Ngày xưa, theo quan niệm chữ hiếu của đạo Nho dạy rằng: “Mình mẩy, da tóc là của cha mẹ trao cho, thì người con không dám làm tổn thương, huỷ hoại”. Bởi vậy, dân mình có tâm lý kính trọng từng sợi tóc, không dám cạo cắt, để lâu dài búi lên sau ót, gọi là búi tóc củ hành, búi tóc củ kiệu, người Pháp gọi chung là búi tó (Le Chignon).

Vua Thành Thái cùng hai em trai đã cắt tóc ngắn đến thăm toàn quyền Đông Dương những năm đầu thế kỷ 20 (nguồn: hinhanhlichsu.org)   

Với quan niệm này làm tôi nhớ đến chú Năm của thằng bạn trong xóm, một nhân vật mà có lần tôi viết trong bài Búi tóc ngày xưa. Gia đình cha mẹ nó từ Ba Tri, Bến Tre lên Sài Gòn sinh sống từ chục năm trước. Vào những năm đầu thập niên 1970, thỉnh thoảng chú Năm nó khăn gói lên Sài Gòn mang theo một giỏ đệm ốc bươu lên tặng ông anh Hai. Chú Năm lúc đó độ tuổi trung niên, tóc còn đen nhưng búi một “củ hành” sau gáy. Một hôm, qua nhà bạn ăn ốc bươu hấp sả, trong lúc ăn uống tôi nghe ba thằng Dũng nói: “Sao chú không cắt cái búi đi cho giống mọi người mà cứ búi như tóc đàn bà?”. Chú Năm trả lời: “Ông bà mình từ nào giờ để vậy, thì mình để vậy có sao đâu. Hơn nữa tôi là dân làm ruộng, có sống ở thị thành đâu mà quan tâm lời dị nghị của thiên hạ”.

Ðúng là chuyện để búi tóc tôi từng nghe mấy người lớn tuổi trong xóm kể là theo truyền thống ông bà. Thoạt đầu tôi nghĩ chú Năm là người theo đạo Hoà Hảo. Những người tu đạo này thường vận quần áo bà ba nâu, chân mang guốc mộc, đầu để búi tó. Nhưng hôm đó mới biết không phải theo đạo Hoà Hảo người ta mới để tóc dài búi tó “củ hành”. Có thể, chú Năm có tính lập dị chứ thời buổi ngày nay đâu còn ai treo cái búi tó sau ót như trăm năm trước.

Hồi xưa người ta dùng câu điếu thơ của cụ Nguyễn Khuyến: “Búi tóc củ hành, buông quần lá toạ” chỉ những người thong thả chốn đình trung mà người đời thường trích ra để nhắc đến cái búi tóc như một hình ảnh của đấng nam nhi nho nhã. Tuy vậy, thuở đó cái búi tó đã có nguy cơ lung lay nhiều rồi. Và mãi vài chục năm về sau trong thời kỳ nổi lên phong trào húi tóc khắp ba kỳ nhất là ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, người ta mạnh dạn đả phá lối sống xưa cũ, cải cách hình thức lối sống theo thời thế và xem đó như một cuộc đổi mới, một cuộc cách mệnh văn minh.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Ông Phan Khôi viết bài Cái đầu An Nam kể từ 1906 trên báo Ngày Nay (15/2/1939) rằng: “Hớt tóc là một cái biểu hiện đổi mới của dân An Nam bắt đầu có từ ba mươi năm nay. Vào khoảng 1906 trở về trước, đàn ông chúng ta vẫn để tóc dài và búi lại ở đằng sau ót thành một cái đùm. Thành thử, duy có ở Bắc Kỳ, đàn bà chít tóc, nhờ đó có thể phân biệt với đàn ông; đến từ Huế đổ vô, đàn bà cũng búi tóc, gia dĩ kiểu quần áo cũng chẳng khác nhau là mấy, nên nhiều lúc xem sau lưng, đàn bà đàn ông có thể lẫn lộn được.

