Báo Phụ Nữ Tân Văn, năm 1929 viết: “Vì muốn bảo vệ hàng me hai bên đường Catinat, chính quyền đã cấm đậu xe hơi một số giờ trong ngày. Sau đó vì muốn mở rộng con đường này, chính quyền định đốn hạ những hàng me thì bị dư luận phản ứng dữ dội. Vì thế hàng me được giữ lại và con đường vẫn hẹp như hiện tại”.

Trung tâm Sài Gòn thuở thập niên 1920 với nhiều cây xanh (Nguồn: Manhhaiflick) 

Không chỉ có hàng me ở đường Catinat (Tự Do), cây bàng được người Pháp trồng trên vỉa hè của nhiều con đường khác khi thực hiện quy hoạch Sài Gòn. Ngoài me, bàng còn có cây xoài nhỏ (trái chỉ to bằng ngón chân cái). Loại xoài nhỏ này dân miền Nam gọi là cây quéo, người miền Bắc gọi là cây muỗm. Tuy vậy, nhiều tài liệu của Sở Cầu Ðường Sài Gòn thời Pháp không thấy nhắc đến cây quéo và cây bàng, có lẽ nó sớm bị đốn bỏ vì loại cây ăn trái không phù hợp trồng làm cây xanh đường phố (khi trái chín rụng làm bẩn đường phố, lại bị trẻ con ham leo trèo hái quả dễ gây nguy hiểm) và rễ cây bàng khi già cỗi nổi lên mặt đất làm hư hỏng vỉa hè. Cây quéo không còn nữa nhưng ở vùng ngoại ô Sài Gòn thuộc Phú Nhuận, Gò Vấp có địa danh chợ Cây Quéo, ngã ba Cây Quéo. Me trồng rất khít, cành tán đan nhau, cho nên sau này Sở Cầu Ðường phải cho đốn cách nhau mười mét.

Me là loài cây cho trái ăn được nhất là khi trái chín gọi là me dốt, vị chua xen lẫn vị ngọt làm đê mê đầu lưỡi trẻ con (mà đâu chỉ có trẻ con cả người lớn cũng đều thích, nhất là các cô). Ðâu chỉ có cây quéo đường phố trồng ngày xưa bị đốn bỏ vì sợ trẻ con leo trèo hái quả, những hàng me ở trung tâm Sài Gòn hấp dẫn trẻ con không kém. Ðến nay tôi vẫn còn nhớ, phải nói là nhớ đời vì tội hái me. Chuyện là hồi học lớp tư, nghe theo đám bạn trong xóm đi hái me dốt trên đường Lê Quý Ðôn gần Dinh Ðộc Lập. Me cuối tháng 8 trái chín dốt, gió thổi mạnh đủ làm trái rụng đầy đường. Thế là cả bọn trong xóm kéo nhau ngồi trên xe ba gác đi hái me. Nhặt chưa đủ, leo lên hái trái cho thoả lòng hiếu động. Kết quả là hai lòng bàn tay tôi bị toét da vì nắm dây thừng tuột xuống giống như Tarzan trong rừng. Về nhà hai bàn tay không cầm được chén đũa ăn cơm còn bị phạt vài roi mây vào mông cho chừa cái tội chơi ngu.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Nói dông dài một chút về kỷ niệm với hàng me xanh thành phố khi còn nhỏ cho vui chứ đến tận bây giờ tôi vẫn yêu vẫn thích loài me có dáng thướt tha, lá kép nhỏ mỏng dịu dàng, nhẹ rung mỗi khi gió thoảng qua. Cây tuy già cỗi nhưng thân không to bằng những loài sao, dầu hay xà cừ (sọ khỉ) trồng trên những con đường mới khi người Pháp mở rộng Sài Gòn. Mỗi loại có vẻ đẹp khác nhau. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cảm xúc tự hỏi: “Có tự bao giờ hàng me xanh ngát, mà nay đứng đó cho em làm thơ…”.

Riêng nhà văn Bình Nguyên Lộc khi đến Sài Gòn sinh sống thì lại chê cái tên me, nhưng khi tả những hàng me Sài Gòn thì không cưỡng lại vẻ đẹp của loài cây này: “Me! Cái tên mới thô lỗ làm sao chớ! Nó không được tầm thường như mận, bưởi, cau, mà cục mịch như ổi, xoài, măng cụt. Nhưng nếu có những cô Thùy Dương, Yến Tuyết, không đẹp bằng những chị Mén, chị Vẩu, thì cũng có những cây anh đào, thanh tùng, không đẹp bằng me, bằng me Sàigòn.

Hàng me xanh trên đường Catina (Tự Do) vẫn còn cho đến ngày nay (Nguồn: Sanhhaiflick)

Me vốn đã đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như sanh, đẹp với vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh non mởn bám trên vỏ sạm đen, đẹp như non bộ dày sương dạn gió, với tàn không thưa, không sơ rơ như tàn sầu riêng, không dày mịt như măng cụt, vốn nó đã đẹp ở ngoài thiên nhiên rồi, mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi-măng cốt sắt, khô, nóng, và buồn, thì nó còn đẹp hơn biết bao!”.

Những hàng me trên đường phố ngay trung tâm đến nay vẫn còn, một số cây trở thành cổ thụ trên đường Duy Tân, Nguyễn Du hay Gia Long, một số cây được trồng mới sau khi chết hoặc hư hại vì lý do nào đó. Me cổ thụ có thân to bằng một vòng tay người lớn được trồng từ những năm sau 1870. Trước đó, Sài Gòn vẫn còn là một thị trấn trong rừng. Cây cối um tùm, đủ loại cây thân gỗ, trong đó có cây xanh (sanh), còn gọi cây da sà. Ðến nay còn lại một cây duy nhất trong công viên Liên Hiệp (Bách Tùng Diệp). Ðịa danh Hàng Sanh đã từng có một rừng cây xanh. Cây xà cừ trồng nhiều nhất trên đường Cường Ðể, Thống Nhất trăm năm sau trở thành cổ thụ. Cây xà cừ cho bóng mát nhưng cành tán của cây khá giòn dễ gãy khi gặp gió giông, nên từ trước 1945, Sở Cầu Ðường đã dần dần cho thay thế bằng cây sao, cây dầu.

