nhưng trong nhà không xài xà bông bột giặt nhập từ Pháp. Giá đắt và hầu hết chỉ có người Pháp mới dùng. Ông nhớ thời ông còn con nít, má ông giặt đồ thường bằng xà bông đá (cứng), còn mấy đồ lụa, đồ the, vải tơ tằm thì cả năm mới giặt một lần bằng xà bông thơm Marseille nhập từ Pháp để giữ cho vải lụa có mùi thơm. Ðồ lụa, đồ the thỉnh thoảng gặp đám giỗ, đám cưới hoặc lên tỉnh có việc thì mới mặc một lần. Có khi mặc xong giũ treo hóng gió cho khô rồi máng vào tủ, ít khi giặt.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Cách giặt này người ta gọi là giặt khô (hấp, nhưng giặt khô ngày xưa phải qua nhiều công đoạn), tương tự như long bào của vua chúa. Tôi nhớ đọc đâu đó như vầy: Long bào không bao giờ được đem giặt với nước. Áo vua mặc xong đem phơi, rồi đem xông hương cho thơm, cứ thế mà mặc tiếp. Cách này không khác cách giặt quần áo veston bằng vải len hồi thuở trước. Thường thì người ta đem những loại quần áo này đến tiệm nhờ giặt.

Nghe ông kể chuyện những người tá điền mới thấy cảm thương. Quần áo đâu có nhiều nhặn gì, một hai bộ bằng vải dệt từ sợi gai hoặc lanh, khá lắm mới có một chiếc áo bằng vải trắng sợi bông để dành đi đám cho có với người ta. Bình thường quần áo phải nhuộm màu đen hay chàm, khi bạc màu phải nhuộm lại. Xà bông giặt không dám mua xài, ngâm đồ với nước tro củi lắng trong. Thứ nước này ngâm giặt riết cái áo trắng vải bông cũng thành màu cháo lòng chợ Ðệm.

Màu cháo lòng thì tôi biết nhưng màu cháo lòng Chợ Ðệm ra làm sao thì tôi chẳng tỏ. Cháo lòng Chợ Ðệm nổi tiếng từ xa xưa nhưng ông đem ra ví von thì chắc có lý do của nó. Ông bảo cái màu cháo khó tả, nó hơi xỉn màu tro và màu vàng của đất, trông dơ dơ. Nước tro lắng chỉ có nhiệm vụ làm sạch chất bẩn dính trên áo chứ nó không tẩy trắng được. Thì ra là vậy! Sau này tôi biết nước tro có chất NaOH là một chất xút (một trong những chất làm xà bông). Nó cũng có nhiệm vụ tẩy nhưng tẩy không trắng mà thành màu cháo lòng mới lạ. Tôi nghĩ, quần áo ngả màu do nguồn nước sinh hoạt từ nước sông, nước giếng có nhiều tạp chất.

Bàn ủi than con gà ngày nay là một món “đồ cổ” (Nguồn: Internet)

Ông kể tiếp chuyện giặt đống quần sọt, quần tây của anh em ông, nói chung các loại vải dầy. Ða phần quần sọt, quần tây có màu xanh dương hoặc màu sẫm. Má ông phải ngâm với giấy hồ dương cả một đêm rồi mới giặt. Giấy hồ dương thì tôi biết vào thời còn nhỏ, má tôi vẫn thỉnh thoảng sai chạy ra tiệm chú Hai ở đầu ngõ mua vài tấm giấy hồ dương để giặt ủi đồ lính cho ba tôi. Tấm giấy to bằng lòng bàn tay, có nhuộm màu xanh nước biển khi ngâm với nước cho ra màu xanh để làm tươi mới quần áo. Tuy nhiên, giấy hồ dương có thêm nhiệm vụ nữa là hồ (chất bột gạo tráng khô trên tờ giấy) tan ra, hoà vào trong nước lẫn vào trong thớ vải khaki. Mục đích chính là làm cho vải thêm cứng khi phơi khô và khi được ủi mới tạo thành nếp, có li thẳng thớm, mặc vào trông rất lịch sự.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Bây giờ tôi xin nói một chút về bàn ủi con gà. Bàn ủi này xuất xứ từ bên Pháp 200 năm trước, lúc chưa phát minh ra điện. Vỏ bàn ủi được đúc bằng đồng pha sắt, trên nắp bàn ủi có tay cầm, phía đầu bàn ủi có núm khóa, đúc hình con gà trống. Khi cần ủi quần áo, mở nắp, bỏ than hồng vào lòng bàn ủi để một hồi cho đáy bàn ủi nóng lên. Bàn ủi này du nhập vào các nước thuộc địa của Pháp và VN không biết khi nào nhưng vào khoảng thập niên 1930 thì nó xuất hiện khắp nơi. Tuy vậy không phải trong nhà nào cũng có cái bàn ủi than; một là vì không có nhu cầu ủi quần áo, hai là giá cũng khá đắt tiền. Nghe đâu loại bàn ủi con gà xuất xứ VN có tại Huế vào năm 1930. Những người thợ đúc copy theo bàn ủi con gà của Pháp mà ra. Bàn ủi than có cái bất tiện là không điều chỉnh được nhiệt độ và không để thẳng đứng được (do tro than rớt ra bên ngoài theo hàng lỗ nhỏ nằm ở viền bàn ủi). Do vậy khi ủi đồ, người dùng phải có chút kinh nghiệm.

Chuyện xuất xứ bàn ủi con gà ở VN có thể là như vậy. Bởi trước đây, tôi cũng có thú đi xem đồ cổ. Ở triển lãm, tôi thấy một chiếc bàn ủi đúc đặc bằng gang pha sắt, sản xuất hồi năm 1920. Ðó là một khối sắt nhỏ hơn bàn tay người lớn, khá nặng, trên có tay cầm. Khi dùng đặt nó lên lò than hoặc củi cho khối sắt nóng lên, ủi xong đồ lại đặt nó lên than hồng trở lại. Xét ra cái bàn ủi này tiện hơn bàn ủi con gà, do người dùng có thể làm chủ nhiệt độ để thích hợp với từng loại vải.

Từ giữa thập niên 1960, Sài Gòn bắt đầu xuất hiện bàn ủi điện của Nhật Bổn. Tuy vậy, bàn ủi con gà vẫn tiếp tục được nhiều người dùng cho đến thập niên 1980.

Nghề giặt ủi thịnh hành từ thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickr)

TN