Thanh niên của đám rước ở Bắc Kỳ vào đầu thập niên 1920 đã cắt tóc ngắn (Nguồn: Manhhaiflick)

Ngày nay, hầu hết đàn ông chúng ta không còn có tóc dài nữa. Con trai từ đầy tuổi tôi là hớt tóc thẳng cho tới lớn tới già. Bởi đó, hớt tóc cũng đã thành ra một cái nghề. Không nói ở các thành phố lớn, nghề ấy phát đạt ra sao; cứ kể trong một làng như làng tôi, hiện có tới mười hai tiệm hớt tóc và phỏng sáu bảy mươi thợ vừa làm nghề ở làng, vừa đi ra ngoài. Quả thật một việc bày ra đã giúp cho chúng ta về nhiều phương diện: vệ sinh, mỹ thuật, lại kinh tế nữa, ích lợi biết bao! Thế nhưng, hồi kỳ thuỷ, một bọn người gây ra sự cải cách ấy cho thành được phong tục, cũng khó khăn lắm, khốn đốn lắm, đáng ghi chép để làm sử liệu”.

Cũng theo ông Sở Cuồng trong bài ‘Hàm răng mái tóc’ đăng ở tập san Khai Trí Tiến Ðức năm 1941 thì “… Vào đầu thế kỷ hai mươi, người đứng lên xướng sự cắt tóc ấy là vua Thành Thái. Ngài tự cắt tóc và bắt anh em Ngài cùng các cung nữ cẩn tín là những người thân cận hầu hạ Ngài đều phải cắt tóc”.

Tuy vậy, việc vua Thành Thái tiên phong cắt tóc theo nếp sống mới không phải được thần dân ủng hộ. Năm 1905, ngự giá vào Quảng Nam, khi vua mặc đồ tây, cầm ba-toong, đứng chống nạnh trên chiếc ghe câu qua đò Phương Trà để lên làng Chiêm Sơn, có một nhóm sĩ phu đi coi, xầm xì với nhau rằng: “Vọng chi bất tợ!…” (xem chi chẳng ích lợi gì). Bởi thời đại chưa đến, phong khí chưa mở, nên việc vua Thành Thái hớt tóc đáng lẽ có ảnh hưởng lắm, lại hoá ra chẳng có ảnh hưởng chút nào hết đến xã hội Việt Nam.

Xem thêm:   Hang gấu

Nếu như vậy, vua Thành Thái đối với mái tóc người mình bấy giờ cũng giống như vua Pierre le Grand đối với bộ râu của người Nga ngày xưa. Vua Nga trong khi muốn thực hiện công cuộc duy tân, sốt sắng cương quyết đổi mới ngay, từ hình thức của dân chúng. Ông ra lệnh suốt cả nước phải cắt bỏ bộ râu mà phong tục Nga thường nuôi nấng dài lê thê. Hai nhà vương giả Ðông Tây đã gặp nhau ở chỗ cách mạng râu tóc, nhưng ảnh hưởng có rộng hẹp khác nhau, mà cứu cánh cũng hơn kém khác nhau.

Anh phu xe người miền Nam còn để búi tóc hồi cuối thế kỷ 19 ( Nguồn: Hinhanhvn.com)

Ngay cả học giả nổi tiếng Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố của Trường Ðông Phương Bác Cổ (École Francaise d’Extrême Orient) cũng vẫn còn giữ cái búi tó của ông cho mãi đến năm 1939, khi ông đã trở nên đầu đề của một loạt bài chế giễu ông trên báo Phong Hóa. Cũng cần biết vào thời ấy, ông là một trong những tác giả nổi tiếng của Trường Viễn Ðông Bác Cổ, tác giả của bài viết xuất sắc “Tiếng Lóng Hanoi” (L’argot annamite de Hanoi”, IDEO, Hanoi).

