Đôi khi những ký ức ngày xưa chợt hiện về khi ta nhìn cảnh vật hiện hữu đổi thay. Ký ức đó có thể vui có thể buồn trong mỗi người nhưng có một điều chắc chắn là nó trở thành một phần giá trị của đời sống về mặt tinh thần hay tình cảm trong ta. Tuy vậy, hãy sống trọn vẹn cho giây phút hiện tại bằng tất cả nhiệt huyết của trái tim mình.

Place Eugène Cuniac (ảnh khoảng năm 1920s) – Nguồn belleindochine.free.fr, Collection Neykov   

Một lần đi Houston, đậu xe ở khu chợ Hồng Kông vừa bước ra xe, tôi chợt nhận ra một người đàn ông trạc tuổi tôi cũng vừa rời khỏi xe đối diện cách tôi chừng mươi mét. Anh giơ tay chào, mắt hướng về tôi. Cứ tưởng người quen, phản xạ của tôi là giơ tay chào lại. Ðến khi lục lọi trong trí nhớ của mình, té ra là người không quen. Anh ta phân trần hễ gặp người đồng hương trước mặt là tự nhiên tôi đưa tay vẫy chào cho dù đó là người không quen biết, riết thành thói quen.

Cách nói chuyện của anh thân thiện, chân thật dễ gây cảm tình với người chưa quen và cũng dễ để lại ấn tượng cho người đối diện. Hỏi ra mới biết, gia đình anh qua Mỹ định cư mới được hai tháng nay. Anh tên Phúc, sinh ra và lớn lên ở Gò Vấp làm nghề tài xế tự doanh xe khách chở Việt kiều về thăm quê hương đi đây đó thăm lại chốn xưa. Hèn chi, mới qua Mỹ mà anh lái xe vững vàng, không ngại đường sá lạ lẫm, mới sáng nay chở vợ con đi xem thành phố ngầm Houston cho biết.

Nghe anh nói, tôi cảm thấy sự nhiệt huyết với cuộc sống trong con người anh thật mạnh mẽ. Mới qua Mỹ mà đi làm cho hãng điện lạnh được một tháng và rất vui sướng khi được làm việc, chẳng thấy cực chút nào. Vậy mà ông Việt kiều nào về cũng kể khổ, qua Mỹ tự dưng biến thành con trâu. Những chuyện linh tinh lang tang tự dưng thoát ra ào ào như thể chuyện trò giữa hai người bạn thân quen lâu ngày gặp lại. Anh bảo đó là duyên vì tôi cũng là người sống ở khu vực chợ Cầu. Bây giờ, anh và tôi đâu phải đồng hương mà là láng giềng gần.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Hỏi xem mới sang đây vài tháng, vậy thì anh có nhớ Sài Gòn không. Anh đáp, nhớ chứ. Và còn so sánh, giao thông ở Mỹ chẳng thấy cái bùng binh nào như ở Sài Gòn. Tôi chợt thắc mắc, sao anh lại nhớ cái bùng binh mà không là cái gì khác. Anh không vội trả lời, đưa tay lấy gói thuốc lá trong túi mời tôi một điếu. Anh thong dong nhả khói, im lặng một hồi dường như tìm kiếm đầu mối bắt đầu câu chuyện.

Tượng đài Trần Nguyên Hãn cuối thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Anh kể bùng binh chợ Bến Thành gắn bó với anh nhiều kỷ niệm suốt 20 năm từ lúc làm nhân viên của Ban quản lý cây xanh công viên. Tổ làm việc của anh có nhiệm vụ chăm sóc vệ sinh cắt tỉa bồn hoa, cây cỏ bùng binh chợ Bến Thành và Công trường Lam Sơn trên tuyến đường Lê Lợi. Sau năm 1975, đời sống kinh tế gia đình chật vật, anh bỏ học ra đi làm sớm. Anh làm đủ loại việc kiếm sống nhưng cuối cùng được người quen giới thiệu vào làm công việc cắt tỉa trồng hoa công viên. Một thời gian sau, anh lập gia đình, vẫn cố gắng đi theo công việc này tuy cực nhọc nhưng được thoải mái giờ giấc, miễn xong việc là được. Thế rồi, dự án đường xe điện ngầm được công bố giải toả bùng binh Bến thành làm nhà ga bắt đầu vào cuối năm 2014. Thấy việc làm có nguy cơ bị mất, anh đi học lái xe hơi, chuẩn bị cho cái nghề đưa đón khách, hơn nữa gia đình anh đang được ông anh vợ bảo lãnh định cư sang Mỹ. Lái xe kiếm sống tiện đôi đường, biết đâu sang Mỹ anh có thể làm tài xế Uber.

Anh hay dùng chữ bùng binh Bến Thành như nhiều người Sài Gòn quen gọi hơn là Quảng trường Diên Hồng, Quách Thị Trang hay công trường tượng đài Trần Nguyên Hãn. Những cách gọi trên có thể làm cho một số người mới nhập cư về sống ở Sài Gòn sau năm 1975 lẫn lộn sao có một cái công trường mà lại lắm tên gọi vậy. Chợ Bến Thành, bùng binh và những công trường dọc theo đường Lê Lợi có nhiều ý nghĩa lịch sử. Ði làm chung với hai ba anh em mỗi ngày ngoài trời nắng nóng, ăn trưa xong, anh thường hay ghé lại bùng binh nghỉ trưa đọc báo bên trong chân tượng đài Trần Nguyên Hãn. Nói đến đây anh dừng lại như thể phân bua vì sao anh lại thoải mái nghỉ trưa bên trong chân tượng đài của một anh hùng dân tộc. Hình ảnh tuỳ tiện sinh hoạt dưới các tượng đài công cộng đó có thể làm mất vẻ mỹ quan và thiếu sự tôn trọng với các công trình văn hoá lịch sử.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

