Cách nay gần ba mươi năm, tôi có dịp thăm viếng Dinh Độc Lập khi nơi này có tên gọi mới là Hội trường Thống Nhất. Vào thời gian đó nhà cầm quyền mới của thành phố mở cửa cho người dân mua vé vào xem. Tôi nhớ những ngày đầu rất đông người đến đây tìm hiểu một số hiện vật trưng bày trong các gian phòng, có người quan sát bàn tán kiến trúc của dinh thự hiện đại, kết hợp phong thủy Á Đông mà người đời cho rằng T.T Thiệu rất sùng tín.

Dinh Độc Lập vào thời TT. Nguyễn Văn Thiệu (Nguồn: Manhhaiflickr)  

Chuyện phong thủy trong một công trình kiến trúc rất đáng quan tâm nhất là những công trình thuộc về tôn giáo, nhà ở. Tất nhiên, ở đây tôi muốn nói đến sự lưu thông không khí cũng như cảnh quan hợp lý để người sống nơi đó cảm nhận được sự thoải mái tinh thần.

Có rất nhiều tài liệu cho rằng, Dinh Ðộc Lập được xây dựng mang nhiều ý nghĩa phong thủy hướng tới sự mê tín hơn là khoa học phong thủy với mục đích tạo sự cân đối hài hoà.

Tiếc là Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ người vẽ họa đồ Dinh Ðộc Lập không còn trên cõi đời để giải thích ý nghĩa hình tượng kiến trúc mà ông lập nên. Có chăng qua lời nói của người đời kể rằng, chính vị kiến trúc sư đã nêu ra ý kiến về hình thái chữ nghĩa bí ẩn trên mặt tiền của Dinh Ðộc Lập do ông thiết kế. Nào là chữ Khẩu, Trung, Tam, Vương, Chủ, Hưng. Những ý nghĩa của các chữ này là gì nói ra chỉ thêm dông dài xa rời cuộc viếng thăm mà tôi muốn kể cho các bạn nghe.

Bắt đầu là lịch sử hình thành Dinh Ðộc Lập. Ban đầu là Dinh Norodom vào thời gian năm 1875 khi Nam tước Dupré sang Ðông Dương làm Thống soái Nam kỳ thì dinh thự này mới tạm hoàn tất. Ðến năm 1954 khi Pháp rút quân khỏi Ðông Dương thì được đổi tên thành Dinh Ðộc Lập, chính Cao uỷ Pháp là tướng Paul Ely tận tay bàn giao bằng văn bản cho Quốc trưởng Bảo Ðại như một kỷ niệm nước Việt Nam giành được độc lập. Sau đó một năm, Thủ tướng Ngô Ðình Diệm truất phế Bảo Ðại lên làm Tổng thống và cho xây lại dinh này vào năm 1962 sau khi bị hai phi công Nguyễn Văn Cừ và Phạm Phú Quốc lái máy bay ném bom đánh sập bên cánh trái của dinh.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Ông Diệm cho xây cất mới theo họa đồ của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, một kiến trúc sư nổi tiếng sau khi đoạt giải Khôi nguyên kiến trúc ở Roma. Trong thời gian xây dinh, TT. Diệm tạm thời sang làm việc và ăn ở trong Dinh Gia Long được một năm thì bị đảo chánh. Tính ra ông Diệm sống trong Dinh Ðộc Lập được 8 năm.

Chuyện này nhiều người biết, tôi nhắc lại đôi nét để mở đầu câu chuyện cho có đầu có đuôi. Nói đến đầu đuôi, tôi lại nhớ đến dì Bảy Thanh một người bạn của má tôi làm bếp tại Phủ Ðầu Rồng. Ðó là cách gọi miệng của nhiều người vào năm 1966 khi khánh thành Dinh Ðộc Lập dưới thời TT. Nguyễn Văn Thiệu. Một lần dì Bảy lý giải trong câu chuyện kể cho má tôi nghe chơi khi không còn làm phụ bếp tại Phủ Ðầu Rồng sau năm 1975 và mang tặng cho tôi cuốn thực đơn hằng ngày phục vụ cho gia đình Tổng thống. Câu chuyện Phủ Ðầu Rồng hồi đó làm tôi tò mò hơn là cuốn sách dày cộm chi chít toàn chữ với chữ in trên nền giấy ố vàng.