Ở Bắc Kỳ, đi đầu đội quân “cách mạng búi tóc” phải kể đến ông Lương Trúc Ðàm con cụ Cử Can. Ông Lương muốn người mình không những cải cách về phần tinh thần mà còn cải cách về hình thức nữa. Ông cổ suý người mình hớt tóc, bận âu phục, sống cuộc đời mới. Người ta còn truyền tụng bài cổ động “hớt tóc” hồi ấy như vầy: “Tay trái cầm lược, tay phải cầm kéo / Hùi hề! Húi hề! Thủng thẳng cho khéo / Bỏ cái ngu mày, bỏ cái dại mày / Ăn ngay nói thẳng, học mới từ đây / Ðừng có ăn mặn, đứng có nói láo / Ngày mai ta cúp, ngày mai ta cạo”.

Rồi “phong khí” mở mang, luồng sóng hớt tóc lan tràn khắp nước. Phong trào bài trừ búi tóc lúc đó khoảng năm 1907-1908 sôi nổi cũng như người Tàu bài trừ “bó chân” sau khi thành lập Dân quốc (1912). Hễ người nào bỏ được búi tóc rồi, tức là người đó tỏ ra một dấu hiệu của đổi mới. Thường làm một việc thay mới đổi cũ, trước mắt người thủ cựu, thường bị mỉa mai. Nếu ai không có nghị lực, đứng vững trên đường “đổi mới” tất phải bị lùi bước. Có nhiều câu chuyện dè bỉu, chế nhạo của những người thủ cựu đặc biệt ngay cả những người thân trong gia đình như vợ chồng hoặc cha mẹ đối với người thân theo phong trào húi tóc, viện dẫn làm mất đi vẻ “nho nhã” nếp nhà.

Một thanh niên Nam Việt giới trung lưu sau phong trào hớt tóc năm 1908 vẫn còn để búi tóc (Ảnh: Internet)

Ở Trung Kỳ thì sao? Ông Hoa Bằng viết trong thiên khảo cứu về cuộc vận động duy tân khoảng năm 1907-1908 trên báo Tân Việt Nam tháng 9/1937 rằng: “… Sóng, ‘duy tân’ vỗ mạnh. Số người đăng vào toán quân ‘hớt tóc’ ngày một thêm đông. Dưới mắt quan Tây bấy giờ, kẻ nào đã cả gan dám cắt tóc, tức là một tên dân ‘tình nghi’ đáng chú ý. Vì vậy khi dân Quảng Nam nổi dậy xin tha thuế (1908), phần đông là hạng không có búi tóc, được các nhà cầm quyền tặng cho cái huy hiệu gớm ghê: ‘Giặc hớt tóc’.”

Xem thêm:   Đông dược

Số là, năm 1908 ở Trung Kỳ có cuộc kháng sưu, những người nào đã cắt tóc đều bị xem là tình nghi và sẽ bị quan binh bắt hết. Nhân cơ hội này, các tỉnh từ Nghệ Tỉnh trở vô đến Phú Yên dân gian đua nhau cắt phăng búi tóc của mình để cho khỏi có người bị bắt. Kể  ra cái phong trào cắt tóc lúc bấy giờ rất mãnh liệt. Dân làng rủ nhau ra đình cắt tóc, cắt rồi dồn lại thành đống, đốt khói lên rùm trời. Nhứt là tỉnh Bình Ðịnh, cả đàn ông lẫn đàn bà đều cắt trọc lóc, chỉ trong mấy bữa đã trở thành cái phong tục mới. Về sau, nhà đương cuộc tuy có ra lệnh cấm dân cắt tóc, nhưng dân đã biết việc cắt tóc là tiện lợi, là hợp vệ sinh, không ai muốn để tóc nữa.

Trong khi đó ở Nam Kỳ, người miền Nam dễ tiếp nhận văn minh phương Tây hơn do trở thành thuộc địa Pháp từ rất sớm khi Pháp chiếm Gia Ðịnh. Mặt khác phong trào Ðông Du từ năm 1905 của Phan Bội Châu ở miền Trung ảnh hưởng đến giới trí thức miền Nam khá sâu rộng và lôi kéo nhiều thành phần trong xã hội sống theo nếp văn minh như cắt tóc ngắn, ăn mặc âu phục, xuất dương du học. Hơn nữa thời tiết trong Nam oi bức, việc cắt phăng búi tóc củ hành là điều dễ dàng được dân chúng ủng hộ.

TN