Do năm 1954, gần hai triệu dân miền Bắc di cư vào Nam, trong số đó có khoảng gần 900 ngàn người đã định cư tại vùng ngoại thành Sài Gòn. Sài Gòn gấp rút chỉnh trang các khu dân cư, phân định và mở rộng ranh giới các quận để đáp ứng cho một đô thị gần 3 triệu người (bao gồm cả ngoại thành).

Tuyến đường xe lửa Gò Vấp trước khi bị giải toả năm 1956 kết nối nội thành với vùng phụ cận  (Ảnh: Internet)   

Các quận ban đầu

Năm 1954, Sài Gòn lúc ấy chỉ có các quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7. Năm 1958, Tổng thống VNCH ra nghị định số 110-NV về việc phân chia Sài Gòn thành 8 quận là quận Nhất, Nhì, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám với địa giới hành chính cụ thể như sau:

Quận Nhất: địa giới quận Nhất cũ, chia ra 4 phường: Bến Nghé, Hòa Bình, Tự Ðức, Trần Quang Khải.

Quận Nhì: địa giới quận Nhì cũ, chia ra 4 phường: Cầu Ông Lãnh, Chợ Bến Thành, Cầu Kho, Nhà thờ Huyện Sỹ.

Quận Ba: địa giới quận Ba, chia ra 5 phường: Ðài Chiến Sĩ, Bàn Cờ, Chí Hòa, Trương Minh Giảng, Yên Ðổ.

Quận Tư: địa giới thuộc quận Sáu cũ, chia ra 4 phường: Xóm Chiếu, Lý Nhơn, Vĩnh Hội, Bến Xà Lan.

Quận Năm: phần địa giới thuộc quận Tư cũ, phía bắc Kênh Tàu Hủ, chia ra 6 phường: Trung Ương, Chợ Quán, An Ðông, Minh Mạng, Nguyễn Tri Phương, Phú Thọ.

Quận Sáu: một phần địa giới của quận Năm cũ, chia ra 7 phường: Bình Tây, Chợ, Bình Tiên, Phú Lâm, Cầu Tre, Bình Thới, Phú Thọ Hòa.

Quận Bảy: một phần địa giới của quận Năm cũ, chia ra 6 phường: Cây Sung, Bình Ðông, Rạch Cát, Phú Ðịnh, Bến Ðá, Hàng Thái.

Quận Tám: phần địa giới thuộc quận Tư cũ, phía nam Kênh Tàu Hủ chia ra 5 phường: Xóm Củi, Hưng Phú, Bình An, Chánh Hưng, Rạch Ông.

Bản đồ Đô thành Sài Gòn năm 1958 gồm có 7 quận (Ảnh: Internet)

Mở rộng Sài Gòn

Về phía Bắc và Tây Bắc, Sài Gòn lấn dần qua tỉnh Gia Ðịnh, mở rộng sang các vùng Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn, Phú Nhuận, và Bình Thạnh. Ðây là một vùng trọng điểm đi qua của các trục lộ nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Ðông khác như Tây Ninh, Thủ Ðức và Biên Hòa;

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Về phía Nam, mở rộng đến vùng Khánh Hội;

Phía Tây Nam, Sài Gòn mở rộng dọc theo đường Trần Hưng Ðạo nối liền đường Ðồng Khánh của Chợ Lớn, khi Sài Gòn – Chợ Lớn nhập thành Ðô thành Sài Gòn năm 1956.

Thực tế, từ năm 1956 khi Sài Gòn và Chợ Lớn nhập lại thành Ðô thành Sài Gòn thì vùng Xa Cảng Miền Tây, Phú Lâm phát triển rất nhanh, trên trục đường Hậu Giang nối vào quốc lộ 4 chính phủ đã cho xây lên nhiều cơ xưởng và kho chứa hàng hóa. Ðồng thời, chợ búa, nhà cửa, phố xá cũng được xây dựng. Nhiều dãy nhà gạch 2, 3 tầng mọc san sát kéo dài 2, 3 cây số dẫn ra ngoại thành. Khu vực Bà Hom thuộc tỉnh Gia Ðịnh giáp ranh Ðô thành Sài Gòn cũng bắt đầu phát triển, ruộng đất giáp đường dần được san lấp để xây cất nhà ở.

Mạng lưới đường từ nội thành dẫn ra ngoại thành đi về miền Tây và ra miền Ðông được mở rộng. Ðường Hùng Vương, trước kia là khu vực lụp xụp nhà lá xen kẽ các điểm tập trung phế liệu lạc xoong được chỉnh trang lại trở thành các nhà kho mua bán vật liệu xây dựng. Ðường Trương Tấn Bửu (Lê Quang Sung hiện nay), trước đây là trạm đỗ của các loại xe đò lục tỉnh miền Tây, tuy nhỏ nhưng là điểm tiếp nhận hàng hoá từ miền Tây chở lên, được chỉnh trang lại rất sầm uất, nhộn nhịp kẻ mua người bán và là chợ đầu mối Bình Tây của các nhà buôn sỉ.

