Bệnh viện Vì Dân được xây dựng trong hơn một năm do lời kêu gọi của bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam phụng sự xã hội. Số tiền xây dựng được nhận từ một phần quỹ đua ngựa, khoản hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các mạnh thường quân cũng như các nhà hảo tâm làm ăn buôn bán tại Sài Gòn. Kiến trúc sư thiết kế là ông Trần Đình Quyền.

Bệnh viện Vì Dân đầu thập niên 1970 (Nguồn: Manhhaiflickrs) 

Từ năm học lớp Nhì tôi đã biết khu vực Bảy Hiền, chủ yếu là giao lộ đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt) và đường Phạm Hồng Thái (sau đổi tên là Lê Văn Duyệt, nay là Cách Mạng Tháng Tám)). Nhà tôi ở khu Hoà Hưng trên đường Lê Văn Duyệt. Thuở đó con đường xuyên suốt từ Ngã Sáu Phù Ðổng đến Nghĩa trang Chí Hoà mang tên là Lê Văn Duyệt. Từ Nghĩa trang Chí Hoà qua ngã tư Nguyễn Văn Thoại đến Bà Quẹo lại là Phạm Hồng Thái. Thuở bấy giờ, nhà cửa đã mọc lên san sát ở khu vực Ông Tạ phía bên tay trái; bên tay phải có các khu chung cư. Hầu hết dân cư sống ở khu vực này là người Bắc di cư năm 1954. Vượt qua ngã tư phía bên tay trái là khu nghĩa địa lính Pháp rất rộng, bên phải là khu di cư của người Quảng Nam lập nên làng dệt Bảy Hiền.

Có một điều khá lạ là đoạn ngã tư phía đường Phạm Hồng Thái có hai khu đất trống rộng lớn ở hai bên đường mà sau này tôi biết đây là đất quân sự có từ thời Pháp làm đồn canh. Sang thời VNCH, cả hai khu đất này được dỡ bỏ các cơ sở và chướng ngại vật. Bên trái người ta xây trường Trung học Tân Bình (sau là Trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền), bên trái khu đất rộng 3 mẫu được san bằng, rào kẽm gai chung quanh mà sau này dành xây dựng Bệnh viện Vì Dân

Trong thời gian xây cất Bệnh viện Vì Dân, tôi cùng thằng bạn Sáu Nhỏ trong xóm thỉnh thoảng cuốc bộ gần hai cây số đến đây để mang thức ăn trưa cho anh Hai và anh Ba của Sáu Nhỏ. Hai người anh làm thợ xây của Sáu Nhỏ được cai thầu đưa đến từ ngày phu nhân của TT Nguyễn Văn Thiệu làm lễ đặt viên đá đầu tiên 17/8/1970. Tôi nhớ có lần Sáu Nhỏ đưa tôi xem hình các anh nó trên tờ báo Chính Luận chụp trong buổi lễ này. Hình ảnh trên báo rất nhiều nhưng tôi không thấy hình hai ông anh Sáu Nhỏ ở đâu. Sáu Nhỏ chỉ cái hình chụp cả đám thợ xây: thì ra anh Hai nó chỉ ló nửa cái mặt bên trái, còn anh Ba nó ló nửa cái mặt bên phải đứng sau lưng đám đông thợ.

TT. Nguyễn Văn Thiệu cùng phu nhân Nguyễn Thị Mai Anh chủ tịch Hội Phụ nữ VN phụng sự xã hội cắt băng khánh thành Bệnh viện Vì Dân (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Công nhân xây dựng cho công trình Bệnh viện Vì Dân rất đông với mục đích hoàn thành công trình theo đúng kế hoạch trong một năm. Cả một công trình lớn nhiều tầng và các công trình phụ thực hiện trong một năm khiến anh em thợ xây dựng làm việc có khi một ngày mười tiếng, nhiều nhóm làm việc ban ngày lại thêm mấy nhóm làm việc ban đêm. Những lúc làm việc nhiều giờ, hai ông anh của Sáu Nhỏ phải đi làm sớm, không kịp mang thức ăn trưa theo nên ba nó nấu ăn xong nhờ nó mang thức ăn đến công trường để hai ông anh khỏi phải ra quán xá lề đường đầy bụi bặm.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Tôi nhớ công trình Bệnh viện Vì Dân xây được một năm thì làm lễ khánh thành mặc dù lúc đó chỉ mới xây xong tầng một. Tôi biết chuyện này khi nghe mấy người lớn trong xóm kháo nhau khi đọc tin trên báo. Vài người trong xóm hiếu kỳ cuốc bộ đến Bệnh viện Vì Dân để xem hư thực. Họ đến với mục đích là xem mặt TT Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân cắt băng khánh thành hơn là xem bệnh viện xây đẹp như thế nào. Có người đến rồi về vì quang cảnh đông đúc, an ninh kiểm tra không cho dân chúng vào xem buổi lễ. Người về nhà hí hửng trên tay cầm tập quảng cáo cả mười mấy trang giới thiệu bệnh viện, nội quy và các khoa chữa trị.