Má tôi là người khá mê tín nên câu chuyện của dì Bảy Thanh trở nên hấp dẫn, không chỉ lôi cuốn bà vào các chuyện yểm trấn mà còn lôi kéo trí tò mò của một đứa trẻ mới lớn như tôi vào cuộc phiêu lưu huyền bí mà quên luôn cuốn Thực đơn hằng ngày dành cho Tổng thống.

Phòng ăn trong Dinh Độc Lập (Ảnh: Internet)

Dì bảo, Dinh Ðộc Lập cất trên vị trí đầu của con rồng, còn cái đuôi của nó kéo dài cả cây số đến tận vị trí Công trường Chiến sĩ nên ông Tổng thống hạ lệnh phá bỏ mấy pho tượng lính Pháp, xây lên một cái hồ có con rùa (Hồ con rùa) trấn ngữ giữ cái đuôi của con rồng để nó không còn quậy phá làm đầu rồng lung lay. Tôi nhớ câu chuyện dì Bảy kể gay cấn lắm, nó thể hiện lên các cơ mặt của bà lúc chau mày nhíu trán, lúc thì âm lượng lời nói lên cao xuống thấp. Ðúng là dì có biệt tài này, nói năng hoạt bát lanh lợi của một người phụ nữ miệng nói tay làm. Nhưng dì vào làm chân phụ bếp tại Dinh Ðộc Lập là do chồng dì quen biết với một người bếp trưởng.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Chuyện cuốn Thực đơn hằng ngày của Tổng thống đến giờ khi viết bài này vẫn làm tôi tiếc hùi hụi. Thử hỏi ngày đó, một đứa trẻ cầm trong tay một cuốn sách toàn chữ không có lấy một tấm hình thì có gì mà thích thú hơn là lưu giữ một cuốn truyện Tuổi hoa có nhiều tình tiết hấp dẫn. Có chăng là sự tò mò một chút xem coi gia đình Tổng thống hằng ngày ăn món gì, có thức ăn nào giống với giới dân chúng bình dân. Chứ thực trong đầu tôi vẫn nghĩ, Tổng thống có khác gì vua của một nước, toàn sơn hào hải vị như hồi xưa mấy đời vua triều Nguyễn mỗi bữa ăn có đến những 35 món trên bàn, đầu bếp có cả trăm người làm việc trong phòng Thượng Thiện.

Thế còn TT. Ngô Ðình Diệm ăn uống ra sao? Bà Elisabeth Nguyễn Thị Thu Hồng, con của bà Ngô Ðình Thị Hiệp và là cháu ruột cố Tổng thống Ngô Ðình Diệm kể chuyện với đài BBC: “Lúc còn bé, chúng tôi ghét ăn sáng lắm khi mà cậu ngồi đó cùng ăn, vì sẽ chỉ là cháo, cá hầm, còn chúng tôi lại muốn có bánh croissant, một vài thứ sang. Nhưng với cậu, ăn sáng chỉ giống như thời cậu lớn – người ở một nước nghèo cần hiểu đây là thức ăn mà người nông dân ăn ở nhà. Ðầu bếp của Tổng Thống Diệm thì rất nhàn hạ. Sáng ông điểm tâm bằng cháo trắng với dưa chua hoặc cá thu kho mặn. Trưa ông Tổng Thống không mấy khi ăn cơm mà chỉ dùng trái cây hoặc rau xà lách trộn dầu hoặc súp lơ, cải bắp luộc. Bữa chính của ông là bữa tối. Thứ cơm mà ông dùng là gạo lứt đỏ”.