Xem thêm:   Andropov & Lenin

Cây sao còn gọi là sao đen do màu thớ gỗ hơi sạm, thân mọc thẳng, gỗ rắn chắc dùng làm vật liệu xây cất. Hoa sao nhỏ cỡ cái nút bấm, đầu nhọn, màu vàng nhạt, khi khô trở thành nâu đen. Hai bên hoa có hai cánh thon dài, màu nâu nhạt. Sài Gòn Gia Ðịnh có địa danh mang tên loài cây này như Gò Sao, ấp Cây Dầu. Trong một bức thư gửi đến viên thanh tra Sài Gòn vào năm 1866 có nói rằng, vườn Bách thảo lúc này có sẵn 25,000 cây ươm và đề nghị viên thanh tra giao cho các hương chức ở các làng ven thành phố như vùng Gò Vấp, Chợ Lớn đem đi trồng ở dọc đường phố. Cây sao phát triển rất chậm, cây một trăm năm tuổi đường kính thân chừng 40cm.

Có một điều thú vị về cái tên “sao” hay “sau”. Chuyện này tôi được nghe đôi lần khi có dịp về miền Tây ghé thăm mấy nhà bà con làm vườn. Trước kia nhiều nhà ở quê đều có trồng chừng chục cây sao trong vườn để lấy gỗ cất nhà cho con cái khi chúng lớn lên, ra riêng dựng vợ gả chồng. Họ gọi là cây “sau” có nghĩa là trồng cây để dành cho đời sau. Không phải là “sao” trên trời, “sau” dưới đất có ý nghĩa hơn. Có thể người miền Tây không phân biệt được cách phát âm nên mới có cây sau để đời. Chuyện này xem ra giống như địa danh Hàng Sanh nói ở trên cũng do phát âm sai mà thành.

Hàng cây sao trên đường Minh Mạng năm 1960 (Manhhaiflick)

Khi Sài Gòn mở rộng, những hàng sao, dầu được trồng dọc theo các đường phố mới. Cây sao ở một số con đường mới ở Sài Gòn không cao to bằng những cây sao ở vùng Chợ Lớn. Ðiều dễ hiểu Chợ Lớn nguyên là một thành phố riêng biệt, phát triển trước Sài Gòn mà Sài Gòn cũng là tên gọi của Chợ Lớn ngày xa xưa khi người Hoa từ Cù lao Phố Biên Hoà về cư ngụ. Những rừng cây sao đã có mặt tại nơi đây tính đến nay có vài trăm năm tuổi. Do đó cây cao hai ba chục mét, thân rộng gần hai người ôm đâu đó vẫn còn ở đoạn cuối đường Trần Quốc Toản, riêng cây sao trồng ở đoạn đường Trần Quốc Toản ngược về quận 3 thì lại nhỏ hơn do quận 3 thành lập mới sau này (1920). Cây sao trồng dọc theo vỉa hè trên nhiều con đường khác ở Sài Gòn cũng không cao lớn so với cây sao ở vùng trung tâm như trên đường Trương Ðịnh, Huyền Trân Công Chúa, Hồng Thập Tự trồng trước đó, khi người Pháp đến.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Cây sao dáng thẳng, vững chãi nhưng tôi lại thích cây dầu, còn gọi là dầu rái. Ðây cũng là cây lấy gỗ, thân to, tán lá rộng thích hợp trồng cây xanh vỉa hè đường phố. Gỗ dầu không tốt bằng gỗ sao, sinh mối mọt. Tuy vậy người ta vẫn dùng để xẻ ván, làm đòn tay cất nhà. Lần đầu tiên tôi biết đến cây dầu và cánh hoa dầu khi theo ba ra Sài Gòn chơi, băng bộ ngang Vườn Tao Ðàn đầy cây cao bóng mát. Cánh hoa dầu xoay tít bay bay trở thành ấn tượng đẹp trong đầu óc đứa con nít lên mười từ thuở đó. Cây dầu trồng nhiều trên địa bàn quận 1 và quận 3 ở góc Hồ Con Rùa và trên đường Alexandre de Rhodes, Pasteur, Trương Ðịnh, Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương, Phan Thanh Giản, Cao Thắng.

Ngoài cây me, sao, dầu, còn hai loại cây nữa, trước khi Nhật vào Ðông Dương, Sở Cầu Ðường từng trồng thử nghiệm là cây nhạc ngựa hay dái ngựa và cây cao su. Những cây này trồng dọc theo vỉa hè gần cuối đường Bà Huyện Thanh Quan, Trương Ðịnh đến đường Yên Ðỗ. Hồi học trung học đệ nhất cấp, tôi và các bạn học được về sớm thường rủ nhau hái trái dái ngựa bóc vỏ, tách lấy hạt cứng bên trong vẽ mắt miệng làm thành những cái sọ người đem về xóm hù mấy đứa con nít. Còn hạt cao su nhặt được trên vỉa hè làm công cụ hình phạt khi chơi oẳn tù tì. Ðứa thua bị đứa thắng mài hột cao su trên nền xi măng cho nóng rồi ịn vào da đùi theo giao hẹn. Chơi xong trò, đùi của mấy thằng khờ đều ửng đỏ như phải bỏng.

TN