“Không biết tại sao ở giữa phố thị Sài Gòn lại có một tượng đài rỗng bốn chân trong khi hầu hết các tượng đài trong thành phố đều đứng trên bệ đúc. Bên trong bệ tượng tự nhiên trở thành mái nhà che mưa nắng cho một ít người buôn bán hàng rong. Tôi được anh em ưu ái giao phó một mình chăm sóc vệ sinh, cây cỏ tại bùng binh này, thỉnh thoảng mới cùng đội đi làm ở vài ba công trường lớn. Tôi ngồi nghỉ trưa ở tượng đài cũng có cái lợi không khác gì ông thần giữ cửa. Nhờ vậy mấy người bán rong quanh chợ Bến Thành ngại không dám vào đây nghỉ chân gây thêm phần bát nháo”.

Đầu thập niên 1970 khi tình trạng xe cộ qua lại đông đúc chính quyền thành phố cho dựng một cầu vượt bằng sắt do hãng Eiffel thiết kế nhưng không bao lâu cầu này phải tháo dỡ vì lý do thẩm mỹ và an ninh (Nguồn: 2Saigon)

Chuyện của anh là một ký ức vui trong thời gian dài lao động mưu sinh tại bùng binh Bến Thành. Cũng tại vị trí nơi này nó làm tôi nhớ đến ngày xưa cùng Ba tôi đi chơi Sài Gòn. Nhớ cảnh đi lên cầu sắt dành cho người đi bộ bắc ngang từ chợ Bến Thành sang bùng binh Quách Thị Trang vừa mới khai trương được mấy tháng. Tôi ngồi trên bậc tam cấp tượng đài nghỉ chân mà lòng nhớ đến thằng Hên bạn bắn bi gần nhà, bỏ nhà đi bụi vì ba nó theo vợ bé, mẹ nó bỏ mặc đám con sống chết tự lo đi buôn chuyến xe hàng dài ngày, cả tháng mới về nhà năm ba bữa. Hồi đó, tôi dõi mắt tìm kiếm nó trong đám trẻ đánh giày, bán báo dạo tụ tập quanh bùng binh giữa Sài Gòn náo nhiệt dòng người và xe cộ. Trong đám trẻ du thực giữa chợ đời nào có thấy thằng Hên.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Ký ức lâu lâu có dịp khơi lại để nhớ về hình ảnh ngày xưa của một nơi nào đó giờ đã thay đổi ra sao. Những hình ảnh đẹp luôn ghi lại dấu ấn trong lòng mỗi người, mỗi thế hệ và cả mỗi thể chế xã hội khác nhau.

Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Ðức Hiệp thì: “Khu đất giữa quảng trường Cuniac trong các năm 1920 là nơi có lễ lạt vui chơi buôn bán. Các gánh xiệc giải trí với đánh võ quyền anh đã được tổ chức tại đây. Trên báo Écho Annamite 9/6/1927 có đăng quảng cáo gánh xiếc Long Tiên như sau ở Place de Cuniac (bùng binh Bến Thành). Bài báo cho biết đoàn xiếc Long Tiên là đoàn thứ ba sau đoàn Việt Nam và Ðại Nam của người Việt từ Bắc kỳ vào trình diễn. Ðoàn này đã có trình diễn ở miền Trung, Thái Lan, Trung Hoa,.. Ðây là những đoàn đã lập ra sau đoàn xiếc tiên phong Jeune Annam của ông Andre Thận ở Nam Kỳ”.

Quảng trường Công Cộng trước chợ Bến Thành sẽ thành hình trong tương lai (Nguồn: Bộ Giao thông vận tải)

Andre Thận thường xuất hiện ở bùng binh (quảng trường) chợ Bến Thành như báo Écho Annamite 30/1/1929 có đăng như sau: “Hôm nay có dịp cho phép chúng tôi chào đón một người bạn khác đến thành phố chúng ta, đó là ông André Thận, được ái mộ biết tiếng là cựu giám đốc của đoàn xiệc “Cirque Jeune Annam”, đoàn xiệc đầu tiên của người Việt, và cũng là người có công to lớn trong sân khấu cải lương (le grand rénovateur du theatre) nói cách khác là người đã đỡ đầu cải lương (“patron du Cai luong”).

Hoá ra bùng binh Bến Thành gần trăm năm trước từng là sân khấu lộ thiên chuyên trình diễn của những đoàn xiếc, đoàn cải lương trong nước. Thuở đó, rạp hát hí trường hiếm hoi, đa phần phục vụ cho dân khá giả, giới bình dân nhà nghèo được thưởng thức thú vui giải trí tinh thần ngoài trời như tại bùng binh Bến Thành thì cũng được toại nguyện lắm.

Những thay đổi hình dạng, tên gọi của bùng binh Bến Thành qua từng giai đoạn là điều tất yếu trong tiến trình phát triển xã hội. Rồi đây, Quảng trường Place de Cuniac, Diên Hồng, Quách Thị Trang sẽ được đổi tên thành Quảng trường Công Cộng khi nhà ga xe điện Bến Thành được nên hình nên dạng. Quảng trường này kết nối với công viên 29/3 sẽ mang đến Sài Gòn một diện mạo mới.

TN

(Fort Worth)