Khu lò heo Chánh Hưng, có đường tráng nhựa, tiệm buôn san sát hai bên đường, trường học, nhà hộ sinh được xây mới, cây cối dọc theo sông rạch xanh tươi. Tại khu này, Tổng cục gia cư cho san lấp, xây dựng 1,000 căn nhà bình dân bán với giá rẻ cho dân chúng lao động và công chức lương thấp. Khu Bàu Sen và đình Tân Kiểng, lúc trước toàn là nhà lá của dân làm nghề trồng hoa và cây kiểng. Mùa mưa khu vực này ngập nặng, mùa nắng ẩm ướt, nhiều xú khí. Nhà nước cho san lấp, phân lô. Ðất được cho dân thuê, xây cất nhà cửa. Phía ngoài các con lộ lớn, nhà 2, 3 tầng mọc lên mở tiệm buôn, quán ăn làm cho khu vực đường Nguyễn Trãi, Trần Bình Trọng, Nguyễn Hoàng trở nên nhộn nhịp. Khu này liên kết khu vực cầu chữ Y và đường Nguyễn Biểu được mở rộng nối vào đường Trần Hưng Ðạo tới Nguyễn Trãi. Nhà mặt tiền được chỉnh trang, không còn tàn tích hoang tàn vào thời chiến tranh với quân đội Bình Xuyên.

Người miền Bắc di cư vào Nam, tạm sống trong các lều bạt tại trường đua Phú Thọ, làm tăng dân số thành phố nhanh chóng (Nguồn: Manhhaiflick)

Các tuyến xe lửa ngưng hoạt động

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

Năm 1956, tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn đi Gò Vấp bị hủy bỏ, cho xây dựng đường Bùi Hữu Nghĩa ngay trên tuyến đường xe lửa nầy nhằm nối liền Sài Gòn với tỉnh Gia Ðịnh. Sau đó lại nới rộng tất cả những con đường xung quanh đó khiến cho việc lưu thông từ Sài Gòn đi Gia Ðịnh được thuận tiện hơn. Năm 1958, tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn đi Mỹ Tho cũng bị bỏ. Thay vào đó, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) mở rộng các tuyến đường như Trần Hưng Ðạo, Phan Thanh Giản (nay là Ðiện Biên Phủ), và Hồng Thập Tự (nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh).

Các khu gia cư mới

Ðến năm 1963, hầu như nhiều khu vực tại Sài Gòn và Chợ Lớn đã mọc lên hàng trăm khu gia cư mới khang trang. Nhất là khu vực quận 3, quận 5. Qua khỏi chợ cá Trần Quốc Toản, Cục Kiến ốc cho cất cư xá Vườn Lài I, Vườn Lài II, cư xá Phú Thọ, cư xá Nhảy Dù, cư xá Lữ Gia. Bên quận 3, đường Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ) từ con đường đất nhỏ hẹp băng qua các ruộng lúa, vườn cây, vườn cau, bãi rác, được mở rộng thành đường lớn thông đến Lăng Cha Cả. Nhà mặt tiền được cất lên bên cạnh các cư xá của Cục Kiến ốc, Cư xá nhân viên phủ Tổng thống, cư xá Nông Tín Cuộc. Khu vực đường Phan Thanh Giản và Lê Văn Duyệt, Cục Kiến ốc cho xây dựng cư xá Ðô Thành, bán cho công chức hạng trung của các ngành ở Sài Gòn, cư xá Chí Hoà, dành cho sĩ quan trại quản giáo Chí Hoà và cư xá Bắc Hải dành cho sĩ quan quân đội.

Bản đồ Sài Gòn năm 1973, gồm 11 quận (Nguồn: Manhhaiflick)

Thành lập Quận 9

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Năm 1966, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung Ương ra sắc lệnh sáp nhập xã An Khánh, thuộc quận Thủ Ðức, tỉnh Gia Ðịnh vào địa phận quận Nhất Ðô thành Sài Gòn. Ðến đây, ranh giới hành chính Ðô thành Sài Gòn đã được mở rộng hơn về mặt địa giới hành chính so với giai đoạn trước đó. Diện tích Ðô thành tăng lên 67.53 km2 và không thay đổi đến tháng 4/1975. Sau đó, chính quyền lại chia xã An Khánh ra làm 2 phường An Khánh và Thủ Thiêm trực thuộc quận Nhất. Sang năm 1967, chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương quyết định thành lập quận mới, tức quận 9 trên cơ sở 2 phường An Khánh và Thủ Thiêm của quận Nhất.

Quận 10 và 11

Tiếp sang năm 1969, Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa ra quyết định về việc thành lập Quận 10 và Quận 11 trên cơ sở một số phường của các quận 3,5,6. Theo đó, địa phận Quận 10 hình thành từ 2 phường: Chí Hòa, Phan Thanh Giản của quận Ba và 2 phường: Minh Mạng, Nguyễn Tri Phương của quận Năm. Quận 11 hình thành từ phường Phú Thọ của quận Năm và 3 phường: Bình Thới, Cầu Tre, Phú Thọ Hòa của Quận 6. Từ thời gian này Ðô thành có tổng cộng 11 quận và không thay đổi cho đến trước năm 1975. Chỉ có số phường trong các quận là có sự thay đổi về mặt tên gọi từ năm 1973. Năm 1974, toàn bộ Ðô thành Sài Gòn có tổng cộng 11 quận, với 60 phường, dân số tổng cộng là 1.825.297 người.

Tuy vậy, dân số Sài Gòn đã vượt xa con số trên do việc dân nhập cư từ các tỉnh ồ ạt về từ năm 1965 khi chiến tranh lan rộng. Sài Gòn lúc ấy rộng khoảng 67.5 km² quả là đất chật người đông nếu so với ngày nay Sài Gòn rộng 2,095 km² bao gồm 18 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành với dân số trên 10 triệu người.

TN