Trước đó, báo chí đồng loạt đưa tin: “Ngày 4/9/1971, Bệnh viện Vì Dân đã khánh thành và điều hành ngay các khu Ngoại chẩn, Thí nghiệm và Quang tuyến X…”. Các khu này nằm ở tầng một vừa hoàn thành, máy móc thiết bị thăm, khám bịnh được đưa vào vài phòng, tạm thời có thể khám bệnh.

Quang cảnh bên ngoài Bệnh viện Vì Dân trong ngày cắt băng khánh thành năm 1971 (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Trong bữa nhậu cuối tuần ở nhà bác Hai đối diện nhà tôi, ba của Sáu Nhỏ hết lời ca tụng Bệnh viện Vì Dân khai trương giúp cho bà con nghèo có nơi chữa trị. Bác Hai thì không đồng ý, trong tài liệu quảng cáo nói rõ đây là bệnh viện tư nhân quản lý, dành cho người có tiền chữa bệnh chớ có chỗ nào dành cho người nghèo. Hai ông cãi qua cãi lại một hồi chưa dứt chuyện. Ba Sáu Nhỏ nói: “Ðây nè, họ ghi rõ ràng: Sau nhiều năm hoạt động xã hội, cảm thông với sự thiếu thốn các cơ sở điều trị cho dân chúng khi đau ốm, phu nhân Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam phụng sự xã hội, có sáng kiến xây dựng một bệnh viện tối tân tại Sài Gòn, lấy tên là Bệnh viện Vì Dân”.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Bác Hai xì một tiếng: “Người ta chỉ nói cảm thông với sự thiếu thốn cơ sở điều trị… đâu có nói dành chữa trị bệnh cho dân nghèo đâu ông?”.

Ba Sáu Nhỏ phản bác: “Ông không đọc kỹ càng cho hết tập giấy quảng cáo. Bệnh viện Vì Dân là bệnh viện tư nhân, nhưng được điều hành như bệnh viện công, nghĩa là không thu lệ phí, không thu tiền khám chữa bệnh, không thu tiền các loại thuốc thông dụng có sẵn ở bệnh viện, người dân vào khám bệnh chữa trị được miễn phí hoàn toàn. Mục miễn phí họ ấn định: các bệnh nhân được nằm tối đa không quá 7 ngày điều trị hoặc 5 ngày nếu là sản phụ. Khi đến khám phải đem theo giấy chứng nhận nghèo khó. Các bệnh nhân được lãnh thuốc miễn phí tùy theo khả năng của bệnh viện. Những loại thuốc bệnh viện không được Bộ Y tế hay cơ quan từ thiện cung cấp thì bác sĩ biên toa cho mua ở ngoài”.

Mấy ông bạn nhậu ngồi đó nghe hai ông bàn cãi một hồi, ông Tư xe lam lên tiếng: “Thôi đi mấy ông ơi, nhậu không lo nhậu với món thịt trâu luộc mẻ ngon quá chừng mà cứ lo nhắc tới mấy cái chỗ buồn hiu không ai muốn đến. Các ông còn thiếu một chỗ nhắc đến nữa là đám ma mà thôi!”.

Bệnh viện Vì Dân đang được xây dựng (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Bữa nhậu cuối tuần rồi cũng tàn. Nhưng khi ba Sáu Nhỏ về đến nhà, vừa bước chân qua bàn thờ Quan Công đặt ở giữa cửa buồng thì ông ngã vật xuống đất, miệng sùi bọt mép, cơ thể co giật. Trong nhà không có ai, ngoài trừ bà chị buôn bán về sớm. Sáu Nhỏ chạy qua nhà ông Tư cầu cứu. Ông Tư lật đật chạy qua, cơn co giật của ba Sáu Nhỏ càng lúc càng nhiều. Bà chị nói từ nào giờ, ông đâu có bị chứng giật kinh phong, cả nhà lính quýnh không biết làm sao. Ông Tư chạy về nhà nổ máy xe lam chạy qua khiêng ông đặt nằm dài trong thùng xe, Sáu Nhỏ nhảy tót lên theo chạy thẳng đến Bệnh viện Vì Dân vừa mới khai trương vài ba tuần lễ trước.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Ðến nơi, gặp hai ông anh Sáu Nhỏ vừa ra tới cổng, nghe ông Tư nói nhanh sự tình, cả hai vội dắt xe đạp chạy theo xe lam đến phòng nhận bệnh. Cô y tá hỏi giấy xác nhận diện nhà nghèo để làm thủ tục. Cả hai ông anh Sáu Nhỏ chưng hửng, nghèo cũng phải có giấy xác nhận sao? Từ nào giờ có nơi nào làm giấy chứng nhận nhà nghèo đâu. Nghèo nên chúng tôi mới đi làm thợ hồ xây cái bệnh viện Vì Dân này đây.

Lại đôi co một hồi, ba Sáu Nhỏ cũng được nhận vô phòng cấp cứu. Ở đó, người ta nói ông bị ngộ độc, cho uống thuốc xổ để thải ra ngoài. Nếu không có gì nguy hiểm thì có thể về nhà trong đêm.

Ðây là chuyện thằng bạn Sáu Nhỏ kể lại cho tôi nghe.

TN