Nhà bếp của Dinh Độc Lập (Ảnh: Internet)

Tôi hỏi dì Bảy Thanh nấu ăn cho gia đình Tổng thống chắc dì được ăn ngon mỗi ngày trước khi thức ăn được dọn lên bàn phải không. Dì nói: “Ngon gì cái thằng này, nấu ăn thì phải nếm thử chứ ai dám ăn trước. Bếp trưởng xem xét kỹ lắm, chưa kể mỗi khi dọn ra là có nhân viên y tế chuyên biệt thử trước xem thức ăn có bị bỏ chất độc không”.

Người nhân viên y tế chuyên biệt đó thử thức ăn bằng cách nào khi tôi hỏi dì Bảy thì dì chịu không trả lời được vì nhiệm vụ của các nhân viên trong bếp là lo nấu các món ăn ngày ba bữa. Yến tiệc tiếp đãi quan khách chính trị được một nhóm đầu bếp nấu riêng, còn nhóm của dì chỉ chuyên thức ăn hằng ngày cho gia đình Tổng thống và các sĩ quan an ninh hoặc đôi khi có bà con thân thuộc của gia đình Tổng thống tới thăm viếng.

Xem thêm:   Đông dược

Việc thử xem thức ăn có an toàn hay không ở một phòng nào mà dì không biết được. Với dì, được vào làm phụ bếp trong Dinh Ðộc Lập là sướng nhất trên đời, lương cao hơn đi phụ nấu ăn cho một nhà hàng lớn, tuy rằng việc ra vô dinh mỗi ngày đều phải qua kiểm tra của nhân viên an ninh bảo vệ. Dì Bảy kể, cứ cách mỗi hai ngày dì cùng đi chợ với một chị bạn cùng anh lái xe Jeep từ cổng gác bên đường Huyền Trân Công chúa ra chợ Bến Thành gần đó mua thực phẩm tươi sống làm thức ăn cho ba bữa theo thực đơn in trong cuốn sách mà dì tặng cho tôi.

Dinh Norodom sau này là Dinh Độc Lập (Nguồn: Manhhaiflickr)

Cuốn thực đơn đó tôi có đọc vài trang nhớ như vầy: Sáng: Bánh mì ốp-la, soup cốt gà hoặc nấu bằng xương heo; Trưa: Canh khổ qua dồn cá thát lát, thịt kho trứng, cá thu chiên, đậu que xào thịt gà; Chiều: Xà lách trộn thịt bò củ hành, cá thu kho mía, canh lê-ghim (legumes)sườn non, rau muống xào tỏi, tàu hủ chiên sả. Nói chung thực đơn buổi chiều nhiều món hơn. Mỗi trang giấy trên thực đơn ghi rõ các món cụ thể cho mỗi ngày. Tôi để ý cuối tuần thực đơn có mấy món theo kiểu Tây, ngày thường hầu hết là các món ăn thuần Việt. Không biết thành viên gia đình Tổng thống nổi hứng thích ăn mì vịt tiềm hay bún bò thì sao? Chuyện này thì chỉ có những người đương thời đó mới biết được.

Sang phòng ăn của gia đình Tổng thống và các sĩ quan tuỳ viên, an ninh. Giờ chỉ còn trên bàn là những dĩa chén trưng bày, muỗng nĩa dát bạc dành cho gia đình Tổng thống để riêng trong một tủ kính. Tôi đi khắp phòng ăn sang trọng cố tìm một cuốn thực đơn nào đó trên bàn nhưng chẳng thấy. Nó có giá trị biết bao trong hoàn cảnh này! Tôi đứng thừ ra ở phòng ăn mà chẳng muốn đi xem các phòng khác. Ngay cả bản thân mình từng có một cuốn Thực đơn hằng ngày dành cho Tổng thống cũng bỏ đâu mất rồi!

TN

(Fort Worth)